GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI


V.- PHẦN KHUYẾN TẤN

 

Sau khi đã nói qua thời gian như vậy, đây mới nhắc đến vấn đề vô thường để khuyên bảo ai nấy cũng đều phải tinh tấn.

 

CHÁNH VĂN: “Già chết gần kề, Phật pháp sắp diệt, chư Đại đức vì muốn đắc đạo, nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn, chư Phật do nhứt tâm cần cầu tinh tấn nên đặng quả Vô thượng Chánh giác, huống là các pháp lành khác”.

 

Thời gian đã qua rồi, tất nhiên là mỗi ngày lần đến cái già, mà hễ mỗi ngày lần đến cái già thì mỗi ngày lần đến cái chết, nên gọi rằng già chết gần kề. Mà Phật pháp mỗi ngày đi vào thời gian mạt, sẽ diệt lần lần. Bây giờ nhơn lúc còn sức khỏe và chưa chết và lúc mà Phật pháp cũng còn để cho mình học, mình hiểu, nếu không nắm nơi đó để thực hành, để tu thì tức làm mình bỏ qua một dịp may mắn, đáng gọi là rất đáng tiếc, rất uổng. Mục đích của mình thọ lấy cái giáo pháp của Phật để mà chi? Tất nhiên là muốn được đắc đạo, được giải thoát.

 

Như vậy, nếu không tinh tấn, thì tất nhiên là mình quên, mình làm trái lại bổn nguyện của mình rồi. Vì bổn nguyện của mình khi mình thọ giới cốt để chi? Cốt để giải thoát, để đắc đạo. Mà nếu không có tinh tấn tu hành thì là mình tự bỏ, tự quên bổn nguyện của mình rồi. Chính chư Phật cũng do nhứt tâm cần cầu tinh tấn nên chứng quả Vô thượng Chánh giác, huống là các pháp lành khác. Các pháp lành khác lại càng phải cần nhờ tinh tấn hơn nữa mới thành. 


Tinh tấn có nghĩa là ròng rặc tiến tới. Tinh là ròng rặc, tấn là tiến tới. Tiến tới là siêng năng, ròng rặc là thuần lành thuần thiện. Nếu không phải là thuần lành, thuần thiện thì nó thuộc về tạp, chớ không gọi là tinh được. Mà tiến tới ở nơi phạm vi hoàn toàn lành là siêng năng tu hành đúng với chánh pháp.

 

Cho nên tinh tấn có chỗ đức Phật gọi là chánh cần. Chánh là chơn chánh, thuần thiện. Cần là siêng năng.

 

Quả Vô thượng Chánh giác, tức là quả Phật. Đức Phật đã giác ngộ chơn chánh, sự giác ngộ chơn chánh đó không còn có cái gì trên nữa, là tột cùng nên gọi là Vô thượng Chánh giác.

 

“Nhân lúc còn mạnh khoẻ, các Ngài phải gắng sức siêng tu pháp lành. Đâu nên chẳng gấp cầu đạo lại chần chờ đợi già yếu, còn mong mỏi thú vui gì?”.

 

Ngày nay đã qua,

Mạng sống giảm lần.

Như cá cạn nước,

Nào có vui chi?

 

Đây là lời khuyên nhắc: hiện tại đây còn mạnh khỏe, ai nấy cũng phải gắng sức siêng tu pháp lành, phải tinh tấn, không nên chần chờ mà đợi già yếu. 


Giờ đây, đã nhận thấy rằng thân nầy là gốc khổ, cõi nầy là cảnh khổ, là chỗ sanh tử luân hồi. Đã ở trong thân cảnh sanh tử luân hồi như vậy mà không tìm cầu con đường giải thoát, mãi chần chờ như vậy là còn mong mỏi những thú vui gì nữa? Hoặc là còn mong mỏi muốn ăn, muốn mặc, muốn giàu sang? Những thứ đó nó níu kéo người đời ở mãi trong vòng sanh tử luân hồi.

