GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH



VI.- 48 ĐIỀU GIỚI KHINH



21.- GIỚI ĐEM SÂN BÁO SÂN, ĐEM ĐÁNH TRẢ ĐÁNH

 

Nếu là Phật tử không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh. Nếu cha mẹ, anh em hay lục thân bị người giết, cũng chẳng được báo thù, hoặc quốc chủ bị người thí chết, cũng không được báo thù. Giết sanh mạng để báo thù sanh mạng đó là việc không thuận với hiếu đạo. Hãy còn không được chứa nuôi tôi tớ, rồi đánh đập mắng nhiếc chúng, mỗi ngày tam nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp. Huống lại cố đi làm tội thất nghịch.

 

Nếu xuất gia Bồ tát không có lòng từ bi, cố báo thù cho đến cố báo thù trong hàng lục thân, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Là đệ tử Phật thì không được sân trở lại, khi người khác sân với mình; không được đánh trở lại, khi người khác đánh mình.

 

Tiền thân đức Phật có đời làm tu hành nhẫn nhục, bị vua Ca Lợi lắc tai, xẻo mũi, chặt cả chân tay. Trong kinh Kim Cang có nói tiền thân đức Phật, từ nhiều đời Phật đã không đem giận trả giận, lại còn tăng trưởng lòng thương. Có một đời đức Phật là một vị tu hạnh nhẫn nhục trong cụm rừng. Nước đó vua Ca Lợi đang trị vì. Một hôm nhà vua dắt cung phi mỹ nữ, các quan đi săn bắn vui chơi trong khu rừng, khi vua mệt mỏi ngồi lại nghỉ, các cung phi, mỹ nữ theo hầu, lúc đó tản ra đi kiếm bông, kiếm hoa rừng để hái. Gặp vị tu hành, các cung phi, mỹ nữ đem bông cúng dường và cầu nghe pháp. Vua Ca Lợi chờ một lát lâu không thấy cung phi mỹ nữ mới đi tìm. Đi tới đó thấy cung phi mỹ nữ đang quỳ kính trọng đối với nhà tu hành, vua bèn sanh lòng ghen tức rút gươm ra hỏi: Ngài là người thế nào mà lại quyến rủ cung phi mỹ nữ của ta? Vị tu hành nói: Tôi chỉ đem giáo pháp để chỉ dạy cho các người đó bởi vì họ yêu cầu chứ không có ý gì khác. Vua nói: Nếu mà ông không có ý gì đối với các người nữ, các nữ sắc thì phải là người đến trình độ ngũ uẩn giai không mới được.

 

Ông đã ngũ uẩn giai không chưa?

Vị tu khổ hạnh trả lời: “Chưa”

 

Nhà vua nói: Nếu ông chưa phải là ngũ uẩn giai không thì ông phải được cái thiền định ly dục, như là chứng Sơ thiền hay là Nhị thiền. Bây giờ ông đã chứng được thiền định ly dục chưa?

Ông đáp: “Chưa”

 

Vua nói: Như vậy tất nhiên là ông vẫn còn cái tâm tham dục, tại sao dám nói là ông không có ý nghĩ gì với các sắc đẹp đó? Như vậy là nói dối. Vậy ông ngồi đây để làm gì?

Ông đáp: Tôi ngồi đây để tu hành nhẫn nhục.

 

Nhà vua nói: Ử? Để coi ông nhẫn nhục hay không nhẫn nhục cho biết. Nhà vua cắt hai lỗ tai của ông và hỏi: Giận chưa?

Ông đáp: Không!

 

Lắt luôn lỗ mũi. Hỏi giận chưa?

Không!”

 

Chặt luôn hai chơn nữa. Hỏi giận chưa? “

… Không!”

 

Chặt luôn hai cánh tay. Hỏi có giận chưa? “

… Không!” (mà sắc mặt không đổi)

 

Lúc đó ông vua run sợ đến rớt gươm, các vị Thần trong rừng giận vua nên nổi sấm sét.

 

Người tu khổ hạnh ngước mặt lên. Ngài nói: Các vị Thần nếu có thương các người tu hành thì không nên làm như vậy, sấm sét liền dứt.

 

Ông vua mới nói rằng: Ngài nói là không giận thì có cái gì để chứng minh hay không? Chớ tôi thấy thì máu mủ nó chảy ra thân của Ngài tôi cũng run lên!

 

Ngài nói: Bây giờ tôi chỉ còn cách lập lại lời nguyện để chứng minh mà thôi. Nếu tôi có một niệm nhỏ hờn nhà vua thì những vết thương nầy nó sẽ hành tôi cho chết, còn nếu không có niệm gì để hờn nhà vua, nghĩa là không có một chút gì sân, thì xin cho thân thể tôi hoàn phục lại như cũ, để chứng minh điều đó! Ngài vừa phát nguyện xong thì có luồng gió mát từ bốn phương thổi tới, làm cho thân thể của nhà tu hành đó (tiền thân đức Phật) đều hoàn phục lại như cũ. Vua thất kinh đảnh lễ sám hối.

 

Như vậy chúng ta là đệ tử Phật phải cố gắng! Tiền thân của Phật trong khi tu hành, còn là phàm phu trong cõi dục nhưng vẫn không đem giận để trả giận của người khác, nghĩa là không đem niệm ác để trả lại việc ác của người khác mà họ gieo đến. Vậy chúng ta là đệ tử Phật phải có ảnh hưởng nào một đôi chút. Còn nếu không được, tất nhiên không đáng là đệ tử của Phật. Điều tệ nhứt, là người ta sân ít, mình sân nhiều, người ta đánh ít mình đánh nhiều, người ta mắng ít mình mắng nhiều. Nếu có gặp Phật mà nói tôi có phải là đệ tử Phật không, thì chắc Phật sẽ lắc đầu! Điều nầy rất quan trọng cho việc tu hành hằng ngày.

 

Đầu tiên Phật răn dạy Phật tử không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh, nghĩa là người ta có giận mình thì mình cũng phải thương trở lại. Người ta có đánh, chửi mắng nhiếc mình; mình cũng không được đánh chửi, mắng nhiếc trở lại, nghĩa là phải nhẫn, mà nhẫn với lòng hoan hỷ chớ không phải nhẫn mà bực tức rồi đè nén trong tâm, nghĩa là nhẫn với lòng hoan hỷ tha thứ.

