GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH


 

 

VII.- TỔNG KẾT

 

Đức Phật dạy: Các Phật tử, đó là 48 điều giới khinh, các ngươi phải thọ trì. Chư Bồ tát đời quá khứ đã tụng, chư Bồ tát đời vị lai sẽ tụng, chư Bồ tát đời hiện tại đương tụng.

 

Đó là chỉ cho 48 điều giới khinh nầy mà tam thế Bồ tát đều đã tụng hết.

 

Các Phật tử lóng nghe: 10 giới trọng, 48 giới khinh đây, chư Phật trong ba đời đã tụng, sẽ tụng và hiện đang tụng. Nay Ta cũng tụng như vậy.

 

Chẳng những tam thế Bồ tát đã tụng, sẽ tụng và hiện đương tụng mà hiện tại Phật Thích Ca cũng như chư Phật trong tam thế cũng đều tụng như vậy.

 

VIII.- LƯU THÔNG

 

Đức Phật phán tiếp: Tất cả Đại chúng, Quốc vương, Vương tử các quan, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, tín nam, tín nữ thảy, những người thọ trì giới Bồ tát, nên phải thọ trì đọc tụng biên chép quyển giới pháp Phật tánh thường trụ để lưu thông mãi mãi…

 

Đây nói giới pháp Phật tánh thường trụ tất nhiên là ở nơi giới Bồ tát nầy.

 

Tất cả chúng sanh xoay vần truyền dạy lẫn nhau không dứt. Do đây đặng gặp chư Phật, được chư Phật trao tay. Đời đời khỏi hẳn ba ác đạo và tám chỗ nạn. Thường được thác sanh trong loài người hay cõi trời…

 

Nếu đúng theo giới Bồ tát để thọ trì, tức là Phật tánh chủng tử. Mà đã thọ trì giới Bồ tát tất nhiên là thọ trì Phật tánh chủng tử, thì nhứt định sẽ gặp chư Phật. Mà đã gặp chư Phật rồi, thì được chư Phật thọ ký, được chư Phật tiếp dẫn, nên gọi là chư Phật trao tay, “trao tay” tức là đưa tay. Đưa tay có hai thứ: một là tiếp dẫn, hai là thọ ký. Đời đời khỏi hẳn ba ác đạo và tám chỗ nạn, không còn bị sa đọa nữa. Thường được thác sanh trong loài người hay cõi trời, dần dần được thành Phật.

 

Nay Ta ở dưới cội Bồ đề nầy, lược giảng giới pháp của chư Phật. Tất cả Đại chúng phải nhứt tâm học Ba La Đề Mộc Xoa hoan hỷ phụng hành. Như phần “Khuyến học” trong phẩm “Vô Tướng Thiên Vương” đều mỗi mỗi được giảng rõ…

 

Đây là đức Phật kết lại: hiện tại đây, đức Phật ở dưới cội Bồ đề, lược giảng giới pháp của chư Phật, đây chỉ là lược giảng thôi. Nói rộng thì còn những phẩm khác, cho nên ở dưới mới giới thiệu phần “Khuyến Học” trong phẩm “Vô Tướng Thiên Vương” mỗi mỗi đều giảng rõ. Ba La Đề Mộc Xoa, tất nhiên là chỉ cho giới luật đây, giới Bồ tát nầy vậy.

 

Lúc đó chư Học sĩ trong cõi Tam thiên ngồi lóng nghe đức Phật tụng giới, hết lòng kính trọng, hoan hỷ thọ trì…

 

Chư Học sĩ là chư Bồ tát. Phật là bậc Vô học, Bồ tát là bậc còn phải học, học tới chừng nào thành Phật mới thôi.

 

Tất cả chư vị Bồ tát trong Tam thiên, Đại thiên thế giới hiện đang có mặt trong pháp hội để nghe đức Phật tụng giới Bồ tát nầy. Tất cả vị Bồ tát đó đều hết lòng kính trọng hoan hỷ thọ trì.

 

Do đó nên khi Bố tát lễ Phật đó, có xướng lên rằng: “Phạm Võng Hội Thượng Tam Thiên học sĩ”.

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng xong về mười vô tận pháp giới trong phẩm “Tâm Địa Pháp Môn” của đức Phật Lô Xá Na đã giảng ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng lúc trước: nghìn trăm ức đức Phật Thích Ca cũng đồng giảng như vậy …

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở Diêm Phù Đề nầy, giảng phẩm “Tâm Địa Pháp Môn” của Đức Phật Lô Xá Na đã giảng ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng thì nghìn trăm ức đức Thích Ca phân thân trong Tam thiên Đại thiên thế giới nầy cũng đồng giảng như vậy.

 

Từ cung Đại Tự Tại Thiên Vương đến dưới cây Bồ đề nầy thuyết pháp cả mười chỗ, vì tất cả Bồ tát và vô số Đại chúng thọ trì đọc tụng giảng thuyết pháp nghĩa cũng như vậy… Nghìn trăm ức thế giới. Liên Hoa Đài Tạng thế giới…, vi trần thế giới, chư Phật cũng giảng thuyết như vậy…

 

Câu nầy chỉ rõ bất luận chư Phật nào cũng đều giảng thuyết nơi giới Bồ tát như thế cả.

 

Do đó ta thấy giới Bồ tát khác với giới Thanh Văn. Giới Thanh Văn (giới Sa di, Tỳ kheo) tùy theo các trường hợp mà thuyết giới.

 

Đức Phật ra đời không có kiết giới Tỳ kheo là đức Phật Ca Diếp. Còn chế giới Tỳ kheo là do đức Thích Ca. Đó là tùy nơi trường hợp, trình độ của người xuất gia ở mỗi thời, mỗi chỗ khác nhau giữa giới Thanh văn và Bồ tát, Tỳ kheo có khi có ở cõi nầy, không có ở cõi khác và có đức Phật ra đời chế giới, có đức Phật ra đời không chế giới.

