GIỚI, ĐỊNH, HUỆ thoát Ta-bà,
TÍN, NGUYỆN, HẠNH sanh Cực-lạc.
NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT
KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI
PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH
II.- THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Phần I trên nói về nhơn duyên của đức Lô Xá Na
truyền pháp Tâm Địa Pháp Môn, mà đức Thích Ca Mâu Ni lãnh thọ.
“Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ lúc sơ khởi hiện thân
nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, rồi qua phương Đông đến tại cung của Thiên
Vương tuyên nói kinh Ma Thọ Hóa. Sau đó Ngài giáng sanh nơi cõi Nam Diêm Phù Đề
tại nước Ca Tỳ La, vua Bạch Tịnh là thân phụ và Hoàng Hậu Ma Gia là sanh mẫu.
Nhũ danh của Ngài là Tất Đạt Đa.
Xuất gia bảy năm, ba mươi tuổi thành đạo hiệu Ngài là Thích
Ca Mâu Ni Phật”.
PHẬT THÍCH CA. Trước khi giáng sinh nơi cõi
Diêm Phù, Ngài đã hiện thân nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, rồi qua phương Đông
đến cung của Thiên Vương, như trong sử nói trước khi giáng sanh, Ngài ngự nơi
Đâu Suất Thiên cung nói kinh Ma Thọ Hóa. Trong tạng không có bộ kinh nầy, chỉ
thấy nhắc ở đây thôi. Năm ba mươi tuổi thành đạo, hiệu Ngài là Thích Ca Mâu Ni
Phật. Trong sử nói đức Phật năm 19 tuổi xuất gia, cầu đạo năm năm, đến nơi núi
tuyết tu khổ hạnh sáu năm. Rồi rời nơi khổ hạnh đến ngồi dưới cội Bồ đề 49 ngày
thành Phật. Tại sao ở đây nói xuất gia bảy năm? Ý nói từ khi đức Phật tự mình
tìm đạo, lúc đó mới chính thức gọi là xuất gia, còn lúc chạy theo nhóm ngoại đạo
tu khổ hạnh gọi là rời cung vua mà thôi.
Khi đức Phật nhận thấy nhóm ngoại đạo không thiết
thực giải thoát, nên Ngài suy nghĩ: Đạo giải thoát, mình nên tự tìm lấy mà
thôi, rồi mới tự tu khổ hạnh để tự tìm đạo giải thoát.
Trong lúc đó bỏ ăn bỏ ngủ, trải qua như vậy sáu
năm, đó mới gọi là chính thức xuất gia.
Sáu năm khổ hạnh và 49 ngày tịnh tọa dưới cội Bồ
đề, như vậy là bảy năm, nên nhớ ý nghĩa nầy. Khi rời khỏi chỗ tu khổ hạnh cũng
phải trễ một thời gian, trong sử có nói: Nào là thọ sự cúng dường sữa, rồi đi tắm,
việc nầy việc kia, cũng phải tốn thời gian. Nhưng thời gian trong sử không nói
nhứt định bao lâu. Chỉ nói Ngài đến cội Bồ đề trải cỏ trên tòa Kim Cang ngồi kiết
già. Rồi nói nếu không thành Phật nhứt định không rời nơi đây. Bởi vậy cộng lại
hơn sáu năm, nên trong đây gọi là bảy năm đó vậy.
“Từ Bửu Tòa Kim Cang Hoa Quang nơi Đạo Tràng Tịch Diệt nhẫn đến
nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương, trong mười nơi ấy đức Phật tuần tự ngự đến
thuyết pháp”.
Bửu Tòa Kim Cang Hoa Quang, tức là Kim Cang
Tòa, ở dưới cội Bồ đề, gọi là Đạo Tràng Tịch Diệt, thì thường gọi là Bồ Đề Đạo
Tràng, hay Tịch Diệt Đạo Tràng.
Nhẫn đến nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương,
Phật đến nơi Tứ Thiền nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương.
