GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH



VI.- 48 ĐIỀU GIỚI KHINH



40.- GIỚI KHÔNG BÌNH ĐẲNG TRUYỀN GIỚI

 

Ở trong giới điều nầy, ý nói các vị Giới sư truyền giới Bồ tát thì phải có tâm bình đẳng để truyền giới cho những vị cầu thọ giới Bồ tát. Không nên lựa chọn những người sang, người thông minh, người quyền quý mà truyền, còn những người hèn, người đần độn không chịu truyền. Nghĩa là đối với những điều kiện trong giới Bồ tát, mà người cầu thọ có đủ, thì Giới sư phải bình đẳng để truyền.

 

“Nếu là Phật tử lúc cho người thọ giới không được lựa chọn. Tất cả hàng Quốc vương, hoàng tử, các quan, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, tín nam, tín nữ, dâm nam, dâm nữ, Phạm Thiên trong 18 cõi Sắc, Thiên tử trong sáu cõi Dục, người thiếu căn, hai căn, huỳnh môn, tôi tớ và tất cả quỷ thần đều được thọ giới”.

 

Như trước đây cũng đã có nói, tất cả người, cho đến tất cả cõi trời cũng như tất cả những quỷ thần cho đến súc sanh hay là người biến hóa, hễ ai hiểu được lời truyền giới của Pháp sư, đều được thọ giới Bồ tát nầy. Tất cả người ở trong nhân gian, cho đến các cõi trời đều được thọ giới.

 

“Tất cả y phục ngọa cụ nên bảo phải hòa màu xanh vàng, đỏ, đen, tím nhuộm thành hoại sắc cho hợp với đạo…”.

 

Y phục đó tất nhiên đồ mặc ở nơi thân, cho đến những y đắp, ngọa cụ, đồ lót để nằm, để ngồi tất cả phải hoại sắc.

 

Trên đây nói: hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc đen, hoặc tím đều có thể dùng. Nhuộm hư màu sắc chánh là màu trắng, đều gọi là hoại sắc.

 

Màu đà cũng là hoại sắc, hoại sắc là hợp với Đạo. Do nơi đâu? Bởi vì người vào trong Đạo thì phải bỏ sự trau dồi xinh đẹp theo thế gian, cho nên mới gọi người cư sĩ tại gia là bạch y. Hễ phá màu trắng là khác với đời, mà khác với đời là hợp với Đạo. Tùy quốc độ, địa phương nào, hễ người đời lấy màu sắc đó để trau dồi thân thể cho xinh đẹp thì người ở trong Đạo, nơi đó phải tránh màu sắc đó, phá hư màu đó đi. Nên đoạn dưới đây nói y phục người trong Đạo phải khác với người thế tục.

 

“Trong tất cả quốc độ, theo y phục của người trong nước, mặc y phục của thầy Tỳ kheo đều phải khác với người thế tục”.

 

Lại thêm một nghĩa nữa, là sự cắt may về hình thức cũng phải khác người thế tục. Người xuất gia phải giữ hai điều:

 

1.- Phải mặc màu hoại sắc

 

2.- May cắt, hình thức đó, phải khác với kiểu y phục người thế tục. Còn người tại gia mà thọ giới Bồ tát, nếu vào trong tòng lâm, hay vào trong những ngày Bố tát, thuyết giới thì cũng mặc những y phục hoại sắc. Phá hư sắc trau dồi xinh đẹp ở đời. Còn những cái khác, thì cũng tùy theo phong tục, quốc độ mà mặc y phục theo ngoài.

 

Do đó nên trong đoạn nầy nói:

 

“Y phục của Tỳ kheo phải khác với người thế tục”

 

Nhứt định phải khác, không buộc người tại gia Bồ tát giới.

 

Khi muốn thọ Bồ tát giới vị sư phải hỏi rằng: “Trong đời nầy người có phạm tội thất nghịch chăng?”. Bồ tát Pháp sư không được cho người phạm tội thất nghịch thọ giới trong đời nầy…

 

Việc thọ giới Bồ tát, theo trong luật thì hễ người nào phát Bồ đề tâm, đã có lập nguyện Bồ tát và hiểu được lời truyền giới của Pháp sư, đều được thọ giới Bồ tát cả, chỉ trừ một điều kiện là nếu phạm tội thất nghịch thì không được thọ.

 

Đây là tội thất nghịch: ác tâm làm thân Phật chảy máu, hại bậc Thánh nhơn, giết cha, giết mẹ, giết Hòa thượng và A xà lê, phá yết ma Tăng, chuyển Pháp luân Tăng.

 

Điều thứ 7 sau gọi là phá Tăng.

 

Ác tâm làm thân Phật chảy máu, phải có đức Phật hiện đời, cũng như Đề Bà Đạt Đa lăn đá làm cho các miếng đá văng trúng chân Phật, trầy da chảy máu.

 

Vì sao không nói giết Phật? Vì Phật không ai có thể giết được, tột cùng của ác tâm có thể làm cho trầy da, chảy máu, đó là tội nghịch rồi.

 

Hại bậc Thánh Tăng… là giết hại các bậc đã chứng quả Thánh, chứng A la hán, hay các vị Bồ tát, là giết cha, giết mẹ, giết Hòa thượng, giết A xà lê.

 

Hòa thượng và A xà lê là những vị độ cho tu hành. “Phá Tăng” Tăng trong đây có thể yết ma Tăng, chuyển Pháp luân Tăng.

 

Yết Ma Tăng là sao? Nghĩa là từ bốn vị Tỳ kheo trở lên, hiệp lại gọi là Tăng, thì được phép làm yết ma.

 

Yết ma là quyết định những việc quan trọng ở trong chư Tăng, trong Giáo hội. Có người làm cho chư Tăng hay trong Giáo hội Tỳ kheo chia làm hai phe, phạm tội phá yết ma tăng.

 

Phá chuyển Pháp luân Tăng là sao? Đây là trường hợp Phật còn tại thế. Chuyển Pháp luân Tăng thì Phật làm giáo chủ chuyển Pháp luân Tăng, dưới vị giáo chủ đó là chư Tăng. Nếu có người quyến rũ một nhóm Tỳ kheo theo mình, rồi cũng xưng là giáo chủ, cũng bày ra một pháp để truyền. Như vậy thành ra hai ông giáo chủ để truyền một đạo Phật. Cố ý làm ra như thế gọi là phá chuyển Pháp luân Tăng.

