GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



Tháng vừa qua, tháng 12 năm 1991, có các Phật tử mang tập ghi chép nấy đến chùa Vạn Đức trình tôi xem và xin tôi hiệu đính lại để được in ấn lưu hành.

Vì mục lực kém, tôi chỉ xét lược qua, thấy trong đây dầu lời văn mộc mạc nhưng vẫn giữ được đúng nghĩa, đúng ý trong kinh, nên tôi vẫn để nguyên không sửa đổi thêm bớt, chỉ kèm thêm vài đoạn, mà vì lúc nghe giảng ghi âm phải thay băng nên gián đoạn.

Thấy trong đây ghi rằng: Khai giảng ngày Kiết hạ mùa an cư năm Đinh Mùi (1967) tôi chợt nghĩ đến vô thường, ngày tháng qua mau thắm thoát đã qua phần tư thế kỷ, trước kia là một Thượng Tọa tóc còn đen mắt sáng, nay thì là một lão Hòa Thượng tóc đã bạc mắt lại mờ.

Nghĩ minh tuổi đời 75, tuổi đạo hơn nửa thế kỷ, dẫu rằng cũng tạm gọi là cố gắng mà vẫn còn là một phàm phu Tăng, bịnh chết k
 bên, thật đáng lo đáng sợ ! 

 

Được các Phật tử phát Bồ đề tâm, muốn phổ biến lời giảng dạy của tôi lúc xưa đến đông đảo rộng rải cho mọi người, tôi rất hoan hỷ và tán thán công đứt pháp thí của chư Phật tử.

Mong rằng quy
n ny sẽ đem lại lợi ích lớn cho mọi người, giúp cho chư Phật tử thêm tinh tấn hành Bồ tát hạnh và gieo sâu chủng tử Đại thừa pháp cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật.



Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát.


Chùa Vạn Đức Thủ Đức, 25-01-1992

Giảng Sư Hòa Thượng THÍCH TRÍ TỊNH



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI


I.- LỜI KHAI GIẢNG

 

Hôm nay, trong chúng bắt đầu học về nghi tụng Bồ tát giới. Nghi tụng Bồ tát giới nầy là một phần ở trong kinh Phạm Võng. Kinh Phạm Võng thì nhiều quyển, nhiều phẩm. Trong những phẩm đó có một phẩm tên là “Bồ tát Tâm Địa Pháp Môn”. Nơi phẩm Bồ Tát Tâm Địa đó chia ra làm hai phần: phần Thượng với phần Hạ.

 

Phẩm Tâm Địa Bồ Tát, phần Thượng nói về địa vị của Bồ tát, còn phần Hạ nói về giới Bồ tát, nghĩa là những điều giới mà Bồ tát phải giữ gìn.

 

Do đó cho nên, hễ những vị nào phát tâm Đại thừa muốn tu hạnh Bồ tát để được lần lên địa vị Bồ tát đến thành Phật, đầu tiên cần phải giữ giới Bồ tát. Những điều giới Bồ tát chính là hạnh Bồ tát.

 

Từ trong bộ kinh Phạm Võng, chư Tổ thuở xưa đem phẩm “BỒ TÁT TÂM ĐỊA - phần Dưới” nầy tách riêng ra làm nghi thức tụng giới Bồ tát cho những người đã thọ giới Bồ tát muốn thực hành lấy hạnh Bồ tát, đọc học nơi đó và cũng để mỗi nửa tháng, theo luật của Phật dạy thì những hàng đệ tử phải Bố tát, tụng giới nầy.

 

Nửa tháng Bố tát là để kiểm điểm lại nửa tháng vừa rồi coi ở nơi người thọ giới, tự nơi mình có những điều chi sơ sót. Nếu có sơ sót thì phải sám hối, phải theo pháp để gội rửa thân tâm cho thanh tịnh. Và cũng ở nơi ngày Bố tát đó, nghe và tụng những điều giới đã thọ, để được nhớ và giữ gìn trong 15 ngày kế tiếp cho được trọn vẹn, không có sai phạm.

 

Do đó cho nên Phật dạy hàng đệ tử, không luận là người đã thọ giới Đại thừa Bồ tát, hay là người thọ giới Tỳ kheo, Sa di cũng như những người đã thọ ngũ giới chẳng hạn, đều nửa tháng phải có làm phép Bố tát.