Từ nơi Đạo Tràng Tịch Diệt, Phật mới đến trời Tứ
Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, lần lần đến Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền.
Đây chỉ nhắc lại tất cả có mười chỗ.
Như trong kinh Hoa Nghiêm nói, khi đức Phật đến
cung trời Đâu Suất mà giảng về Thập Hồi Hướng cũng hết bốn, năm quyển vậy. Đức
Phật còn ngự ở nơi cung trời Tứ Thiền chỗ của Đại Tự Tại Thiên Vương, tiếp tục
nói.
“Lúc đó, nhơn khi xem bửu tràng mành lưới của Đại Phạm Thiên
Vương, đức Phật vì Đại chúng mà giảng kinh Phạm Võng”.
Trong lúc đang ngự nơi cung của Đại Tự Tại
Thiên Vương Đức Phật thấy Bửu tràng mành lưới giăng che kết những hột Ma ni,
Ngài lấy nơi mành lưới mà làm thí dụ, để giảng kinh Phạm Võng.
Ngài dạy rằng: “Vô lượng thế giới dường như là lỗ lưới. Mỗi
thế giới đều khác nhau cả, khác nhau đến số vô lượng. Giáo pháp của Phật cũng
như vậy”.
Nghĩa là trong khoảng hư không có vô lượng thế
giới, thế giới nầy ở nơi đây, thế giới kia ở nơi kia. Cũng giống như hột châu
Ma ni kết thành lưới báu nầy. Thì trong mỗi thế giới đều khác nhau cả, cũng như
mỗi hột châu Ma ni, hột nầy không phải là hột kia, mà số nó vô lượng, sự khác
nhau cũng vô lượng, cho nên thế giới nào cũng khác nhau cả, giáo pháp của Phật
cũng như vậy.
Đó là lược nói Phật dùng nơi lưới báu để thí dụ.
Một là lấy những hột châu Ma ni kết thành lưới để dụ cho những thế giới ở không
gian nầy cũng có vô lượng. Rồi cái vô lượng kết thành hư không giới trong pháp
giới nầy, cũng như vô lượng hạt châu Ma ni đó khác nhau, mà nó kết lại thành
màn lưới.
Pháp môn của Phật dạy cũng nhiều vô lượng và
khác nhau vô lượng như vậy. Nhưng nó cũng kết với nhau thành pháp của Phật là
Phật pháp.
Đây là kinh Phạm Võng. Võng là màn lưới, Phạm
là Đại Phạm Thiên Vương. Vì đức Phật đang ngự nơi cung của Đại Phạm Thiên
Vương. Ngài thấy màn lưới kết thành những châu Ma ni, nhân đó đức Phật chỉ nơi
đó mà nói.
Những pháp môn của Phật nhiều vô lượng chung kết
lại với nhau thành ra Phật pháp. Cho nên lấy thí dụ màn lưới của Thiên Vương.
Kinh nầy lấy dụ mà đặt tên là “PHẠM VÕNG”.
“Đức Phật đã tám nghìn lần đến thế giới Ta bà nầy, ngự trên Bửu
Tòa Kim Cương Hoa Quang nhẫn đến ngự nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương, lược
giảng “Tâm Địa Pháp Môn” cho cả thảy Đại chúng trong những pháp hội ấy”.
Phật ngự đến tám nghìn lần, tức nhiên có tám
nghìn lần Đại chúng tụ tập nơi cung trời Đại Tự Tại Thiên Vương và đã tám nghìn
lần đức Phật đã lược giảng Tâm Địa Pháp Môn nầy. Rồi kiết tập thành kinh Phạm
Võng phẩm Tâm Địa Pháp Môn, là lần thứ tám nghìn. Đoạn trước có nói không phải
chỉ đức Phật Lô Xá Na nói nơi đây mà thôi. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai
đã nói, sẽ nói, hiện tại đang nói.