 

Giới Bồ tát thì không luận là quá khứ hiện tại vị lai, thập phương chư Phật bất luận cõi nào, không luận Phật nào, đồng như vậy hết.

 

Tất cả Phật Tâm tạng, Địa tạng, Giới tạng, Vô lượng hạnh nguyện tạng, Nhơn quả Phật tánh Thường trụ tạng. Tất cả chư Phật giảng thuyết vô lượng Pháp tạng như thế đã xong…

 

(đã có chú thích ở trên rồi)

 

Tâm tạng là : Thập Phát Thú tâm, Thập Trưởng Dưỡng tâm, Thập Kim Cang tâm.

 

Địa tạng chỉ cho Thập địa; Giới tạng chỉ cho 10 giới trọng và 48 giới khinh.

 

Vô lượng hạnh nguyện tạng là lục độ vạn hạnh của Đại thừa. Nhơn quả Phật tánh thường trụ, Phật tánh tức là thật tướng, là Nhơn của Đại thừa và cũng là quả của Đại thừa.

 

Hết thảy chúng sanh trong nghìn trăm ức thế giới đều thọ trì, hoan hỷ phụng hành. Còn về phần giảng rộng như hành tướng của Tâm Địa thời như trong phẩm “Phật Hoa Quang Vương Thất Hạnh” có nói.

 

Đây là nhà kiết tập nói: những hành tướng của Tâm Địa được giảng rộng nơi phẩm “Phật Hoa Quang Vương Thất Hạnh” vậy thì phẩm nầy nói về hành tướng của Tâm Địa (Tướng Tâm Địa là giới luật của Bồ tát) nơi đây chỉ nói lược mà thôi.

 

 

IX.- KỆ KHEN TẶNG PHÁP GIỚI

 

“Người trí nhiều định huệ,

Thọ trì được pháp nầy.

Lúc còn chưa thành Phật,

Được hưởng năm điều lợi…”

 

Nói những người thọ trì ở nơi giới pháp Bồ tát nầy thì lúc chưa thành Phật, được hưởng năm điều lợi.

 

“Một là thập phương Phật.

Thương tưởng hộ trì luôn…”

 

Được chư Phật hộ niệm. Mà được chư Phật hộ niệm thì nguyện lực của Phật luôn luôn hộ trì, giữ gìn người đó luôn ở trong đường lành, tăng trưởng thiện căn, cho các chướng ác không còn khởi, chủng tử Phật luôn tăng trưởng.

 

“Hai là lúc lâm chung,

Chánh niệm lòng vui vẻ…!”

 

Người thọ trì chánh giới thì lúc lâm chung bao giờ cũng được chánh niệm, thường thường người sắp chết tâm tán loạn. Những tạp niệm nổi lên dữ dội trong tâm làm loạn. Còn người thọ giới Bồ tát thì chánh niệm chỉ có nghĩ đến Phật, chánh pháp chớ không có niệm khác xen vô, gọi đó là chánh niệm. Trong lòng vui vẻ, hân hoan.

 

Người sắp chết biết khổ nên ăn năn hối tiếc, sợ sệt. Còn người thọ trì giới pháp nầy thì trong lòng hoan hỷ. Đó là điều lợi ích thứ hai.

 

“Ba là sanh nơi nào,

Cùng Bồ tát làm bạn…”

 

Bất luận là sanh nơi nào, chỗ nào, cõi nào thì luôn được các vị Bồ tát làm bạn. Như vậy là bảo đảm để đi đến con đường thành Phật.

 

“Bốn là những công đức,

Giới độ đều thành tựu…

Năm, đời nầy, đời sau

Đủ giới và phước huệ”

 

Giới đức đầy đủ, nơi phước đức đầy đủ mà nơi huệ cũng đầy đủ nữa. Như thế dần dần sẽ toàn vẹn nơi quả Phật. Phước huệ viên mãn là phước trí trang nghiêm. Huệ tức là trí mà nếu phước trí viên mãn trang nghiêm, đó là thành tựu quả Phật. Do nơi đâu? Do nơi giới đầy đủ, nếu giới không đầy đủ thời có xen tội vào. Nếu phước được viên mãn mà giới không toàn vẹn thì định không do đâu mà có, định không có thì huệ làm sao viên mãn được? Nên giới phải đầy đủ trước, rồi phước huệ mới đầy đủ sau, vì giới là nền tảng.

 

“Đây là hạnh của Phật;

Người trí khéo nghĩ lường…”

 

Nghĩa là phải tư duy nơi giới nầy.

 

“Kẻ trước tướng chấp ngã (phàm phu)

Không thể được pháp nầy…”

 

Phàm phu luôn chấp ngã (kẻ trước tướng chấp ngã), chấp thân, chấp cảnh, cho nên đối với pháp nầy khó được.

 

“Người trầm không trệ tịch (Tiểu thừa)

Cũng không gieo giống được…”

 

Hàng Tiểu thừa không chấp tướng, chấp ngã như phàm phu nhưng lại say mê nơi cảnh giới Niết bàn Không tịch. Sự say mê đó, gọi là trầm Không trệ tịch, cũng không thể gieo giống Bồ đề vô thượng nầy được.

 

“Muốn nẩy mầm Bồ đề,

Trí huệ soi thế gian.

Phải nên quan sát kỹ,

Thiệt tướng của các pháp.

Không sanh cũng không diệt,

Không thường lại không đoạn.

Chẳng đồng cũng chẳng khác,

Chẳng đến cũng chẳng đi…”

 

Nói về lý tánh của giới. Lý tánh của giới là thiệt tướng của các pháp. Như vậy người muốn nẩy mầm Bồ đề, tức là chủng tử Phật tánh, để có trí huệ Phật soi sáng thế gian, thì cần phải quan sát kỹ thiệt tướng của các pháp, tức là lý tánh của giới.