 

Trong lịch sử Phật, Đề Bà Đạt Đa quyến rũ 500 vị Tỳ kheo, rồi lập thành một Giáo hội riêng, cũng lập ra những pháp nầy pháp kia để truyền dạy. Như thế, Đề Bà Đạt Đa đã phạm tội phá chuyển Pháp luân Tăng.

 

Trong đây chỉ nêu lên điều nghịch thứ 1và điều nghịch thứ 7 khi nào Phật còn hiện tiền tại thế mới thành tội nghịch. Còn hiện tại là cố ý phá hoại tượng Phật, đập bể tượng Phật hay làm rách đi cũng đồng với tội thứ nhứt.

 

Trong quốc độ nào đó, đang có Giáo hội truyền bá chánh pháp của Phật. Có người giả mạo chánh pháp của Phật để lập thành Giáo hội khác. Kỳ thiệt chẳng phải truyền bá chánh pháp của Phật (việc làm đó chỉ có người thâm hiểu được Phật pháp mới biết được mà thôi, chớ người sơ cơ làm sao phân biệt được). Như thế là làm hư chánh pháp của Phật, cũng phạm tội phá chuyển Pháp luân Tăng (lập thành Giáo hội riêng giả mạo truyền bá chánh pháp Phật, chứ một, hai người thì không thể gọi là phá chuyển Pháp luân Tăng).

 

Câu: “Nếu phạm tội thất nghịch, thời hiện đời không đắc giới.

 

Ngoài ra tất cả người đều được thọ giới…”

 

Phạm tội trọng thì phải sám hối cho đến khi thấy hảo tướng rồi mới thọ giới lại. Còn nếu đã sám hối theo một thời gian bảy ngày, cho đến một năm cũng tha thiết sám hối vậy, nhưng không thấy được hảo tướng, cũng được phép cho thọ lại giới Bồ tát, nhưng không đắc giới được vì tội trước chưa tiêu.

 

Như vậy tuyệt đối không được thọ giới là chỉ có người nào phạm tội nghịch mà thôi.

 

“Theo Pháp của người xuất gia không lạy Quốc vương, cha mẹ, lục thân và quỷ thần…”.

 

Người xuất gia không lạy người thế tục, dù người đó là cha mẹ, vua chúa hay quỷ thần. Cho nên trước khi đi xuất gia, vị Giới sư phải dạy cho người đó lạy lần cuối, gọi là lạy tứ ân (Quốc vương, cha mẹ, thí chủ, sư trưởng) rồi từ biệt đi xuất gia.

 

Quỷ thần đây gồm chư Thiên, chư Thần. Nếu đi đến chỗ đình miểu nơi thờ chư Thiên, chư Thần thì được tụng kinh cầu an, chớ không được lễ lạy. Không lễ lạy, đó là trọng giới pháp của Phật, chớ không có nghĩa tự cao tự đại. Vả lại người xuất gia rồi thì ở vào địa vị Thầy của người thế tục, Thầy của tam giới nên phải cố gắng tu học cho xứng đáng.

 

Phàm ai hiểu nhận lời của Pháp sư đều được thọ giới. Có người từ phương xa nghìn dặm đến cầu pháp, nếu Bồ tát Pháp sư vì ác tâm, sân tâm mà không mau mắn truyền giới Bồ tát cho người ấy, thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Ác tâm nghĩa là muốn cho người đó lạc vào thừa nào khác không được tu nơi Đại thừa, không được đi đến quả Phật. Đó gọi là ác tâm.

 

Sân tâm, qua hành động người đó đối xử rồi giận ghét, đó gọi là sân tâm.

 

Nếu vì hai tâm niệm đó mà không chịu truyền giới Bồ tát, thì vị Giới sư phạm tội thứ 40 nầy.

 

 

41.- GIỚI VÌ LỢI MÀ LÀM THẦY

 

Làm Thầy cốt là đem giới pháp hay chánh pháp của Phật dạy cho người thấp kém hơn, là mục đích độ người cũng như độ mình vậy. Độ người mà tâm chú trọng về danh lợi, đem giáo pháp của Phật ra dạy không được thanh tịnh, là chính do nơi tâm không chánh.

 

“Nếu Phật tử giáo hóa người sanh lòng tin tưởng pháp Đại thừa, Bồ tát làm Pháp sư giáo giới cho người. Lúc thấy có người muốn thọ giới Bồ tát, nên bảo người ấy thỉnh hai đại sư: Hòa thượng và A xà lê…

 

Phải hỏi người ấy có phạm tội thất nghịch không? Nếu người ấy hiện đời có phạm tội thất nghịch, thời Pháp sư không được cho người ấy thọ giới”.

 

Hễ những vị Pháp sư mà đủ đức làm Giới sư để truyền giới cho người thì nếu thấy người muốn thọ giới Bồ tát phải bảo người ấy thỉnh hai đại sư: Hòa thượng và A xà lê.

 

Lúc thọ giới Bồ tát thỉnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm Hòa thượng và thỉnh hai vị Bồ tát để làm A xà lê. Đức Văn Thù Sư Lợi làm Yết ma A xà lê, còn đức Di Lặc thì làm Giáo thọ A xà lê.

 

“Nếu có phạm trong mười giới trọng, phải bảo người ấy sám hối, đối trước tượng Phật và Bồ tát ngày đêm sáu thời tụng giới Bồ tát tha thiết đảnh lễ tam thế chư Phật cho được thấy hảo tướng.

 

Thấy hảo tướng là thấy Phật đến xoa đầu mình, thấy quang minh, thấy hoa báu  … các thứ cảnh tượng lạ. Thấy được những hảo tướng ấy là triệu chứng tội đã tiêu diệt. Nếu không được thấy hảo tướng, dầu có sám hối vẫn vô ích. Người nầy hiện đời tuy không đắc giới nhưng được tăng ích thọ giới”.

 

Sự thấy hảo tướng có hai trường hợp:

 

Một là trong khi sám hối, lúc niệm Phật hay là lúc lễ Phật mà thấy. Nghĩa là lúc tỉnh táo mà thấy.

 

Hai là lúc ngủ chiêm bao thấy, mà chiêm bao phải rõ ràng. Sau khi thấy rồi thì thấy trong tâm nhẹ nhàng, thơ thới, vắng lặng. Như vậy là thấy cảnh tốt, còn nếu mà thấy mập mờ, những hoa lăng xăng đủ thứ, có người thuật: tôi thấy muốn bảo ông Phật ngồi thì thấy ông Phật đó cũng ngồi xuống, bảo ông Phật kia đứng lên, ông Phật nọ cũng đứng. Cái đó là thời gian qua rồi.