“Sau đó từ cung của Thiên Vương, đức Phật trở xuống ngự dưới
cội Bồ đề nơi cõi Diêm Phù, vì tất cả chúng sanh trên quả đất nầy, hạng người
phàm ngu tối mà giảng một giới pháp Kim Cang Quang Minh Bửu Giới. Giới nầy là lời
thường trì tụng của Phật Lô Xá Na, khi Ngài mới phát Bồ đề tâm trong thời kỳ tu
nhơn của Ngài. Giới pháp nầy cũng chính là bổn nguyên của tất cả Phật, là bổn
nguyên của tất cả Bồ tát và là chủng tử của Phật tánh”.
Sau khi mãn thời thuyết pháp nơi cung Đại Tự Tại
Thiên Vương, đức Phật mới trở xuống quả đất nầy, nơi Bồ Đề Đạo Tràng vì tất cả
chúng sanh là hạng phàm phu ngu tối mà giảng giới pháp nầy, là Bồ tát giới nầy.
Còn có tên là Kim Cang Quang Minh Bửu Giới.
Giới pháp nầy là lời trì tụng của Phật Lô Xá Na
khi Ngài mới phát Bồ đề tâm trong thời kỳ tu nhơn của Ngài. Mà do Ngài thường
trì tụng. Tụng thuộc lòng, thuộc lòng ở nơi tâm rồi theo đó mà thọ trì gọi là
trì tụng.
Trong giới pháp nầy có tên là Kim Cang Quang
Minh Bửu Giới, là chỉ giới Bồ tát nầy. Tại sao? Vì giới Bồ tát đây có ba tụ:
Thứ nhứt là Nhiếp luật nghi giới.
Thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới.
Thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới.
Nhiếp luật nghi giới, là dứt tất cả điều ác, điều
sai xấu, để dứt sạch phiền não vô minh mà chứng được Niết Bàn. Như vậy, Niết
Bàn chứng được là do dứt trừ tất cả điều ác. Quả Đại Niết Bàn là pháp thân
thanh tịnh của Phật. Thể chất Kim Cang bền chắc, không bao giờ đổi và không lộn
một thứ gì trong đó, hoàn toàn trong sạch, dụ cho quả Đại Niết Bàn. Quả Niết
Bàn do Nhiếp luật nghi giới mà thành, cho nên có tên là Kim Cang.
Đức Phật khi đã dứt hết tất cả điều ác và viên
mãn tất cả điều lành và pháp thứ hai trong giới Bồ tát nầy gọi là Nhiếp thiện
pháp giới. Mà tất cả pháp lành khi đã thành tựu rồi, tức là thành tựu Trí giác.
Đó là đại Bồ đề mà Phật đã chứng. Trí giác là nghĩa sáng suốt nên giới Bồ tát nầy
tên kế là Quang Minh. Đây là tụ thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới.
Bồ tát nương nơi Nhiếp thiện pháp giới, thực
hành những điều lành để được đầy đủ trí huệ đến bậc Toàn Giác, thành tựu quả đại
Bồ đề và Bồ tát phải làm lợi ích chúng sanh. Do vì làm lợi ích chúng sanh mà Bồ
tát thành tựu được quả Ứng Hóa Thân. Bồ tát lấy tâm đại bi làm động cơ làm lợi
ích chúng sanh. Trong ba tụ giới của Bồ tát thuộc về Nhiêu ích hữu tình giới.
Do đó, giới Bồ tát có tên là Bửu. Bửu là báu, chất báu như châu ngọc vàng, bạc,
tất nhiên hưởng được hạnh phúc sung sướng. Cho nên lấy Bửu để dụ cho giới Bồ
tát, là năng lực làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, từ nơi đó Bồ tát thành tựu
được Ứng Hóa Thân Phật.
Giới Bồ tát nầy có tên là Kim Cang Quang Minh Bửu.
Kim Cang là chỉ cho thể chất bền chắc trong sạch. Do Nhiếp luật nghi giới Bồ tát
ngăn dứt tất cả điều ác, làm tất cả điều lành, nương nơi trí huệ chứng được đại
Bồ đề.
