GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH



VI.- 48 ĐIỀU GIỚI KHINH



31.- GIỚI KHÔNG MUA CHUỘC

 

Nếu Phật tử, sau khi Phật nhập diệt ở trong đời ác thấy hàng ngoại đạo, bọn giặc cướp cùng tất cả người ác đem bán hình tượng Phật, Bồ tát, cha mẹ. Đem bán Kinh Luật, đem bán Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cùng người hành đạo Bồ tát, kẻ phát tâm Bồ đề để làm tay sai cho các quan hay làm tôi tớ cho mọi người. Phật tử thấy những sự như thế, nên có lòng từ bi tìm cách cứu vớt. Nếu không đủ sức, Phật tử phải đi quyên tiền các nơi để chuộc hình tượng Phật, Bồ tát và tất cả Kinh Luật; chuộc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, người tu hành Bồ tát kẻ phát tâm Bồ Đề. Nếu không mua chuộc, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu thấy hàng ngoại đạo, hay giặc cướp đem bán hình tượng Phật, Bồ tát hay hình cha mẹ; đem bán Kinh Luật, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hay những người hành đạo Bồ tát. Nếu là tượng Phật, Bồ tát hay cha mẹ của mình ở trong tay của họ, họ bán không được họ hủy hoại.

 

Thời kỳ kháng chiến việc nầy có nhiều, lính Tây hay lấy các thứ nầy như vào chùa hay nhà lấy chuỗi huyền… đập cho bể. Nếu thấy phải đem tiền tới chuộc, nếu không thì họ hủy hoại hết. Nếu thấy người hành đạo, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni bị bắt đi, tất nhiên phải chuộc họ sẽ đem đi bán như bán người làm nô lệ. Nếu không đủ sức phải đi quyên tiền. Quyên tiền là kêu các vị khác giúp sức với mình. Không cố chuộc, thấy mà bỏ qua, tức nhiên phạm điều giới 31 nầy.

 

 

32.- GIỚI TỔN HẠI CHÚNG SANH

 

Nếu là Phật tử không được buôn bán dao gậy, cung tên, những khí giới sát sanh, không được chứa cân non giạ thiếu. Không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Không được ác tâm trói buộc người và phá hoại việc thành công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Những việc làm chỉ là duyên tổn hại chúng sanh, nếu thiệt tổn hại thì theo sự tổn hại đó kết giới. Đây chỉ là duyên chưa phải tổn hại. Mà duyên không tránh thì phạm điều thứ 32 nầy.

 

Buôn bán những dao gậy, cung tên, khí giới sát sanh là một trong những duyên làm tổn hại chúng sanh. Cho đến cân non giạ thiếu cũng không được chứa, nếu chứa cũng phạm điều giới 32 nầy, chứ không đợi đem ra cân hay đong. Nếu đem ra cân đong thì phạm tội trộm. Còn những khí giới sát sanh cũng vậy, chứa cất thì phạm điều giới thứ 32 nầy, còn đem ra giết hại chúng sanh là phạm giới trọng thứ nhứt trước.

 

Không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Cho đến không được ác tâm trói buộc người, bắt người ta để trói hay phá hoại những việc thành công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó. Heo thì để ăn thịt, để bán cho người giết thịt, nếu tự giết phạm tội thứ nhứt.

 

Nếu có người bắt heo để làm thịt rồi mua lại nuôi phóng sanh, cái đó không sao. Mèo, chồn hai loại nầy đều bắt chuột, bắt con nầy con kia. Nó là loài sát sanh. Nếu nuôi nó thì không nhờ cậy được gì khác hơn là sát sanh. Cho nên nuôi nó phạm tội.

 

Chó cũng nên cẩn thận, nếu chó săn thì phạm, nuôi chó để giữ nhà thì không phạm, còn nuôi để săn thì phạm.

 

 

33.- GIỚI TÀ NGHIỆP GIÁC QUÁN

 

Nếu là Phật tử, không đặng vì ác tâm đi xem tất cả nam nữ  … đánh nhau, hay quân trận binh tướng, giặc cướp  … đấu chiến nhau. Cũng không được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng  … cho đến bói xủ. Chẳng đặng làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Tà nghiệp là những việc làm không đúng với chánh pháp. Giác quán là loạn tâm, rộn trí, nó làm mất thì giờ buông lung phóng dật, đều là những việc chướng cho đường đạo hạnh, nên Phật cấm.

 

Ác tâm là tâm trái với pháp Đại thừa. Tâm không trụ chánh niệm, chánh định, rồi đi đến chỗ nam nữ đánh nhau thì phạm tội.

 

Không được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng… đó là những việc thuộc về phóng dật, làm cho loạn tâm trí thêm sự ham muốn, mất thì giờ, không lợi cho đường tu hành. Coi bói, coi quẻ cũng không được, “bói xủ” tự đi bói xủ cũng không được, đi xem quẻ cũng không được.