 

Thấy như thế có tốt không? Đáp: thấy đó là thấy ma chớ không phải thấy Phật. Rồi người đó tinh thần lơ lửng mất hết vẻ tinh anh, say đắm vào cảnh đó ắt bị ma quấy phá. Bao giờ mình thấy Phật mà Phật bảo mình lạy hay Phật bảo mình ngồi, chứ có bao giờ mình thấy Phật mà mình bảo Phật ngồi, bảo Phật đứng như vậy. Tất nhiên là không phải rồi.

 

Nếu thấy Phật thì phải rõ ràng là một vị Phật hay nhiều Phật, thấy ngự trên tòa sen rõ ràng. Chứ nếu thấy lăng xăng lộn xộn đó là cảnh loạn trong óc, hay là cảnh ma hiện chớ không phải thiệt. Những cảnh khác cũng thế phải phân minh rõ ràng, sau khi thấy rồi thì tinh thần nhẹ nhàng, trong tâm thanh tịnh. Do đâu vậy? Bởi vì lúc đó tội chướng đã tiêu nên Thánh cảnh, hảo tướng hiện ra, trong tâm nhẹ nhàng, thơ thới, còn nếu thấy mà hồi hợp lo sợ, rối rắm trong tâm, hay là bực bội, khó chịu, đó là không phải thiệt, hoặc là do bệnh hay do ma phá, hay nghiệp chướng nó biến tướng ra. Trong kinh khác cũng có nói đến. Như thấy cỡi ngựa qua sông, hoặc cỡi trâu qua sông, hay đi thuyền bè mà qua tới bờ bên kia. Thì đó cũng thuộc về hảo tướng. Trong đây chỉ nói thấy Phật với thấy Bồ tát thì cũng vậy, hoặc là thấy khách Tăng.

 

Có nhiều người thuật: Tôi cũng có tội như vậy đó, nhưng sám hối ít lúc mới xuất gia, thì thấy chư Tăng đến trao cho cái y, biểu đắp vô, như vậy là tội chướng đã tiêu diệt, nó hoàn lại cái bản thế cũ đó rồi. Đó cũng là hảo tướng. Thấy hảo tướng đó là triệu chứng tội đã tiêu diệt.

 

Trong đây nói: “Nếu không được thấy hảo tướng thì sám hối không có lợi ích” là bởi vì sám hối là để cho tội chướng tiêu diệt, mà hảo tướng không hiện, đó là tội chướng chưa tiêu diệt, cho nên gọi là vô ích. Nói không thấy hảo tướng thì sám hối vô ích, là muốn nhắc nhở người sám hối phải tha thiết thực hành. Mà tha thiết thực hành thì tội chướng dầu lớn bao nhiêu cũng tiêu diệt, chỉ sợ không có thành thật tha thiết mà thôi.

 

Nếu tội chướng tiêu diệt, thì thọ giới lại đắc giới, mà chưa thấy hảo tướng thì tội không tiêu. Nhưng nếu vẫn có công sám hối cả năm như vậy thì được thọ giới, cho nên gọi rằng tăng ích thọ giới, nhưng trong giới điều nói là không đắc giới. Nó chỉ là hình thức thọ giới mà thôi.

 

Nếu là người phạm trong 48 điều giới khinh, đối thú sám hối thì tội đặng tiêu diệt, không phải như tội thất nghịch.

 

Phạm ngoài tội thất nghịch ra thì tội nhẹ nên gọi là “Khinh Cấu Tội”.

 

Đối thú sám hối: nghĩa là đối với những vị Đại đức tu hành thanh tịnh, hoặc là đối với trước Tam Bảo, thành tâm phát lồ tội của mình và hứa hẹn sẽ chừa cải trong tương lai, như vậy gọi là đối thú sám hối. Đối là đối với vị Đại đức thanh tịnh hay Tam Bảo, thú là phát lồ tội đã phạm ra để sám hối. Sám hối: nghĩa là ăn năn chừa bỏ.

 

Như vậy tội tiêu diệt đối với giới khinh, khác với tội thất nghịch. Tội thất nghịch không có cách gì để sám hối được.

 

“Vị Pháp sư giáo giới ở trong những pháp nầy phải hiểu rõ. Nếu như không hiểu Kinh Luật Đại thừa, những giới khinh, những giới trọng, hành tướng phải, chẳng phải…”.

 

Trong giới luật có hai phần: phần về lý tánh, phần về sự tướng. Nơi đây nói giới khinh, giới trọng. Tướng phải, chẳng phải, đó là sự tướng của giới. Phải biết như thế đó thuộc về giới khinh. Như thế đó, nó thuộc về giới trọng. Những điều như vậy đó, nó phải là giới, những điều như vậy, nó không phải là giới. Đối với vị gọi là Pháp sư, Giới sư phải thông hiểu tất cả các môn thiền quán, từng bậc tu hành ở trong địa vị Bồ tát, nên dưới đây có câu:

 

“Không hiểu Đệ nhứt nghĩa đế, Tập chủng tánh, Trưởng dưỡng tánh, Tánh chủng tánh, Bất khả hoại tánh, Đạo chủng tánh, Chánh pháp tánh. Những quán hạnh đa thiểu, xuất nhập của các pháp đó, cùng mười chi thiền, tất cả Phạm hạnh, mỗi mỗi đều không thông hiểu…”.

 

Tất nhiên vị đó không được gọi là Pháp sư.

 

Đệ nhứt nghĩa đế, tức là Phật tánh là bổn nguyên của mỗi người, từ nơi đó tu tập các cấp bậc của Bồ tát, Tập chủng tánh, Trưởng dưỡng tánh, Tánh chủng tánh, Bất khả hoại tánh… Đạo chủng tánh, với Chánh pháp tánh đó là các từng bậc đi lên mà ở trước có đề cập đến, nói là Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa.

 

Thì ở nơi Phật tánh chủng tử đó mà phát sanh những thiện căn, tu hành các pháp môn. Do nơi Phật tánh chủng đó hiển thành lên Tập chủng tánh, rồi đến Tánh chủng tánh, Bất khả hoại tánh, Đạo chủng tánh, rồi đến Chánh pháp tánh. Từng bậc tu hành mà lên Thập Phát Thú, cho đến Thập Địa rồi thành Phật.

 

Từ Thập Phát Thú, cho đến Thập Địa là danh từ để gọi quả vị bên ngoài, còn bên trong là từ Phật chủng tánh chuyển thành ra các tánh, nghĩa là chuyển từ Tập chủng tánh cho đến thành Chánh pháp tánh.

 

“… những quán hạnh đa, thiếu, xuất, nhập của các pháp đó…”.