Rời giới thể, giới tánh thì khó tỏ ngộ. Còn nơi
giới tướng là 58 giới sau, dù cố gắng thọ trì bất quá cũng theo thứ tự mà thôi,
chứ nếu mất thể rồi thì công đức trì giới tướng không bằng, tỏ ngộ được thể mới
là chơn thiệt thọ trì.
Nên điều nầy quan trọng, dầu có khó, có sâu, thực
hành phải để ý lắm, rồi có lúc nào đó được tỏ ngộ. Bằng không, không biết lấy
duyên gì để tỏ ngộ tánh thể của giới.
Giới Bồ tát, chính là bổn nguyên của tất cả chư
Phật, là bổn nguyên của tất cả Bồ tát và là chủng tử của Phật tánh.
Giới Bồ tát nầy từ Tâm Địa mà có, cho nên trong
quyển nầy gọi là “Tâm Địa Pháp Môn”. Tâm Địa ở đây thường gọi là bổn tâm tự
tánh của mình, chính là cái chơn tâm, từ trong chơn tâm bổn tánh có giới Bồ tát
nầy.
Chơn tâm bổn tánh của tất cả, không luận là Phật
hay chúng sanh, cho nên nói giới đây là bổn nguyên của tất cả Phật, vì tất cả
Phật cũng từ tự tâm bổn tánh đó.
Nhưng tất cả Phật hiển hiện thọ dụng được nơi tự
tâm bổn tánh, vì thế nên cũng là bổn nguyên của Bồ tát.
Tự tâm bổn tánh đó tất cả chúng sanh đang có,
muốn thành Phật phải từ nơi đó mà thành, cho nên nó chính là Phật chủng, là chủng
tử của Phật tánh.
Thọ trì, thực hành giới Bồ tát nầy, là ươn giống
Phật tánh. Có giống rồi, tất nhiên có một ngày nào thành cây, đơm bông kết
trái, thành Bồ tát rồi thành Phật.
“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả ý thức, sắc, tâm
là tình, là tâm đều vào trong phạm vi giới pháp Phật tánh. Vì chắc chắn thường
có chánh nhơn, nên chắc chắn Pháp thân thường trụ”.
Ở trên nói giới pháp nầy là chủng tử của Phật
tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, nhưng phải nắm
lấy chủng tử Phật tánh, mà giới Bồ tát đây là chủng tử của Phật tánh. Cho nên
muốn hiển phát thọ dụng được để thành Phật, thì phải lấy giới Bồ tát nầy làm chủng
tử. Câu: “Tất cả ý thức, sắc, tâm, là tình, là tâm đều vào trong phạm vi giới
pháp Phật tánh” có thể nói tất cả pháp đều ở trong phạm vi giới pháp Phật tánh
nầy.
Giới pháp nầy y cứ nơi tự tâm bổn tánh để thực
hành, mà giới pháp đây là chủng tử để thành Phật - chủng tử thành Phật đó, lại
sẵn có nơi tất cả chúng sanh. Có Phật tánh là có chánh nhơn thành Phật, cho nên
nói “chắc chắn thường có chánh nhơn... chắc chắn pháp thân thường trụ”.
Pháp thân Phật vẫn thường trụ. Từ pháp thân hiện
ra diệu dụng là trí huệ thần thông, phước đức của một vị Phật. Ngược lại, chúng
sanh thì quên mất bổn tánh nên mãi si mê điên đảo, khổ não.
Như vậy, Phật và chúng sanh khác nhau ở chỗ: tỏ
ngộ hiển phát được pháp thân thường trụ là Phật. Ngược lại là chúng sanh, chớ
pháp thân thường trụ, thì Phật và chúng sanh không khác.
Như vậy, ta tin tưởng có thể thành Phật, nếu
chúng ta chịu y theo giáo pháp Phật để thực hành, vì đức Phật đã từng y theo
Pháp đó thực hành rồi thành Phật.