 

Do đó cho nên người tu hành theo Phật pháp phải nhận định, không nên mong mỏi tìm lạc thú thế gian mà cần phải cố làm sao thành tựu quả vui giải thoát. Quả vui giải thoát đó mới thiệt là vui, mới thiệt an lạc, còn những lạc thú ở thế gian là sự vui tạm bợ, có nhiều khi nó chính là khổ, hay nhơn khổ, rồi lại mê lầm cho nó là vui.


Bốn câu kệ dưới là bốn câu kệ ở trong kinh Xuất Diệu:

 

“Ngày nay đã qua,

Mạng sống giảm lần.

Như cá cạn nước,

Nào có vui chi?”.

 

Kinh Xuất Diệu có nói: “Một hôm đức Phật cùng chư Tỳ kheo đi ngang qua một vũng nước, nhằm mùa nắng, nước trong vũng đó đã cạn bớt đi, trong đó có một bầy cá đương nhởn nhơ bơi lội. Thấy Phật có vẻ buồn, chư Tỳ kheo mới thưa với Phật hỏi duyên cớ. Đức Phật nói rằng: “Nước vũng lần cạn sắp khô mà bầy cá khờ dại mãi nhởn nhơ bơi lội không lo không sợ, làm Ta liên tưởng đến những người mê muội, mỗi ngày qua, sự già, sự chết nó lần lượt kéo đến gần, sanh mạng giảm bớt mà họ vẫn thản nhiên mãi tìm lạc thú tạm bợ, không sợ không lo, không biết suy tầm con đường diệt khổ giải thoát”. Đức Phật liền nói kệ rằng:

 

“Ngày nay đã qua,

Mạng sống giảm dần.

Như cá cạn nước,

Nào có vui chi?”.

 

Đọc đến bài kệ trong kinh Xuất Diệu mình nên quan niệm như thế nầy: Thuở xưa đức Phật đã có than thở như vậy thì tất nhiên hiện tại đây cũng vậy. Chẳng riêng gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thập phương chư Phật cũng vậy, luôn luôn nhìn ngó đến mình, đến tất cả chúng sanh và luôn luôn thương xót lo lắng mong mỏi cho mọi người y theo chánh pháp của đức Phật đã dạy ra đó mà thực hành để vượt ra khỏi nơi cái ao cạn sanh tử luân hồi. Nói một cách khác, chánh pháp của đức Phật như sợi dây thòng xuống nơi cái ao sâu sắp cạn đó. Giờ đây, mình có chịu khó mà nắm sợi dây để phăng lên, để ra khỏi cái ao sâu sắp cạn đó, hầu đến chỗ mát mẻ an lành hơn hay là không đó mà thôi. Nếu mình chưa chịu nắm nơi đó để thoát ra thì chư Phật luôn luôn lúc nào cũng lo lắng xót thương và mong mỏi.


Nếu mình nghĩ đến chư Phật lúc nào cũng thương và lo lắng như vậy, tất nhiên thiện căn mình nó sẽ thúc đẩy mình tinh tấn trên con đường tu học pháp lành. Mỗi khi mình có giây phút tạm quên chạy theo những lạc thú ở thế gian, thì nên nhớ lại bài kệ nầy để nghĩ ngẫm lại. Vì thế cho nên trong các thời khóa tụng hằng ngày, chư Tổ đem bài kệ nầy để vào trong thời công phu chiều:

 

“Thị nhựt dĩ quá,

Mạng diệc tùy giảm.

Như thiểu thủy ngư,

Tư hữu hà lạc!”.

 

Đại chúng!

 

“Đương cần tinh tấn

Như cứu đầu nhiên

Đản niệm vô thường

Thận vật phóng dật”.

 

Dịch:

 

Ngày nay lại đã qua rồi,

Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan.

Dường như cá cạn ở ao,

Khổ thêm thì có chút nào vui đâu?

 

Trong Bồ tát Tâm Địa phẩm, về phần Dưới, đức Phật Lô Xá Na đã nói giới Bồ tát, trong giới Bồ tát có 10 giới trọng và 48 giới khinh, cộng lại là 58 điều giới. 