 

Báo oán tức là trả thù, nếu cha mẹ, anh em hay lục thân bị người giết thì theo ở đời phải báo thù. Người ta giết cha mẹ mình thì phải báo thù. Người ta giết chúa mình phải báo thù. Mà đây trong Phật pháp không phải vậy. Phật răn dạy không được báo thù. Phật nói giết sanh mạng để báo thù sanh mạng đó là việc không thuận với hiếu đạo. Ở đời họ nói, nếu không báo thù cho cha mẹ, không báo thù cho chúa, như vậy là bất hiếu, bất trung. Nhưng trong Phật pháp chính cái báo thù ấy là không thuận với hiếu đạo. Tại làm sao? Bởi vì người đời chỉ thấy cái hiện tại mà thôi, chứ không biết đến quá khứ, cũng như không biết đến tương lai, tức là tam thế nhơn quả.

 

Trong Phật pháp lại thấy tam thế nhơn quả. Nếu việc cha mẹ hay vua chúa bị giết đó, biết đâu là do báo đời trước mà bây giờ phải trả, nghĩa là có vay và có trả.

 

Đời trước có vay nghĩa là cha mẹ, hay vua chúa của chúng ta trước có giết người đó, cho nên đời nầy mới bị giết trở lại. Như vậy, sự vay trả ấy đã xong rồi thì đời mấy vị ấy được nhẹ nhàng.

 

Bây giờ chúng ta lại vì cha mẹ hay là vì vua chúa mà đi giết người kia, như vậy đáng lẽ cha mẹ hay vua chúa trả được nợ rồi, nhưng vì mình đi báo thù, giết người khác, nên cha mẹ hay vua chúa cũng bị ảnh hưởng, mà cái nợ còn dây dưa chưa dứt khoát. Cốt ý là mình báo thù để trả hiếu hay là trọn trung, nhưng thiệt ra còn làm khổ cho cha mẹ hay vua chúa đã bị giết, bởi nợ còn dây dưa, tất nhiên hiếu đạo không trọn vậy. Còn người mà đi giết để trả thù đó biết đâu chính người đó đời trước hay nhiều đời cũng là cha mẹ ta. Mà cha mẹ hiện đời bị giết đó là cha mẹ hiện tại của ta, còn người giết đó biết đâu là cha mẹ quá khứ của ta? Vì trả thù cho cha mẹ hiện tại mà ta đi giết cha mẹ quá khứ. Như vậy không thuận với nghĩa hiếu đạo. Cho nên việc giết người để báo thù đối với cha mẹ bị giết cũng không thuận với hiếu đạo, bởi vì thêm cái khổ cho cha mẹ. Còn đối với người giết đó cũng không thuận với hiếu đạo, bởi vì người đó cũng là cha mẹ quá khứ của ta.

 

Còn việc không được chứa nuôi tôi tớ rồi đánh đập mắng nhiếc chúng, mỗi ngày tam nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp.

 

Phật nhấn mạnh là khẩu nghiệp. Do đó Phật không cho nuôi tôi tớ. Nếu mướn người ta làm công phải trả công cho đầy đủ, chớ không nên coi họ là tôi tớ mà đày ải. Việc nhỏ đối với tôi tớ mà Phật còn cấm, huống nữa là cố làm tội thất nghịch?

 

Cố làm tội thất nghịch là gì? Là giết người để báo thù mà những người đó ở quá khứ là phụ mẫu. Nếu nhìn theo con mắt giải thoát thì hai bên đã từng làm cha mẹ lẫn nhau.

 

Người đời nhiều khi vì luật lệ thế gian hay phong tục, cho nên cũng khó cấm được. Cũng như việc nuôi tôi tớ. Cho nên Phật mới hạn định riêng cho người xuất gia mà thôi. Do đó mới có câu “tại gia không kết tội, bởi người tại gia còn phải sống theo luật thế gian, theo phong tục, còn người xuất gia mà làm thì phạm…”

 

Nếu xuất gia Bồ tát không có lòng từ bi, cố báo thù nhẫn đến cố báo thù trong hàng lục thân, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu là Phật tử tại gia mà báo thù cho cha mẹ, thì kết tội sát sanh, nếu là giết chết, thì phạm tội trọng thứ nhứt. Còn nếu xuất gia Bồ tát cả hai điều: cố báo thù mà giết người kia chết thì sát nhơn, tất nhiên phạm tội trọng thứ nhứt, rồi thêm một tội cố báo thù, là cả hai tội.

 

Nếu giết người thì phạm tội sát sanh, còn việc cố báo thù thì phạm giới kinh 21 nầy, còn tại gia chỉ trái lời Phật dạy răn chớ không kết tội.

 

 

22.- GIỚI KIÊU MẠN KHÔNG THỈNH PHÁP

 

Nếu Phật tử mới xuất gia chưa thông hiểu kinh Luật mà tự ỷ mình là trí thức thông minh, hoặc ỷ mình là cao quý, lớn tuổi, hoặc ỷ mình là dòng sang con nhà quyền quý, hoặc ỷ mình học rộng, phước to, giàu lớn  … rồi sanh lòng kiêu mạn mà không chịu học hỏi Kinh Luật với các vị Pháp sư học đạo trước mình. Vị Pháp sư ấy hoặc dòng hèn, con nhà hạ tiện, tuổi trẻ, nghèo nàn, hèn hạ hay có tật nguyền nhưng thiệt lại có đức hạnh cùng thông hiểu nhiều Kinh Luật. Hàng tân học Bồ tát không được nhìn vào dòng giống vị Pháp sư ấy mà không chịu đến học đạo lý Đại thừa với vị ấy, Phật tử nếu như vậy thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Đây là nói ỷ mình học giỏi, đại học hay là cử nhân, tiến sĩ hay bác sĩ  … hoặc giàu lớn, hay con nhà quan lớn. Do ỷ vậy mà không chịu hạ tâm học hỏi chánh giáo đối với những vị thông chánh giáo trước mình, khởi tâm kiêu mạn không thỉnh pháp.

 

Đây chỉ trong pháp mà nói, nếu vị ấy có pháp hơn mình thì cần đến để thưa thỉnh học hỏi.

 

Không nên nhìn người đó thế nào, chỉ nghĩ đến chánh pháp nếu vị đó hơn mình, biết trước mình thì cần phải hạ mình đến để cầu học. Nếu mình kiêu mạn ỷ thị thì đối với chánh pháp luôn luôn nghèo nàn, bởi vì không chịu cầu học thì làm sao thuộc được chánh pháp? Nếu người Phật tử đã xuất gia rồi cũng như trăm sông đã vào đến biển, tức nhiên thuần một vị nước mà thôi, chớ không có phân hai, ba. Không nên nói rằng tôi là nước sông lớn, còn người kia là nước sông cái, lạch nhỏ. Nếu có quan niệm sang hèn, phân biệt, tất nhiên mất tâm bình đẳng, mà tâm bình đẳng đã mất thì lòng đại bi khó phát. Cho nên bình đẳng đại bi hai điều phải nương nhau, chính do bình đẳng đại bi mới thành.