 

Như đã nói, Bố tát là để kiểm điểm lại trong nửa tháng qua và cũng để sách tấn cho nửa tháng sắp tới, ở nơi những giới mà mình đã thọ cho được thanh tịnh. Nếu có những điều chi sơ sót thì phải sám hối, phải sửa chữa cho giới đức mỗi ngày được thêm lớn lên.

 

Vì thế cho nên, danh từ “Bố tát” là tiếng Phạn, có nghĩa là Trưởng Tịnh. “Trưởng” là lớn, nói cho đủ là trưởng dưỡng, là nuôi lớn, còn “Tịnh” là rửa sạch. Nuôi lớn cái chi? Nuôi lớn những thiện căn (trưởng dưỡng thiện căn). Còn rửa sạch cái chi? Là rửa sạch những nghiệp chướng (tịnh trừ nghiệp chướng).

 

Như vậy Bố tát có nghĩa là nuôi lớn căn lành và rửa sạch những nghiệp chướng (trưởng dưỡng thiện căn, tịnh trừ nghiệp chướng).

 

Nuôi lớn căn lành là nhờ nơi đâu? Chính là nhờ nơi giữ các điều giới đã thọ cho được toàn vẹn. Nếu điều giới đã thọ được toàn vẹn thì thiện căn mỗi ngày một thêm lớn, gọi là nuôi lớn căn lành. Nếu có những điều lỗi đã sai phạm thì phải sám hối và chừa cải cho những điều lỗi đó được tiêu trừ đi, nên gọi là tiêu trừ nghiệp chướng.

 

Tôi nhắc lại: Nửa tháng Bố tát. Danh từ Bố tát đó có nghĩa là trưởng dưỡng thiện căn và tịnh trừ nghiệp chướng. Nói tắt là trưởng tịnh, là nuôi lớn căn lành do sự trì giới và rửa sạch nghiệp chướng do nơi sự sám hối.

 

Vì thế cho nên trong luật Phật răn kỹ: người đệ tử của Phật, bất luận là thọ ở nơi phần giới nào, đều phải cứ mỗi nửa tháng, nửa tháng phải Bố tát, phải tụng giới. Nếu không Bố tát, không tụng giới, thời người đó không phải là đệ tử Phật, trong Luật có nói một câu rõ như vậy. Và khi Phật còn tại thế, đến ngày Bố tát, lúc đầu Phật chưa ra kỷ luật bắt buộc ai cũng phải Bố tát.

 

Do đó cho nên có những vị vào trong núi hay vô trong rừng cho tịch tịnh để mà tọa thiền, để nhập định không về kịp giờ Bố tát. Một hôm Ngài Xá Lợi Phất đang tọa thiền nhập định hơi xa nơi tinh xá. Sáng ngày đó là đến ngày Bố tát. Ngài nghĩ rằng: “Tôi về Bố tát thì cũng là thanh tịnh, mà không về Bố tát thì cũng là thanh tịnh”. Vì Ngài là bậc đại A la hán, đâu còn có sự lỗi.

 

Liền đó Phật biết, Phật mới dùng thần thông Phật đến, Phật rầy. Phật nói đến ngày Bố tát thì phải về Bố tát. Ngài Xá Lợi Phất nghe Phật rầy như vậy, Ngài toan dùng thần thông để đi về. Phật nói không được, nếu Ông bây giờ ỷ mình đã chứng quả, có thần thông, rồi nương thần thông đó đi về tại chỗ mà Bố tát. Những người khác chưa có thần thông sẽ nói rằng: Hồi đó, Ngài Xá Lợi Phất bị Phật rầy như vậy mà phải về, là vì Ngài có thần thông về dễ, chớ bây giờ tôi đang ở xa mà không có thần thông thì về khó khăn, mất thời giờ, mệt nhọc. Thành ra về sau có những người viện lấy cớ đó mà không về Bố tát. Vì thế nên Ông phải đi bộ.