Đức Phật Thích Ca đem lời giảng ở nơi phẩm Tâm Địa của Phật Lô Xá Na để truyền lại khắp tất cả Ta bà thế giới nầy nghĩa là trong đại thiên thế giới, phần Dưới của phẩm Bồ Tát Tâm Địa. Thế nên những vị đã thọ Bồ tát giới đều phải y cứ nơi 58 điều giới mà thọ trì. Do đó cho nên, người thọ Bồ tát giới rồi phải học và hành những điều giới trong phẩm Bồ tát Tâm Địa, phần dưới đây Đức Phật đã dạy.

 

Trong đây, giới, có giới tánh và giới tướng. Giới tánh cũng gọi là giới thể, rất quan trọng. Nếu giới thể không thành, giới tướng không nương đâu mà thành tựu được, bởi vì tướng phải từ nơi thể mới có. Do đó, trong phẩm Bồ Tát Tâm Địa, đoạn đầu nói về phần giới thể hay là giới tánh, còn đoạn sau mới nói về giới tướng là 10 điều trọng và 48 điều khinh.

 

Giờ đây, trong Đại chúng nên dò theo cái văn trong kinh, tôi nương theo đó lần lượt để chỉ dẫn thêm cho Đại chúng được rõ.

 

Đề kinh là kinh Phạm Võng, đề của phẩm là Bồ tát Tâm Địa. Tôi đã lược nói qua về ý nghĩa của đề kinh và đề phẩm rồi. Đây mới nói đến các nhà phiên dịch, phần nầy cũng quan trọng lắm, chính đó là phần chứng tín, chắc chắn rằng quyển kinh nầy có xuất xứ, có lịch sử chớ không phải quyển kinh mơ hồ nơi căn bản xuất xứ. Nếu mơ hồ nơi căn bản xuất xứ thì khó biết được là phải của Phật nói ra và kiết tập truyền lại hay không?

 

Do đó cho nên các nhà phiên dịch là một điều chứng tín quan trọng.

 

Trong đây nói Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ văn Phạn ra văn Hán hồi đời nhà Dao Tần, trong mục lục của Tạng thì đề rõ là có những vị nhuận bút, vị nào chép văn, vị nào dịch nghĩa. Như vậy, có nghĩa kinh nầy chắc chắn là có bổn chánh bằng văn Phạn, đã kiết tập từ xưa, truyền qua Tàu, rồi ngài Cưu Ma La Thập mới dịch ra văn Hán và từ đó quyển chánh văn Hán, tôi dịch ra quyển chữ Việt đây. 



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH


I.- LÔ XÁ NA PHẬT

 

“Bấy giờ Đức Phật Lô Xá Na vì trong Đại chúng lược giảng Tâm Địa như chừng đầu sợi lông trong số trăm ngàn hằng hà sa bất khả thuyết pháp môn”.

 

Pháp môn của chư Phật giáo hóa chúng sanh có vô lượng vô biên. Đức Phật Lô Xá Na giảng pháp Tâm Địa nầy là một phần nhỏ trong pháp môn của Phật nói, nên gọi là chừng đầu sợi lông mà thôi, để nói lên một phần rất nhỏ đối với pháp môn của Phật đã dạy. Ngài kết:

 

“Tâm Địa đây chính là lời của tất cả Phật thời quá khứ đã giảng, tất cả Phật thời vị lai sẽ giảng và tất cả Phật thời hiện tại đương giảng. Cũng là pháp môn mà tất cả Bồ tát đã học, sẽ học và đương học”.

 

Giảng “Tâm Địa” đây là giảng cho chư vị Bồ tát theo đó mà học. Do đó tất cả Bồ tát quá khứ, hiện tại và vị lai đều đã học, đương học, sẽ học. Cho nên biết rằng chúng ta đây đã nhiều đời trồng thiện căn sâu dầy, mới gặp được phẩm Tâm Địa nầy để học hỏi, phụng trì, chúng ta phải thận trọng pháp Tâm Địa nầy!

 

 “Ta” đây là chỉ cho đức Phật Lô Xá Na, vì trong lúc đó đức Phật đương giảng:

 

“Ta đã từng trăm A tăng kỳ kiếp tu tập Tâm Địa nầy, do đó Ta được hiệu là Lô Xá Na. Chư Phật, các Ngài đem lời giảng của Ta đây hầu mở con đường “Tâm Địa” cho hết thảy chúng sanh”.