 

Mà do đại bi mới giúp cho bình đẳng hoàn bị. Như giới phóng sanh trên, nếu bình đẳng nhận thấy rằng tất cả mọi loài ở trong lục đạo làm cha mẹ lẫn nhau, ta đây cũng là cha mẹ các loài, tất cả loài cũng là cha mẹ của ta. Cũng như thân của ta đây là thân của các loài. Còn thân của các loài chính là thân của ta, nếu có quan niệm bình đẳng như thế, tất nhiên đại bi sẽ được tăng trưởng.

 

Chỉ nghĩ đến việc sang hèn, quý trọng để phân tích thì mất tâm bình đẳng đừng nói đến việc đồng thân, đồng thể hay là đồng cha, đồng mẹ. Do vì ỷ thị mình sang giàu rồi lại kiêu mạn nên không chịu hạ thấp mình để học hỏi chánh pháp, như vậy mất lợi ích lớn.

 

Đức Phật có thí dụ: Người vào trong chánh pháp của Phật cầu học hỏi tu hành cũng như người đi trong rừng giữa đêm tối cầu lấy ánh sáng để ra khỏi cụm rừng tối tăm đó. Như có một người cầm ngọn đuốc sáng soi đường thì ta chỉ chú trọng nơi ánh sáng của ngọn đuốc nương theo đó, để ra khỏi cụm rừng tối tăm, chớ không nên ngó người cầm đuốc ấy là người sang giàu tôn quý mới theo, hay thấy người ấy hèn hạ rách rưới, tật nguyền, rồi không chịu theo. Như vậy là mất lợi lớn, không hưởng được ánh sáng của ngọn đuốc.

 

Do đó Phật mới răn không nên kiêu mạn, không chịu học hỏi sẽ mất sự lợi ích trong việc tu hành.

 

 

23.- GIỚI KHINH NGẠO KHÔNG TẬN TÂM DẠY

 

Nếu Phật tử, sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ tát thì đối trước tượng Bồ tát tự nguyện thọ giới.

 

Nên ở trước tượng Phật và tượng Bồ tát sám hối trong bảy ngày hễ được thấy hảo tướng là đắc giới. Như chưa thấy hảo tướng thì phải sám hối 14 ngày, 21 ngày hay đến cả năm cầu thấy được hảo tướng; khi được thấy hảo tướng rồi thì được đối trước tượng Phật và Bồ tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng thì dầu có đối trước tượng Phật, thọ giới vẫn không được gọi là đắc giới.

 

Nếu đối trước vị Pháp sư đã thọ giới Bồ tát mà thọ giới thì không cần thấy hảo tướng, hễ đối trước vị Pháp sư ấy thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới.

 

Nếu ở trong vòng nghìn dặm tìm không được vị Pháp sư truyền giới, thì Phật tử được phép đối trước tượng Phật và Bồ tát mà tự nguyện thọ giới Bồ tát nhưng cần phải thấy hảo tướng.

 

Nếu các vị Pháp sư ỷ mình thông Kinh Luật cùng giới pháp Đại thừa, kết giao với các nhà quyền quý, khi có hàng tân học Bồ tát đến cầu học Kinh Luật, lại giận ghét hay khinh ngạo, không chịu tận tâm chỉ bảo, vị nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Bổn phận học trò đối với Thầy phải trọng pháp và không nên ngó đến sự sang hèn của Thầy, cũng như không ỷ sự cao sang thông minh lanh lợi của mình.

 

Còn Thầy đối với học trò phải tận tâm chỉ dạy, còn nếu khinh ngạo không tận tâm chỉ dạy thì Thầy có lỗi.

 

Đối trước tượng Phật và tượng Bồ tát mà tự nguyện thọ giới Bồ tát, ở đây không có Giới sư truyền giới, nhưng có điều kiện là phải thấy hảo tướng. Như vậy là thiện căn phát, tội chướng tiêu, tâm được thanh tịnh. Muốn thấy được hảo tướng thì tội chướng tiêu, cảnh tốt lành (Thánh cảnh) mới hiện được. Do đó phải có cách làm cho tội chướng tiêu, ấy là phương pháp sám hối. Trong đây nói sám hối, hoặc trong bảy ngày thấy hảo tướng, rồi đối trước tượng Phật, Bồ tát thọ giới thì đắc giới. Còn sám hối trong bảy ngày mà chưa thấy hảo tướng thì phải sám hối đến 14 ngày, 21 ngày hay đến cả năm. Cứ lấy từ bảy ngày đó, cho đến chừng nào thấy được hảo tướng. Khi thấy hảo tướng mới được phép đối trước tượng Phật, tượng Bồ tát thọ giới. Nếu chưa thấy hảo tướng mà cứ đối trước tượng Phật thọ giới thì không gọi là đắc giới được. Hảo tướng đó là thấy quang minh, thấy hoa báu, thấy Phật, Bồ tát các cảnh tượng lạ.

 

Sự thấy hảo tướng có hai: hoặc trong lúc sám hối, tọa thiền thấy, hoặc trong lúc ngủ chiêm bao thấy. Khi thấy rồi mà thân tâm thơ thới, nhẹ nhàng đó gọi là tốt.

 

Nếu đối trước vị Pháp sư… hết lòng kính trọng nên đắc giới.

 

Đối trước tượng Phật, Bồ tát thọ giới nên cần phải sám hối để thấy hảo tướng. Còn nếu đối trước vị Pháp sư đã thọ Bồ tát để cầu giới thì không cần phải thấy hảo tướng.

 

Tại sao vậy? Vì những vị trước truyền giới cho vị sau - vị sau truyền cho vị sau nữa, đem giới mà truyền cho nhau. Cho nên các Giới tử đối với vị Giới sư mà thọ giới thì trong lúc đó lòng kính trọng cho nên giới của vị Giới sư truyền qua Giới tử thành đắc giới. Nếu ở trong vùng nghìn dặm mà tìm không được vị Pháp sư truyền giới thì được phép đối trước tượng Phật để tự nguyện thọ giới Bồ tát, nhưng cần phải sám hối, thấy hảo tướng.