 

Chẳng được làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên đây, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

 

34.- GIỚI TẠM BỎ BỒ ĐỀ TÂM

 

Nếu là Phật tử ngày đêm sáu thời, đọc tụng giới Bồ tát nầy. Nên giữ gìn giới luật trong tất cả khi đi đứng nằm ngồi, vững chắc như kim cang, như đeo trái nổi qua biển lớn, như các Tỳ kheo bị cột bằng dây cỏ. Thường có tín tâm lành đối với Đại thừa… Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành, rồi phát Bồ đề tâm và giữ vững không thối chuyển. Nếu có một tâm niệm xu hướng theo Nhị thừa hay ngoại đạo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu bỏ Bồ đề tâm, người Phật tử không còn là Bồ tát nữa. Đây chưa phải bỏ hẳn, chỉ tạm trong thời gian, thì phạm điều thứ 34 nầy. Bổn phận mình như vậy, luôn luôn phải nhớ. Muốn nhớ phải luôn luôn đọc tụng. Mà nếu thiệt nhớ trong tâm thì lúc nào cũng có tụng vậy.

 

Ngày đêm 6 thời là luôn luôn đêm ngày không rời Bồ tát giới nầy, chứ không phải phân thời. Như nói ngày ba thời: sáng, trưa, chiều. Đêm thì đầu hôm, giữa hôm, cuối hôm. Ngày 3 thời, đêm 3 thời cộng lại là 6 thời.

 

Đức Phật đem thí dụ người bị cột bằng dây cỏ và người đeo trái nổi qua biển. Muốn vượt qua biển thì trái nổi đó phải nguyên vẹn, nếu trái nổi mất phần nào dù rất nhỏ như cây kim đi nữa, thì người đó cũng khó bảo toàn tánh mạng. Trong kinh Đại thừa nói: Như người đeo trái nổi lội qua biển. Giả sử như có quỷ La sát đến xin trái nổi đó, người ấy có thể cho được không? Người ấy nhứt định là không cho, bởi vì có trái nổi mới không chìm, nếu cho trái nổi nhứt định chìm.

 

Xin nguyên không cho, xin phân nửa thôi, có thể cho được không? Cũng không thể cho được, bây giờ nó chỉ xin một phần tư thôi, cũng không cho được, rồi nó xin một phần mười, một phần trăm, một phần ngàn cũng không thể cho được. Bởi vì cho một phần bằng hột cát cũng đủ xì hơi ra, trái nổi vẫn xẹp và xì như thường.

 

Quỷ La sát là những nghiệp phiền não ác, xúi dục để phạm điều giới của Phật. Những điều giới cũng như trái nổi vậy. Bởi vì mình phải nương theo giới mới thoát khỏi sanh tử luân hồi cũng như người kia phải nhờ trái nổi để qua khỏi biển.

 

Những nghiệp phiền não dù cho xúi dục phạm điều rất nhỏ trong giới cấm của Phật cũng quyết tâm giữ gìn không cho phạm. Cũng như người đeo trái nổi kia, con quỷ La sát dù chỉ xin một phần rất nhỏ bằng hột cát, cũng không thể cho được.

 

Phải có tín tâm lành đối với Đại thừa. Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành, phát Bồ đề tâm và giữ vững không thối chuyển.

 

Nếu tự thiệt biết như vậy, gọi là đã thấy Phật tánh rồi đó. Thấy Phật tánh là thấy chơn tâm bổn tánh.

 

Nếu chưa thấy Phật tánh, theo văn tự thì gọi rằng biết. Biết có hai: thiệt biết Phật tánh (thấy được Phật tánh rồi) nghĩa là chắc chắc sẽ thành Phật. Bởi vì Phật thành Phật cũng do nơi Phật tánh mà thành. Như vậy mình có Phật tánh quyết định mình sẽ thành Phật.

 

Theo văn tự, nghĩa là chưa thấy được Phật tánh, tin theo lời Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.

 

Nếu y theo chánh giới của Phật mà tu thì thành chủng tử Phật tánh. Đã có chủng tử Phật tánh làm nhơn, tức nhiên sẽ thành quả Phật. Tin như vậy gọi là biết theo văn tự. Do đó phát Bồ đề tâm là hướng về nơi Phật quả để tu hành và giữ vững tâm không thối chuyển.

 

Giờ đây nếu có một niệm xu hướng theo Nhị thừa hay ngoại đạo thì Phật tử nầy phạm điều giới 34 đây. Có tâm niệm xu hướng là chỉ tạm thời thôi, nghĩa là nghĩ đến hành Bồ tát đạo, tu hành thành Phật lâu dài khó khăn, rồi phải hiện thân trong lục đạo để tu hành tất cả Bồ tát hạnh, rồi mới có thể thành, cho nên nghĩ: chi bằng tu theo pháp Nhị thừa để mau chứng quả giải thoát, hay là ham mê theo ngoại đạo tà giáo, chỉ một niệm đó thôi, thì đã phạm. Các vị đã thọ giới Bồ tát rồi, khi có tâm niệm đó khởi lên (nhàm chán Đại thừa) muốn học hay là tuân theo Nhị thừa, hay là có niệm tín ngoại đạo, thì phải mau mau sám hối. Sám hối thì tội tiêu, nếu không sám hối mà cứ tiếp tục, thì có thể làm mất Bồ đề tâm. Mà Bồ đề tâm mất thì tự nhiên giới cũng mất.