 

Tâm Địa nầy là đức Phật Lô Xá Na đã giảng và chứng được. Chứng được Tâm Địa đây, đức Phật nói đã từng tu trăm a tăng kỳ kiếp mới được viên mãn quả Phật. Còn chư Phật là đức Phật Lô Xá Na gọi Phật Thích Ca. Trong khi Phật Thích Ca đang ngồi nghe đức Phật Lô Xá Na nói pháp Tâm Địa, không phải một đức Phật Thích Ca mà có nhiều đức Phật Thích Ca, nên đoạn sau có nói đến số lượng.

 

Sỡ dĩ cần phải mở con đường Tâm Địa cho chúng sanh vì chúng sanh bị khổ sanh tử trong tam giới, bởi vì không biết được Tâm Địa. Chỉ biết thân cảnh, rồi bị thân cảnh chi phối. Cho nên ba nghiệp cũng bị sự chi phối thân cảnh, do đó có chấp. Do chấp sanh ra phiền não: tham, sân, si. Rồi đối cảnh thuận thì tham, cảnh trái nghịch thì sân. Ở trong đó không nhận được thiệt sự thiệt lý nên sanh ra si mê.

 

Do chấp thân cảnh, sanh ra phiền não tham, sân, si tất nhiên có hành động, tạo nghiệp lành, dữ, gọi là nghiệp hữu lậu, để kết thành quả sanh tử luân hồi ở trong tam giới nầy. Nghiệp dữ thì quả báo tam đồ khốn khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nghiệp lành thì hưởng quả vui nhơn thiên, nhưng quả vui hay khổ đều ở trong vòng sanh tử luân hồi cả.

 

Do vì theo ở nơi thân cảnh cũng gọi rằng chạy theo trần lao nên có sanh tử. Muốn thoát khỏi sanh tử thì đừng chạy theo thân cảnh nữa, mà phải quay trở về “Tâm Địa”. Cho nên nói mở con đường “Tâm Địa” cho hết thảy chúng sanh. Con đường “Tâm Địa” đây không phải là mới có, nó có sẵn nơi tất cả chúng sanh, cũng như chư Phật. Nhưng chư Phật đã đi vào trong đó và chứng được nơi đó. Còn chúng sanh cũng đầy đủ “Tâm Địa” mà không hay không biết, cứ chạy theo trần cảnh, do đó bị bít lấp. Bây giờ chư Phật khai phát nó ra cho chúng sanh được nghe, được biết, được thấy, để chúng sanh đi vào trong đó mà hiển phát nơi diệu dụng của “Tâm Địa”. Việc mà chư Phật làm cho chúng sanh vào trong “Tâm Địa” của chúng sanh, gọi là chư Phật ở trong “Tâm Địa” chúng sanh.

 

Nhưng kỳ thiệt, “Tâm Địa” không phải là con đường, đã không phải con đường thì tức nhiên đâu có nghĩa là mở hay đóng. Nhưng vì chúng sanh không nhận biết, bỏ rơi cái mình sẵn có thành ra đối với chúng sanh, thì chúng sanh không nhận biết, như là bị lấp bít. Mà chư Phật làm cho chúng sanh nhận biết được thì đó là chư Phật khai phát vậy.

 

Sao gọi “Tâm Địa” là con đường? Nếu chúng sanh nào nhận thấy được “Tâm Địa”, rồi cứ y theo để tu, thì từ phàm phu trở thành bậc Thánh, từ nơi chúng sanh thành Phật. Như vậy, “Tâm Địa” có nghĩa là con đường để đưa chúng sanh từ chỗ nầy đến chỗ kia, từ nơi chúng sanh sanh tử mà thành Phật toàn giác giải thoát. Cho nên nói mở con đường, theo ý nghĩa và công dụng mà đặt tên những danh từ thôi, chớ thiệt không có gì gọi là mở, cũng không gì gọi là con đường riêng.

 

“Liền đó, từ trên tòa Thiên quang sư tử rực rỡ nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, đức Phật Lô Xá Na phóng ra những tia sáng. Trong tia sáng ấy có tiếng nói với chư Phật đang ngự trên nghìn cánh sen báu: “Các Ngài thọ trì phẩm Tâm Địa Pháp Môn của Ta đây, rồi tuần tự đem giảng lại cho nghìn trăm ức Thích Ca cùng tất cả chúng sanh. Ai nấy đều nên thọ trì đọc tụng và nhứt tâm vâng làm”.