Điều quan trọng là những người chưa phát tâm để
thành Phật, hoặc có phát tâm mà chưa có sự thực hành pháp của Phật dạy, nếu ta
phát tâm tất nhiên có sự tin tưởng rằng ta có khả năng thì mới có sự dõng
mãnh... Nhờ sự tin tưởng chắc đó, nên khi thực hành pháp để thành Phật không
còn nghi ngờ và trễ nãi. Cũng như người thợ vàng nhận biết được ở trong khối quặng
đó có vàng, rồi nấu luyện khối quặng vàng ấy thành vàng mà người thợ đó không
còn nghi ngờ gì cả. Nghĩa là trong lúc đó dù có nhọc nhằn ngày đêm, dù có mỏi mệt,
vẫn một mực sốt sắng làm việc, luyện khối quặng cho thành vàng. Được vậy, là do
có sự tin tưởng chắc rằng khối quặng ấy có vàng thiệt vậy.
Trên đường tu hành để thành Phật cũng như vậy,
phải có đủ niềm tin rằng ta có khả năng thành Phật. Nhờ tin như vậy nên ở nơi
công hạnh của ta không có sự nghi ngờ. Và biết chắc rằng mình và Phật vẫn đồng
pháp thân trường trụ không khác, gọi là Phật tánh.
“Mười Ba La Đề Mộc Xoa như thế xuất hiện trong đời. Giới pháp
nầy là chỗ kính trọng thọ trì của tất cả chúng sanh trong ba thuở”.
Trong giới Bồ tát có mười giới trọng, cho nên
đây nói mười Ba La Đề Mộc Xoa, Ba La Đề Mộc Xoa là tên của giới. Có nghĩa là bảo
đảm được giải thoát, nên hành trì đúng với giới pháp nầy.
Tất cả chúng sanh trong đời đều có tự tâm bổn
tánh, cũng đều có Phật tánh. Như vậy, giới nầy từ nơi tự tâm bổn tánh mà lập.
Cho nên tất cả chúng sanh trong ba đời muốn thành Phật phải kính trọng thọ trì
giới pháp nầy.
“Giờ đây đức Phật sẽ vì trong Đại chúng mà giảng lại giới phẩm
vô tận tạng, là giới phẩm của tất cả chúng sanh, bổn nguyên tự tánh thanh tịnh”.
Trong đây nhắc lại giới phẩm của tất cả chúng
sanh. Vì giới phẩm nầy từ nơi bổn tâm tự tánh của chúng sanh mà lập ra. Bổn nguyên
tự tánh thanh tịnh đó của tất cả chúng sanh, chính là giới phẩm của tất cả
chúng sanh.
Tóm tắt bổn tánh của ta không có sát sanh, cho
nên trong giới mới có giới không sát sanh, vì tự tâm bổn tánh bổn lai là không
sát hại, bổn lai không tham lam. Do đó, có giới không trộm cướp.
Tự tâm, bổn tánh vẫn ngay thẳng nên có giới
không nói dối (vọng ngữ), nó thuận đúng theo tự tâm, bổn tánh vậy. Ta tham lam,
vọng ngữ, sát hại là ta làm trái với tự tâm, bổn tánh rồi, mà đã trái, tất
nhiên đi ngược lại, ta phải làm đúng với công dụng của tự tâm bổn tánh. Nhờ vậy,
ta mới đi vào được trong tự tâm bổn tánh.
Tất cả giới đều trong đây, là cứ ở tự tâm bổn
tánh, vì sao? Vì để chúng sanh y theo đó mà thuận với tự tâm bổn tánh, đã có
thuận thì có sự nhập là chứng.
Bài kệ sau đây thuật lại đại ý đoạn trên.
“Nay Ta là Lô Xá Na,
Đương ngồi trên đài Liên Hoa.
Trên nghìn cánh sen đơm vòng,
Lại hiện ra nghìn Thích Ca.