 

Vì sao? Vì giới được thành tựu do Bồ đề tâm. Vì vậy khi thọ giới bảo phải nên phát Bồ đề tâm, rồi mới truyền giới. Cho nên khi có quan niệm trái với Bồ đề tâm, Bồ đề tâm là tâm niệm hướng đến quả Phật. Nếu có tâm niệm trái bỏ trong khoảng thời gian ngắn, có thể nhàm chán Bồ đề hạnh, Phật quả, lại thích Nhị thừa ngoại đạo, như vậy phạm giới 34 nầy. Phải sám hối để nó không tương tục. Nếu tương tục nhiều, có thể làm mất Bồ đề tâm. Mất Bồ đề tâm thì giới hoại.

 

 

35.- GIỚI KHÔNG PHÁT NGUYỆN

 

Nếu là Phật tử, nên phát những điều nguyện lớn: - Nguyện hiếu thuận với cha mẹ, sư Tăng, Tam Bảo - Nguyện đặng gặp được Thầy tốt, bạn thiện tri thức thường dạy bảo tôi các Kinh Luật Đại thừa… dạy cho tôi về Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang,Thập Địa… Cho tôi hiểu rõ để tu hành đúng chánh pháp. - Nguyện giữ vững giới của Phật, thà chết chớ không chịu phai lòng. - Nếu tất cả Phật tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

“Nguyện hiếu thuận với cha mẹ, sư Tăng, Tam Bảo”. Hiếu thuận với cha mẹ là ở đời. Sư Tăng là Hòa thượng, A xà lê là Giới sư truyền giới cho ta. Hiếu thuận sư Tăng là hiếu thuận xuất thế gian, còn cha mẹ là thế gian.

 

“Nguyện đặng gặp được Thầy tốt…” Có Thầy tốt mới dẫn dắt cho thành tốt được.

 

“Bạn thiện tri thức…” Phải có bạn lành.

 

Thường dạy bảo tôi các Kinh Luật Đại thừa… dạy cho tôi về “Thập Phát Thú” – “Thập Trưởng Dưỡng” – “Thập Kim Cương” – “Thập Địa”. Cho tôi hiểu rõ để tu hành đúng chánh pháp.

 

Chẳng những nguyện gặp được Thầy bạn, nguyện được Thầy bạn dạy cho những pháp như trên hay là Kinh Luật Đại thừa. Nguyện cho mình hiểu rõ, nguyện phát tâm tu hành đúng chánh pháp.

 

Nguyện giữ vững giới của Phật, thà chết chớ không chịu phai lòng. Nếu tất cả Phật tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

 

36.- GIỚI KHÔNG PHÁT THỆ

 

Nếu là Phật tử khi đã phát mười điều nguyện lớn trên đây rồi… phải giữ gìn giới cấm của Phật. Thà nhảy vào đống lửa, hố sâu, núi cao quyết không cùng với tất cả người nữ làm điều bất tịnh để phạm điều cấm trong Kinh Luật của tam thế chư Phật.

 

Thà chịu chết chớ không để phạm những điều giới. Vì sao? Nếu có chết, khổ chỉ trong thời gian nào đó thôi. Nhờ việc xả thân mà giữ giới, do đó huệ mạng không mất. Mà huệ mạng không mất thì tương lai sẽ hưởng quả báo lành, sẽ được thành Phật. Còn nếu không biết mà sợ khổ để phạm giới thì huệ mạng mất. Huệ mạng mất tất nhiên quả báo lành về sau sẽ mất, còn chướng ngại trên đường thành Phật.

 

Điều thệ thứ nhứt: Thà chết hay chịu khổ, chớ không để phạm điều bất tịnh với người nữ. Gặp nhơn duyên, trường hợp gì, đến đỗi chết đi, thì thà chết.

 

Lại thề rằng: Thà lấy lưới sắt nóng quấn thân mình cả nghìn lớp, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ những đồ y phục của tín tâm đàn việt.

 

Thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm ngàn kiếp, quyết không để miệng nầy phá giới mà ăn các thứ thực phẩm của tín tâm đàn việt.

 

Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân nầy phá giới mà nhận lấy các thứ giường ghế của tín tâm đàn việt.

 

Thà trong một hai kiếp chịu cho cả trăm gươm giáo đâm vào mình, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt.

 

Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm nghìn kiếp, quyết không để thân nầy phá giới mà lãnh những phòng nhà ruộng vườn đất đai của tín tâm đàn việt.

 

Người xuất gia thọ tứ sự cúng dường của tín tâm đàn việt thì phải có giới hạnh thanh tịnh mới thọ.

 

Thà chịu khổ ở địa ngục chớ không để phạm giới, phá giới để thọ sự cúng dường của tín tâm đàn việt.