 

Sau khi phú chúc, đức Phật Lô Xá Na liền phóng ra tia sáng nơi tòa Thiên quang sư tử, nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, là chỗ ngự của đức Phật Lô Xá Na. Những tia sáng mà đức Phật Lô Xá Na phóng ra trong tia sáng đó có tiếng nói, tiếng nói với chư Phật đang ngự trên nghìn cánh sen báu, khuyên chư Phật nên thọ trì phẩm “Tâm Địa Pháp Môn” của Phật Lô Xá Na, rồi tuần tự đem giảng lại cho nghìn trăm ức Thích Ca và tất cả chúng sanh. Như vậy, trên nghìn cánh sen báu, mỗi cánh sen có một đức Phật ngự.

 

Nếu người nào mà theo trong đây đã dự vào hàng chư Phật, vì sao? Vì pháp nầy chư Phật đều thọ trì, đọc tụng và nhứt tâm vâng làm. Không phải chỉ là Bồ tát mới thọ trì, đọc tụng và nhứt tâm vâng làm.

 

Số ngàn trăm ức Thích Ca đó, thường hiểu danh hiệu đức Phật Thích Ca là thiên bá ức, là ngàn trăm ức.

 

“Sau khi lãnh thọ phẩm “Tâm Địa Pháp Môn”, chư Phật đang ngự trên nghìn cánh sen báu cùng nghìn trăm ức Thích Ca đồng đứng dậy rời khỏi tòa Sư tử. Toàn thân các Ngài chiếu ra vô số tia sáng. Trong mỗi tia sáng ấy đều hóa hiện vô lượng Đức Phật, đồng thời tung lên vô lượng hoa đẹp, xanh, vàng, đỏ, trắng để cúng dường đức Phật Lô Xá Na. Cúng dường xong chư Phật từ tạ trở về”.

 

Nơi đức Phật ngự gọi là tòa sư tử. Tòa sư tử đó, không phải là tướng của sư tử, mà bất cứ nơi nào Phật ngự đều gọi là tòa sư tử cả? Vì sao? Vì đức Phật là bậc tự tại đối với tất cả mọi loài, tất cả người đều kính phục, cũng như sư tử đối trong tất cả loài muôn thú tự tại không e sợ gì cả, bởi vì sư tử là chúa tể trong các loài và khi có tiếng sư tử rống lên thì tất cả muôn thú đều khiếp sợ, nép phục, cho nên lấy sư tử để biểu hiện cho sự tự tại vô ngại ô úy của đức Phật. Vì thế nên chỗ Phật ngự gọi là tòa vô ngại vô úy, là tòa sư tử.

 

“Toàn thân của chư Phật đều chiếu ra vô số tia sáng. Trong mỗi tia sáng hóa hiện vô lượng đức Phật, nghĩa là nơi thân thì chiếu ra vô số tia sáng, cứ mỗi tia sáng hóa hiện vô lượng đức Phật. Đồng thời tung lên vô lượng hoa đẹp có đủ bốn màu: xanh, vàng, đỏ, trắng để cúng dường đức Phật Lô Xá Na, cúng dường xong chư Phật từ tạ trở về”.

 

Đây là thuật lại cảnh mà chư Phật cúng dường Phật Lô Xá Na trước khi từ tạ trở về thế giới của mình đương giáo hóa.

 

Nên biết rằng chư Phật là một ngàn đức Phật cùng trăm ức đức Thích Ca đem Đại chúng đến nghe đức Phật Lô Xá Na giảng pháp ở Liên Hoa Đài Tạng, nghe xong trước khi trở về thế giới của mình thời hiện lên sự cúng dường Phật Lô Xá Na. Cúng dường đây, chư Phật không có cái trực tiếp cúng dường.

 

Sau khi rời khỏi thế giới Liên Hoa Đài Tạng (chỗ đức Phật Lô Xá Na) chư Phật không trở về thế giới của mình bằng cách thường, mà nhập vào chánh định. Chánh định đó tên là “Thể tánh hư không Hoa Quang”.

