GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH



III.- ĐỨC PHẬT KIẾT BỒ TÁT GIỚI

 

Thuở ấy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô thượng Chánh giác trong khi ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kiết Bồ tát giới. Ngài dạy:

 

“Hiếu thuận với cha mẹ, sư Tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn”.

 

Đây là lời nhà kiết tập, nói rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni vừa thành đạo Vô thượng Chánh giác, còn ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài đã bắt đầu kiết Bồ tát giới rồi. Cho nên có khác hơn giới Thanh văn (giới Tỳ kheo).

 

Lúc ban đầu thì không có kiết giới, về sau trong Giáo Hội có nhiều vị phạm những lỗi nầy, lỗi kia. Đức Phật mới căn cứ theo nhơn duyên phạm tội nặng hay nhẹ mà tuần tự kiết giới. Do đó mà có giới của Thanh văn (Tỳ kheo).

 

Bồ tát giới thì không như vậy, đức Phật nào khi thành đạo rồi đã kiết giới Bồ tát, không chờ nhơn duyên, vì Bồ tát giới nương nơi thể tánh thanh tịnh mà lập ra giới.

 

Lời đức Phật dạy đầu tiên là hiếu thuận. Hiếu thuận với cha mẹ, sư Tăng, Tam Bảo. Ba điều hiếu nầy nên học kỹ. Hiếu thuận với cha mẹ là hiếu thuận pháp lành thế gian. Sư Tăng là chỉ cho Hòa thượng, A xà lê đã truyền giới (Giới sư). Còn Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, Tăng trong Tam Bảo là Tăng chúng, tất cả Hiền Thánh với thập phương.

 

Hiếu thuận pháp lành thế gian từ nơi cha mẹ. Với xuất thế gian là ngôi Tam Bảo. Do hiếu thuận với ngôi Tam Bảo mà những điều sai quấy ngăn dứt, công đức lành phát sanh và tăng trưởng cho đến thành tựu.

 

Tóm lại, hiếu thuận với cha mẹ, sư Tăng, Tam Bảo có thể ngăn tất cả pháp ác thế gian và xuất thế gian, viên mãn pháp lành thành tựu chánh quả Vô thượng.

 

Cho nên hiếu thuận là pháp chí đạo (đạo cùng tột, rốt ráo). Đức Phật mới kết lại: “Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn”. Thế nên trong pháp Đại thừa hiếu thuận rất quan trọng. Người tại gia phải hiếu thuận với cha mẹ, rồi đến Sư trưởng... Còn người xuất gia hiếu thuận với Sư trưởng làm trước, rồi đến cha mẹ. Bởi vậy, người xuất gia mà phản sư, bội sư thì mất đi nghĩa hiếu thuận và giới không còn nữa. Nếu người nào mất nghĩa hiếu thuận, thì khó toàn vẹn giới thể.

 

Liền đó, từ nơi miệng, đức Phật phóng ra vô lượng tia sáng. Bấy giờ có đến trăm vạn ức Đại chúng các Bồ tát, 18 Phạm Thiên sáu cõi trời Dục, mười sáu đại Quốc Vương đồng chí tâm chắp tay nghe đức Phật tụng giới pháp Đại thừa của tất cả chư Phật.

 

Sau khi nói lời hiếu thuận là giới, từ miệng đức Phật liền phóng ra vô lượng tia sáng chiếu khắp Đại chúng và thập phương thế giới. Trong Pháp Hội có đến trăm vạn ức Đại chúng (1 ức 10 triệu).

 

Chư vị Bồ tát, Thập Phát Thú Bồ tát, Thập Trưởng Dưỡng Bồ tát, Thập Kim Cang Bồ tát, Thập Địa Bồ tát hay Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Thập Địa Bồ tát.

 

Và 18 Phạm Thiên là chư Thiên cõi Sắc. Cõi Sắc có 18 từng trời: Sơ Thiền có ba: Phạm Chúng, Phạm Phụ, Đại Phạm Thiên. Nhị Thiền có ba: Thiểu Quang, Vô Lượng Quang, Quan Âm Thiên. Tam Thiền có ba: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.

 

Tứ Thiền có 9, từ dưới kể lên: Phước Sanh Thiên, Phước Ái Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên, cộng lại có 18 từng (cõi). Sáu cõi trời Dục: Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại.