 

Về tánh thể thì chỉ có một mà thôi, tâm và pháp cùng một tánh thể đó. Tánh thể không sanh, không diệt, gọi là bất sanh, bất diệt, không thường cũng không đoạn. Đó là bản tánh chơn thiệt không hề thay đổi. Dù không sanh diệt nhưng nó tùy duyên. Hễ duyên phàm thì hiện phàm, duyên Thánh thì hiện Thánh. Cũng như duyên chúng sanh thì thành chúng sanh, duyên Phật thì thành Phật. Theo duyên mà thành, cho nên không phải thường. Thường là không thay đổi, rồi cũng theo duyên mà thành Phật, như vậy không có sự dứt hẳn, gọi là không đoạn. Chẳng đồng cũng chẳng khác, chẳng khác là sao? Nghĩa là Phật cũng đó, mà chúng sanh cũng đó. Thanh tịnh cũng vậy, nhiễm ô cũng vậy, nên gọi là chẳng khác. Tuy nhiên không phải là không có nhiễm ô và thanh tịnh, không phải không có phàm, Thánh, không phải không có Phật và chúng sanh, nên gọi rằng chẳng đồng.

 

“Chẳng đến cũng chẳng đi”

 

Nếu có đến có đi, tức là có sanh diệt. Bây giờ không sanh diệt, tất nhiên không có đến, có đi.

 

Cùng khắp tất cả chỗ, không có chỗ nào là không khắp. Nếu có đến thì đến nơi nầy, không đến đằng kia, đây tất cả đều khắp, nên không có đến có đi.

 

“Trong thể nhứt tâm ấy,

Siêng tu tập trang nghiêm…”

 

Thể nhứt tâm ấy là nơi thể, cái thể tánh chơn thiệt của tất cả pháp. Thể tánh không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không đồng, không khác, không đến, không đi, ở nơi thể tánh đó phải siêng tu tập cho trang nghiêm hiển lộ ra, cho tỏ ngộ, cho chứng đắc. Đây phải siêng tu tập lắm mới thành, mới thể hiện được tánh.

 

“Công hạnh của Bồ tát,

Phải tuần tự học tập…”

 

Công hạnh của Bồ tát, nghĩa là Bồ tát hạnh, tuần tự học tập là phải học tập và tu từng bậc, từ thấp đến cao.

 

“Nơi học, nơi vô học,

Chớ móng tưởng phân biệt…”

 

Bởi vì nơi thể tánh chơn thiệt, không có sự phân biệt học với vô học. Học là bậc của chư vị Bồ tát. Vô học là Phật. Chúng sanh và Phật còn đồng, huống gì Bồ tát và Phật ư?

 

“Đây là Đệ nhứt đạo,

Cũng gọi là pháp Đại thừa…”

 

Như trên mới gọi là Đệ nhứt đạo. Cũng gọi là Đệ nhứt nghĩa, cũng gọi rằng chí đạo, mà chính là pháp Đại thừa đó vậy. Do đó chúng ta hiểu pháp Đại thừa như thế nào? Không phải mình thọ giới Bồ tát hay mình tụng kinh Đại thừa mà gọi là tu Đại thừa. Đó chỉ là hình thức thôi, còn thực chất của Đại thừa là phải làm thế nào để thể hiện được thực chất của Đại thừa, tức là phải làm sao để hiện được thực tánh của các pháp như trên đã nói.

 

“Hết thảy lỗi hý luận,

Đều từ đây dứt sạch…”

 

Nếu thể hiện được thiệt tánh như trên thì không có lỗi gì nữa.

 

“Vô thượng trí của Phật.

Đều do đây mà thành…”

 

Tất nhiên cái quả Phật cũng do nơi đây mà thành.

 

“Vì thế nên Phật tử,

Phải phát tâm dõng mãnh.

Nghiêm trì giới của Phật,

Tròn sạch như minh châu..”.

 

Phải nghiêm trì cho hoàn toàn, cho thiệt trong cũng như là minh châu Như ý, không có tỳ vết nhơ bợn gì cả.

 

“Chư Bồ tát quá khứ,

Đã từng học giới nầy.

Hàng vị lai sẽ học,

Người hiện tại đương học.

Đây là đường Phật đi.

Là chỗ Phật khen ngợi…”

 

Chư Phật cũng đi trên con đường nầy, bây giờ ta muốn thành Phật cũng phải đi trên con đường nầy. Mà chỗ Phật khen ngợi thì ta phải trân trọng để thực hành.

 

Việc mà người đời khen ngợi, những người khác khen ngợi, nó không thiệt đáng khen ngợi bằng Phật khen ngợi, bởi vì Phật đã là bậc toàn trí. Mà một khi bậc toàn trí khen ngợi thì không có gì sai.

 

Có một điều là hàng phàm phu không được pháp nầy, hàng Nhị thừa cũng không thể gieo giống nơi giới pháp Bồ tát nầy được. Chúng ta có duyên lành để gặp và thọ giới pháp, dù chưa phải Thánh nhưng cũng đã có thiện căn Đại thừa từ nhiều đời, nên mới khiến cho đủ nhơn duyên ấy. Do đó chúng ta phải trân trọng giữ gìn giới pháp cho thanh tịnh trang nghiêm. Như thế quyết định sẽ được Phật chủng ngày càng tăng trưởng và vững vàng trên con đường thành Phật. Theo trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có nói “Cửu Phẩm Vãng Sanh”. Nếu trong một ngày đêm thanh tịnh trì Bát Quan Trai giới, công đức đó cũng được hồi hướng vãng sanh thế giới Cực Lạc, huống gì đối với giới Bồ tát nầy mà thiệt thanh tịnh trì giới thì vãng sanh Cực Lạc thế giới không phải ở nơi phẩm dưới.