 

Trong các pháp đó (là trong các pháp tu hành làm tới các từng bậc như trên) thời không ngoài ba pháp: quán chơn, quán giả và quán trung.

 

Còn mười Chi Thiền là:

 

Sơ Thiền có năm chi: hỷ, lạc, giác, quán và nhứt tâm.

 

Nhị Thiền có bốn chi: hỷ, lạc, nội tịnh và nhứt tâm.

 

Tam Thiền có năm chi: lạc, huệ, xả, niệm và nhứt tâm.

 

Tứ Thiền có bốn chi: xả, niệm, bất khổ bất lạc và nhứt tâm.

 

Cộng lại là 18 chi mà nói mười chi đó là trừ những tên chi trùng nhau nên còn lại mười tên: Hỷ, Lạc, Giác, Quán, Nhứt Tâm, Nội định, Huệ, Xả, Niệm và Bất khổ bất lạc.

 

Quán chơn: tất nhiên là chơn Không.

 

Quán giả: tức là thế tục đế.

 

Quán trung: là trung đạo đế.

 

Đa thiểu đây hoặc giả là theo từng bậc, quán về chơn Không nhiều, mà quán nơi tục đế ít (quán giả) cho nên gọi là đa hay thiểu. Hoặc trái lại, trong bậc đó thì cần phải quán về tục đế giả nhiều mà quán về Không đế lý thì ít. Hoặc giả là chánh thì quán trung đạo nhiều, mà quán tục với quán chơn ít. Nên trong đây gọi rằng chữ đa, thiểu là vậy.

 

Như vậy, thấy một vị Pháp sư giáo giới đó khó chớ không phải dễ, phải thông hiểu hết. “Xuất, nhập” là gì? Là quán Không. Được Không rồi xuất Không, để quán giả. Như vậy là xuất Không, nhập giả. Được giả rồi thì lại xuất giả, để nhập Không, như vậy gọi là xuất nhập.

 

Cùng mười chi thiền …

 

Phật tử vì tài lợi, vì danh tiếng, cầu quấy, cầu nhiều, tham đệ tử đông nên giả tuồng là mình hiểu biết tất cả Kinh Luật để được cúng dường. Đó là tự dối mình và cũng dối người khác. Nếu cố làm Giới sư truyền giới cho người, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu chưa thông hiểu như vậy, mà có người đến cầu làm Giới sư thì phải từ chối. Sau đó phải cố tâm học hỏi cho được thông hiểu chớ không được để như vậy, cũng có lỗi. Tại sao có lỗi? Như điều trước đã có nói, là phải mang Kinh Luật đến những nơi thuyết kinh, thuyết giới, thuyết luật. Nếu không có tâm học thì phạm điều giới đó.

 

Lúc còn đi học như vậy có thể từ chối không làm Giới sư. Bởi vì ham danh lợi, đệ tử đông tất nhiên được cúng dường là phạm giới thứ 41 nầy.

 

Những điều trên: thỉnh Hòa thượng, A xà lê thọ giới cho đến phạm tội thất nghịch thì không được thọ giới. Cần phải đúng pháp, sám hối rồi mới được thọ giới.

 

Đây là những điều Phật dạy chớ không phải kết tội. Trong đây là kết lại một điều là chưa thông hiểu Kinh Luật mà vì danh vì lợi làm Giới sư, làm Thầy người thì phạm tội thứ 41 nầy.

 

 

42.- GIỚI VÌ NGƯỜI ÁC GIẢNG NÓI

 

Nếu là Phật tử không được vì tài lợi mà đem đại giới của chư Phật nói với người chưa thọ giới Bồ tát, hoặc với hàng ngoại đạo, những người tà kiến…

 

Trừ Quốc vương, ngoài ra không được nói với tất cả hạng người ấy. Những người chẳng thọ giới của Phật gọi là súc sanh, đời đời sanh ra không gặp Tam Bảo, như cây đá, không có tâm thức gọi là ngoại đạo, bọn tà kiến, nào khác cây cối. Với những hạng người tà ác ấy, nếu Phật tử giảng nói giới pháp của chư Phật thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Để ý một chút là bất kỳ chỗ nào, cũng không luận là trường hợp nào, khi nói trong chỗ hoạn nạn, lúc đi làm ăn xa, hay bị trôi, bị cháy, cho đến nạn La sát, lúc trai hội, cầu nguyện đều phải đem giới Bồ tát đây giảng thuyết hết, đem công đức đó để tiêu trừ tai chướng, cùng cứu độ tất cả chúng sanh. Điều giới nầy thì lại cấm không được đem giới nầy ra nói, hai điều như vậy phải thông hiểu lắm mới được, nếu không thì không biết lúc nào nên nói lúc nào không nên nói. Cần phải học cho kỹ.

 

Ở điều giới trước mục đích vì cứu độ người nên đem giới Bồ tát ra giảng nói. Còn như giới nầy thì cấm đem giới Bồ tát ra giảng cho người tà ác nghe, chẳng những họ không tin mà còn hủy báng, thành ra có hại chứ không lợi. Trừ Quốc vương là người có quyền hạng cấm Phật pháp không cho lưu hành trong quốc độ họ. Do đó mà đối với Quốc vương dù tin kính hay không, hễ mà bảo đem giới Bồ tát ra giảng cho ông nghe thì không được từ chối. Đây là nói Quốc vương ở chế độ phong kiến. Qua chế độ dân chủ thì việc đó không thành vấn đề nữa.

 

Trong đây chỉ nói những người trong nội bộ. Đức Phật dạy những người không lãnh thọ giới Bồ tát nầy, tất nhiên người đó thuộc về người tà ác cả. Nếu đem giảng nói cho họ nghe chỉ làm cho họ thêm tội và người Phật tử có hạnh Bồ tát đó cũng sai lầm, cũng có lỗi. Vì Bồ tát có bổn phận làm lợi người, độ người mà vô tình làm cho người bị hại, nhứt là đối với giới Bồ tát nầy mà hủy báng không tin là mất chủng tử Phật tánh. Hại rất lớn vậy.

 

Mất chủng tử Phật tánh thì dễ dàng bị sa đọa vào tam đồ khổ não. Do đó nếu thuyết pháp không đúng chỗ thì phạm nơi tội thứ 42 nầy.

 

 

43.- GIỚI CỐ MÓNG TÂM PHẠM GIỚI

 

Nơi giới Bồ tát nầy hễ móng tâm phạm giới thì đã phạm giới 43 nầy rồi, chứ chưa nói đến phạm giới, vì thế ta thấy giới Bồ tát rất khó giữ. Vậy nên biết nếu có móng tâm muốn làm điều chi sái giới, dù sau đó không làm đều cũng phạm nơi điều giới thứ 43 nầy, thì cần phải sám hối cho dứt cái tâm đó đi!