 

Nước Thiên Trúc thời đó chia ra nhiều nước, đại khái có 16 nước lớn (16 Đại Quốc Vương) còn nhiều nước nhỏ nữa. Đây là thành phần dự Pháp Hội đức Phật thuyết Bồ tát giới.

 

Ai nấy đều chấp tay chí tâm lóng nghe đức Phật tụng giới pháp Đại thừa của tất cả chư Phật. Với một số thính chúng đông như vậy mà lời đức Phật vang khắp trong đại hội là do đức Phật có viên âm, nên người đứng gần và xa cũng nghe như nhau. Trong thính chúng đủ loại, mỗi loại đều nghe đức Phật nói tiếng của mình, nên đều hiểu biết được hết.

 

Đức Phật nói với các vị Bồ tát:

 

“Nay Ta cứ mỗi nửa tháng tự tụng giới pháp của chư Phật. Tất cả hàng Bồ tát Sơ phát tâm, nhẫn đến các Bồ tát Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa cũng tụng giới ấy. Vì thế nên giới quang từ miệng Ta phóng ra. Phóng quang là vì có duyên do, chớ chẳng phải vô cớ. Giới quang ấy chẳng phải màu xanh vàng, đỏ, trắng, đen; chẳng phải sắc pháp, chẳng phải tâm pháp, chẳng phải pháp hữu pháp vô, chẳng phải pháp nhơn pháp quả. Nó chính là bổn nguyên của chư Phật, là căn bổn của chúng Phật tử. Vì thế, nên chúng Phật tử phải thọ trì, phải đọc tụng, phải học kỹ giới pháp nầy”.

 

Đức Phật nói với các vị Bồ tát, kỳ thiệt nói với tất cả thính chúng trong Pháp Hội. Những vị Bồ tát Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa đã vào địa vị Bồ tát. Ngoài ra còn có các vị danh tự Bồ tát nhưng đã thọ giới Bồ tát rồi cũng gọi là Bồ tát. Phật nói: “Mỗi nửa tháng tụng giới nầy”, cho nên sự tụng giới rất quan trọng. Giới pháp của chư Phật, chứ không phải riêng một đức Phật nào.

 

Bồ tát Sơ phát tâm là Bồ tát mới thọ giới chưa vào Bồ tát vị, cùng với Bồ tát vị cũng tụng giới pháp nầy. Cho nên có những ánh sáng từ nơi miệng của đức Phật phóng ra.

 

Ánh sáng Phật phóng ra đó, có duyên cớ. Nó không phải màu xanh vàng, đỏ, trắng, đen.

 

Kỳ thiệt trong lúc đó thấy những tia sáng nơi miệng Phật phóng ra có đủ màu hết nhưng chính thiệt không phải màu nào cả. Không phải là sắc pháp, cũng không phải là tâm pháp; cho là có, không được; cho là không, không được; bất hữu, bất vô; cho là nhơn, không được; cho là quả, không được… Cho nên gọi rằng không phải pháp nhơn, không phải pháp quả. Chính nó là bổn nguyên của chư Phật, là căn bổn của chúng Phật tử từ nơi thể tánh bình đẳng thanh tịnh mà phát ra.

 

Ánh sáng đó biểu tượng của giới thể là bổn tánh bình đẳng thanh tịnh. Cho nên tất cả Phật tử phải thọ trì, phải đọc tụng, phải học kỹ giới pháp nầy. Đó là cái nguyên do mà đức Phật phóng quang. Phóng quang là lấy ánh sáng để tiêu biểu cho giới thể và cũng chính là để chứng nghiệm rằng: Ai cũng có thể tánh bình đẳng thanh tịnh cả, mà khi đã chứng ngộ phát huy được thì nhứt cử nhứt động đều phóng quang. Cũng như đức Phật vừa nói đến giới thì từ miệng đức Phật có ánh sáng phóng ra. Như vậy nếu hàng Phật tử cố công thọ trì, đọc tụng, học kỹ giới pháp nầy cho được thành tựu để phát hiện thể tánh thanh tịnh nơi giới rồi cũng được như Phật.

 

Đức Phật nói tiếp:

 

“Chúng Phật tử lóng nghe! Nếu là người thọ giới Bồ tát nầy, không luận là Quốc vương, Thái tử, các quan chức hay Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, không luận là chư Thiên cõi Sắc, cõi Dục, không luận là hàng thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ hay hàng nô tỳ, cũng không luận là tám bộ quỷ thần, thần Kim Cang hay loài súc sanh nhẫn đến kẻ biến hóa, hễ ai nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp sư, thời đều thọ đặng giới và đều gọi là thanh tịnh thứ nhứt”.