 

Bây giờ, trong vùng mình đang ở cách xa nghìn dặm cũng vẫn không tìm được vị Pháp sư để cầu truyền giới. Dặm đây là dặm Tàu có thể là 400 đến 500 thước là một dặm. Nếu tính ra cây số bây giờ nghĩa là trong vòng 400 đến 500 cây số mà không có được một vị Pháp sư để truyền giới thì được phép đối trước tượng Phật và Bồ tát để tự nguyện thọ giới Bồ tát. Nhưng cần sám hối thấy hảo tướng, nếu không sám hối thấy hảo tướng thì không thể đắc giới được. Đó là nói theo thuở xưa, không thể đi bộ, cỡi ngựa mà đi quá xa được, còn bây giờ phương tiện đi máy bay thì 400, 500 cây số chỉ đi một vài tiếng đồng hồ thôi. Cho nên người thọ giới cần phải đến cầu giới nơi các vị Pháp sư (Giới sư), nếu không cầu giới nơi vị Pháp sư, mắc tội khinh mạn, xem thường giới pháp, rất khó đắc giới. Bây giờ ở các nước thuộc về Đại thừa Phật giáo thì Giới tử phải thọ giới với các vị Pháp sư, không được đối trước tượng Phật mà thọ, vì đã có sẵn Giới sư mà không cầu giới là khinh mạn, không làm sao đắc giới được. Trừ ra nước đó không phải nước Đại thừa Phật giáo. Trong các Tiểu thừa có người tự phát tâm tu giới Bồ tát Đại thừa, mà chung quanh toàn là chư sư Tiểu thừa thì làm sao có vị truyền giới Bồ tát được? Mà đi xuất ngoại qua bên nước Đại thừa để cầu giới là điều rất khó. Cho nên họ có thể đối trước tượng Phật, Bồ tát để tự nguyện thọ giới Bồ tát, nhưng phải sám hối cho thấy hảo tướng trước tiên, nếu không, thì không đắc giới. Còn đối với Giới sư mà thọ giới, không cần thấy hảo tướng, bởi vì giới pháp đó, chư Giới sư vị trước truyền cho vị sau, truyền nối nhau nên cầu giới nơi đó được truyền thì đắc giới.

 

Thọ giới Bồ tát có hai trường hợp: Đối trước tượng Phật mà thọ giới (cần phải thấy hảo tướng). Còn đối với Pháp sư đã thọ giới Bồ tát mà thọ thì không cần thấy hảo tướng.

 

“Nếu các vị Pháp sư… không chịu tận tâm chỉ bảo, vị nầy phạm “Khinh Cấu Tội””. Giới khinh ngạo không chịu tận tâm chỉ bảo. Các vị tân học Bồ tát đến cầu học thì phải thương xót, mau mắn đem những nghĩa trong Kinh Luật Đại thừa để chỉ dạy, bởi vì bổn phận của các vị Pháp sư Đại thừa Bồ tát đây là đem giáo pháp Đại thừa để hóa độ chúng sanh. Khi có duyên mà bỏ qua hoặc vì sự giận ghét không chịu tận tâm chỉ bảo thì phạm tội.

 

 

24.- GIỚI KHÔNG TẬP HỌC ĐẠI THỪA

 

Nếu Phật tử có Kinh Luật Đại thừa chánh pháp, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân của Phật, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu trở học những sách luận tà kiến của Nhị thừa, ngoại đạo, thế tục, đó là làm mất giống Phật, là nhơn duyên chướng đạo, chẳng phải thực hành đạo Bồ tát. Nếu cố làm như vậy, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Người Phật tử đã thọ giới Bồ tát thì vào trong nhà Đại thừa của Phật, phải học tập giáo pháp Đại thừa, không học phạm tội.

 

Đã sẵn có Kinh Luật Đại thừa pháp, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân của Phật, tức nhiên nói những Kinh Luật Đại thừa, thì trong đó chứa đủ chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân của Phật.

 

Chánh kiến là những sự lý nơi Đại thừa pháp.

 

Chánh tánh: toàn lý tánh, Phật tánh.

 

Chánh pháp thân của Phật: y theo đó mà thực hành mà tu thì sẽ hiển hiện được pháp thân của Phật, có thể chứng ngộ lấy pháp thân.

 

Không chịu siêng học siêng tu những Kinh Luật Đại thừa, lại bỏ tiền bỏ của ra, đây gọi rằng bỏ bảy của báu: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ  … Chịu phí bỏ tiền của để đi học sách luận tà giáo (tà kiến), Nhị thừa, ngoại đạo, thế tục. Hãy thấy bổn phận chính của ta trước tiên là phải học Kinh Luật Đại thừa, rồi tu hành, thực hành theo đó. Nếu chưa toàn vẹn những điều như vậy, mà trở lại học những ngoại đạo thế tục (thuyết ngoài hoặc triết lý chẳng hạn) cho đến những sách luận tà kiến của Nhị thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) ở trong Phật pháp còn cấm, huống chi học ngoại đạo thế tục?

 

Bởi vì học sách luận của Nhị thừa hay ngoại đạo thế tục, là mất giống Phật, là nhơn duyên chướng đạo Đại thừa, giống Phật sẽ không tăng trưởng được.

 

Như vậy nên Phật nói: Chẳng phải thực hành đạo Bồ tát, nếu cố làm như vậy, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”, trừ ra khi học hỏi kinh Đại thừa đã rành, trí lực hữu dư muốn tham cứu để làm phương tiện độ sanh thì được. Còn ngược lại thì phạm tội.

 

 

25.- GIỚI TRI CHÚNG VỤNG VỀ

 

Nếu Phật tử sau khi Phật nhập diệt làm Pháp sư, Giảng sư, Luật sư, Thiền sư, Thủ tọa, Tri sự, Tri khách phải có lòng từ bi khéo hòa giải trong chúng, khéo giữ gìn tài vật của Tam Bảo, chớ dùng vô độ như của riêng mình mà trở lại khuấy chúng gây hấn kình chống, lung lòng xài của Tam Bảo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Khi Phật tử còn tại thế, lúc đó Phật là Giáo chủ. Sau khi Phật nhập diệt rồi thì những vị đệ tử thay thế Phật để duy trì chánh pháp. Các vị Pháp sư, Giảng sư, Luật sư, Thiền sư, Thủ tọa, Tri sự, Tri khách, những người có bổn phận (chức sự trong ngôi Tam Bảo, trong Giáo hội) thì phải có lòng từ bi khéo hòa giải trong chúng, nghĩa là lúc nào cũng có lòng thương xót, làm cho trong chúng hòa thuận trên dưới đều một lòng vui vẻ trong việc tu hành. Đó là tinh thần, còn vật chất phải khéo giữ gìn tài vật của Tam Bảo; của Tăng như giường ghế, phòng nhà chẳng hạn; của Pháp là kinh sách, tủ rương để đựng kinh sách, hay những tòa nhà, những tháp thờ kinh sách hay đựng kinh sách; của Phật là điện thờ Phật, tượng Phật hay những lư hương cúng dường Phật, chân đèn, chuông, trống, phải khéo giữ gìn nguyên vẹn khỏi hư hao.