 

Nếu là Phật tử do đức tin mà xuất gia, thọ chánh giới của Phật, lại cố hủy phạm chánh giới, thời không được lãnh thọ đồ cúng dường của tất cả đàn việt, cũng không được đi trên đất của quốc dân, không được uống nước của quốc dân. Năm ngàn đại quỷ đứng áng trước mặt người đó mà gọi là “Gã bợm giặc”.

 

Nếu đi vào trong phòng nhà, thành ấp, các quỷ thường theo chà quét dấu chân của người ấy. Tất cả người đời đều mắng người ấy là kẻ đại bợm trong Phật pháp, hết thảy chúng sanh đều không muốn nhìn ngó người ấy.

 

Người phạm giới khác nào loài súc sanh, cây cỏ. Nếu cố hủy phạm giới pháp của Phật, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu đã cố móng tâm phá giới của Phật thì theo giới để kết tội lại kết thêm tội cố tâm. Nếu đã cố tâm rồi mà chưa phạm thì cũng bị tội 43 nầy, thì cần phải sám hối.

 

Đức Phật đã răn nhắc nhiều lần nếu người vô tâm thì không nói gì, mà cố ý để phạm pháp, tâm người ấy không còn đáng sống nữa, không được lãnh thọ đồ cúng dường của tất cả tín tâm đàn việt, không đáng được đi trên đất của quốc dân. Như vậy là không đáng sống nữa. Tất cả quỷ thần coi người đó là giặc trong Phật pháp. Nói: “Chà quét dấu chân người ấy”, nghĩa là coi người ấy như giặc, cho đến dấu chân cũng ghét, không muốn cho còn nữa, đừng nói chi thân của người đó.

 

Phật nhấn mạnh rằng người cố phạm giới chẳng khác nào loài súc sanh, cây cỏ. Như vậy ta nghĩ sao? Nếu cố phạm giới tức nhiên Phật đã khai trừ mình ra khỏi nhà, khỏi dòng giống của Phật rồi vậy.

 

 

44.- GIỚI KHÔNG CÚNG DƯỜNG KINH LUẬT

 

Quyển kinh, quyển luật, nhờ nơi đó mà ghi giáo pháp của Phật, lợi ích cho mình và người.

 

Nếu không có Kinh Luật thì biết làm sao truyền lại? Do đó phải trọng quyển kinh, quyển luật.

 

Nếu là Phật tử phải thường nhứt tâm thọ trì đọc tụng Kinh Luật Đại thừa, dùng giấy, vải, hàng, lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép Kinh Luật, dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp rương đựng những quyển Kinh Luật.

 

Nếu không y theo pháp mà cúng dường Kinh Luật, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Vì Kinh Luật có những lợi ích lớn như trên đã nói, nên phải kính trọng kinh luật mới có phước đức lớn.

 

Việc khinh trọng Kinh Luật như trong bộ Pháp Hoa tôi dịch, tôi có ghi những việc kính trọng kinh Phật đó vì cái linh ứng. Còn đối với Kinh Luật mà có cái khinh mạn thì tội không phải nhỏ.

 

Do đó hằng ngày phải để Kinh Luật chỗ sạch sẽ, đừng để bụi bám, rách hư thì phải bồi lại, đóng hay bao bìa, làm hộp, rương, tủ đựng cho đàng hoàng. Khi cầm kinh, phải cầm với vẻ cung kính, không được buông xuôi xuống, để chỗ thấp hay xếp gấp lại. Có người học kinh thuộc lòng, rồi miệng lẩm bẩm, quyển kinh thì xếp lại, chấp tay sau đít, điều đó hại lắm, vì Kinh Luật phải đâu sách vở ngoài đời. Xưa có một vị đi thi. Đến trường thi còn thì giờ rảnh rang, nên lên núi để chơi, nghe trên núi có vị Thiền sư biết hết những việc quá khứ vị lai. Thí sinh đó, là một người được bạn bè nhìn nhận là giỏi nhứt, bèn vào yết kiến vị Thiền sư để hỏi xem kỳ thi nầy ai đậu ai rớt.

 

Vị Thiền sư cho biết vị nào đậu cao, người nào đậu thấp trong kỳ thi nầy, còn phần anh thì rớt. Anh lấy làm ngạc nhiên thưa hỏi duyên cớ vì sao mà đoán anh rớt. Vị Thiền sư nói, là trong thời gian qua vì có lỗi đã khinh mạn Kinh Luật cho nên bị rớt. Anh suy nghiệm mãi, vì anh cũng là Phật tử, cũng thường nghiên cứu kinh luận và bao giờ cũng có lòng kính trọng kinh điển. Những lúc rãnh thường đem kinh ra tụng nhứt là kinh Lăng Nghiêm. Không hiểu vì sao Thiền sư lại bảo mình khinh mạn để phải cái tội rớt như vậy?

 

Kết quả kỳ thi đó anh không có tên trên bảng, nhưng không hiểu mình phạm tội khinh mạn như thế nào? Đến khi anh ta soạn cái tráp đựng sách vở (ngày xưa người học trò đi đâu cũng thường mang theo cái tráp trong đó đựng sách vở, bút viết) thì thấy trong đó có một quyển kinh Lăng Nghiêm mà anh đã từng lấy cái tráp có quyển kinh đó để gối đầu. Lúc đó mới tỉnh ngộ là mình lấy kinh gối đầu. Đó là sự vô ý thôi mà còn bị tội như vậy. Huống gì sự cố ý thì tội lỗi rất lớn! Nên phải chú ý. Trái lại nếu kính trọng Kinh Luật thì tất nhiên sẽ được phước đức lớn.

 

 

45.- GIỚI KHÔNG GIÁO HÓA CHÚNG SANH

 

Nếu là Phật tử nên có lòng đại bi, khi vào trong tất cả thành ấp, thấy những loài chúng sanh phải sướng lên rằng: “Các ngươi nên thọ tam quy và thập giới…”.

 

Nếu gặp trâu, bò, chó, ngựa, heo, dê  … nên tâm nghĩ miệng nói: “Các ngươi là súc sanh nên phát Bồ đề tâm”. Khi Phật tử đến núi rừng, sông ngòi, cùng tất cả chỗ, đều làm cho hết thảy chúng sanh phát Bồ đề tâm.