 

Người tại gia cũng có thân, phải thọ bốn điều đó mới sống được. Như vậy tại gia hay xuất gia đã thọ Bồ tát giới rồi thì cũng phải giữ giới cho thanh tịnh. Không nên phá giới, rồi cũng ăn mặc, nhà cửa, thuốc men  … cho nên trong đây nói: “Thà đọa trong địa ngục chớ không để phạm giới”.

 

Lại phát thệ rằng: Thà dùng chày sắt đập thân nầy từ đầu tới chân nát như tro bụi quyết không để thân nầy phá giới mà thọ sự cung kính lễ bái của tín tâm đàn việt.

 

Lại phát thệ rằng: Thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm giáo khoét đôi mắt mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà nhìn xem sắc đẹp của người.

 

Thà lấy trăm nghìn dùi sắt, đâm thủng lỗ tai mình trải trong một hai kiếp, quyết không đem tâm phá giới nầy mà nghe tiếng tốt giọng hay. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ lỗ mũi mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà ngửi các mùi thơm.

 

Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt đứt lưỡi mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà ăn các thứ tịnh thực của người.

 

Thà lấy búa bén chặt chém thân thể mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà tham mặc đồ tốt.

 

Không đem thân phá giới để hưởng tứ sự cúng dường, đây nói cả tâm nữa. Tâm phá giới không có, tức sự giữ giới được sâu. Chẳng những giữ giới nơi thân mà tâm cũng tương ưng giữ giới.

 

Lại phát nguyện: Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật. Nếu Phật tử không phát những điều thệ nầy, thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Phát thệ nên nhớ như vầy: trên thì rời hạnh bất tịnh, kế đó là phải giữ giới cho trong sạch để thọ sự cung kính của người. Kế đến là tâm phải trong sạch trong khi sáu căn tiếp xúc với 6 trần.

 

Và cuối cùng là nguyện cho chúng sanh, tất cả đều được thành Phật.

 

Những điều thệ trên đây, điều cuối cùng là lúc nào cũng nguyện cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật, nghĩa là chẳng những mình muốn thành Phật mà cũng muốn tất cả chúng sanh đều được thành Phật.

 

Như vậy là lúc nào cũng đem giáo lý Đại thừa chánh pháp, nếu gặp thuận duyên, thuận cảnh thì bố thí cho tất cả chúng sanh, giáo hóa tùy theo trường hợp không bỏ. Không đủ sức giáo hóa cũng chú nguyện. Nghĩa là trong khi tu hành làm lành, tụng kinh, niệm Phật đem công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh đều nhờ hưởng những công đức mình đã làm đó, cho họ tăng trưởng thiện căn, đều đặng thành Phật.

 

Còn những điều thệ trên, chỉ tóm tắt là luôn luôn giữ giới pháp của Phật mà mình đã thọ hết sức vững vàng. Hết sức thanh tịnh, nghĩa là thà chết chớ không để hủy phạm. Nếu không có tâm niệm kiên quyết phát thệ như vậy là phạm điều giới thứ 36 nầy. Vì thế nên ai cũng phải phát thệ. Có phát thệ mới giữ gìn, gặp cảnh, gặp duyên không phạm giới, nếu không phát thệ, gặp thuận cảnh thuận duyên có thể phạm.

 

Nếu giữ giới thanh tịnh, thì một khi có điều gì sai thì người nhìn vào thấy cũng như áo trắng sạch, mà dính một chút bụi bặm đều thấy rõ. Như ngài Mục Kiền Liên dẫn ông Sa di đến ao A Nậu Đạt trên Hy Mã Lạp Sơn để tọa thiền. Khi ngài Mục Liên tọa thiền thì ông Sa di rảnh rang mới đi tới đi lui để chơi, thì thấy có chỗ đó có cát bằng vàng, mới nghĩ rằng cát nầy nếu mình đem về lót trong chỗ của đức Phật thì tốt quá, nên mới bọc một bọc, tính đem về trải qua chỗ của đức Phật tắm.

 

Khi ngài Mục Liên xuất định không hay việc nầy. Ngài bảo ông Sa di đi về, thì ông Sa di không thể bay được. Ngài Mục Kiền Liên ngạc nhiên, coi lại thì ông Sa di đang bị một vị Thần giữ lại không buông. Ngài Mục Liên biết do cớ đó, mới bảo ông Sa di xổ cát vàng trong bao ra thì vị Thần mới chịu buông.

 

Vị Thần đó không phải tiếc cát, nhưng thấy ông Sa di làm như vậy cũng phạm không được thanh tịnh, là ham vàng. Đem cát vàng về rải chỗ tắm của Phật để cúng dường, chớ không phải đem về xài phí, nhưng người đó đã trong sạch như áo trắng sạch, dù việc nhỏ như chút ít bụi bám vào áo trắng sạch như vậy cũng lộ vết nhơ.

 

Muốn giới được thanh tịnh, kiên trì thì phải phát thệ. Nếu không phát thệ thì gặp duyên sẽ phạm.