 

Phật có dạy “Chớ dùng vô độ như của riêng mình”. Như vậy những người có phận sự và những người ở trong chúng cũng phải giữ gìn cẩn thận, mà trái lại khuấy chúng gây gổ, nghĩa là chọc đầu nầy đầu kia, cho có sự bất hòa, lung lòng xài của Tam Bảo, nghĩa là xài phí của Tam Bảo. Hoặc giả, cất tiền của Tam Bảo như các vị thủ bổn, coi tiền đó như của mình, muốn xài chi đó thì xài, nên gọi là “lung lòng xài”. Việc đó tội lắm, nghĩa là của Phật là của Phật, của Pháp là của Pháp, của Tăng là của Tăng, không nên coi đó là của riêng mình. Nếu không khéo biết việc nầy thì phạm tội. Thường những vị trụ trì trong chùa được toàn quyền để tiêu dùng, mà không ngờ đó là tiền của Tam Bảo.

 

Tiền hay tài vật của Phật Bảo thì chỉ được xài trong phạm vi Phật Bảo mà thôi, không được đem in kinh sách, hay mua đồ cho chúng Tăng và ngược lại của Pháp và của Tăng cũng vậy. Lúc chư Tăng họp lại, hoặc bốn, năm người trở lên toàn chúng đồng ý như vậy thì được, còn riêng mình ỷ trụ trì rồi xài riêng, đó gọi là lạm, phạm tội.

 

Trong Sa Di Luật giải: Có vị trụ trì sau khi chết rồi, vị tân trụ trì, một hôm đi vào trong xóm, lúc trở về gặp trời tối, đi qua cánh đồng thấy một nhà giam hành hạ những người tội trong đó, có ông cố trụ trì đương bị hành hạ, mới hỏi thăm tại sao mà bị tội như thế nầy? (cái chỗ hành như vậy, trong kinh gọi là biên địa ngục, không phải địa ngục chánh). Vị trụ trì nói rằng: Thí chủ cúng một số tiền sắm món ăn cho chúng Tăng, mà tôi lại nghĩ như thế nầy: ở trong chúng thì mỗi bữa có phần ăn nhứt định rồi (có tiền chợ mỗi ngày). Bây giờ thêm tiền nầy thì dư, cho nên mái nhà chúng Tăng bị dột, đem tiền đó mua ngói, mua cây để sửa, do đó mới có tội nầy. Ông về chùa dỡ cây, dỡ ngói chỗ đó, đem bán đi lấy tiền mua đồ ăn để cúng dường Tăng chúng, để cho tôi được tiêu tội.

 

Lung lòng là buông lung theo ý mình, xài của Tam Bảo. Nếu vị trụ trì họp chúng, người ta bằng lòng hiến phần đồ ăn đó thì được để tu bổ. Số tiền thí chủ cúng việc nầy, làm việc khác trong ngôi Tam Bảo còn không được, huống chi đem xài riêng cho mình thì tội biết chừng nào! Nếu xài riêng cho mình thì phạm tội ăn trộm. Người tại gia cũng vậy, nếu trong gia đình có công quỹ tất nhiên phải có ý kiến chung, không nên ỷ quyền cha mẹ để lấy xài riêng của mình, thì cũng có lỗi, bởi vì tất cả người trong gia đình đều có phần hưởng trong đó, quỹ công mà mình xài riêng thì có lỗi với mọi người trong gia đình.

 

Nếu mình muốn xài riêng phải lên tiếng cho tất cả biết, họ nói “ba cứ xài”, hoặc “má cứ xài” thì xài không sao vì đã có sự đồng ý của mọi người trong gia đình.

 

 

26.- GIỚI RIÊNG THỌ LỢI DƯỠNG

 

Nếu Phật tử ở trước trong Tăng phường, lúc sau thấy có khách Tỳ kheo Bồ tát đến, hoặc nơi thành ấp nhà cửa của Tăng hay của vua, nhẫn đến chỗ kiết hạ an cư cùng trong đại hội. Chư Tăng ở trước phải rước đến đưa đi, cung cấp cho những đồ uống ăn, đồ nằm, thuốc men, nhà, phòng, giường, ghế  … Nếu tự mình không có thì phải bán thân, bán con cái, lóc thịt thân mình mà bán, để sắm đồ cung cấp cho những khách Tăng ấy.

 

Nếu có thí chủ đến thỉnh chúng Tăng thọ trai, khách Tăng có dự phần, vị Tri sự phải theo thứ tự mà phái khách Tăng đi thọ trai. Nếu chư Tăng ở trước riêng đi thọ trai mà không phải khách Tăng đi thì vị Tri sự mắc vô lượng tội, không đáng là hàng Sa môn, không phải hàng Thích tử, nào khác gì loài súc sanh, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Lợi dưỡng tức là những vật tứ sự cúng dường. Sự cúng dường đó có hai cách: một là người ta mời đến tận nhà dâng cúng, đây là có sự hứa mời; hai là đem tới Già lam, Tinh xá, chùa chiền dâng cúng.

 

Đoạn trên nói về tại gia. Hàng tại gia Bồ tát thấy có vị Tỳ kheo Bồ tát đến thì phải mời thỉnh, cung cấp tứ sự cúng dường: ăn uống, thuốc men, chỗ ở. Trong đấy có nói, cho đến bán thân mình, bán đồ đạc trong nhà để cung cấp. Đó là nói các vị Bồ tát Tỳ kheo.

 

Sự cúng dường nếu sẵn có thì tốt, nếu không sẵn thì tìm cách gì cho có để cung cấp các vị ấy, vì khách Tăng từ nơi phương xa đến, nếu không có những vị Bồ tát tại gia lo lắng thì sẽ vất vả.

 

Đoạn dưới nói: nếu có thí chủ đến thỉnh chúng Tăng đi thọ trai. Nói về những vị đã xuất gia Bồ tát ở tại chùa, rồi có những khách Tỳ kheo Bồ tát đến. Theo lệ bây giờ có thí chủ đến dâng sẵn ở nơi chùa, trường hợp đây rất ít. Vào thời xưa, chư Tăng thường phải đi khất thực. Do đó, sự ăn dùng của chư Tăng phải đi khất thực mệt nhọc. Chúng ta bây giờ dùng ở trong chùa, nên thấy khỏe hơn là đi đến nhà thí chủ. Ngày xưa nếu có tín thí mời thì hân hạnh vì nếu không có thí chủ mời thì phải ôm bát đi khất thực. Mà đi khất thực có khi được khi không, có khi phải đi xa, có khi phải ghé nhiều nhà mới đủ ăn. Do đó trong đây quy định là nếu các vị khách Tăng đó mà đến thì theo thứ tự để phái đi thọ trai. Vì chúng Tăng đông nên người ta không mời hết được. Một ngày chỉ mời một vị hay là hai vị. Rồi ngày khác các tín chủ khác mời thì chư Tăng theo thứ tự là vị lớn đi trước, lớn là tính theo tuổi hạ lạp. Rồi ngày sau sẽ theo thứ tự mà đi. Vị Tri sự là người có phận sự coi về việc đó. Nếu những vị Tăng trong chùa dành đi mà không phái khách Tăng đi, thì vị có bổn phận cắt đặt việc đó phạm tội, vì không bình đẳng, gọi là tội riêng thọ lợi dưỡng.