 

Nếu Phật tử không phát tâm giáo hóa chúng sanh thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Người mà thọ giới Bồ tát rồi, là phải thực hành hạnh Bồ tát, phải có tâm nguyện giáo hóa chúng sanh khiến cho được tăng trưởng tâm lành, phát Bồ đề tâm và đồng thành Phật. Nếu không có tâm niệm như vậy, tức là phạm nơi điều giới 45 nầy.

 

Chẳng những đối với người mà đối với tất cả loài nhỏ như ong, như kiến, như rệp, như muỗi chẳng hạn, đều phải có tâm chú nguyện cho nó được tăng trưởng thiện căn, dần dần gặp Phật pháp tu hành rồi đều thành Phật cả. Phải có cái tâm đó mới gọi là người phát Bồ đề tâm và có cái nguyện Bồ tát độ sanh.

 

Có nhiều khi mình nghĩ rằng nếu với người thì phải rồi nhưng mà với loài thú hay là những loài khác như kiến, mối hay ong, những bướm cho đến những rệp, muỗi chẳng hạn, thì dầu mình có biểu nó phát Bồ đề tâm hay là nguyện cho nó gặp được chánh pháp để siêu thoát đi chăng nữa, thì làm gì mà được kết quả?

 

Phải biết rằng tất cả đều do tâm tạo. Do đó trong đây đức Phật mới có dặn tâm nghĩ miệng nói, chớ nếu miệng nói mà tâm không tha thiết với vấn đề đó thì việc không thành. Nhưng nếu miệng nói mà tâm tha thiết với việc đó thì, dầu nó không hiểu được tiếng nhưng do nơi tâm nghiệp lực có ảnh hưởng lớn cũng có thể chuyển phần nào nghiệp chướng của loài đó, làm cho nó được lợi ích theo tâm niệm của mình muốn. Đã có nhiều vị thực hành việc nầy rồi. Thời kỳ Phật còn tại thế, tại một thành nọ, Phật không thể giáo hóa dân chúng trong thành đó, Phật sai ngài Mục Kiền Liên đến thì dân chúng trong thành đều vui vẻ theo Phật pháp hết.

 

Các vị đại đệ tử bạch Phật nhơn duyên gì mà Phật độ không được, mà ngài Mục Kiền Liên tới đó không tổn hơi sức gì mà cả thành đều theo Phật pháp? Thì Phật mới nói đời trước, Mục Kiền Liên là một ông tiều đi đốn củi, chặt cây động đến ổ ong bay túa xua ra, nó rượt đánh thì ông tiều đó vừa chạy vừa la: “Về sau nầy ta tu hành đắc đạo, ta quyết sẽ độ cho các ngươi cũng được giải thoát”.

 

Do nhơn duyên đó, nên có hiện tại bây giờ dân chúng trong thành đó là những con ong, bầy ong hồi xưa đó. Còn Mục Kiền Liên là ông tiều, như thế cho ta thấy ông tiều, là một Phật tử mà việc làm của ông là gặp bất cứ loài nào đều có tâm nguyện muốn độ thoát hết thảy. Nó đã thuần như vậy rồi nên lúc bị ong đuổi đánh cũng không nghĩ đến việc mình đau đớn, chỉ có thuần một tâm niệm độ thoát cho nó mà thôi, như thế mà ảnh hưởng lớn đến bầy ong và nhờ nơi tâm nghiệp lực của ông tiều, nên nó trở lại làm người.

 

Rồi cũng do tâm nghiệp lực đó, nên mới có ra nhơn duyên ngài Mục Kiền Liên độ hết đều thành.

 

 

46.- GIỚI THUYẾT PHÁP KHÔNG ĐÚNG PHÁP

 

Nếu là Phật tử, thường nên có lòng đại bi phát tâm giáo hóa. Lúc vào nhà đàn việt sang giàu, cùng trong tất cả chúng hội, không được đứng thuyết pháp cho hàng bạch y. Phải ngồi trên tòa cao trước chúng bạch y.

 

Vị Tỳ kheo Pháp sư không được đứng dưới thuyết pháp cho tứ chúng. Khi thuyết pháp, vị Pháp sư ngồi tòa cao, dùng hương hoa cúng dường, còn tứ chúng, hàng thính giả, thời ngồi dưới. Đối với Pháp sư phải như là hiếu thuận cha mẹ, kính thuận Sư trưởng như Bà la môn thờ lửa. Nếu Phật tử thuyết pháp mà không đúng như pháp thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Vì trọng pháp phải cung kính vị thuyết pháp. Theo luật Phật, người thuyết pháp bao giờ cũng ngồi trên tòa cao, người nghe pháp thì ngồi dưới, nếu trái lại thì phạm tội. Vì sao thế? Bởi nếu không có sự kính trọng pháp thì đâu có y giáo thực hành được. Kính trọng pháp tất nhiên phải kính trọng người thuyết pháp. Và người thuyết pháp phải tự trọng lấy mình, trọng mình đó không có nghĩa là tự cao tự đại, chính là vì trọng pháp. Nên khi thuyết pháp phải ngồi trên tòa cao mà thuyết. Do đó trong luật có chỗ phân ra: không được vì người che dù mà thuyết pháp, nếu vì tỏ ra không tôn kính pháp thì không được thuyết pháp. Tỷ như đi ngoài đường có người che dù cũng đồng đi mà muốn nghe pháp thì không nên thuyết. Vì không đúng pháp. Ở giảng đường thì đúng pháp. Nếu người nghe pháp ngồi, mà người thuyết pháp đứng, người nghe pháp đi chỗ cao hơn cũng không được vì người đó mà thuyết pháp, cho đến người nghe pháp mà nằm, mà mình ngồi cũng không được vì người đó mà thuyết pháp.

 

Nhưng trong luật có khai, nghĩa là trừ trường hợp bịnh, người bịnh đó không thể ngồi dậy được, phải nằm, hoặc giả chỉ có thể ngồi chớ không đứng được, thì được vì người bịnh đó mà thuyết pháp. Tóm lại để bảo vệ sự tôn trọng chánh pháp thì người nghe pháp và người thuyết pháp phải đúng pháp. Nếu không như vậy, thì phạm nơi giới điều nầy. Xưa trong sử có ghi chép nhiều việc lý thú, để chỉ việc đó. Như có một người vào trong vườn của vua để lấy trộm, trong lúc còn trong vườn của vua thì ông vua cùng với một vị thầy đi vào vườn, anh ta sợ quá mới leo lên cây để ẩn. Ông vua đến gốc cây rồi lót chỗ ngồi, còn ông thầy thì đứng, Thầy đó vì ông vua mà thuyết pháp. Giảng pháp được nửa chừng thì người trên cây tuột xuống, anh ta nói: “Bây giờ tất cả người đều có tội hết. Bởi vì bệ hạ nghe pháp không đúng pháp vì ngồi để nghe. Còn ông thầy nầy thì đứng mà thuyết pháp cho người ngồi nghe, cũng không đúng pháp. Như vậy, thì tất cả người có mặt ở nơi đây đều có tội hết (vì tôi ăn trộm không đúng pháp), thì nhà vua không thể bắt tội tôi được. Nói rồi thản nhiên đi ra. Ông vua nghe phải, đành im lặng để cho ông ta đi. Không bắt tội.