 

Trong Đại chúng đều nên tinh tấn, học tập, tụng đi tụng lại cho tinh tường. Bởi vì nhớ mới có thể trì, mà nhớ và trì đó, phải đúng theo phần hiểu biết.

 

Do đó cho nên quý vị có rảnh thời giờ ra thì nên lật quyển giới pháp ra để xem đi xem lại. Mỗi lần xem một giới, hai giới, suy gẫm cho tường. Tra trước tìm sau, có điều gì không rõ thì ghi, để rồi hỏi han những vị biết nghĩa thông suốt hơn mình mà cầu hỏi. Như thế, ngay nơi quyển giới Bồ tát nầy cũng đủ thành Phật.

 

Ngày xưa có một ông thiện tín, sanh nhằm thời kỳ không có Phật pháp lưu truyền, mà muốn học, tìm lấy một vài pháp môn của Phật, không biết tìm nơi đâu?

 

Khi nghe chư Thiên nói có một chỗ cách xa phải qua bao nhiêu con đường hiểm trở đến nơi xứ đó, thì có một người đầy tớ gái có nhớ được một vài câu kệ của Phật. Ông ta lặn lội nhiều ngày, chịu biết bao nhiêu gian nguy để đến đó gặp người con gái cầu chỉ dạy cho ông. Người tớ gái đó nói rằng chỉ nhớ được có hai câu mà thôi:

 

“Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành”.

(Những điều ác đừng làm,

những điều lành thì cố gắng làm).

 

Chỉ có hai câu đó thôi, mà ngài thiện tín đó phải trải qua bao nhiêu thời gian, chịu bao nguy hiểm để hạ mình xuống cầu người tớ gái dạy. Sau khi cầu được rồi, ông liền tìm chỗ yên lặng ở gần đó để tư duy phán xét. Tư duy quán xét tức là tu tịnh, trong thời gian thoạt nhiên tỏ ngộ cái ý nghĩa sâu xa của hai câu đó, rồi phát thần thông. Lúc trở về dùng thần thông đi về, khỏi phải cực nhọc. Thế mới biết chỉ có hai câu đó, mà ông thiện tín đã thành tựu ngũ thông.

 

Chúng ta bây giờ kinh sách quá nhiều nên coi thường, thiệt ra trong Phật pháp, chỉ cần một bài kệ hay một câu nào thiết yếu, rồi nắm lấy đó mà tư duy quán xét tu trì thì quyết định sẽ thành Phật. Như thế gọi là được một, là được tất cả.

 

Điều hệ trọng nhứt, là ở nơi người học cần phải có sự tư duy, tu tập cho thiết thực, càng ngày càng sâu vào. Sự đi sâu vào, nó quan trọng hơn là rộng, mà cạn cợt thì bị tản mát, cái rộng đó không có lợi ích chi cho bằng ít, mà sâu thấu đáo. Hễ khi sâu mà thấu đáo rồi thì được một tức là được tất cả.

 

Sự học rộng nghe nhiều cũng cần, nhưng nó chỉ là sự trợ giúp thôi. Sự thực hành tu tâm đó mới quan trọng, vì thấu đáo pháp môn để thực hành. Hưởng thọ là do nơi sự sâu và thấu đáo. Tư duy là nơi đó mà suy gẫm. Suy gẫm để trụ tâm nơi đó cho tinh tường.

 

Thí như một câu “Phát Bồ đề tâm”, bốn tiếng đó mình cứ tư duy phát Bồ đề tâm, nghĩa nó như thế nào? Và lúc phát Bồ đề tâm như thế nào? Ta cứ chiêm nghiệm như thế, cho đến khi nào sự tư duy của mình tập trung vào rồi, đi sâu vào đó rồi thì chẳng những là phát Bồ đề tâm mà thấy cả Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là chi? Là MINH TÂM KIẾN TÁNH.

 

Thể hiện được Bồ đề tâm, vận dụng được, tức là ta đã chứng Bồ đề rồi. Mà chứng được Bồ đề tâm tức là thành Phật vậy.

 

 

X.- PHẦN HỒI HƯỚNG

 

 Trên Liên-Hoa-Tạng

 Đức Xá-Na Tôn

 Lược giảng Tâm-Địa Pháp-môn này

 Truyền lại chư Thế-Tôn

 Khinh, Trọng phân rành

Tất cả được nhờ ân.

 

Nam-Mô Phạm-Võng Giáo-Chủ Lô-Xá-Na Phật

Biến Pháp-giới Tam-Bảo.

 

 

KIẾT KINH KỆ

 

 Trời, A-Tu-La, Dạ-Xoa thảy

 Ai đến nghe pháp phải hết lòng

 Ủng-hộ Phật-Pháp cho thường còn

 Mọi người siêng tu lời Phật dạy

 Bao nhiêu thính-giả đến chỗ này

 Hoặc ở cõi đất hoặc trên không

 Nương theo chánh-pháp ngày đêm tu

 Xót thương người đời luôn cứu-hộ

 Cầu cho Thế-giới thường an-ổn

 Pháp-trí vô-biên lợi quần-sanh

 Tất cả tội-nghiệp đều tiêu trừ

 Dứt hẳn quả khổ vào viên-tịch

 Thường dùng giới-hương thoa vóc sáng

 Luôn gìn định-phục mặc che thân

 Hoa mầu trí-giác khắp trang-nghiêm

 Khắp xứ, khắp nơi thường an-lạc.

 

Nam-Mô Hộ-Pháp Chư-Tôn Bồ-Tát Ma-Ha-Tát.

 

CHUNG

 

 

 

BÀI GIẢNG DẠY CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH

TRONG MÙA KIẾT HẠ AN CƯ NĂM ĐINH MÙI - 1967

TẠI CHÙA VẠN ĐỨC “THỦ ĐỨC” MỘT NHÓM

PHẬT TỬ NGHE GIẢNG GHI CHÉP.