 

Do đó Phật trách: Chẳng những không phải là người xuất gia, là Sa môn, không phải là con của Phật, không khác gì loài súc sanh bởi vì loài súc sanh tranh ăn với nhau, chớ không biết theo tuần tự để nhường cho nhau.

 

Điều nầy bây giờ ta không thực hành, nên nghe như mới, hơi khó. Bởi vì không đi khất thực, ít khi thọ trai luân phiên chỉ dùng sẵn ở chùa. Thí như có tín chủ thỉnh cúng dường, chỉ ba hoặc bốn vị thôi thì phải thứ tự mà phái đi. Trong ngày nếu có khách Tăng đến, khi đến hỏi han biết hạ lạp vào thứ nào trong chùa rồi thì theo thứ tự mà tính. Không nên riêng chư Tăng trong chùa đi, mà không phái khách Tăng đi, như vậy không bình đẳng, vì khách Tăng cũng có phần trong việc tín thí cúng, nếu như vậy thì phạm tội.

 

Bồ tát xuất gia thì phải bình đẳng để thọ sự cúng dường của đàn tín, không cho các vị Bồ tát, Tỳ kheo đó hưởng chung theo thứ tự bình đẳng thì những vị dành để hưởng đó, phạm tội thứ 26 nầy.

 

 

27.- GIỚI THỌ BIỆT THỈNH

 

Nếu là Phật tử tất cả chẳng được nhận của cúng dường dành riêng về mình. Của cúng dường nầy thuộc thập phương Tăng, nếu nhận riêng thì là lấy của thập phương Tăng đem về phần mình. Và của vật trong tám phước điền: chư Phật, Thánh nhơn, Sư Tăng, cha mẹ và người bịnh, tự mình riêng nhận dùng. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

 Trong đây quy định tất cả chẳng được nhận của cúng dường dành riêng về mình. Nếu thí chủ đã cúng dường mà lấy riêng về mình thuộc về tội trộm. Nếu thí chủ dự định cúng dường thập phương cho chư Tăng, hoặc hiện tiền Tăng ở trong một ngôi chùa, mà những người thí chủ là bổn đạo riêng của một vị sư nào đó, mới nói với người thí chủ rằng: “Thập phương Tăng thì có tín thí lo, chư Tăng trong chùa cũng có đàn na tín thí thường dâng cúng, chỉ riêng Thầy bây giờ đang thiếu, cần phải may y, phải thỉnh một tạng kinh  … thí chủ cúng cho sư đi”. Vị thí chủ đó nghe vậy bèn cúng cho sư. Vị sư đó phạm điều thứ 27 nầy. Vị thí chủ đã nói ra lời là dâng cúng cho thập phương Tăng hay hiện tiền Tăng mà vị sư lại tìm cách đem về mình thì phạm tội ăn trộm, tội giật, tội trọng thứ hai ở trên. Đây là nói thí chủ mới có ý mà thôi, chưa dâng cúng, cho nên vị sư ấy mới tìm cách nói để thí chủ dâng cúng riêng cho mình, do đó phạm tội trong điều thứ 27 nầy. Còn nếu thiệt cúng rồi mà lại dành riêng về mình, thì phạm tội trọng thứ hai là tội ăn trộm, rồi phạm luôn tội dành riêng.

 

 

Thập phương Tăng thì không luận là người nào, nếu là Tỳ kheo Bồ tát thì được thọ dụng hết. Chẳng những thập phương Tăng mà nếu đó là của Phật, Thánh nhơn, sư Tăng. Sư là chỉ cho Hòa thượng, A xà lê, của các vị đó, ai cũng có thọ giới với Hòa thượng, A xà lê, đó thuộc về sư Tăng, của cha mẹ, của người bịnh. Cho đến người ta bịnh hộ trợ cho người bịnh mà đi nói người bịnh đó có người nầy người kia lo hay là có dư giả. Bây giờ nên đem cái đó để cúng dường cho tôi, đó là dành riêng phạm tội thứ 27 nầy.

 

 

28.- GIỚI BIỆT THỈNH TĂNG

 

Nếu Phật tử có những hàng Bồ tát xuất gia, Bồ tát tại gia và tất cả đàn việt lúc muốn thỉnh Tăng để cúng dường cầu nguyện, nên vào trong Tăng phường thưa với vị Tri sự, vị Tri sự bảo rằng: Theo thứ tự mà thỉnh thì được thập phương Hiền Thánh Tăng. Mà người đời thỉnh riêng 500 vị A la hán Bồ tát Tăng vẫn không bằng theo thứ tự thỉnh một phàm phu Tăng. Trong giáo pháp của bảy đức Phật đều không có phép thỉnh Tăng riêng. Nếu thỉnh riêng là phép của ngoại đạo, là không thuận với hiếu đạo. Nếu Phật tử cố thỉnh riêng thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

 

Thỉnh Tăng riêng là nếu có thí chủ trong Già lam chỉ chú ý đến một số Tăng chúng, trọng riêng để cung cấp cúng dường. Nếu cố ý thỉnh riêng để cúng dường thì Phật tử đó phạm tội.

 

Nếu thỉnh riêng như vậy thì các vị khác bị thiệt thòi, thiếu thốn. Phật muốn hàng đệ tử được thọ hưởng đồng nhau nên cấm không cho cúng dường riêng. Gọi là thỉnh Tăng riêng đây là từ bốn người trở lên (là Tăng). Vậy chẳng những vị khác bị thiệt thòi mà rồi có hại: thỉnh một nhóm riêng, mà đó là một nhóm Tăng. Như vậy sẽ chia ra bè phái nơi nhóm Tăng nầy có thí chủ riêng. Mà chia bè phái đủ số Tăng rất có hại. Bởi vì đã thành Tăng rồi thì có quyền quyết định nhiều việc quan trọng. Bây giờ đối với giới luật ít có theo. Nếu trong đó chư Tăng là mười người, có bốn năm vị tách riêng, thành một nhóm riêng, có bổn đạo riêng, thì bốn năm vị đó có thể quyết định nhiều công việc quan trọng riêng, trong nhóm đó không cần đồng ý với năm, sáu vị kia. Rồi năm, sáu vị kia cũng là Tăng, rồi cũng quyết định nhiều việc mà không cần phải hội ý với bốn, năm vị nầy, như vậy Tăng chia rẽ, không còn hòa hợp nhau nữa. Đức Phật nêu cao sự cúng dường bình đẳng được phước đức lớn. Chẳng những Bồ tát tại gia hay đàn việt có thể cúng dường, Bồ tát xuất gia nhiều khi cũng có một phần nào về lợi dưỡng, lại hồi hướng cúng dường cho chư Tăng. Vị Tri sự nên theo thứ tự mà thỉnh Tăng. Muốn cúng năm vị, đến mười người chẳng hạn, cũng theo thứ tự từ lớn tới nhỏ, không được lựa chọn. Cứ theo thứ tự bình đẳng để thỉnh thì sẽ được thập phương Hiền Thánh Tăng dự việc cúng dường đó.