 

 

37.- GIỚI VÀO CHỖ HIỂM NẠN

 

Nếu là Phật tử mỗi năm hành đầu đà hai kỳ, mùa đông mùa hạ thời ngồi thiền kiết hạ an cư…

 

Theo luật của Phật thì có kiết hạ và kiết đông. Miền Bắc thì mùa đông giá tuyết, muốn đi đứng cũng khó. Do đó phải kiết đông ở tại một chỗ, cũng như mùa hạ, trời mưa tầm tã. Cho nên mùa đông, mùa hạ ở yên một chỗ mà tấn tu giới định huệ. Trong thời kỳ đó, có hai lần hành đầu đà. Đây nói hành đầu đà chớ không phải đi đầu đà khổ cực. Không phải đi du phương.

 

Thường dùng nhành dương, nước tro, ba y, bình bát, tọa cụ, tích trượng, hộp lư hương, đãy lược nước, khăn tay, con dao, đá lửa, cái nhíp, giường dây, Kinh Luật, tượng Phật, tượng Bồ tát.

 

Tất cả có 18 món.

 

Kinh thì mình thích quyển kinh nào thì đem theo như kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Di Đà chẳng hạn. Còn luật là quyển luật mỗi tháng mình Bố tát đó. Bởi vì hành đầu đà thì không được ở nhà ai, cũng không được vào chùa để nghỉ, nếu thiếu 18 món nầy thì không tiện nên phải đem theo.

 

1.-Nhành dương, ngày xưa không có bàn chải đánh răng nên phải dùng nhành dương để thế cho bàn chải. Nhăn nhành dương cho nó tưa ra, mềm đi rồi đánh răng, đánh răng rồi thì bỏ đi, qua bữa khác lại nhăn một khúc, trong luật gọi rằng nhăn chừng nào cho nó mềm như bông thì cầm cái đó để đánh răng.

 

Bây giờ có bàn chải khỏi cần dùng đến nhành dương nữa. Xưa không có xà bông nên muốn rửa cho sạch phải có nước tro để dùng.

 

2.-Bát đựng đồ ăn, còn bình thì đựng nước. Nên nhớ cho kỹ, chớ gọi đi trì bình là sai. Bát: tức “Bát đa la” dịch là ứng lượng khí. Bát đựng đồ ăn, còn bình đựng nước đó vậy.

 

3.-Tọa cụ: đồ lót ngồi.

 

4.-Tích trượng: cây gậy chống đi những chỗ gập ghềnh hay để ngừa chó  …

 

5.-Hộp lư hương: là đến chỗ nào đó đốt hương cúng dường Tam Bảo rồi tụng kinh, ngồi thiền.

 

6.-Đãy lược nước: là dụng cụ hộ sanh. Bởi vì đi như vậy nhiều khi gặp khe suối, rạch để múc nước. Nếu không đãy lược nước thì nước có lăng quăng làm sao dùng được?

 

7.-Khăn tay: để lau.

 

8.-Con dao: để cắt nhành dương hay cắt các vật.

 

9.-Đá lửa: để nhóm lửa hoặc sưởi khi lạnh. Không phải để nấu ăn. Đi hành đầu đà là khất thực.

 

10.- Cái nhíp: để nhổ lông mũi.

 

11.-Giường dây: như bấy giờ dùng vải thiệt mỏng để làm một cái giường, có thể giăng trên cây để nghỉ được.

 

“Khi Phật tử hành đầu đà cùng lúc du phương…”:

 

Hành đầu đà với du phương khác nhau. Đi du phương là đi phỏng đạo hay đi giáo hóa. Nhiều khi phải đi đến xứ đó để giáo hóa có bổn phận, hoặc phải đi học thêm ở nơi vị Pháp sư nào đó gọi là du phương. Còn hành đầu đà, tất nhiên phải thực hành hạnh đầu đà. Đầu đà nầy rất khó…

 

“Đi lại trăm dặm nghìn dặm, 18 món nầy luôn mang theo mình.

 

Đây là hai kỳ hành đầu đà trong mỗi năm: Từ Rằm tháng Giêng đến Rằm tháng 3 và từ Rằm tháng 8 cho đến Rằm tháng 10”.

 

Chỉ trong mấy tháng đó hành đầu đà, là đi du phương chớ ở một chỗ tu hành đầu đà thì ngoại lệ, lúc nào cũng được.

 

“Trong hai kỳ hành đầu đà, luôn mang theo mình 18 món ấy như chim hai cánh”.

 

Đây đức Phật nói, nếu 18 món nầy mà thiếu thì không thể đi được. Thiếu đồ dùng nơi thân lấy gì hộ trợ thân để hành đạo. Còn đi đến đâu cũng vào nhà hay vào chùa để nhờ thì không phải hành đầu đà rồi. Nên mang theo 18 món nầy như chim hai cánh, nếu thiếu một phần nào cũng không thể bay được.