 


GIỚI LUẬT LÀ THỌ MẠNG CỦA PHẬT PHÁP

 

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH

 

(Bài ban từ trong Ðại giới đàn Thiện Hòa, ngày 01-04-1993

tại Ðại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu)



 

Ðức Phật là một đấng đại Từ Bi, Ngài xem tất cả chúng sinh mọi loài như con một.   Lòng yêu thương chúng sinh của Ðức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, như mẹ thương con, chỉ mong làm sao cho con mình được hết tất cả khó và hưởng tất cả vui, cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói:

 

"Ðức Phật không có cái tâm tưởng nào khác ngoài tâm đại Từ đại Bi, ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sinh".

 

Vì vậy Ðức Phật ra đời, cũng không ngoài mục đích ấy, vì thương chúng sinh như con một mà phải ban vui cứu khổ, và trong kinh Pháp Hoa Ðức Phật nói rõ:

 

"Ðức Phật ra đời vì muốn cho tất cả chúng sinh được Khai Phật tri kiến, Thị Phật tri kiến, Ngộ Phật tri kiến và Nhập Phật tri kiến, được thành Phật như Phật không khác".  

 

Chỉ một hoài bão duy nhất đó mà Ðức Phật mới ra đời và Ðức Phật cũng nói thập phương Chư Phật ra đời cũng một hoài bão duy nhất đó mà thôi.

 

Do đó, tất cả Pháp của phật nói ra cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh, những người có thể tin được, có thể làm được cũng đến nơi mục đích là hết khổ được an vui cứu cánh giải thoát, đầy đủ trí Huệ đại Từ Bi như Ðức Phật không khác. Cho nên bổn phận hôm nay của chúng ta cũng như các vị Giới Sư, chỉ vì mục đích duy nhất là đem Giáo Pháp của Phật truyền nói lại cho những người kế thừa mình để cho Chánh Pháp của Phật mãi mãi lưu truyền ở thế gian không dứt.

 

 

Ðể chi? Ðể cho những người hiện tại cũng như tất cả những người ở tương lai và rộng đến tất cả mọi loài chúng sanh đều được nhuần nơi chánh Pháp (ban vui cứu khổ) để hết khổ và được an vui.  Như Ðức Phật dạy:

 

"Sau khi Phật diệt độ, chúng ta phải coi Giới luật là bậc Thầy sáng suốt, cũng như Phật còn tại thế không khác".  

 

Bởi vậy, sau Phật diệt độ, nhất là trong thời kỳ mạt Pháp nầy, nếu chúng ta có một tâm giữ gìn được Chánh Pháp của Ðức Như Lai để làm lợi ích cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh đều được an vui hết khổ, thì trước hết phải giữ gìn giới luật của Ðức Phật còn tồn tại ở thế gian, giới luật có tồn tại ở thế gian thì mới có thể làm nền móng cho Chánh Pháp được tồn tại.

 

Muốn giữ gìn giới luật được tồn tại tại thế gian thì phải thực hành nơi giới luật của Phật chế ra lúc Phật còn tại thế.

 

Do đó, mà được truyền nối đến ngày nay. Thế nên ở nơi chúng ta là người đã thọ giới và thực hành theo giới, mà phải đem Giới luật ấy mà ban bố lại cho những người hậu lai để có sự kế thừa liên tục. Vì vậy, nên ta phải làm Giới Sư, phải truyền giới để cho giới đó được giới, học giới và giữ giới.

 

Các vị giới tử đó khi đã có giới rồi thì cũng sẽ truyền lại cho những người khác cũng được thọ giới, học giới và giữ giới. Ðược như vậy thì giới Pháp của Ðức Phật mới có thể tồn tại, mà Giới Pháp tồn tại thì Phật Pháp mới còn, đây là lời nói ở trong Kinh như vậy.

 

Vì sự truyền giới nó rất quan trọng nên tôi xin nhắc nhở cho toàn thể quý vị Giới Sư rằng: Dầu sao đi nữa cũng không nêu ở hoàn cảnh hay là bất cứ những điều chi đó. Mà nó có thể chi phối được mình không làm đúng theo giới luật, nhưng về phần truyền giới mình phải làm sao, nếu không được trọn vẹn hết thì cũng có một phần lớn để hoàn thành những điều ở trong luật chỉ dạy truyền giới phải như thế nào. Vì sự truyền giới có đúng Pháp thì người thọ giới mới được đắc giới.

 

 

Như vậy, giới luật đầu tiên là ở nơi người thọ giới, mà người thọ giới chưa được đắc giới, thì về sau làm sao có được giới thể trang nghiêm có giới đức thanh tịnh được, do đó sự truyền giới là mối đầu tiên hết, nên phải làm sao dầu không thể được hoàn toàn viên mãn, nhưng cũng phải làm sao để hoàn thành những điều quan trọng nhất mà trong giới luật đã nêu ra cho những người có bổn phận truyền giới.

 

Tôi cũng cầu nguyện cho toàn thể giới sư lục căn thanh tịnh, tam nghiệp thuần hòa, giới thể trang nghiêm để đem giáo Pháp của Phật ban bố cho hàng giới tử. Và sau đây tôi cũng có ít lời để khuyên nhắc các vị giới tử Tăng Ni cầu giới. 

 

Tôi xin mạn phép được gọi quý vị bằng huynh đệ, bởi vì dù sao chúng ta cũng đều là con của Ðức Phật, đã là con của Phật thì đồng một cha, tức là anh em với nhau cả. Quý huynh đệ ngày hôm nay, cũng như tôi trước đây, hơn nửa thế kỷ, thì cũng khép nép cần cầu và khát muốn được thọ giới. Lòng của tôi ngày hôm trước, và những ngày sau đó cũng chính là cái lòng của quý huynh đệ thọ giới ngày hôm nay.