 

Cho nên trong đây nói, dù có thỉnh riêng 500 A la hán Bồ tát Tăng vẫn không bằng (phước đức không bằng) theo thứ tự mà thỉnh một phàm phu Tăng.

 

Bởi vì phước đức do tâm người cúng dường đó, nếu tâm bình đẳng thì phước đức lớn. Nếu tâm không bình đẳng dù có cúng dường cho 500 vị A la hán Bồ tát Tăng, vẫn không bằng tâm bình đẳng cúng dường cho một vị Tăng phàm phu.

 

Nếu không có tâm bình đẳng, trọng bên nầy, khinh bên kia dầu có được duyên lớn cúng dường 500 vị A la hán Bồ tát, do tâm không bình đẳng, có trọng có khinh đó thành ra công đức cũng kém đi.

 

Trong giáo pháp của bảy đức Phật đều không có pháp thỉnh Tăng riêng.

 

Bảy đức Phật từ Tỳ Ba Thi Phật, cho đến Thích Ca Mâu Ni Phật là bảy. Nói bảy, chứ thiệt ra quá khứ vô lượng Phật, vị lai tất cả Phật, đều không đức Phật nào cho phép thỉnh Tăng riêng.

 

Nếu thỉnh riêng là pháp của ngoại đạo, không thuận với hiếu đạo. Hiếu là giới, tất nhiên không thuận với giới pháp của đức Phật. Trừ những người không biết, nếu đã biết mà cố thỉnh riêng thì phạm tội mà cũng không có phước đức gì.

 

Trong đây nói thưa với vị Tri sự, Tri sự có bảo như vậy rồi mà người cúng dường lại cố ý thỉnh riêng thì phạm tội.

 

Xưa có vị Hòa thượng đương bịnh nhiều, trong hàng chư Tăng đệ tử, có vị đã chứng quả Tư đà hàm, vị Hòa thượng biết nên kêu riêng ra nói, xem coi cần phải dùng tư lương gì để sau khi tịch, có lợi lớn. Vị đệ tử thưa với Hòa thượng rằng: Nên đem y Tăng già lê của Hòa thượng cúng cho một vị Tăng thì thêm phước đức, về sau Hòa thượng sẽ được hưởng quả lành khi đã viên tịch. Hòa thượng y theo lời như vậy. Vị đệ tử lại dặn Hòa thượng phải đích thân cầm y để cúng dường. Nên cúng cho vị Tăng nào nhỏ nhứt trong chúng đến thọ và không nên có tâm nghĩ so đo thì mới được. Hòa thượng nghe lời thiết trai đàn lớn, thỉnh tất cả chư Tăng thập phương. Đến khi thỉnh chư Tăng theo thứ tự ngồi thọ trai, thấy ông Sa di nhỏ nhứt trong chùa, Hòa thượng suy nghĩ: Ông điệu nầy mới vô chùa mà dự trong trai đàn nầy, ông Sa di là nhỏ nhứt, mà đã là Sa di thì làm sao kham nhận được cái y Tăng già lê là cái y lớn của các vị Hòa thượng? Nhưng Hòa thượng nhớ lại lời người đệ tử chứng quả, cho nên hai tay cung kính bưng mâm y đến trước mặt ông Sa di đó để dâng, Ông Sa di cũng hoan hỷ không nói gì hết, nhận y. Sau khi giải tán trai đàn, Hòa thượng mới kêu ông Sa di nhỏ (Sa di nầy ở trong chùa) vào liêu hỏi: Ông lãnh y Tăng già lê của Hòa thượng đắp có vừa không? Ông Sa di ngơ ngác một lát rồi thưa với Hòa thượng: Bạch Hòa thượng con bữa nay mắc lo phụ ở phía ngoài sau, dọn dẹp nước nôi, chứ con đâu có lên dự trai đàn. Khi đó Hòa thượng mới biết: đó là vị Thánh Tăng hiện thân để thọ.

 

Như vậy, nếu theo thứ tự thỉnh thì được thập phương Hiền Thánh Tăng, tâm cúng dường bình đẳng thường các vị Hiền Thánh Tăng hiện thân đến để thọ sự cúng dường cho nên có phước đức lớn, các Hiền Thánh Tăng thường hay ứng cúng. Tâm người dâng cúng bình đẳng nên phước đức thù thắng.

 

Trong Kinh Duy Ma Cật có nói: Nếu bố thí cúng dường bình đẳng thì công đức bố thí cho người ăn mày hèn hạ nhứt cũng ngang bằng cúng dường cho một đức Phật.

 

 

29.- GIỚI TÀ MẠNG NUÔI SỐNG

 

Nếu Phật tử dùng ác tâm vì lợi dưỡng buôn bán nam sắc, nữ sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã, xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sanh trai, sanh gái, bùa chú pháp thuật, nghề nghiệp, phương pháp nuôi ó và chó săn, hòa hiệp trăm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc, độc rắn, độc sanh kim, sanh ngân, độc sâu cổ, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Làm người trong đời ai cũng có nghề nghiệp nuôi sống, nhưng phải có nghề nghiệp hợp pháp không hại người, hại vật, thì những nghề nghiệp đó thuộc về chánh mạng. Còn trái lại thì gọi là tà mạng. Đó là nói người Phật tử thọ Bồ tát tại gia. Nếu xuất gia tự làm nghề nghiệp gì đó để nuôi sống, đều gọi là tà mạng. Chỉ thọ của tín thí mà thôi. Thọ của tín thí có khi tự người ta dâng cúng, có khi cần việc chi đó, cũng có thể đi quyên hoặc đi khất thực.

 

Buôn bán nam sắc, nữ sắc: buôn bán nô lệ, ngày xưa người ta đem bán người con gái cho người khác mua về làm hầu hay vợ lẽ.

 

Nghề xem tướng, bàn mộng, đoán sanh trai, sanh gái, theo luật Phật chẳng những người xuất gia không được làm, mà người Phật tử tại gia cũng không nên làm, cho đến nghề bùa chú, pháp thuật, phương pháp nuôi ó và chó săn, việc nầy hại người hại vật không nên làm.