 

Nhắc câu chuyện đó thì thấy rằng vấn đề Bố tát rất là quan trọng. Đến như Phật, đại Bồ tát, các bậc đại A la hán đến ngày Bố tát còn không bỏ, là ý chi? Tất nhiên để làm gương cho những người khác. Chớ nếu mấy vị lớn mà đến ngày Bố tát không làm phép Bố tát, mà để cho các vị nhỏ Bố tát thôi, thì lần lần mấy vị nhỏ cũng lơ là. Mà mấy vị nhỏ đó thì thân tâm chưa thanh tịnh, đạo quả chưa thành, lẽ tất nhiên tội lỗi không được nhờ nơi Bố tát để nhắc nhở những điều giới đã thọ cho được thanh tịnh, thời làm sao thiện căn công đức tăng trưởng được? Làm sao tiêu trừ những tội lỗi đã có, cùng ngăn ngừa những tội lỗi chưa phát sanh.

 

Cho nên công việc Bố tát mỗi nửa tháng, nửa tháng rất là quan trọng. Mà đã quan trọng thì tất nhiên phải có một lề lối Bố tát. Về bên người xuất gia cũng vậy, cũng có cái nghi Bố tát của Sa di, của Tỳ kheo và của giới Bồ tát. Và người tại gia nếu đã thọ Bồ tát giới rồi cũng phải tinh tấn để Bố tát trong mỗi nửa tháng.

 

Theo đúng thì phải họp chúng lại ở chung một chỗ, chọn lấy một địa điểm để Bố tát. Vì sao? Vì có như vậy mới kiểm điểm những giới đã thọ, người đó đã được trọn vẹn hay không? Mà do vì chúng đông họp lại để Bố tát thời mỗi người đều tự thận trọng và e ngại lấy mình. Do sự e ngại đó mà có sự sám hối, có sự cố gắng giữ gìn, không để cho mình sai phạm. Đã e ngại thì tất nhiên có tâm tàm quý. Đã có tâm tàm quý thì có thể được phần nào kềm thúc thân tâm vào khuôn khổ của giới luật. Nếu không Bố tát, thọ giới rồi bỏ trôi luôn, sự nhớ sự biết cũng không cần gì, cũng không phải sợ ai ngó thấy mình đã có phạm, cũng không ai cử tội ai được vì thiếu Bố tát công cộng, như thế giới luật tất khó duy trì. Do đó cho nên vấn đề Bố tát quan trọng cho cả hai giới: tại gia và xuất gia. Nhờ Bố tát mà giới luật của Phật mới còn ở thế gian, giới luật còn thì chánh pháp còn. Nếu giới luật không còn thì chánh pháp cũng không nương đâu mà còn, vì giới luật là nền tảng của tòa nhà Phật pháp. Nếu thiếu nền giới luật thì lầu đài Phật pháp tất sụp đổ hết.

 

Đó là nói những cái đã có rồi, còn những thiện căn công đức chưa có, nếu không có cái nền thì nương nơi đâu để xây dựng lên?

 

Do đó cho nên giới luật là cội gốc, là cái nền của tất cả những điều lành, tất cả những công đức. Nói tất cả đó, tất nhiên là những điều lành của thế gian hay xuất thế gian, những công đức của phàm phu hay là của các bậc Thánh, cho đến tầng cao tột là Phật quả cũng phải thành tựu trên cái nền giới luật.

 

Thế nên về sự học giới là vấn đề quan trọng nhứt của người đệ tử Phật. Tại sao lại quan trọng nhứt? Như vừa rồi đã nói, vì tất cả thiện căn công đức đều lấy giới làm nền để xây dựng, cho đến quả vị cao tột là Phật quả cũng phải thành tựu ở trên giới luật.

 

Nhờ có học, có hiểu, nên ở nơi sự trì giới, là giữ gìn mới không sai và không phạm. Chớ nếu không học, tất nhiên là không biết, không hiểu. Mà không biết, không hiểu thì lấy gì để giữ gìn.

 

Ngày nay, quý vị đã có duyên lành lớn trong nhiều đời và cũng đã có trồng sâu nơi chủng tử Đại thừa, gieo căn lành lớn ở nơi chánh pháp, vì thế cho nên mới được thọ lấy giới Bồ tát. Quý vị cần phải nên học, nên đọc cho hiểu, cho nhớ. Nương theo sự hiểu và nhớ đó để giữ gìn cho được thanh tịnh.