 

Tôi thông cảm ở nơi tâm nguyện đó của quý huynh đệ, vì rằng tôi đã trải qua và cũng tấm lòng của tôi từ đó được ôm ấp cho tới ngày hôm nay. Vì sao? Vì khi mà cầu giới như vậy, thì thấy lòng mình có phần nào gọi là thiết tha, thanh tịnh đối với giới luật. Vì rằng do sự mong muốn do sự cần cầu đó mà nó có sự khao khát và trân trọng. Quý huynh đệ nên biết rằng: Cái sơ tâm tức là bỏ phát tâm nó rất là khó mà cũng rất quí, nhưng cũng có thể sau khi được rồi, thì cái tâm phát khởi lúc ban đầu ấy lần lần nó bị phai nhạt đi.

 

Cho nên vừa rồi tôi nói lòng khát ngưỡng giới luật, cũng như tấm lòng quí trọng nơi giới luật lần đầu tiên mình có được, tôi vẫn tâm tâm niệm niệm ôm ấp cho đến trọn đời. 

 

Thật ra mà nói cũng có lúc nó phai nhạt một phần nào, nhưng nhờ sự nghĩ đến bổn phận của mình, nghĩ đến tương lai làm sao mình được siêu phàm nhập thánh cầu mong cho được giải thoát, nhờ ở nơi tâm nguyện đó mà nó nếu kéo lại để cho lòng tôn kính giới luật, quí báo giới luật như lúc ban đầu.

 

 

Do đó, tôi khuyên nhắc tất cả quí huynh đệ mà cầu giới hôm nay nên ghi nhớ hẳn những giờ phút thiêng liêng mà mình cầu giới. Tâm trạng chí nguyện như thế nào. Phải nhớ rõ ngày tháng năm, cái giờ cho đến cái phút mà mình được thọ giới, để từ đó mình ôm chặt vào lòng giữ gìn, trân trọng quí báu mãi mãi về sau trọn đời của mình.

 

Ðiều đó tôi nhắc nhở ở nơi quí huynh đệ những ngày sắp tới đây, sau khi thọ giới và được đắc giới rồi; trở về nơi trụ xứ của mình thì lần lần, quí huynh đệ mới thấy rằng sự quí trọng ôm ấp ở nơi giới mình đã thọ, đã được đó rất là khó giữ trọn vẹn lắm, khó giữ bền lắm, chớ không phải là chuyện dể đâu. Phải có chí nguyện cho kiên cường, phải có một tâm hành luôn luôn được kiểm soát thì mới có thể trọn vẹn đối với sự giữ gìn ôm ấp.  Như quý huynh đệ cũng biết Phật dạy:

 

"Ở trong lục đạo chúng sinh thì chỉ có thân người, làm người mới được xuất gia, mới được thọ giới làm Tăng hay Ni".

 

Giờ đây quý huynh đệ được làm thân người và cũng có duyên tốt sắp tới đây được thọ giới mà được đắc giới, được giới nhân chánh quả Ðức Như Lai, đó là do vì ở nhiều đời trước trồng thiện căn sâu dày, cho nên ngày hôm nay mới được như vậy. Trước hết quý huynh đệ phải trân trọng với căn lành mà mình đã dày công vun trồng từ nhiều đời trước đó, để cho mỗi ngày được thêm lớn và khỏi phải có sự tốn hao. Như trong luật Ðức Phật có nói:

 

Tại sao người thọ giới được đắc giới?

 

Vì rằng, người thọ giới ở trước giới. Sự truyền giới mà lãnh giới, nhờ có tâm kính trọng hết lòng nên đắc giới, phải nhớ điều đó.  Do vậy, giờ phút này, quý huynh đệ luôn luôn giữ đến cái giới chỉ có Ðức Phật ra đời mới có, cái giới mà mình sắp thọ đó, không phải là chuyện dễ có đâu.

 

Mình đã có rồi thì cho là dễ, nếu như không có Phật ra đời thì không có cái giới đó ở thế gian. Vì sao? Vì chính nơi giới đó mới có thể làm nền tảng, làm chỗ đứng đầu tiên để bước lên hàng Hiền Thánh. Bởi vì các bậc Hiền Thánh do chánh định, chánh huệ nên mới thành bậc Hiền Thánh được.



Nếu không có giới thì chánh định không do đâu mà sanh, khi chánh định không có thì chánh huệ từ đâu mà phát sanh, khi chánh định không có thì chánh huệ từ đâu mà phát sanh. Cho nên nói rằng, nhân giới sanh định, nhân định phát huệ, trong lời phát nguyện vừa rồi của quý vị tôi cũng nghe nhắc đến điều đó.

 

Như vậy thì quý vị cũng đã biết được phần nào về sự quan trọng của giới định rồi. Giới là bậc đầu tiên, không giới thì lấy đâu để có định huệ bước lên bậc Hiền Thánh. Do có sự suy nghĩ như vậy nếu có cái lòng hết sức quan trọng quí báu vô cùng, vì sự tôn trọng cần cầu ấy mà khi quí vị ở trước giới Sư để thọ giới quí vị sẽ đắc giới, đó là điều ở trong giới luật có nói.

 

Nguyên nhân được đắc giới là do cái lòng hết sức kính trọng, thiếu lòng kính trọng ấy thì không thể đắc giới được, đó là mục đích của tôi hôm nay muốn nhắc nhở quý huynh đệ. Và tôi cũng xin nhắc tiếp theo là sau khi thọ giới rồi thì phải cố gắng học giới cho rành, nhờ có học hiểu ghi nhớ nên mới có thể hành trì đúng với giới luật được.