 

Chuyện trên đây cho ta thấy Phật tử ngày xưa rất trọng chánh pháp, nên vì sơ ý mà vua và ông thầy phạm lỗi, phải bị người ăn trộm chỉ cho. Bởi vì sự lợi ích của pháp là đưa người ra khỏi sanh tử để thành Phật, thì tất nhiên mọi người đều phải kính trọng. Người thuyết pháp cũng phải trọng pháp, người nghe pháp cũng phải trọng pháp, đem pháp để lên cao. Bây giờ người thuyết pháp đem pháp ra để ban bố tức nhiên cái pháp ở nơi người thuyết pháp, phải đặt người đó trên cao. Cao đây, có nghĩa là trọng. Trong đây có nói: Người nghe pháp đối với vị thuyết pháp phải như là hiếu thuận cha mẹ; kính thuận Sư trưởng, như Bà la môn thờ lửa. Kính trọng như là kính trọng cha mẹ, như Bà la môn thờ thần lửa. Bởi vì Bà la môn thờ lửa. Sớm tối đốt lửa để lạy và giữ cho lửa cháy luôn, không dám để cho tắt. Thì đây đem sự kính trọng đó ra làm lệ. Nghĩa là phải kính trọng pháp sư như Bà la môn thờ lửa.

 

 

47.- GIỚI CHẾ HẠN PHI PHÁP

 

Nếu Phật tử, đều đã có lòng tin thọ giới của Phật, hoặc Quốc vương, Hoàng tử, các quan, bốn bộ đệ tử tự ỷ thế lực cao quý, phá diệt giới luật Phật pháp, lập ra điều luật chế, hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho xuất gia hành đạo, cũng không cho tạo lập hình tượng Phật và Bồ tát, cùng pháp và Kinh Luật. Lại đặt ra chức quan đổng lý hạn chế tứ chúng và lập sổ bộ ghi số Tăng, Tỳ kheo Bồ tát đứng dưới đất, còn bạch y ngồi tòa cao, tìm nhiều việc phi pháp như binh nô thờ chủ.

 

Hàng Bồ tát nầy chính nên được mọi người cúng dường mà trở lại bắt làm tay sai của các quan chức, thế là phi pháp phi luật.

 

Nếu Quốc vương và các quan có lòng tốt thọ giới của Phật, chớ làm những tội phá Tam Bảo ấy. Nếu cố làm thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Chế hạn nghĩa là chế hạn ở nơi Tam Bảo, chư Tăng cho đến pháp, cho đến chỗ để thờ Phật. Chế hạn là không cho làm rộng lớn ra, cho lan nhiều ra, cũng như là không có cho người xuất gia tu hành được, có một phạm vi, một giới hạn vậy thôi.

 

Nhưng đây chế hạn là chế hạn phi pháp, vì việc không đáng chế hạn mà lại chế hạn đi. Thì nếu chế hạn như vậy đó, tất nhiên là phạm nơi điều giới thứ 47 nầy.

 

Vua chúa với các quan mới có quyền hành chế hạn. Trong đây việc chế hạn trước nhứt là chế hạn về người xuất gia hành đạo. Trong đây có để: hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho xuất gia hành đạo. Nếu không cho xuất gia hành đạo thì lần lần những người đã xuất gia, rồi già chết đi không có người nối tiếp. Như vậy là làm hư hoại Tam Bảo thế gian. Nếu hạn chế không cho các kinh sách lưu thông sẽ dần dần làm hư hoại chánh pháp của Phật. Đó là thuộc về Pháp bảo. Còn nếu hạn chế không cho tạo lập những chỗ thờ Phật, cũng là hình tượng Phật và Bồ tát, thì tất nhiên làm cho chỗ cơ sở thờ Phật dần dần hư hoại, cái mới thì không làm được. Như vậy là làm hư hoại Phật bảo. Cho nên ở dưới mới kết: “Nếu Quốc vương và các quan có lòng tốt thọ giới của Phật chớ làm những tội phá Tam Bảo như vậy”.

 

Không nên hạn chế phi pháp như vậy, phải để cho tự do xuất gia tu hành, phải để cho tự do lưu thông những cơ sở, những tháp, những chùa chiền, chỗ thờ Phật xây đắp những hình tượng.

 

 

48.- GIỚI PHÁ DIỆT PHẬT PHÁP

 

Nếu Phật tử do lòng tốt mà xuất gia, lại vì danh tiếng cùng tài lợi, giảng thuyết giới của Phật cho Quốc vương và các quan, làm những sự gông trói các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, người thọ giới Bồ tát như cách của ngục tù và binh nô. Như trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, chẳng phải trùng ở ngoài đến ăn. Cũng thế, các Phật tử tự hủy phá Phật pháp, không phải ngoại đạo hay thiên ma phá được…

 

Như vậy là thế nào? Người ở trong Phật pháp, các vị xuất gia mà có phạm tội như vậy thì theo giới luật của Phật mà trách hay trị phạm mà thôi, chớ không được đem người xuất gia ra mà giam nhốt, đóng gông cùm trói vậy.

 

Vì vậy nên mấy nước tôn trọng Phật pháp, thì không bao giờ họ làm việc đó. Nếu những vị xuất gia mà có phạm những điều tội lớn theo luật pháp thế gian, thì họ cũng đưa về chùa, để cho trong chùa xử trước, y theo luật pháp, Phật mà xử vị đó. Nếu đáng phải hoàn tục ngoài thế gian rồi, thì tất nhiên là phải lột y áo, bắt phải hoàn tục, vì đã phạm tội nặng ở thế gian rồi.

 

Sau khi lột y áo rồi bắt hoàn tục, thành một người thường rồi, thì chừng đó quan lính mới đem về nơi cơ sở của mình để giam, nhốt hay xử theo luật pháp của thế gian, tất nhiên người ta kính trọng Phật pháp. Do đó chúng ta nên y theo điều giáo giới của Phật mà thực hành.