 

Pháp của Phật dạy răn rất lợi ích cho chúng sanh, nhứt là những pháp về Đại thừa, pháp nầy có thể làm cho chúng sanh thành Phật. Dầu vậy, nhưng cũng phải do nơi người thiệt tin, thiệt biết, nương nơi sự tin và biết (tức là tín giải), rồi thực hành đúng theo (tức là khởi hạnh). Nếu ở nơi tin, hiểu và thực hành, ba điều đó mà đã có đủ thì nhứt định là sẽ được sự lợi ích đúng như trong kinh đã nói. Nếu trái lại, thì như Đức Phật đã từng nói, người nói ăn không no được, lấy bánh vẽ thì không dùng được và cũng như người ngồi nhà tính sổ tiền bạc của kẻ khác thì không bao giờ thoát khỏi sự nghèo thiếu.

 

Do đó cho nên cần phải ăn mới no, phải làm mới có tiền. Sự ăn và sự làm đó là nói phải thực hành. Đối với chánh pháp của Phật, trước khi thực hành thì cần phải tin và biết, rồi do cái biết đó mà sự tin lại càng sâu đậm và nhờ thực hành rồi mới có chỗ được là ngộ chứng. Đến khi chứng mới gọi rằng là no, là giàu, nghĩa là đắc pháp. Nếu chưa chứng thì chỉ có danh từ suông là đệ tử Phật, là đã thọ giới, là nhà tu hành… mà thôi, chớ thiệt ra chưa được những sự lợi ích thiết thực của Phật pháp.

 

Vì thế nên Đại chúng phải cố gắng để học hỏi, rồi cố gắng nhớ, đã hiểu đó rồi tinh tấn hành trì, nếu lỡ sai phạm thì đúng theo pháp để sám hối cho được thanh tịnh, gắng giữ gìn giới luật cho kiên cố. Thiệt ra trong các điều giới về Bồ tát nầy, nếu giữ gìn cho kỹ, đừng có chút gì gọi là sai phạm, thời cái nếp sống của người đó hoàn toàn là nếp sống của Bồ tát chớ không phải người thường.

 

Đây, Tôi muốn mấy vị đều có quyển giới để dò theo và ghi lấy chỗ nên ghi, nếu không có quyển giới để dò theo thì lúc giảng dạy tất khó nhận, khó biết và không nhớ được hết. Cũng như sự Bố tát, tôi đã cắt nghĩa cho, đã nói đi nói lại, tôi nhớ có đến trên ba lần, giờ đây hỏi lại có lẽ ít ai thiệt nhớ được đầy đủ, thế nên học phải chăm chỉ.

 

 

II.- PHẦN KHAI KINH

 

Trên hết bài Tán Lư Hương và bài Kệ Khai Kinh, đó là thông thường trong nghi thức tụng niệm, nghi thức nào cũng có như vậy cả. Bài Tán Lư Hương nầy dựa theo bài chữ Hán:

 

“Lư hương sạ nhiệt

Pháp giới mông huân

Chư Phật hải hội tất diêu văn

Tùy xứ kiết tường vân

Thành ý phương ân

Chư Phật hiện toàn thân”.

 

Dịch theo lối lục bát:

 

“Lư hương vừa ngún chiên đàn

Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa

Lòng con kính ngưỡng thiết tha;

Ngửa mong chư Phật thương mà chứng minh”.

 

Trong lò hương mình đốt những chiên đàn, tức là tất cả những thứ gỗ thơm như gỗ trầm hay bạch đàn chẳng hạn.

 

Gỗ vừa ngún lên có khói thơm. Nơi tâm tưởng của mình nghĩ rằng khói thơm đó tỏa khắp cả mười phương và đến tận chỗ của tất cả chư Phật.

 

Theo trong kinh có nói: “Tâm nghiệp lực bất tư nghì”. Tâm niệm của mọi người có sức mạnh vô biên. Nếu mà biết dùng thời cái năng lực của nó không thể nào bàn cho đến ngằn mé được. Vì làm sao? Vì ở nơi tâm của mọi người bao trùm tất cả pháp giới.

 

Do đó cho nên, khi mà mình nghĩ tưởng rằng cái đó rộng lớn tới mười phương thế giới, đến ở nơi chỗ chư Phật, thì khói thơm từ ở nơi cái lư hương mà mình xông đốt bạch đàn hay là trầm, theo nơi sức mạnh của tâm niệm đó sẽ lan rộng ra đến khắp mười phương nơi chỗ chư Phật. Mà khói thơm đã đến chỗ chư Phật rồi thì sự cúng dường của mình tất là đã dâng lên chư Phật đồng thời trong lúc đó, những tâm niệm cung kính cúng dường của mình chư Phật đều hay biết.