Mỗi cánh sen trăm ức cõi,
Mỗi cõi một Phật Thích Ca.
Đều ngồi dưới cội Bồ đề,
Đồng thời thành Chánh giác đạo.
Nghìn trăm ức Phật như vậy,
Lô Xá Na là bổn thân.
Nghìn trăm ức Phật Thích Ca.
Đều đem theo vi trần chúng,
Cùng nhau đến tại chỗ Ta.
Để nghe Ta tụng Phật giới,
Ta liền giảng môn Cam lộ.
Bây giờ nghìn trăm ức Phật.
Trở về đạo tràng của mình”. Đây là đạo tràng của
đức Phật Lô Xá Na.
Ngài đang ngự trên đài Liên Hoa Tạng thế giới,
vì trên đài chung quanh chỗ đức Phật ngồi có một nghìn cánh sen. Trên mỗi cánh
sen đều có một Phật Thích Ca. Mỗi cõi có một Phật Thích Ca, mà đây có trăm ức
cõi. Do đó, có trăm ức Thích Ca trên mỗi cánh sen, có nghìn cánh sen, nên có
nghìn trăm ức Phật Thích Ca. Cho nên nói:
“Nghìn trăm ức Phật như vậy,
Lô Xá Na là bổn thân”.
Chỉ có một Lô Xá Na mà có nghìn trăm ức Phật
Thích Ca. Mỗi Phật Thích Ca đều đem theo vi trần chúng đến chỗ Phật Lô Xá Na để
nghe giới pháp. Giảng môn Cam lộ là giảng môn “Tâm Địa Pháp Môn” Bồ tát giới
đây. Cam lộ cõi trời có thể làm cho người uống hết mọi tật bịnh, thân khỏe mạnh.
Giới pháp Tâm Địa đây cũng vậy, làm cho người thọ trì dứt hết tất cả điều ác,
thành tựu tất cả điều lành, được giải thoát được thành Phật.
“Bây giờ nghìn trăm ức Phật,
Trở về đạo tràng của mình.
Đều ngồi nơi cội Bồ đề,
Tụng mười trọng, bốn mươi tám (giới khinh)
Giới của Bổn Sư Xá Na”.
Khi nghìn trăm ức Phật Thích Ca nghe Phật Lô Xá
Na giảng giới pháp, rồi chư Phật đều trở về đạo tràng của mình mỗi vị Phật giáo
hóa một cõi. Trở về chỗ cũ là chỗ mình giáo hóa đó. Chư Phật đều ngồi dưới cội
Bồ đề, tụng mười trọng, 48 giới khinh của Bổn Sư Xá Na đã thuyết ra.
Công dụng của giới:
“Giới như vầng nhật nguyệt sáng,
Cũng như chuỗi báu ngọc châu.
Chúng Bồ tát như vi trần,
Do giới nầy mà thành Phật”.
Giới pháp đây có sự chiếu sáng như mặt trời, mặt
trăng vậy, phá hết sự tối tăm ở thế gian, giới pháp làm cho người tu hành nương
theo đó mà dứt phiền não, vô minh, tối tăm đem lại sự giải thoát an vui, tự tại,
cũng như chuỗi ngọc châu làm cho khỏi nghèo nàn, đói rách vậy. Tất cả Bồ tát đều
do giới nầy mà thành Phật cả, cho nên muốn thành Phật thì phải trì giới nầy vậy.
“Đây là Đức Xá Na tụng
Ta đây cũng tụng như vậy”.
Đức Thích Ca Mâu Ni Phật nói: Ta tụng giới pháp
nầy, cũng như đức Lô Xá Na đã tụng trước kia, đức Lô Xá Na tụng như thế nào thì
Ta đây cũng tụng như vậy.
“Các ông tân học Bồ tát,
Phải cung kính thọ trì giới.
Khi thọ trì giới nầy rồi,
Nên truyền lại cho chúng sanh”.