 

Giới Bồ tát nầy tất cả loài đều được thọ. Không luận trời, người, quỷ thần cho đến súc sanh, kẻ biến hóa miễn là nghe nhận và hiểu được lời truyền giới của Pháp sư. Thọ được giới nầy rồi đều gọi là thanh tịnh thứ nhứt.

 

Giới Bồ tát nầy khác với giới Thanh văn (Sa di, Tỳ kheo). Giới Thanh văn chỉ có loài người mới thọ được. Người còn phải đủ điều kiện: các căn phải hoàn bị, đầy đủ tướng tốt, không đui điếc, câm ngọng ...

 

Trong đây nói rõ ràng tứ chúng như Quốc Vương, Quan chức cho đến hạng người sang, hèn, thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, hàng nô tỳ, ngoài loài người còn có chư Thiên, quỷ thần, súc sanh kẻ biến hóa. Nhưng chỉ có điều kiện là nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp sư, thì thọ đặng giới nầy. Khi thọ rồi thì được thanh tịnh thứ nhứt, bởi vì đã có giới thể Đại thừa Bồ tát.

 

Huỳnh môn là người đó không phải nam không phải nữ. Còn dâm nam, dâm nữ khi đã thọ giới nầy rồi phải giữ những điều giới cho thanh tịnh. Tám bộ quỷ thần còn gọi là bát bộ: Thiên, Long, Khẩn na la, Dạ xoa, A tu la, Càn thát bà, Ca lầu la, Ma hầu la già. Thần Kim Cang, vị thần cầm chày kim cang mà ủng hộ Phật pháp, trong Phẩm “Phổ Môn” gọi là Chấp Kim Cang Thần.

 

Kẻ biến hóa như rồng mà biến ra làm người, thì người đó không phải thiệt, nghĩa là không dùng thân rồng mà thọ giới thì biến ra hình người thọ giới cũng được. Nếu giới Thanh văn (Tỳ kheo) thì không cho. Nếu lường gạt Giới sư để thọ giới cũng không thành thọ giới.

 

Thời kỳ Phật còn tại thế, cũng có rồng biến hóa ra hình người đến thọ giới Tỳ kheo, nhưng sau khi ở chung với một vị Tỳ kheo khác. Một hôm vị Tỳ kheo thiệt đi khỏi, vị Tỳ kheo do rồng biến hóa đó còn ở lại trong thất ngủ ngày. Khi vị Tỳ kheo trở về thì thấy vị kia lòi thiệt hình rồng ra, vì lúc ngủ hiện nguyên hình rồng lòi lên, mới la lên thì các vị Tỳ kheo khác chạy đến coi. Trong khi ấy, vị Tỳ kheo rồng thức dậy biến hình người trở lại... ngồi kiết già đàng hoàng. Tỳ kheo kia về hạch hỏi vị Tỳ kheo nầy mới thú thiệt tôi là Long Vương, vì muốn tu hành cho nên biến ra hình người đến đây để thọ giới. Các vị Tỳ kheo đến bạch Phật nhơn duyên như vậy Phật quở Ông rồng đó.

 

Do giới Thanh văn là hiện tướng Tăng đầy đủ, chỉ ở trong loài người mà thôi. Còn Bồ tát giới thì chú trọng về tâm tánh. Cho nên loài nào cũng có thể thọ giới nầy được. Vì ai cũng có thể thành Phật cả.

 

 

IV.- MƯỜI GIỚI TRỌNG

 

“Đức Phật bảo các Phật tử rằng: Có mười điều giới trọng. Nếu người thọ giới Bồ tát mà không tụng mười điều giới nầy, thì người ấy không phải là Bồ tát, không phải là Phật tử. Chính Ta cũng tụng như vậy. Tất cả Bồ tát đã học, sẽ học và đương học. Đã lược giảng xong tướng trạng của giới Bồ tát cần nên học, hết lòng kính trọng phụng trì”.