 

Do đó nên hai câu kế mới ngưỡng vọng đến chư Phật thương và chứng minh ở nơi lòng thành kính dâng hương cúng dường của mình.

 

Giờ đây sẽ tụng đến giới Bồ tát. Giới Bồ tát nầy trích ở trong kinh Phạm Võng. Kinh Phạm Võng đây đầu tiên do đức Phật Lô Xá Na thuyết ra rồi đức Phật Thích Ca mới đem truyền lại ở nơi thế giới Ta bà.

 

Do đó nên mới niệm danh hiệu của đức Lô Xá Na trước:

 

“Nam Mô Phạm Võng Giáo Chủ Lô Xá Na Phật”.


 

KỆ KHAI KINH

 

Kế đến là bài Kệ Khai Kinh. Nội dung của bài kệ: Thứ nhứt là tán thán pháp của Phật rất rộng, rất sâu. Thứ hai là nghĩ rằng pháp của Phật rất khó gặp mà nay đã được gặp rồi, thì phải nắm lấy đó để mà giữ gìn, y theo đó để mà thực hành. Để chi? Để cho được tỏ ngộ nghĩa lý rộng sâu của Phật pháp đó:

 

“Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,

Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu,

Nay con nghe thấy chuyên trì tụng;

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu!”.

 

Vì hiện tại Phật pháp mà có ở nơi thế gian nầy là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni ứng thân để thuyết ra rồi truyền đến ngày nay, vì thế nên mới niệm hồng danh đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

 


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Và đã tự hứa hẹn rằng nguyện tỏ ngộ lấy nghĩa nhiệm mầu của đức Phật thuyết ra, vậy thì sự trì tụng phải thành tâm, phải tha thiết, phải chăm chỉ. Chớ nếu mà thiếu sự thành tâm, tha thiết, chăm chỉ đó thì đối với pháp của Phật, dầu cho trì tụng nhiều năm, nhiều tháng, hay là nhiều lần đi nữa cũng khó có thể thâm nhập được nghĩa lý nhiệm mầu. Vì sao? Vì ở nơi pháp của Phật không phải lấy lý trí thế gian mà có thể thâm nhập được. Những nghĩa lý trong pháp của Phật, do đức Phật thuyết ra, đó chỉ là trình bày những gì mà ở nơi tự tâm bổn tánh của mọi người đã sẵn có. Đại chúng nên nhận kỹ điều nầy.

 

Đức Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ như Đại chúng đã biết, sự giác ngộ ấy chỉ có Phật trí mới thấu suốt nhưng chúng ta có thể tóm lại là giác ngộ tự tâm.

 

Chúng sanh sở dĩ gọi là chúng sanh, gọi là mê tối là do nơi đâu? Do vì không biết được tự tánh. Mở mắt ra thì chỉ thấy cảnh sắc ngoài, vảnh lỗ tai lên thì chỉ nghe tiếng động ngoài. Tất cả những hành động chi đều chạy theo trần duyên ngoài. Cho đến trong tâm tưởng cũng vậy, chỉ nghĩ đến sáu trần cảnh ngoài mà thôi. Cho nên đối với tự tâm bổn tánh, dầu luôn ngày đêm sống trong đó mà không tự biết, không tự thấy. Do duyên cớ nầy mà gọi là chúng sanh, gọi là mê muội.

 

Giáo pháp của đức Phật dắt dẫn chúng sanh nhận biết được tự tâm bổn tánh mà chúng sanh hằng ngày sống trong đó, để rồi thọ dụng được những cái gì mà tự tâm bổn tánh sẵn có và chính cái đó là của chư Phật ngộ và chứng.

 

Muốn như vậy thì phải nương theo giáo pháp của đức Phật. Vì Phật đã ngộ và chứng nơi tự tâm bổn tánh. Phật biết nó là như thế nào và làm thế nào để mà được tới chỗ tỏ ngộ và thọ dụng đó, đức Phật mới trình bày ra thành giáo pháp.