 

Quí vị đã có sự học hiểu, hành trì đúng như giới luật thì quí vị đã nắm được bước đầu tiên để bước lên bậc Hiền Thánh giải thoát hết khổ rồi, và cũng chính nơi giới luật nó làm nấc thang đầu tiên cho quí vị sẽ đến nơi hoài bảo duy nhất của Ðức Phật ra đời là muốn cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh khai thị ngộ, nhập Phật tri kiến để thành Phật như Phật không khác. 

 

Vậy tôi cầu mong cho tất cả quí huynh đệ từ giờ phút này, thân tâm được thanh tịnh, nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căng tăng trưởng để quí vị khi thọ giới thì được đắc giới. Và tôi cũng xin gởi lời cầu chúc đến cho toàn thể chư Tôn Ðức quí vị hiện diện hôm nay cũng như toàn thể mọi người, tất cả chúng sinh đều được an lành, đều được an vui, đều được giải thoát. 

 

 

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

 

(TAM VÔ LẬU HỌC : GIỚI, ĐỊNH, HUỆ)

 

 

Đức Phật bảo A-Nan: “Ông thường nghe trong giới luật của Như Lai, giảng bày ba nghĩa quyết định của việc tu hành. Thu nhiếp tâm ý gọi là giới, nhân giới phát định lực, nhân định có trí huệ. Đó gọi là ba môn học vô lậu.

 

 

1.     ĐOẠN TRỪ DÂM TÂM

 

A-Nan vì sao thu nhiếp tâm niệm, Như Lai gọi là giới? Nếu các chúng sinh trong thế giới lục đạo tâm không dâm dục, thì sẽ không bị tương tục trong sinh tử.

 

Ông tu tam-muội, cốt là để thoát khỏi trần lao. Nếu không trừ lòng dâm, không thể ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí và thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ tâm dâm, chắc lạc vào ma đạo. Hạng trên thành ma vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ.

 

Các loài ma kia cũng có đồ chúng. Đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.

 

Sau khi Như Lai diệt độ, có nhiều loại ma dân nầy náo loạn trong thế gian. Chúng gây nhiều việc tham dâm, xưng là thiện tri thức, khiến cho chúng sinh rơi vào hầm sâu ái kiến, lạc mất đường đến giác ngộ.

 

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, trước hết phải đoạn trừ tâm dâm. Đó là lời dạy bảo thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

 

Thế nên, A-Nan, nếu không đoạn tâm dâm mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà mong thành cơm. Trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Vì sao? Vì đó chẳng phải là bản nhân của cơm, đó chỉ là cát đá.

 

Ông đem thân dâm dục cầu diệu quả chư Phật, dù được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm. Cội gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi được. Còn đường nào để tu chứng niết-bàn của Như Lai?

Ắt phải khiến cho thân tâm đều đọan trừ hết căn dâm. Tánh đoạn cũng trừ. Mới mong chứng quả bồ-đề của chư Phật.

 

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

 

 

2.     PHẢI ĐOẠN TRỪ TÂM SÁT HẠI

 

Lại nữa, A-Nan, nếu các chúng sinh trong sáu cõi khắp các thế giới, nếu họ không có tâm sát hại, ắt sẽ không tương tục theo dòng sanh tử.

 

Ông tu tam-muội, cốt là ra khỏi trần lao. Tâm sát hại không trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.

 

Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu như không đoạn trừ tâm sát hại, ắt rơi vào thần đạo. Bậc cao thì làm đại lực quỷ. Bậc trung thì làm quỷ phi hành dạ-xoa và các loài quỷ soái. Bậc thấp thì làm quỷ địa hành la-sát.

 

Các loài quỷ thần ấy cũng có đồ chúng. Chúng đều tự cho rằng mình đã thành đạo vô thượng.

 

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thời mạt pháp, nhiều loại quỷ thần nầy sôi nổi trong thế gian. Chúng tự tuyên bố rằng ăn thịt sẽ chứng được đạo bồ-đề.

 

A-Nan, Như Lai cho phép hàng tỷ-khưu ăn năm loại tịnh nhục. Thịt ấy đều do thần lực của Như Lai hóa ra, vốn chúng không có mạng căn. Xứ Bà-la-môn của các ông, đất đai phần nhiều ẩm thấp và nóng, lại thêm cát đá, rau cỏ không sinh được. Như Lai dùng thần lực từ bi gia hộ. Do tâm đại từ bi giả gọi là thịt. Các ông cũng nhận được vị như thịt. Cớ sao sau khi Như Lai diệt độ, những người ăn thịt chúng sinh lại xưng là Thích tử?

 

Các ông nên biết những người ăn thịt đó, dù tâm được khai ngộ, như tam-ma-đề, đều là loài đại la-sát. Khi quả báo hết, lại phải chìm đắm trong biển khổ sinh tử. Họ chẳng phải là đệ tử của Phật. Những người ấy giết hại, thôn tánh lẫn nhau, ăn nuốt nhau không thôi. Những người như vậy làm sao ra khỏi ba cõi?

Ông dạy người đời tu pháp tam-ma-địa, phải đoạn trừ việc sát sanh. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ hai của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

 

Thế nên A-Nan, nếu không đoạn trừ việc sát hại mà tu thiền định, ví như có người tự bịt tai mình, rồi kêu lớn tiếng, mà mong mọi người chẳng nghe tiếng mình. Loại người nầy gọi là muốn dấu nhưng càng lộ bày.

 

Tỷ-khưu thanh tịnh và các vị Bồ Tát khi đi trên đường còn không đạp cỏ non, huống là dùng tay nhổ. Tại sao thực hành tâm đại bi mà lại lấy máu thịt chúng sinh làm thức ăn?

 

Nếu các tỷ-khưu không mặc tơ lụa, là lượt của phương đông, và không dùng giày dép, áo cừu, áo len, hay các thứ sữa, lạc, đề hồ. Những tỷ-khưu ấy, thật là giải thoát trong pháp thế gian. Trả hết nợ cũ xong, sẽ không vào trong ba cõi nữa.