 

Trong khi nhập chánh định “Thể tánh hư không Hoa Quang” đó là chư Phật trở về nơi chốn cũ, dưới cội Bồ đề nơi cõi Diêm Phù, là Bồ Đề Đạo Tràng.

 

“Sau khi ra khỏi chánh định Thể tánh hư không Hoa Quang, Đức Phật mới ngự trên tòa Kim Cương Thiên Quang Vương và Diệu Quang Đường mà giảng về Thập Thế Giới Hải”.

 

Chư Phật nhập chánh định, trong khi nhập định đó trở về nơi đạo tràng. Khi về Bồ Đề Đạo Tràng rồi, chư Phật mới xuất định nên nói rằng, đức Phật mới ngự nơi tòa Kim Cương Thiên Quang Vương, là tòa nơi cội Bồ đề, nói tắt là Kim Cang tòa.

 

Tòa Kim Cang nầy rất sâu cho đến đụng Kim Cang tế. Khi Bồ tát sắp sửa thành Phật, thì lên ngồi trên tòa Kim Cang để nhập Kim Cang định, khi nhập Kim Cang định rồi, mới được thành Phật. Khi nhập Kim Cang định tất nhiên có sự chấn động mạnh, thì những chỗ khác không thể nào có sức chịu đựng nổi sự chấn động đó, phải sụp, phải lở, chỉ có tòa Kim Cang nầy chịu đựng được mà thôi, cho nên tòa Kim Cang sâu đến Kim Cang tế, chứ không phải là lưng chừng giữa, mới có thể chịu đựng được sức chấn động, khi Bồ tát nhập Kim Cang định.

 

Ta có thể hiểu như thế nầy, khi đủ duyên thì tòa Kim Cang hiện ra, khi Chư Phật ẩn đi, thì tòa Kim Cang lặn, sau khi Phật đã rời khỏi tòa Kim Cang rồi, đi thuyết pháp cho đến nhập diệt. Do đó cho nên nói dưới cội Bồ đề có tòa Kim Cang, nay chúng ta đến cội Bồ đề hiện còn bên Ấn Độ chỉ là đá.

 

Tòa Kim Cang Thiên Quang Vương dưới cội Bồ đề là cõi của chúng ta đây, còn Diệu Quang Đường là nơi cung trời của Tứ Thiên Vương. Trên trời Tứ Thiên Vương có một tòa nhà gọi là Diệu Quang Đường. Tòa nhà đó là nơi Phật ngự, nghĩa là Phật ngự nơi Bồ Đề Đạo Tràng, Kim Cang tòa đó và nơi cung trời Tứ Thiên Vương giảng về Thập Thế Giới Hải.

 

“Rồi đức Phật giảng pháp Thập Trụ nơi cung trời Đế Thích, giảng pháp Thập Hạnh nơi cung trời Diệm Ma, giảng pháp Thập Hồi Hướng, nơi cung trời Đâu Suất, giảng pháp Thập Thiền Định nơi cung trời Hóa Lạc, giảng pháp Thập Địa nơi cung trời Tha Hóa, giảng pháp Thập Kim Cang nơi cõi Sơ Thiền, giảng pháp Thập Nhẫn nơi cõi Nhị Thiền, giảng pháp Thập Nguyện nơi cõi Tam Thiền và sau cùng ở Tứ Thiền nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương. Đức Phật giảng phẩm Tâm Địa Pháp Môn mà thuở trước đức Phật Lô Xá Na đã giảng ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng”.

 

Sau khi giảng về Thập Thế Giới Hải ở cung trời Tứ Thiên Vương và Bồ Đề Đạo Tràng rồi, đức Phật ngự nơi cung trời Đế Thích để giảng pháp Thập Trụ. Cung trời Đế Thích là cõi trời Đao Lợi mà Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn, là chúa của cõi đó.