 

Như vừa rồi trong Đại chúng đã nghe nói đến cái lỗi của chúng sanh là chạy theo duyên ngoài mà bỏ nơi tự tâm bổn tánh dầu hằng ngày luôn sống trong đó. Giờ đây, chánh pháp của đức Phật là trình bày những cái gì tự tâm bổn tánh sẵn có, để cho mọi người được tỏ ngộ, được chứng đắc, được thọ dụng. Do đó nên khi học hay suy nghĩ, hoặc lúc thực hành chánh pháp của đức Phật là trình bày những cái gì tự tâm bốn tánh sẵn có, để cho mọi người được tỏ ngộ, được chứng đắc, được thọ dụng. Do đó nên khi đọc hay suy nghĩ, hoặc lúc thực hành chánh pháp của Đức Phật thì điều cốt yếu nhứt là phải thâu nhiếp tất cả lý trí vào trong nội tâm. Do thâu lý trí quay trở vào trong nội tâm nên lần lần mới nhận biết được tự tâm. Vì thế nên trong giáo pháp của đức Phật, chánh định cũng quan trọng không kém gì giới luật.

 

Khi mình trì tụng cũng như lúc mình nghe giáo pháp, tất cả duyên ngoài đều bỏ, không theo sắc trần, cũng không chấp nơi thinh trần, chỉ một niệm nhiếp tâm nhiếp ý lại. Mà nhiếp tâm, nhiếp ý để vào đâu? Để vào lời trình bày về tự tâm bổn tánh của đức Phật. Như vậy, lần lần tâm niệm mình sẽ thâu nhiếp trở lại. Mà đã thâu nhiếp trở lại, tất nhiên tự nó có một lúc nào đó, nó sẽ nhận lấy nó. Ai nấy nên nhớ kỹ: có một lúc nào đó, tự nó, tự nó là chi? Tự nó là cái tâm trí mình, nó sẽ tự nhận, tự biết lấy nó, nếu chịu khó thâu niệm về nội tâm mãi mãi.

 

Từ lâu, mình và chúng sanh, cũng như mọi người, chính nơi tâm trí đó mà cho nó chạy theo những cảnh duyên ngoài, những trần cảnh. Vì vậy cho nên, sự nhận, sự biết của nó là nhận biết duyên ngoài, nhận biết trần cảnh. Bây giờ mình đã thâu nhiếp nó lại, lúc thâu nhiếp nó lại phải đặt để nó lên trên những lời, những chỗ mà đức Phật giải thích về tâm tánh, tất nhiên là giải thích nó. Vì thế cho nên có một lúc nào đó, nó sẽ tự nhận lấy nó, nghĩa là cái tâm trí đó nó sẽ tự nhận lấy cái tâm trí. Đây cũng gọi là tự ngộ, là minh tâm, kiến tánh. Do đó cho nên có chỗ gọi là rằng ngộ rồi thì đồng như chưa ngộ và có chứng được cũng vẫn là không có chi để chứng. Chính vì đâu? Vì là cái tâm trí đó, nó tự nhận lấy nó, tự chứng lấy nó, chớ không phải là có hai cái, một bên kia nhận bên nầy, chỗ nầy nhận chỗ kia.

 

Nếu còn một cái ở đây mà nhận cái kia, cái nầy để chứng cái nọ, thì đó là trong vòng năng sở hư vọng chớ không phải chứng thiệt. Đó là toàn ở nơi giả cảnh mà thôi, bởi vì còn đối tượng tất nhiên còn cảnh, mà đã còn cảnh thì là ở trong vòng giả, vòng huyễn, không phải tỏ ngộ và chứng thiệt.

 

Tôi giảng nói như trên, đó là để giải thích hai câu trong bài kệ Khai Kinh mà thường trong Đại chúng hằng ngày đều có tụng đến, nhưng có thể ít ai để ý Câu:

 

“Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa!”.

 

Hay là:

 

“Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu!”.

 

“Thọ trì” thì phải thọ trì làm sao? Những gì là “chơn thiệt nghĩa” của Phật? Như nãy giờ tôi giảng giải, chính là giảng giải cách thọ trì rồi đó. Và tỏ ngộ nơi chơn thiệt nghĩa của Như Lai là tỏ ngộ cái gì? Và cái gì tỏ ngộ cái gì? Những điều đó đã rõ ràng ra hết rồi.

Comments

Popular posts from this blog