 

Đức Phật mới bảo tiếp trong Đại chúng Phật tử có mười điều giới trọng. Nếu những người nào đã thọ giới Bồ tát rồi mà không tụng mười điều giới nầy, không phải là Bồ tát, không phải là Phật tử. Tất cả Bồ tát không luận là bậc Bồ tát nào cho đến hàng sơ phát tâm, đều đã học mười điều giới trọng nầy. Vị lai Bồ tát sẽ học và hiện tại Bồ tát đương học. Do đó, Đại chúng đã thọ giới Bồ tát rồi phải siêng tụng, nhứt là phải tụng mười điều giới trọng nầy. Tụng là thuộc lòng, khác với đọc, đọc chỉ lật qua.

 

Mười điều giới trọng sau đây:

 

1. Không được sát sanh

2. Không được trộm cướp

3. Không được dâm dục (tại gia cấm tà dâm)

4. Không được vọng ngữ

5. Không được bán rượu

6. Không được nói lỗi tứ chúng

7. Không được khen mình, chê người

8. Không được bỏn xẻn

9. Không được giận hờn mãi không nguôi

10. Không được tà kiến phỉ báng Tam Bảo

 

Đức Phật dạy tiếp, đã lược giảng xong tướng trạng của giới Bồ tát. Tướng trạng đó là mười giới trọng.

 

 

1.- GIỚI SÁT SANH

 

Nếu Phật tử, tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết: nhơn giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết.

 

Phàm loài hữu tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật tử, lẽ ra luôn luôn phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp chúng sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh. Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội”.

 

Chữ “Giới” có nghĩa là cấm. Cấm sát sanh là không được sát sanh. Đại chúng phải học mỗi điều giới cho rành. Cần phải biết giới nặng, nhẹ thế nào. Thế nào là phải, thế nào không phải, hình tướng của giới đều phải biết. Nếu không biết thì làm sao giữ được. Có nhiều khi người thiệt rành nơi giới, người đứng ngoài coi in tuồng vị ấy phạm giới, kỳ thiệt vị ấy không phạm. Còn những người chưa rành giới tướng, hết sức giữ gìn mà lại không ngờ mình đương phạm, nên cần biết giới tướng cho rõ.

 

Nói về giới sát sanh, đầu câu nêu ba chữ “Nếu Phật tử” là nói riêng người thọ giới Bồ tát, trong phạm vi đây. “Hoặc tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết (tìm cách giết cho người khác chết), khen tặng sự giết (tán thán, tán thành, khen ngợi), thấy giết mà tùy hỷ”. Tùy hỷ đây là trong tâm có sự vui thích khi thấy người khác giết, có tính cách xúi người khác giết, làm cho người giết hăng say, vì có sự khuyến khích. Do đó phạm giới, nhẫn đến dùng bùa chú để giết.

 

Tội sát sanh thành là do bốn điều: nhơn, duyên, cách thức, nghiệp. Nếu không đủ bốn điều nầy thì chưa kết thành tội được.

 

Như vậy, tất nhiên một khi mình làm hay người khác có phạm như thế nầy, thì mình phải xem xét coi đủ bốn điều nầy không? Nếu bốn điều, thiếu một thì không thành tội, nghĩa là không thiệt thành tội nhưng có chi tiết tội.

 

“Nhơn giết” là tâm niệm giết. Tâm niệm cố ý là động cơ chính cho việc sát sanh, cho nên tâm niệm cố ý giết là nhơn của sự giết hại đó. Nếu có sự giết hại bao nhiêu người bao nhiêu sanh vật mà không có tâm niệm cố ý giết thì không phạm tội sát sanh. Vì người đó vô tâm, đối với họ đâu có sát sanh. Có tâm cố ý giết là điểm chính của sự giết hại, nên gọi là nhơn giết.

 

“Duyên giết” là lấy đối tượng bị giết hại làm duyên. Giết hại hoặc loài người, loài vật. Nói cách khác, là giết hại loài hữu tình (người, vật). Loài hữu tình có cảnh duyên để có sự giết hại, chứ không có người và vật, như sự đập đá, chặt cây không thành sự giết hại. Người và vật là cảnh duyên cho sự giết hại. Cho nên tất cả loài hữu tình gọi là duyên giết.

 

“Cách thức giết”: Tất nhiên dùng phương tiện gì để giết? Hoặc đâm, hoặc chém, hoặc bắn, hoặc thuốc độc, nhận nước, đốt cháy, ếm, trù, rủa cho người ta phải chết. Như vậy đó là cách thức giết.