 

“Hòa hiệp trăm thứ thuốc độc” hòa hiệp lại để đem bán, các thứ độc dược không nên làm. Nếu làm là không thuận với hiếu đạo, không có lòng từ bi. Do đó nếu cố làm, phạm tội.

 

Còn nếu thuốc độc đã có hại người, hại vật, quy về tội trọng phạm giới sát sanh.

 

 

30.- GIỚI QUẢN LÝ CHO BẠCH Y

 

Nếu Phật tử vì ác tâm, tự mình hủy báng Tam Bảo, giả tuồng kính mến, miệng thì nói không mà hành vi lại ở trong có, làm quản lý cho hàng bạch y, vì hàng bạch y làm mai mối cho nam nữ giao hội dâm sắc, gây thành các nghiệp kiết phược, những ngày lục trai trong mỗi tháng, ba tháng trường trai trong mỗi năm làm việc sát sanh, trộm cướp, phá thai, phạm giới Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Bạch y là chỉ người tại gia, xưa ở Ấn Độ, người tại gia thường mặc áo trắng (chánh sắc), mà nếu sắc trắng hoại đi làm thành màu khác gọi là hoại sắc.

 

Phật tử Bồ tát vì ác tâm (tâm không chơn chánh đúng đạo pháp, không đúng với pháp Đại thừa) gọi là ác tâm, không phải chỉ có tâm hại người, vật, gọi là ác tâm. Cho đến hàng Nhị thừa ác nhơn (tâm ngoài Đại thừa pháp) đều gọi là ác nhơn (ác tâm).

 

Miệng và lòng không giống nhau, ở ngoài như là kính ngôi Tam Bảo, nhưng kỳ thiệt là hủy báng Tam Bảo, miệng thì bao giờ cũng nói theo lý chơn Không của Đại thừa (tất cả pháp Không) ngũ uẩn giai Không. Tâm cảnh đều Không, nhưng kỳ thiệt ra không phải người chứng nơi chơn Không, chỉ nói suông mà thôi. Tất cả hành vi đều ở trong CÓ, nghĩa là có gây nghiệp, có phiền não, có đủ thứ, những người như vậy không thành thiệt. Một hành vi cụ thể như làm quản lý bạch y (gánh vác việc cho bạch y).

 

Vì hàng bạch y làm mai mối. Gần đây việc hôn lễ dẫn đến chùa, nhờ các vị lớn chứng minh dạy bảo, đó là điều khó hết sức chứ không phải dễ. Nếu đúng theo giới luật thì việc đó không nên làm, dầu sao cũng phạm. Làm như thế cũng là chủ hôn vậy. Trong luật đem thư giùm còn cấm (thư hẹn hò hôn nhân) huống nữa là chủ hôn rất thái quá! Cho nên quy tội về việc không thành thiệt: lời nói và việc làm không giống nhau. Lời nói thì chứng chơn Không mà hành vi hoàn toàn ở trong nghiệp, trong phiền não, cũng thành phạm tội.

 

Làm quản lý nhiều việc, nhưng đây chỉ kể ra một việc làm mai mối, bởi vì nhơn duyên gây thành nghiệp kiết phược, ở thế gian nầy, việc nam nữ là nhơn sanh tử luân hồi, gọi là ác nghiệp vô lượng.

 

Theo trong Bồ tát giới thì mỗi tháng có sáu ngày trai, mỗi năm có ba tháng trường trai. Trai đây là không ăn chiều, gọi là trai pháp đó.

 

Trong giới Sa di cũng có giới không được ăn chiều rồi. Còn giới Bồ tát tại gia không buộc là ăn hay không ăn chiều, những mỗi tháng có sáu ngày trai, bây giờ nhận lầm là ăn chay.

 

Trong giới bát quan trai nói rõ. Còn ăn chay là không ăn thịt, đó thuộc giới. Còn lục trai hay ba tháng trường trai là những ngày đó không ăn chiều, gọi là bất phi thời thực.

 

Ba tháng trường trai là ba tháng đầu của ba mùa. Mùa xuân: tháng Giêng, mùa hạ: tháng Năm, mùa đông: tháng Chín, trong ba tháng đó phải bất phi thời thực, nghĩa là không ăn quá ngọ, phong tục của ta thì dùng tam nguơn: thượng nguơn, trung nguơn, hạ nguơn, thành ra tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười, chớ theo luật Phật thì ba tháng đầu là: tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chín.

 

Tại sao lại có 3 đầu mùa như vậy?

 

Bởi vì tháng đầu mùa thọ trai, lần lần mấy tháng sau nhờ ảnh hưởng đó cũng lành. Những ngày hay tháng đó, lại làm những việc sát sanh, trộm cướp, phá trai phạm giới, nghĩa là đáng lẽ giữ gìn nghiêm ngặt hơn, lại đi phá giới đã phạm lại thêm tội thứ 30 nầy nữa.

 

Nếu sát sanh thì phạm giới thứ nhứt. Sát sanh những ngày khác thì chỉ một tội sát sanh thôi. Nếu sát sanh vào tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín, hoặc vào những ngày lục trai, như vậy ngoài giới sát sanh, còn chồng thêm tội “Khinh Cấu” thứ 30 nầy.

 

Người xuất gia cả năm giữ trai luôn, nghĩa là bất phi thời thực (không được ăn quá ngọ).

 

Những vị tại gia Bồ tát, ít nhứt phải có những ngày trai trong mỗi tháng, hay trong mỗi năm, có được một vài tháng, như thọ Bát quan trai giới, trong đó có điều gọi là trai pháp: không ăn phi thời (không ăn quá ngọ).

 

Trong đây nói những ngày lục trai, ba tháng trường trai các vị thọ Bồ tát giới lầm cho rằng trai đây là ăn chay, cho nên ăn chay kỳ, ăn chay luôn. Bởi vì giới thứ ba không được ăn thịt. Trong Bồ tát giới không có điều giới cấm ăn chiều. Do đó cho nên quy về việc không được ăn chiều, trong mỗi tháng sáu ngày, trong mỗi năm ba tháng. Như vậy gọi là những ngày trai.

 

Nếu ăn phi thời thì là phá trai mà phạm điều giới khác trong đó gọi là phạm giới. Danh từ phạm trai, phạm giới là: nếu ăn chiều là phạm trai và ăn thịt thì phạm giới.

 

Chữ trai đây là bất phi thời thực, nghĩa là không ăn phi thời, nếu ăn phi thời thì là phạm trai.

 

Tội phạm trai là những ngày trai pháp, mà lại phạm giới, trên giới đã phạm, đó chồng thêm tội 30 nầy vậy.


Comments

Popular posts from this blog