 

Trong đây đức Phật đã nói: “Nếu là những vị Phật tử đã vào trong Phật pháp rồi mà còn làm như vậy, là những Phật tử tự hủy phá Phật pháp”.

 

Phật tử không phá Phật pháp, thì không có ngoại đạo hay thiên ma phá được Phật pháp cả.

 

Trong đây Phật có ví dụ như sư tử, chỉ có trong thịt sư tử tự sanh trùng, rồi tự nó ăn thịt sư tử mà thôi.

 

Nếu ta để cho những hành vi, hay điều chi làm cho chánh pháp của Phật bị suy tổn, tổn thương đến uy tín, là chính mình ở trong nhà Phật pháp, làm con của Phật mà đi phá pháp của Phật. Người đã thọ giới của Phật nên hộ trì giới luật của Phật như ấp yêu con một, như kính thờ cha mẹ, không được hủy phá…

 

Điều nầy hệ trọng lắm, bởi vì đức Phật có nói:

 

Giới luật của Phật còn ở thế gian thì chánh pháp của Phật còn tại thế gian được. Cho nên nói rằng giới luật còn thì chánh pháp còn, vì giới luật là nền tảng của tòa nhà Phật pháp. Nếu nền móng đó còn thì ngôi nhà đó còn. Nền móng sụp thì căn nhà trên cũng sụp. Nên đây Phật mới dạy: Hộ trì giới luật của Phật như ấp yêu con một.

 

Đã biết rằng giới luật còn thì chánh pháp của Phật còn. Giới luật còn, không phải còn ở trong quyển luật, quyển kinh mà còn ở là trong con người thọ giới mà biết giữ giới, trì giới. Do đó mà Phật tử lại đi phá giới của Phật, đó là hủy phá chánh pháp của Phật. Đó là điều rất quan trọng cần phải nghi nhớ.

 

Người Phật tử khi nghe ngoại đạo, người ác, dùng lời nói hủy báng giới pháp của Phật thì đau đớn không khác nào ba trăm giáo nhọn đâm vào tim mình, hay cả nghìn lưỡi dao, cả vạn cây gậy đánh bổ vào thân mình. Thà tự cam vào ở địa ngục đến trăm kiếp, chớ không muốn nghe lời hủy báng giới pháp của Phật do bọn người ác. Huống là không có lòng hiếu thuận tự mình hủy phá giới pháp của Phật hay làm nhơn duyên bảo người khác hủy phá…

 

Nếu cố phá giới pháp, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Đã là Phật tử rồi mà nếu nghe những người ác ngoài Phật pháp nói xấu, chạm đến giáo pháp của Phật, thì trong lòng đau đớn, mà trong đây đã nói đau đớn còn hơn những cây giáo nhọn đâm thấu trong tim. Cho đến thà rằng chịu đọa trong địa ngục mà chịu khổ, chớ không muốn nghe lời hủy báng giáo pháp của Phật do những người ác nói. Đây là trọng giới pháp của Phật. Chứ đâu có nhẫn tâm cố ý phá lấy giới pháp của Phật. Nếu là Phật tử rồi, mà đối với pháp của Phật, tự mình thấy không còn ưa thích nữa và thấy tự mình không có khả năng theo đúng như vậy, thì nên chánh thức để xả giới, chớ không nên lạm dụng nơi địa vị hay danh nghĩa rồi lại phá, lại phạm giới pháp.

 

Phá, phạm giới pháp đó, gọi là hủy phạm. Mà phá giới pháp tất nhiên là phá chánh pháp.

 

Như thế là sao? Nghĩa là mình thọ giới rồi, cũng như gia bảo của đức Phật mà mình lãnh để gánh vác trên vai, phải yêu mến kính trọng giữ gìn cho tròn vẹn, chớ không nên làm hư. Nếu thấy mình không kham nữa thì giao trả lại tức là xả giới. đừng nên ôm giữ lấy mà làm hư đi. Tội đó rất lớn! Đây là kết về tội cố phá hủy vậy.

 

Theo sự phá hủy trong giới nào, thì kết tội phạm nơi giới điều đó. Ngoài tội chánh đã phạm, còn thêm tội thứ 48 nầy và thêm việc cố móng tâm phạm giới điều thứ 43 nữa vậy. Nếu phạm giới trong những ngày lục trai hay là những ngày trường trai thì lại phạm thêm một tội nữa. Do đó đối với giới Bồ tát nầy mà sơ siển một chút thì không biết bao nhiêu tội. Nó chồng chất trên đầu.

 

Thí như người dọn cháo chay cho mình ăn, trong đó có nêm hành, khi dọn lên mình biết có mùi hành nồng nặc mà cố ăn, tất nhiên là phạm tội thứ tư là tội ăn ngũ tân; mà nếu vào ngày lục trai trong tháng chẳng hạn (ngày rằm, mười bốn hay mùng tám) tức là thêm tội trong ngày lục trai mà cố để phạm giới. Đó là hai tội. Rồi cố tâm để ăn, thành ra phạm tội 43, trong đó có luôn tội 48 nầy. Một tội như thế, nó dây dưa không biết bao nhiêu tội chồng chất lên. Nếu mình sám hối tội ăn ngũ tân thôi thì mấy tội kia vẫn còn phải đem tùy tội ra mà sám hối, nhưng đây là tội khinh, có thể đem ra đối thú sám hối.

 

Do đó trước đã có nói vị Giới sư làm Thầy, làm Pháp sư truyền giới cho người, phải thông các hành tướng của giới, nếu không thông hiểu mà đi làm Thầy, tất nhiên phạm tội cố tâm đó. Thông hết thì mới có thể chỉ vẽ cho người khác được, cho nên thọ giới rồi cần phải học. Vì người khác chỉ vẽ không bằng tự mình hiểu biết, phải cần học, nên sau khi thọ giới, quyển giới nầy cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Nếu nửa tháng chỉ nghe một lần rất khó nhớ, mà cũng khó thông hiểu. Phải đọc đi đọc lại từng giới, chiêm nghiệm trong đó. Phải nhớ trước nhớ sau. Nếu không nhớ trước nhớ sau thì việc sám hối tội phạm không đúng pháp và tội không tiêu trừ được.

 

Chín giới như vậy cần nên học, hết lòng kính trọng phụng trì.

 

Từ giới 40 cho đến bốn 48 Phật đã căn dặn như thế.

 

Đến đoạn thứ VII là tổng kết 10 giới trọng và 48 giới khinh.

Comments

Popular posts from this blog