 

“Nghiệp giết”: Nghiệp giết cũng gọi tội sát sanh đã thành vậy. Tất nhiên người hay vật bị giết đó, giây phút nó chết đã thành nghiệp sát sanh rồi. Nếu sự giết mà chưa chết, gọi là làm cho bị thương thôi. Giết đây tất nhiên phải chết. Như vậy, người phạm tội sát sanh phải có đủ bốn điều kiện:

 

1. Tâm niệm cố ý giết

2. Có cảnh duyên (người hay vật)

3. Cách thức: đâm, chém, bắn, trù rủa, thuốc, đốt, nhận chìm chi đó

4. Người hay vật ấy chết thiệt

 

Như vậy đã phạm tội sát sanh rồi. Nếu người bị giết đó là cha mẹ hay Thánh nhơn, thì thuộc tội nghịch. Tội nghịch nặng hơn trọng. Ngoài ra, có khi giết người và vật khác cũng phạm tội nghịch nữa. Như Long Vương thọ Bồ tát giới rồi, mà lại giết vị rồng khác, vị rồng khác đó là cha mẹ của Long Vương. Tất nhiên rồng thuộc trong sáu loài, thuộc súc sanh, nhưng đối với người giết (Long Vương) phạm tội nghịch vì đó là cha mẹ. Có người do loài khác sanh chẳng hạn, như vậy loài khác ấy là cha mẹ. Nếu giết vẫn phạm tội nghịch. Còn nếu là người, vật khác thì trong đó coi là tội trọng. Trọng là thế nào? Nếu giết những loài người hay loài mà có nghe có biết được lời truyền giới, thì phạm tội trọng, mất giới. Người đó muốn cho thanh tịnh trở lại phải thủ tướng sám hối (sám hối cho thấy hảo tướng) thì tội đó mới tiêu. Tiêu rồi phải thọ giới lại còn nếu giết những con vật như: chó, mèo ... con vật đó nó không có biết thì không mất giới.

 

Phật nói: “Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được cố ý giết”.

 

Đây nhấn mạnh đến việc cố ý, còn sự vô ý chắc không tránh khỏi hết được. Tránh được sự cố ý giết, đây là Phật tử, thọ giới Bồ tát thì luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Vì trước khi thọ Bồ tát giới, đã phát Bồ đề tâm, phát tứ hoằng thệ nguyện. Như vậy là trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sanh. Nghĩa là cứu giúp tất cả mọi loài hết khổ, hết nạn, đâu nên làm cho họ khổ nạn. Nếu trái lại, tự phóng tâm, nghĩa là cố ý sát sanh, thì Phật tử nầy phạm “Bồ tát Ba La Di tội”. Ba La Di là tiếng Phạn, Tàu dịch là “Khí”, “Khí” là dứt bỏ. Người phạm tội nầy dứt bỏ khỏi Phật pháp.

 

 

2. GIỚI TRỘM CƯỚP

 

Nếu Phật tử tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương tiện trộm cướp, nhẫn đến dùng bùa chú trộm cướp: nhơn trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức, nghiệp trộm cướp. Tất cả tài vật có chủ, dầu là của quỷ thần hay của kẻ giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không được trộm cướp. Là Phật tử, lẽ ra luôn luôn phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận thường giúp cho mọi người được phước, được vui mà trái lại trộm cướp tài vật của người. Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội.

 

Nghĩa là ngăn cấm sự trộm cướp. Trộm là lén lấy, cướp là giựt lấy. Phật tử đã thọ giới Bồ tát rồi, tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương tiện trộm cướp, dùng bùa chú trộm cướp phải đủ bốn điều kiện mới thành phạm:

 

1. Nhơn: tâm niệm cố ý trộm cướp

 

2. Duyên trộm cướp (đồ vật, của cải, tiền bạc)

 

3. Cách thức: cách thức có rất nhiều như đào nền, khoét vách, cạy cửa v.v... hoặc lường gạt: mượn mà không trả, hoặc giả nói thiệt để bán đắt tiền, cân non, vật thiếu nói đủ... Tất cả đều thuộc cách thức trộm cướp.

 

4. Nghiệp trộm cướp, thế nào thuộc về nghiệp trộm cướp? Khi đồ vật của người khác mà ta lấy sai chỗ cũ, đồ vật rời khỏi chỗ cũ thì thành nghiệp trộm cướp. Trộm là khi lấy vật đó mà người chủ không biết, không hay, còn cướp là khi lấy người chủ hay biết, hay là bị cướp. Do đó, nếu đã có tâm niệm trộm cướp, thì có cái duyên là tiền bạc, đồ vật v.v… và có các cách thức để lấy, khi lấy vật khỏi chỗ cũ thì thành nghiệp trộm cướp.