 

Hạnh đầu đà có hạnh khó nhứt, là ngồi luôn không nằm. Hạnh đó khó nhứt. Còn 11 hạnh trên (tất cả 12 hạnh) nếu cố gắng làm đều có thể làm được, nhưng hạnh đầu đà trong luật không buộc phải làm trọn đời, nghĩa là có thể phát tâm phát nguyện thọ hạnh đầu đà trong một thời gian nào đó rồi xả. Khi nào muốn tu nữa thì thọ lại. Bởi vì những khổ hạnh trong Phật pháp để kềm thúc thân tâm khỏi sự buông lung theo vật dục. Do đó để an tâm và để khuyến tu đạo hạnh, nên tùy theo sự phát tâm chớ không bắt buộc. Hành đầu đà là không được ở một chỗ. Chỉ trong hai kỳ trong mỗi năm. Kỳ nhứt từ Rằm tháng Giêng đến Rằm tháng Ba, đó là tháng khô ráo mát mẻ. Rồi từ Rằm tháng Tám cho đến Rằm tháng Mười, tất nhiên sau mùa mưa rồi, trước mùa đông. Mấy tháng đó chưa đến mùa đông lạnh lẽo.

 

“Nếu đến ngày Bố tát hàng tân học Phật tử, mỗi nửa tháng luôn Bố tát, tụng 10 giới trọng và 48 giới khinh”.

 

Đây là nói đến ngày Bố tát. Hàng Phật tử cứ mỗi nửa tháng đến ngày Bố tát thì phải tụng 10 giới trọng và 48 giới khinh.

 

“Lúc tụng giới nên ở trước tượng Phật và Bồ tát mà tụng. Chỉ có một người Bố tát, thì một người tụng. Nếu hai người ba người nhẫn đến trăm ngàn người, cũng một người tụng còn bao nhiêu người lắng nghe”.

 

Nếu riêng một mình thì mình tụng, còn nếu hai người thì cử một người tụng, còn người kia ngồi nghe, cho đến trăm người cũng vậy. Một người tụng còn bao nhiêu người khác ngồi lắng nghe.

 

 “Người tụng ngồi cao, người nghe ngồi thấp”

 

Bất luận vị đó lớn nhỏ, nhưng nếu thay thế trong Đại chúng để tụng giới, thì vị đó phải thỉnh lên ngồi ở trên cao.

 

“Mỗi người đều đắp y hoại sắc 9 điều, 7 điều và 5 điều”.

 

Đây là nói hàng xuất gia, chớ không phải người tại gia. Có nhiều khi làm việc đó, rồi người tại gia cũng đắp y sai lầm. Nhưng tại gia cũng phải mặc đồ hoại sắc, không phải màu trắng.

 

Trong luật Phật, xưa người tại gia lấy chánh sắc làm màu trắng. Do đó gọi người tại gia là bạch y. Phá hư màu trắng đó gọi là hoại sắc.

 

Hoại sắc hoặc xanh vàng, đỏ, tím, đen, tùy ý hoại. Trong những màu đó tùy ý dùng một màu để pha trắng cho hư. Trong lúc kiết hạ an cư cũng phải mỗi việc đúng theo pháp tắc, nghĩa là không phải kiết hạ an cư rồi không tụng giới, không Bố tát. Kiết hạ an cư thì cũng phải Bố tát kiết giới vậy.

 

Lúc hành đầu đà chớ đi đến chỗ hiểm nạn (có tai nạn) cõi nước hiểm ác nhà vua hung bạo, đất đai gập ghềnh, cỏ cây rậm rạp, chỗ có giống sư tử, cọp, sói, cùng lụt bão, nạn cháy, giặc cướp, đường sá có rắn rít… Tất cả nơi hiểm nạn ấy đều không được đến. Chẳng những hành đầu đà mà lúc kiết hạ, an cư cũng không được vào những chỗ hiểm nạn ấy. Nếu cố vào những nơi ấy, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu muốn đi đầu đà, thì phải tránh những chỗ hiểm nạn. Lúc kiết hạ, an cư cũng như vậy. Cũng phải kiết hạ an cư yên ổn, chớ không nên vào trong chỗ hiểm nạn. Nếu biết đó là hiểm nạn mà cố vào thì phạm giới thứ 37 nầy.

 

Trên đây nói về việc đầu đà, phải đem những đồ cần dùng. Còn đây chỉ kết tội là đi đầu đà mà vào chỗ hiểm nạn.

 

Biết đó là hiểm, mà cố đi vào nơi đó kiết hạ an cư. Như vậy phạm tội.

 

 

38.- GIỚI TRÁI THỨ TỰ TÔN TY

 

Nếu là Phật tử phải theo thứ tự đúng pháp mà ngồi: người thọ giới trước thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau. Không luận già trẻ, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, người sang như quốc vương, hoàng tử, nhẫn đến kẻ hèn như huỳnh môn, tôi tớ  … Tất cả đều nên theo thứ tự mà ngồi: người thọ giới trước thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau…

 

Đó là luận theo nơi thọ giới trước sau để phân ngôi thứ, chớ không luận theo giai cấp ngoài đời.

 

Nếu tại gia Bồ tát cùng giới với xuất gia Bồ tát, không lẽ bắt xuất gia ngồi dưới tại gia. Vậy đoàn thể nào ngồi theo đoàn thể nấy. Như vậy, xuất gia phân ngôi thứ theo xuất gia, tại gia phân ngôi thứ theo tại gia. Tại gia nếu có những hàng quyền quý, quan quyền, quốc vương, hoàng tử mà ngồi dưới tên lính cũng khó coi. Như vậy để cho hàng vua chúa ngồi riêng một nhóm thì họ tự phân với nhau.