Đức Thích Ca Nâu Ni nói với Đại chúng: “Những vị
Bồ tát mới học là sơ phát tâm Bồ tát, khi thọ giới Bồ tát rồi kể là được vào
trong trường học Bồ tát”.
Bồ tát là gì? Bồ tát quả vị cao, chứng được đến
pháp thân, có những vị Bồ tát mới phát tâm để tu học thì gọi là tân học Bồ tát,
đều phải cung kính thọ trì ở nơi giới Bồ tát. Thọ trì giới, cung kính. Do nơi sự
cung kính giới mà thành giữ giới được chặt chẽ. Nếu ta không có tâm trân trọng,
không có tâm quý mến thì sự giữ giới bất quá là miễn cưỡng, làm cho lấy lệ lấy
có vậy thôi.
Đã có sự trân trọng, kính mến nơi giới để thọ
trì mới thiệt là thành tâm để trì giới, khi thọ trì giới rồi, nên truyền lại
cho chúng sanh, là phải truyền trao cho nhau, cho giới pháp lan rộng, lợi ích
cho tất cả chúng sanh.
“Lắng nghe Ta đang trì tụng,
Pháp Ba La Đề Mộc Xoa
Là giới tạng trong Phật pháp”.
Điều giới sau đây, tất nhiên giới tạng trong Phật
pháp. Hãy lóng nghe:
“Đại chúng lòng nên tin chắc,
Các người là Phật sẽ thành
Ta đây là Phật đã thành,
Thường có lòng tin như vậy.
Thời giới phẩm đã trọn vẹn,
Tất cả những người có tâm.
Đều nên nhiếp hộ Phật giới.
Chúng sanh nào thọ Phật giới
Chính là vào hàng chư Phật.
Đã đồng hàng bậc Đại Giác,
Mới thiệt là con chư Phật.
Đại chúng đều nên cung kính,
Chí tâm nghe lời Ta tụng”.
Trong đây họ chấm câu sai nhiều lắm, mấy vị nên
sửa:
“Đại chúng lòng nên tin chắc.
Các người là Phật sẽ thành,
Ta đây là Phật đã thành,
Thời giới phẩm đã trọn vẹn”.
Thế nào gọi là giới phẩm được trọn vẹn?
Không phải chỉ việc mình trì giới đúng các giới
điều sau đây, thì giới phẩm mới được trọn vẹn, đây là lời của đức Phật nên chú
ý. Phải tin chắc: Ta là Phật sẽ thành, còn Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật đã
thành. Ta cũng là Phật, nhưng Phật sẽ thành. Còn đức Thích Ca Mâu Ni Phật, là
Phật đã thành. Nếu có lòng tin như thế, thì đức Phật nói đây là giới phẩm trọn
vẹn.
Sự tin chắc đó không phải là nói suông. Câu nói
“tin chắc…” là phải thiệt hiểu biết, hiểu biết thế nào ta là Phật sẽ thành, còn
thế nào Thích Ca Mâu Ni là Phật đã thành. Phải biết cho rõ thì sự tin ấy mới chắc
được. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nghĩa là có công năng thành Phật mà tất
cả chúng ta đều có công năng để thành Phật, tất nhiên đều là Phật tương lai,
nghĩa là Phật sẽ thành. Bởi vì sẵn có công năng rồi thì một ngày kia, công năng
đó mới hiển phát, tất nhiên thành Phật, cũng như là Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Phật cũng có Phật tánh và đã hiển phát rồi. Do đó nên đã thành Phật. Nếu sự hiểu
chỉ qua văn tự mà thôi, thì dầu có tin, nhưng cái tin đó chưa thể gọi là tin
thiệt chắc. Bấy giờ muốn tin thiệt chắc phải thế nào? Là phải nương nơi văn tự
mà nói rằng mình có Phật tánh là có khả năng thành Phật. Làm sao thấy được Phật
tánh của ta? Ta tu tập đến khi nào chính ta thấy được Phật tánh của ta, thì mới
tin chắc là ta sẽ thành Phật. Lúc đó gọi là có sự tin chắc, hiểu chắc là ta có
Phật tánh vậy.