 

Ví dụ như muốn lấy một vật gì đó chẳng hạn, khi vừa cầm vật lên thì có người thấy liền để trở lại, hoặc ăn năn trả lại, nhưng tội cũng thành rồi. Hoặc giả mượn sách hay tiền bạc rồi không trả mà tâm niệm muốn lấy luôn. Tâm niệm đây đã thành tội trộm cướp.

 

Tội trộm cướp đã thành, nếu tương tục thành tội dây dưa, rất nặng, nó sẽ đâm chồi nảy nhánh. Còn nếu không tương tục thì bao nhiêu tội đó cũng thành tội rồi. Lấy rồi trả lại tuy đã thành tội trộm, nhưng còn nhẹ hơn lấy luôn. Trong tội trộm cướp cũng có nhẹ, nặng. Theo xưa, thì cứ dưới năm tiền, phạm tội nhưng không mất giới, nghĩa là đối thú sám hối tội liền tiêu diệt. Còn từ năm tiền trở lên, thì phạm tội trọng mất giới, phải thủ tướng sám hối. Sám hối thấy hảo tướng rồi, phải thọ giới trở lại vì đã mất giới.

 

Tài vật của cải có chủ, chứ không phải vô chủ. Vô chủ là vật ở rừng núi, như đá, hoặc viên ngọc ... Nếu có chủ lấy người ta không cho, là phạm tội trộm cướp, dầu của quỷ thần hay của kẻ giặc cướp. Của quỷ thần là ở trong miếu, trong đình, có nhiều khi ở đó của quỷ thần người ta giữ gìn, chứ không phải là riêng của loài người thôi... Hoặc vật trong ổ chim mà lấy cũng thành tội trộm cướp của con chim rồi.

 

Hai bên đánh nhau, kẻ thắng lấy chiến lợi phẩm tức là lấy của kẻ giặc rồi. Hoặc rượt bắt đám ăn cướp chạy bỏ đồ vật lại, rồi lấy cũng thành tội. Cho nên, người ta đã thọ giới Bồ tát rồi phải thanh tịnh. Chẳng những không gian tham trộm cướp, lường gạt, cho đến hoạnh tài của kẻ giặc cướp, không rớ tới nữa. Nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ, dầu vật rất nhỏ cũng không được trộm cướp. Dầu tiền của cha mẹ mà ta lấy cũng phạm tội trộm cướp, vì ta không hỏi mà lấy, lại có tâm nghĩ rằng cha mẹ không cho mà ta cố lén lấy, nên thành tội. Còn khi lấy ta nghĩ thế nầy, nếu như cha mẹ hay biết vẫn vui lòng không giận. Như vậy không thành tội trộm.

 

Tóm lại, đồ vật của chủ không bằng lòng mà mình lấy, do tâm tham cố ý để lấy, rời khỏi chỗ cũ liền phạm tội ăn trộm.

 

Ví dụ, có người chủ trồng mía nghĩ rằng: Nếu có ai muốn ăn thì cứ vào đám mía mà ăn, không được đem về nhà, như vậy dù có ai vào ăn mía đó, không phạm tội trộm, vì họ đã hoan hỷ.

 

Đức Phật nói “là Phật tử”, đây chỉ cho người thọ Bồ tát giới phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, thường giúp cho mọi người được phước được vui, nghĩa là phải bố thí mà trái lại trộm cắp tài vật của người, thì Phật tử phạm Bồ tát Ba La Di tội.

 

 

3.- GIỚI DÂM

 

“Nếu Phật tử, tự mình dâm dục, bảo người dâm dục với tất cả phụ nữ, loài cái, loài mái, cho đến thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành dâm: nhơn dâm dục, duyên dâm dục, cách thức dâm dục, nghiệp dâm dục. Là Phật tử, đối với tất cả không được cố dâm dục. Lẽ ra phải có lòng hiếu thuận, cứu độ tất cả chúng sanh, đem pháp thanh tịnh khuyên dạy người mà trái lại không có tâm từ bi, làm cho mọi người sanh việc dâm dục, không lựa súc sanh, cho đến hành dâm với mẹ con, chị em trong lục thân. Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội”.