 

Thích Đề Hoàn Nhơn là danh hiệu của Thiên Đế, còn gọi Thiên Vương vậy, là vua trời Đao Lợi, cõi trời thứ hai ở cõi Dục. Nơi đó đức Phật giảng pháp Thập Trụ, rồi đức Phật đến cung trời thứ ba (Diệm Ma, có chỗ gọi là Dạ Ma) giảng pháp Thập Hạnh. Sau đó đến cõi trời thứ tư (Đâu Suất) giảng pháp Thập Hồi Hướng, rồi đến cõi trời thứ năm (Trời Hóa Lạc) giảng pháp Thập Thiền Định, rồi đến cõi trời thứ sáu (Trời Tha Hóa) giảng pháp Thập Địa.

 

Cõi Dục có sáu từng trời, bắt dưới tính lên, thì trời Tứ Thiên Vương là kế thế giới Ta đây, trên Tứ Thiên Vương Thiên thì có Đao Lợi Thiên, rồi đến Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, rồi đến Tha Hóa Tự Tại Thiên.

 

Đức Phật rời cõi Dục, đến cõi Sắc. Nơi trời Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền. Sau cùng ở Tứ Thiền nơi cung của Đại Tự Tại Thiên Vương mà giảng phẩm Tâm Địa Pháp Môn của đức Phật Lô Xá Na đã giảng ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng.

 

“Tất cả nghìn trăm ức đức Thích Ca ở nơi thế giới của mình đều giảng nói như thế cả”.

 

Đây là thuật lại việc thuyết pháp ở nơi các từng trời của đức Phật Thích Ca, từ nơi Bồ Đề Đạo Tràng, đến cõi trời Tứ Thiên Vương, rồi đến cung trời Đao Lợi, lần lượt cho đến cung trời Tứ Thiền.

 

Một đức Thích Ca cho đến nghìn trăm ức đức Thích Ca đều hiện thân ở các cõi trời và đều giảng nói những pháp đồng như vậy cả. Không phải chỉ có một ứng thân của Phật Thích Ca mà có đến nghìn trăm ức ứng thân Thích Ca Mâu Ni.

 

Trong đây nói phẩm Hiền Kiếp là một phẩm trong kinh Phạm Võng nầy. 


Trước khi tôi dịch ra bổn nầy thì ở Việt Nam cũng có một vài vị Thượng tọa đã dịch. Nhưng các vị trong Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thấy rằng cần phải có một bản dịch chỉnh đốn hơn, để cho chư Tăng cũng như các vị cư sĩ thọ Bồ tát giới có bổn để tụng, để Bố tát. Do đó cho nên, yêu cầu tôi dịch nên thành ra mới có bổn nầy. Lúc đó ngài Hòa thượng Huệ Quang làm Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Sau khi tôi dịch rồi, thì đệ lên Giáo Hội và Giáo Hội có triệu tập một ban để kiểm duyệt. Sau khi kiểm duyệt rồi, thì nhận định bản dịch của tôi có phần giá trị xứng đáng có thể lưu hành được để trong hàng Tăng giới cũng như tại gia thọ Bồ tát giới để thọ trì và tụng niệm.

 

Do đó cho nên mới để chứng minh do Hòa thượng Huệ Quang Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

 

 

PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH

 

Đầu tiên nói về Đức Phật Lô Xá Na. Danh từ Lô Xá Na Phật thường để chỉ chung cho báo thân của Phật. Chư Phật đều có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Ứng thân.

 

Pháp thân gọi là Tỳ Lô Giá Na.

Báo thân gọi là Lô Xá Na.

 

Lô Xá Na chỉ cho phần viên mãn quả đức. Chư Phật đã nhiều kiếp tu hành ở nơi phước và trí. Sự tu hành về phước và trí đó trong nhiều đời thuộc về ở nơi nhơn địa, nhơn địa hoàn mãn thì kết thành quả địa. Nhơn địa là Bồ tát, còn quả địa là Phật.

 

Quả địa là cái báo mà nhơn địa Bồ tát được, cũng như mình tạo nghiệp thì có báo, tạo nghiệp người thì có báo người, tạo nghiệp trời thì có báo trời. Chư vị Bồ tát cũng vậy, tạo nghiệp Phật, cho nên thành báo Phật. Báo Phật thường gọi là thành Phật. Bây giờ đã có báo Phật, tất nhiên có thân Phật. Thân Phật đó do nơi nhơn Phật mà cảm thành thì gọi là Lô Xá Na cho nên Lô Xá Na là báo thân Phật vậy.