 

Tại sao dùng những bộ phận thân thể chúng sinh, đều có ảnh hưởng đến chúng. Như con người ăn trăm giống cốc loại trong đất, thì chân không rời đất. Dứt khoát thân tâm mình, đối với thân thể hay chi phần của chúng sinh, quyết không dùng, không ăn không mặc. Những người như vậy, Như Lai mới thật xem là giải thoát.

 

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

 

 

3.     DỨT TRỪ TÂM TRỘM CẮP

 

Lại nữa A-Nan, nếu như chúng sinh trong thế giới lục đạo, tâm không trộm cắp, thì họ sẽ không bị tương tục trong dòng luân hồi sinh tử.

 

Ông tu tam-muội, cốt là ra khỏi trần lao. Tâm trộm cắp không trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.

 

Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ tâm trộm cắp, ắt phải rơi vào tà đạo. Hạng trên thành tinh linh, hạng trung thành yêu mị, lớp dưới thành người tà đạo, bị yêu mị gá vào.

 

Các nhóm tà đạo kia cũng có đồ chúng. Họ đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.

 

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thời mạt pháp, có nhiều loại yêu ma tà đạo ấy sôi nổi trong thế gian, lén lút gian dối xưng là thiện tri thức. Họ đều tự xưng đã được pháp thượng nhân. Dối gạt kẻ không biết, dọa dẫm khiến họ mất lòng tin. Chúng đi đến đâu, gia đình người ta đều bị hao tán.

 

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu theo thứ tự khất thực, là khiến họ xả trừ lòng tham, thành tựu đạo bồ-đề. Các hàng tỷ-khưu không tự nấu ăn, gửi cái thân sống nhờ như khách trọ trong ba cõi. Hiện thân một lần qua lại, đi rồi không trở lại nữa.

 

Tại sao loại giặc ấy lại mượn y của Phật, buôn bán Như Lai, tạo vô số nghiệp, nói rằng đó đều là Phật pháp. Lại chê hàng xuất gia thọ giới tỷ-khưu là đạo Tiểu thừa. Do chúng làm cho vô lượng chúng sinh mắc phải nghi lầm, nên sẽ bị đoạ vào địa ngục vô gián.

 

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có tỷ-khưu phát tâm quyết định tu tam-ma-đề. Có thể trước hình tượng Như Lai, tự mình thắp một ngọn đèn, đốt một ngón tay; hay ở trên thân đốt một liều hương. Như Lai nói người nầy, nợ nần từ kiếp lâu xa, nay được trả hết trong một đời, xa lìa thế gian, vĩnh viễn thoát khỏi các lậu hoặc. Người ấy tuy chưa hiểu rõ đạo vô thượng giác, nhưng đối với Phật pháp đã có tâm quyết định.

 

Nếu không gieo được cái nhân xả thân nhỏ bé ấy, dù có thành đạo vô vi, cũng phải sanh lại làm người, hoàn trả các nợ cũ, như quả báo ăn lúa ngựa của Như Lai.

 

Ông dạy người đời, tu pháp tam-ma-địa, sau nữa, dứt trừ tâm trộm cắp. Đó gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ ba của các Đức Phật Như Lai Thế Tôn trong quá khứ.

 

Cho nên A-Nan, nếu không dứt trừ tâm trộm cắp mà tu thiền định, cũng như rót nước vào bình thủng, mà mong cho đầy. Dù trải qua nhiều kiếp số như vi trần, rốt cục vẫn không đầy được.

 

Nếu các tỷ-khưu, ngoài y bát ra, không tích trữ mảy may. Khất thực có thừa, bố thí cho chúng sinh đói. Nơi hội lớn đông người, chắp tay lễ bái đại chúng. Nếu có người đánh mắng, xem như khen ngợi mình. Xem thân thịt máu xương của mình giống như thân của chúng sinh. Nếu không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ tỏ ngộ của mình, khiến cho kẻ sơ học khỏi bị lầm lạc, thì Như Lai ấn chứng người ấy chân thực được tam-muội.

 

Như lời Như Lai nói đây, tức là lời của chư Phật. Nếu không đúng như lời nói đó, tức ma ba-tuần nói.

 

 

4.     DỨT TRỪ VỌNG NGỮ

 

A-Nan, chúng sinh trong thế giới lục đạo như thế, tuy thân tâm không còn sát đạo dâm, ba hạnh đều đã viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì tam-ma-đề không được thanh tịnh, sẽ thành giống ma ái kiến, và làm mất chủng tử Như Lai.

 

Chưa được gọi là đã được, chưa chứng nói rằng đã chứng. Hoặc để mong cầu thế gian Tôn trọng tột bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã đắc quả Tu-đà-hoàn quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, được đạo A La Hán, Bích-chi Phật thừa, hay các quả vị Bồ Tát trong Thập địa hay trước Thập địa. Mong được mọi người lễ bái, tham được cúng dường.

 

Những kẻ nhất-điên-ca ấy tự tiêu diệt chủng tử Phật. Như người dùng dao chặt cây đa-la. Phật ấn ký người ấy mất hẳn thiện căn, không còn chánh tri kiến, chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu được pháp tam-muội.

 

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A La Hán và Bồ Tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

 

Hoặc làm sa-môn, cư sĩ bạch y, vua chúa, quan lại, đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán. Để cùng với họ đồng sự, xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa.

 

Rốt ráo không tự bảo mình thật là Bồ Tát, là A La Hán. Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, thành tội đại vọng ngữ.

 

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

 

Thế nên A-Nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm. Thật không có chuyện đó.

 

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng. Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối. Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

 

Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt. Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh co. Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

 

Nếu hàng tỷ-khưu, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự. Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thượng trí giác của hàng Bồ Tát.

 

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Comments

Popular posts from this blog