 

(Tại gia cấm tà dâm, xuất gia cấm dâm dục)

 

Tự mình dâm dục hay bảo xúi người cũng phạm tội. Dâm dục đây là nói đến loài nam đối với loài nữ hay ngược lại. Còn loài cái, loài mái, đó là nói đến loài thú, loài chim, cho đến thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành dâm. Phi đạo là sự hành dâm không phải nơi nam căn, nữ căn, hoặc nơi miệng chẳng hạn.

 

Giới đây cũng có bốn điều kiện mới thành tội phạm.

 

1. Nhơn: là tâm cố ý. Còn như ngủ mê, hay chiêm bao ... thì không phải là cố ý.

 

2. Duyên: người nữ, loài cái, loài mái là duyên của bên nam. Người nam, loài đực, loài trống là duyên của bên nữ.

 

3. Cách thức: tìm cách thức sao đó để dâm dục

 

4. Nghiệp: bên nam, bên nữ đã giao xúc với nhau thì giây phút đó là phạm.

 

“Phải có lòng hiếu thuận cứu độ tất cả chúng sanh, đem pháp thanh tịnh chuyên dạy người”.

 

Cứu độ là sao? Vì biết rằng dâm dục là nhơn sanh tử luân hồi, là sự khổ của chúng sanh. Nếu không dâm dục thì chúng sanh sẽ được giải thoát. Lẽ ra phải đem pháp thanh tịnh làm cho chúng sanh rời sự dâm dục để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Câu “không lựa súc sanh” nghĩa là chẳng những đối với người mà đối với súc sanh cũng phạm, mà người trong lục thân cũng phạm Ba La Di tội.

 

Các điều giới nầy phải học cho rành. Như giới sát sanh, trộm cướp còn dễ nhận, vì làm cho chúng sanh đau khổ. Còn giới dâm dục vì hai bên đồng ý nên có sự vui, tại sao lại phạm giới trọng? Vì dâm dục là nguồn chánh của sự sanh tử luân hồi, là nhơn của quả khổ, cho nên phạm tội trọng.

 

 

4. GIỚI VỌNG NGỮ

 

Nếu Phật tử, tự mình nói vọng ngữ, bảo người vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ: nhơn vọng ngữ, duyên vọng ngữ, cách thức vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ. Là Phật tử, lẽ ra phải luôn luôn chánh ngữ, chánh kiến và cũng phải làm cho chúng sanh có chánh ngữ chánh kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà kiến, tà ngữ, tà nghiệp, Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội.

 

Vọng ngữ hay xúi người khác vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ, cũng có bốn điều kiện nói thành tội vọng ngữ.

 

1. Nhơn: tâm niệm cố ý nói dối

 

2. Duyên: người đối diện để nghe lời nói dối

 

3. Cách thức: nói ra tiếng, hoặc viết chữ, hay ra dấu

 

4. Nghiệp: khi người nghe, thấy sự vọng ngữ đó mà nhận hiểu, tất nhiên thành nghiệp. Hoặc đối với người đó, ta ra dấu, lắc đầu, khoát tay để nói dối người kia. Nếu ta muốn người hiểu là không, thì lắc đầu khoát tay, nhưng kỳ thiệt việc đó là có khi người kia thấy và hiểu. Lúc đó đã thành nghiệp.

 

Nên biết:

 

Cũng như nói dối mà người kia không biết tiếng Việt, dầu có nói bao nhiêu cũng không thành tội, bởi vì nghiệp không thành, người đó không hiểu, hoặc người đó điếc, hoặc mình viết giấy nói dối nhưng không ai đọc được, cũng không thành vọng ngữ, không thành tội. Hoặc mình ra dấu mà người kia không hiểu, tất nhiên không thành vọng ngữ và cũng không thành nghiệp.

 

Vậy nghiệp là người nghe, thấy sự vọng ngữ mà họ nhận hiểu được, thì mới gọi là nghiệp vọng ngữ, phạm tội. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, thì vọng ngữ đã thành tội rồi.

 

Không thấy nói thấy, thuộc về khẩu vọng (tất cả chuyện nói ra lời). Thân vọng ngữ như ra dấu, gật đầu, khoát tay có tính cách dối thì thuộc thân vọng ngữ.