 

Thứ ba thuộc về Ứng thân Phật. Sau khi thành Phật, chư Phật đều tùy theo cơ duyên của chúng sanh, ở mỗi một thế giới ứng hiện thân cho vừa theo căn cơ của mọi loài chúng sanh để độ, để giáo hóa. Ứng thân đó vô lượng, vì chúng sanh có vô lượng loài, vô lượng căn cơ, cho nên thân Phật ứng hiện cũng vô lượng.

 

Phật ứng hiện trong cõi Ta bà thế giới nầy, trong thời kỳ theo căn cơ của chúng sanh hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Nên biết rằng hiệu Thích Ca Mâu Ni đó chỉ là hiệu Phật theo căn cơ chúng sanh trong một thời kỳ đó thôi. Phật vì rằng đã theo căn cơ chúng sanh, nếu ở một thế giới khác và căn cơ chúng sanh đó lại khác, ngôn từ cũng khác thì hiệu Phật cũng theo nơi đó mà có khác.

 

Tóm lại, Phật nào cũng có ba thân: Pháp thân chính là thể tánh Phật. Báo thân Phật là thân quả báo. Từ nơi thân thiệt của Phật tùy theo cơ cảm của chúng sanh mà biến hóa nhiều thân để độ chúng sanh mà biến hóa nhiều thân để độ chúng sanh, thân đó gọi là Ứng hóa thân.

 

Ứng thân và Hóa thân khác nhau thế nào?

 

Ứng thân mỗi khi hiển hiện ra theo căn cơ chúng sanh để độ thì có từng giai đoạn, gọi là phần căn cứ về lịch sử. Cũng như đức Thích Ca Mâu Ni Phật, trước đó có: Giáng thân, thọ thai nơi vương cung Tịnh Phạn ở nước Ca Tỳ La Vệ, Thiên Trúc. Rồi sanh ra làm thái tử Tất Đạt Đa. Lớn lên xuất gia tu hành thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Sau khi thành Phật, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Từ khi xuất xứ cho đến kết cuộc, cũng đúng theo căn cơ của chúng sanh, cũng phải từ nơi mẹ sanh ra, rồi lớn lên, tạo sự nghiệp, rồi cũng già chết. Đức Phật cũng vậy. Sau khi thuyết pháp xong, công việc đã hoàn tất, đức Phật nhập Niết Bàn, đó gọi là Ứng Thân Phật. Còn Hóa Thân Phật cũng tùy trường hợp, chỉ có trong tùy lúc tùy thời mà thôi.

 

Chúng sanh đủ duyên, cần được khỏi khổ, được vào đạo, Phật tùy theo đó mà hiện thân, để cho chúng sanh được thấy và giáo hóa họ. Không biết thân đó xuất xứ từ đâu, mà không biết đi về đâu, không có sự giáng sanh, cũng không phải có sự nhập Niết Bàn, đó gọi là Hóa Thân. Ứng Thân và Hóa Thân là những thân tùy theo cơ duyên của chúng sanh để độ. Như vậy, Ứng Thân và Hóa Thân có khác nhau. Ví như đức Quán Thế Âm Bồ tát cũng có Hóa Thân với Ứng Thân. Ứng Thân là phần lịch sử, hoặc sanh trong nhà vua, lớn lên thế nào, rồi tu hành, rồi đắc đạo. Đó gọi là Ứng Thân của Ngài Quán Thế Âm Bồ tát.

 

Còn Hóa thân là tỷ như có người đang bị tai nạn, chí tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm, lúc đó hoặc thấy có một bà già hiện đến cứu người ra khỏi tai nạn, rồi biến mất đi đâu. Như vậy gọi là Hóa Thân. Sau khi được cứu khổ rồi mới trực nhận rằng mình niệm đức Quán Thế Âm mới gặp được bà già, biết rằng đức Quán Thế Âm hiện đến cứu khổ cho ta.

 

Đức Lô Xá Na Phật, là Báo Thân của Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Thích Ca Mâu Ni là Ứng Thân của Phật Lô Xá Na vậy. 

Comments

Popular posts from this blog