 

Trong khi Bố tát, biết giới thì phân vậy thôi, còn trường hợp không phải theo luật, hoặc nhóm hội theo đời, đó là ngoại lệ không nên đem giới luật ra để phân.

 

Không được như hàng ngoại đạo si mê hoặc già, trẻ. Ngồi trước sau lộn xộn, không có thứ tự, không khác cách ngồi của bọn binh nô. Trong Phật pháp của Ta, hễ người thọ giới trước thì ngồi trước, người thọ giới sau thì ngồi sau. Nếu Phật tử không theo thứ tự đúng pháp mà ngồi thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Theo thứ tự đúng pháp, là theo nơi sự thọ giới trước sau mà phân ngôi thứ, đó là đúng pháp. Còn nếu lấy chức tước quyền quý, quan dân để mà phân, hay là lấy tuổi đời mà phân gọi là không đúng pháp.

 

 

39.- GIỚI KHÔNG TU PHƯỚC HUỆ

 

“Nếu là Phật tử thường phải khuyến hóa mọi người kiến tạo Tăng phường, nơi núi rừng, vườn ruộng, xây dựng Phật Tháp, chỗ an cư tọa thiền trong mùa đông, mùa hạ, tất cả những cơ sở hành đạo đều nên kiến tạo…”

 

Đức Phật khuyên bổn phận người Phật tử Bồ tát, phàm khi có duyên bất cứ chỗ nào, nếu có thể xây dựng được cơ sở hành đạo tu hành thì đều nên cố gắng.

 

“Người Phật tử phải giảng thuyết Kinh Luật Đại thừa cho tất cả chúng sanh. Lúc tật bịnh, nước có giặc, có nạn, ngày cha mẹ, anh em, Hòa thượng, A xà lê khuất tịch và mỗi tuần thất, nhẫn đến bảy tuần thất, cũng nên giảng thuyết Kinh Luật Đại thừa. Tất cả những trai hội cầu nguyện, những lúc đi làm ăn, những khi có tai nạn lụt bão, hỏa hoạn, ghe thuyền trôi dạt nơi sông to biển lớn, gặp quỷ la sát  … đều cũng đọc tụng Kinh Luật Đại thừa. Nhẫn đến tất cả tội báo, tam ác, bát nạn, thất nghịch, gông cùm xiềng xích trói buộc tay chân, hoặc người nhiều dâm, nhiều sân, nhiều ngu si, nhiều tật bịnh, đều nên giảng Kinh Luật Đại thừa nầy”.

 

Kinh Luật Đại thừa có thể cứu độ tất cả chúng sanh (người và vật) để khỏi tất cả những nạn khổ, có thể làm cho đầy đủ thiện căn công đức để được giải thoát, để được thành Phật.

 

Do đó cho nên với tất cả những người còn sống thì tất cả đều đem kinh Đại thừa mà hướng về thì khỏi những khổ, cũng như khỏi những tai nạn, còn người khuất tịch nhờ công đức của Kinh Luật Đại thừa mà giác linh hay hương linh đó được siêu sanh.

 

Phật tử nên ý thức rằng, rời kinh Đại thừa chúng sanh không thoát khổ được. Cho nên trong mọi trường hợp không được rời kinh Đại thừa, mà phải giảng kinh, thuyết pháp đọc tụng.

 

“Nếu hàng tân học Phật tử không thực hành như trên đây thì phạm “Khinh Cấu Tội””.

 

Nghĩa là không tinh tấn để đọc tụng, thực hành theo Kinh Luật Đại thừa. Nếu không tinh tấn như vậy, tất nhiên phạm tội. Nếu thực hành đúng giới Bồ tát nầy, người đó chẳng những có giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh mà còn tinh tấn để tu phước huệ. Bởi vì nếu không tu phước huệ dù giữ thanh tịnh cũng vẫn phạm tội.

 

“Chín giới như thế cần nên học, hết lòng kính trọng phụng trì”

 

Đã tinh tấn phước huệ thì phải lìa những duyên phóng dật. Do đó, có những điều giới răn cấm không được coi hát, đá cầu, đá bóng, chơi cờ, đánh bạc… Tất cả việc đó không được làm vì buông lung tâm tánh. Và một điều cần thiết là phải phát nguyện, phát thệ. Có phát thệ nguyện thì nương theo nguyện thệ đó mới gặp Thầy lành, bạn tốt, rồi sự hiểu biết thực hành chẳng những đời nầy còn nhiều đời sau nữa.

 

Nếu không phát nguyện thì không thành tựu được nghiệp lành trong đời hiện tại. Và muốn giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh phải có phát thệ. Do phát thệ mà tâm mạnh mẽ. Tự thệ rằng: Thà xả thân mạng mà chết chớ không bao giờ làm sai giới pháp mà ta đã thọ. Nghĩa là trọng giới pháp của Phật hơn thân mạng của mình. Nhờ có phát thệ nên gặp hoàn cảnh bắt buộc phải phạm giới, do có thệ nguyện mà kiên quyết lướt qua, khỏi phải phạm giới.