 

Theo lệ trong nhà Phật, hễ việc gì mình bằng lòng và nhận là phải thì làm thinh khi nhóm chúng có người hỏi, nếu không bằng lòng và không nhận như vậy thì lên tiếng để đính chánh lại hay là cãi lại. Như trong chúng câu hội lại để Bố tát vị thay mặt trong Đại chúng để tụng giới hỏi rằng:

 

 “Trong Đại chúng đây được thanh tịnh không? Nếu thanh tịnh thì làm thinh, hễ có phạm tội thì nói ra lời, khai tội ra, còn làm thinh đó tức là nhận mình là thanh tịnh, không có tội”. Bây giờ, có tội mà rồi vẫn ngồi làm thinh, cái tướng, cái thân làm thinh đó, nghĩa là không mở miệng ra, không đứng dậy, không quỳ lên, mọi người chung quanh nghĩ rằng người đó thanh tịnh, không có tội nhưng chính người đó là có tội. Như vậy tất nhiên là thân vọng ngữ rồi. Lại trong cái thân vọng ngữ đó kèm thêm cái tâm vọng ngữ. Tâm vọng ngữ là chi? Là trong lúc đó, tâm mình biết rằng mình có tội mà vẫn lặng thinh, đó thuộc về ở nơi tâm vọng ngữ.

 

Tâm niệm nói dối là cái nhơn, chứ không có cách thức vọng ngữ, không nói ra lời nói dối, chớ thiệt ra không có tội gì hết.

 

Đây nói đã có tâm niệm vọng ngữ thì thành tội. Chính ta có tội, người khác hỏi ta mà làm thinh, để người xung quanh lầm mình là người thanh tịnh, là có tội. Còn như thấy mà người khác hỏi làm thinh không nói, tất nhiên người đó không biết gì, chừng nào thấy có mà nói không, mới phạm tội. Giả sử người hỏi mà mình nói họ không hiểu, thì cũng không có tội.

 

Như vậy hoặc tâm, hoặc thân, hoặc miệng nói ra những lời dối hay là ra dấu hay nơi tâm có sự dối, mà người xung quanh nhận hiểu, như vậy thành tội.

 

Giới nầy cũng đủ bốn điều kiện mới thành phạm. Bốn điều kiện ấy là: NHƠN, DUYÊN, CÁCH THỨC, NGHIỆP. Nghiệp là người khác nhận hiểu được sự nói dối của ta biểu hiện qua những hình thức, hoặc từ nơi miệng nói ra, hoặc thân ra dấu, hay chỉ ở nơi tâm niệm.

 

“Là Phật tử phải luôn luôn có chánh ngữ, chánh kiến” nghĩa là luôn luôn chánh trực ngay thẳng, chơn chánh; mà trái lại làm cho mọi người tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp. Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội.

 

Vì trong sự hư vọng đó có nhiều cách, hoặc lời nói hư vọng, hành vi hư vọng, đời sống việc làm hư vọng cho nên gọi là tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp. Do sự hư vọng của mình làm cho người khác hiểu lầm, biết sai, như vậy người khác sanh ra tà kiến, hành vi dối trá… Nghề nghiệp dối trá thuộc về tà nghiệp và cũng để xúi biểu hay làm gương dạy người nói lời dối trá, thuộc về tà ngữ. Sự dối trá ấy, là duyên cho những người khác cũng thành dối trá. Do đó hại mình, hại người, trái với từ bi, hiếu thuận của Phật tử thọ Bồ tát giới, vì thế nên phạm Bồ tát Ba La Di tội.

 

Nhưng đây có hai phần: phần phạm trọng mất giới, với phạm trọng không mất giới.

 

Phạm trọng không mất giới là nói dối thường, vì không mất giới cho nên sám hối được tiêu tội. Còn trọng mất giới là như dối rằng mình đã chứng bậc Thánh hay là niệm Phật chưa được nhứt tâm bất loạn, mà xưng rằng tôi niệm Phật được nhứt tâm bất loạn hoặc nói dối rằng tôi niệm Phật hay nằm ngủ chi đó, thấy Phật đến xoa đầu tôi. Hoặc nói tôi tu đã được niệm lực tương tục, được niệm Phật Tam Muội, hay là được chứng những pháp gì đó.

 

Như vậy, gọi là phạm tội nặng mất giới. Người phạm tội trọng mất giới, nếu muốn có giới lại phải sám hối cho đến khi thấy được hảo tướng, rồi mới thọ giới lại. Còn ngoài những nói dối kể trên thì phạm tội trọng không mất giới và thiệt tâm sám hối tội sẽ tiêu và trở lại thanh tịnh như cũ.

Comments

Popular posts from this blog