Đã tin chắc như vậy, là đã thấy được Phật tánh
của ta, mà đã thấy được Phật tánh, thì những ý niệm, lời nói, hành động đều từ
nơi Phật tánh phát ra và đều đúng nơi giới điều cả. Cho nên nói “giới phẩm mới
trọn vẹn”. Khi giữ giới, là giới tướng đã trọn vẹn, đồng thời mình thấy biết giới
thể là Phật tánh và y cứ nơi giới thể để phát ra sự trì giới. Như vậy gọi là giới
hạnh đã trọn vẹn.
Nói ngược lại, giới phẩm trọn vẹn là do nơi thấy
Phật tánh, vì thấy Phật tánh cho nên lòng tin chắc là ta sẽ thành Phật. Vì thế
cho nên đức Phật mới nói rằng: “Nếu người nào tin chắc mình là Phật sẽ thành,
thì đã được trọn vẹn giới phẩm”.
Phật tánh có nơi gọi là minh tâm kiến tánh, là
ngộ đạo. Nhưng sự thấy, sự ngộ đó chưa phải là xong, còn phải đến chỗ chứng. Chứng
được Phật tánh tức thành Phật.
“Tất cả những người có
tâm,
Đều nên nhiếp hộ Phật giới.
Chúng sanh nào thọ Phật giới.
Chính là vào hàng chư Phật”.
Đức Phật khuyên bảo tất cả mọi người, đều nên
nhiếp hộ Phật giới. Nghĩa là không ai là không có tâm. Mà đã có tâm thì nên nhiếp
hộ Phật giới. Chúng sanh nào thọ Phật giới chính là vào hàng chư Phật - ý nói dự
vào hàng của Phật.
Đã đồng hàng bậc Đại Giác, đồng hàng với chư Phật,
mới thiệt là con chư Phật, gọi là Phật tử, cho nên danh từ Phật tử, quan trọng
lắm, hiện giờ ta dùng chữ Phật tử quá bừa bãi, chứ như trong kinh Pháp Hoa,
Ngài Xá Lợi Phất chứng quả A la hán trải qua nhiều năm, không khi nào dám xưng
mình là Phật tử. Khi đến Hội Pháp Hoa nghe đức Phật cắt nghĩa rõ Phật tánh như
thế nào, mọi người đều có thể thành Phật, trước kia Phật nói các vị Đại đức
Thanh văn chỉ chứng quả A la hán thôi, kỳ thiệt chưa thành Phật. Lúc đó Ngài Xá
Lợi Phất mới tỏ ngộ: Từ trước tới nay ta tu và chứng đây tưởng rằng chỉ tu hạnh
Tiểu thừa, chứng quả Thanh văn. Nay nghe Phật nói mới biết rằng ta đương đi
trên con đường thành Phật, sau nầy mới được thành Phật. Ngài nói rằng: “Bây giờ
Ngài mới dám tự nhận mình là Phật tử”.
Cho nên danh từ Phật tử rất quan trọng. Bây giờ
dùng quá bừa bãi mất giá trị rất nhiều.
Trong đây đức Phật có nhấn mạnh:
“Mới thiệt là con chư Phật”, tất nhiên là chơn
Phật tử, nếu chưa được như vậy, thì chỉ có được danh từ Phật tử mà thôi, chứ
chưa phải là thiệt Phật tử. Đức Phật khuyên nhắc:
“Đại chúng lòng nên tin chắc...
Chí tâm nghe lời Ta tụng”.
Pháp Đại thừa đây, dù muôn kinh ngàn quyển,
chung quy cũng nói đến tự tâm bổn tánh. Trong kinh nầy có ba phần:
Thứ nhứt: Lô Xá Na Phật
Thứ hai: Thích Ca Mâu Ni Phật
Thứ ba: nói về đức Phật kiết Bồ tát giới.
Comments
Post a Comment