 

Có những điều giới phải giữ gìn nơi Bồ đề tâm, dù đó là một thời gian rất ngắn cũng không xao lãng, nghĩa là bao giờ cũng hướng về Đại thừa thành Phật, quyết thực hành Bồ tát hạnh cầu thành Phật.

 

Nếu không cẩn thận thì có thể chạy theo Nhị thừa, vì người ta cũng tu hành tiến đến Sơ thiền, Phi Phi Tưởng định chẳng hạn. Cũng có ngoại đạo tu hành chứng ngũ thông. Huống nữa họ là ngoại đạo tiên tri biết quá khứ, vị lai hay chữa bịnh lành chẳng hạn.

 

Giả sử có ai bịnh chạy thuốc không lành, rồi có ông thầy nước lạnh, ông chữa cho được lành, đó cũng ham mê theo. Nếu có tâm niệm thích mà xao lãng tâm nguyện cầu thành Phật để độ chúng sanh, người xuất gia nên tránh những nghề nghiệp hại người hại vật.

 

Việc cúng dường cũng phải nên bình đẳng. Phật tử đối với ngôi Tam Bảo phải có tâm bình đẳng cúng dường.

 

Nhứt là ngăn các duyên làm tổn hại hữu tình, như chứa hay là buôn bán dao gậy, khí giới, tội nặng nhứt là cân non giạ thiếu, đó là hình thức trộm của thiên hạ. Trong phạm vi đây, nếu cất chứa những vật nêu trên, là phạm giới điều thứ 32. Điều cần nên nhớ là đối với giới mình đã thọ, cần phải giữ gìn cho cẩn thận. Phật tha thiết đem một điều dụ với một điều lệ. Điều dụ như trái nổi để người đó vượt qua biển vậy. Nếu trái nổi đó chỉ hư một chút thì cũng đủ chết chìm giữa biển. Trái nổi đó dụ cho giới pháp của Phật, còn người đem trái nổi đó, dụ cho người thọ giới pháp của Phật thì phải giữ gìn giới pháp đó cho toàn vẹn, mới có thể vượt qua biển khổ sanh tử luân hồi, mà đến nơi quả vị của Phật.

 

Vị Tỳ kheo thọ giới rồi không được làm tổn hại những cỏ cây còn tươi sống.

 

Tỳ kheo khi đi qua một cụm rừng bị bọn cướp giật hết y bát, vì sợ các Tỳ kheo nầy đi tố cáo, cho nên chúng bàn tính với nhau nên đem giết hết đi. Trong số đó có một người hiểu được giới luật của Tỳ kheo nên can rằng: “Ta đã cướp giật của người xuất gia đã là tội rồi, lại còn toan đem giết nữa lại còn thêm tội lớn nữa”! Vậy tôi có cách. Các người đồng bọn liền hỏi: “Cách như thế nào”? Người kia liền đáp: “Ta dùng dây tươi mà cột mấy vị Tỳ kheo nầy lại, cứ để nguyên dây còn dính gốc trên cây, vì các vị đó giữ giới cây cỏ còn sống không được bứt, thì sẽ bị kẹt nơi đó mà chịu chết đói hoặc bị hùm rắn tha. Ta không cần phải giết chi cho thêm mang tội”. Liền đó họ kéo dây để cột các Tỳ kheo dính vào gốc cây.

 

Sau khi bọn cướp tản đi hết rồi, các Tỳ kheo cứ nhắc với nhau hoài: “Mình bây giờ nhứt định phải giữ giới của Phật, thà chết chứ không nên bứt mấy sợi dây nầy để phạm giới của Phật”.

 

Cứ chịu trận như vậy, cho đến đói cả mấy ngày. May mắn thay, có mấy người đi săn gặp, người ta mới mở cho được thoát nạn. Rồi mới truyền tụng cho thế gian mà khen ngợi mấy vị Tỳ kheo đó là người không phá giới để được sống, nghĩa là thà chết chớ không bứt những dây cỏ. Mà dây cỏ đó, nếu có bứt đi cũng chỉ phạm giới nhẹ có thể sám hối được, nhưng vì răn nhau giữ giới kỹ, dù một giới nhỏ cũng không phạm, dù cho thân mạng có chết thì thôi, cũng như các vị Tỳ kheo đó vậy.

 

Điều dụ rõ rệt nhứt, như người đeo trái nổi đi qua biển, dù không phải là mất hết trái nổi đó hay là bể đi, nhưng nó chỉ lủng một lỗ nhỏ chừng bằng hạt cát thôi, cũng đủ xì hơi, xẹp trái nổi, bị chìm.

 

Đối với Pháp của Phật cũng thế, dù phạm một giới rất nhỏ, thì sự giữ giới không hoàn toàn được, tất nhiên định huệ cũng không do đâu mà sanh ra được và cũng không thể nào giải thoát được. Nên chúng ta phải kiên trì nơi giới luật. 

Comments

Popular posts from this blog