GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI



PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH



VI.- 48 ĐIỀU GIỚI KHINH


11.- GIỚI ĐI SỨ

 

Nếu là Phật tử chẳng được vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ mạng cho hai nước hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau làm cho vô lượng chúng sanh bị giết hại. Là Phật tử, còn không được vào cùng qua lại trong quân trận, huống lại cố làm môi giới chiến tranh! Nếu cố làm, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Đi sứ là lãnh trách nhiệm đem thơ từ hay những lời ủy thác của người nầy, đi truyền cho một người khác, hoặc qua một nước khác.

 

Vấn đề đi sứ có hai phần: phần lớn là lãnh sứ mạng ở một nước. Phần nhỏ: lãnh sứ mạng riêng với cá nhân một người nào, như đưa thơ chẳng hạn. Đây là cấm những việc đi sứ có tính cách ác, bất thiện.

 

Việc quan trọng nhứt, là lãnh sứ mạng để đi khai chiến cho hai nước. Các nhà du thuyết ngày xưa và bây giờ, các nhà ngoại giao có thể làm cho hai nước gây hấn nhau để có việc chiến tranh thì vô lượng chúng sanh bị giết hại.

 

Do đó, nên Phật tử mà còn làm việc đó thì phạm nơi giới nầy.

 

Theo như trong các bộ giải thích thì đây chỉ là thay thế mà thôi, còn nếu thiệt sự đi sứ mà do nơi mình làm cho có sự chiến tranh, chính tự ý mình làm cho sự bất hòa giữa hai nước để có chiến tranh thì phạm tội sát sanh, bởi vì gây chiến tranh thì hai bên phải giết hại nhau. Nếu chỉ thay thế lãnh một tờ hiệp ước hay là một sứ mạng thay thế đi truyền lời thôi thì chỉ phạm giới khinh. Đây nói đến việc lớn, còn việc nhỏ như đem thơ cho hai nhà thù hận nhau để sanh ra những sự bất hòa, có những sự chém giết lẫn nhau thì cũng phạm ở điều giới nầy.

 

 

12.- GIỚI BUÔN BÁN PHI PHÁP

 

Nếu là Phật tử cố bán người lành, tôi trai tớ gái, lục súc, buôn bán quan tài, ván cây, đồ đựng thây chết, còn không được tự mình buôn bán các thứ ấy, huống lại bảo người?

 

Nếu cố tự buôn bán hay bảo người buôn bán các thứ ấy, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Người xuất gia, nếu buôn bán, bất luận buôn bán thứ gì cũng là phi pháp. Người xuất gia không được buôn bán. Còn người tại gia thì không cấm, bởi vì cũng là nghề nghiệp sanh nhai, nhưng cấm buôn bán phi pháp.

 

Buôn bán người lành, tôi trai, tớ gái như xưa kia có sự buôn mọi, nghĩa là bán những người để làm tôi tớ cho người khác, đi bán nô lệ, buôn mọi nô lệ. Đây cũng là nghề làm ăn của người đời. Nếu là Phật tử thì Phật cấm không được buôn bán như vậy. Cho đến buôn bán lục súc (sáu loại thú nuôi): trâu, bò, chó, ngựa, heo, dê. Đức Phật cấm không được bán sáu loại đó bởi vì trâu, bò, ngựa nó phải lấy sức lực ra để làm việc cực nhọc, nó làm lụng theo người đời sai khiến. Nếu đi buôn bán, tất nhiên đem nó vào chỗ cực khổ. Còn các loài khác, hoặc giả để người ăn thịt, hay là để làm thú săn, hay vật sát sanh như mèo, làm thịt để ăn như heo, dê… nếu buôn bán thì làm cho chúng sanh phải khổ.

 

Như chó, mèo là loại sát sanh, chính nó cũng khổ mà nó làm cho những con vật khác phải khổ. Chính nó cũng khổ như tạo nghiệp ác. Còn heo, dê là con vật người ta ăn thịt, còn những con thú khác như trâu, bò, ngựa thì người ta lại đày ải nó vào công việc nhọc nhằn khổ sở. Do đó người Phật tử phải lấy lòng từ bi làm trọng, không được đồng ý vào việc khổ nhọc của các loài, cho nên Phật cấm buôn bán lục súc.

 

Thiệt ra, nếu không có những tiệm bán quan tài, hòm đó thì những nhà có người chết không biết lấy chi để chôn cất. Những người bán quan tài thì thường có ác niệm trông mong cho người đến mua nhiều, đồng thời với sự mong mỏi đó thì có quan niệm mong cho nhiều người chết. Như vậy muốn cho Phật tử tránh khỏi duyên khởi niệm ác, cho nên cấm sự buôn bán quan tài.

 

Những người trại hòm nhiều khi bán ế quá, phải ban đêm bỏ tóc xả vô nằm trong hòm. Cách đó cũng như trù ếm cho có người chết để đến mua hòm đó là ác ý, cho nên Phật cấm. Phật độ người, lẽ nào không hiểu rõ hậu quả của chúng sanh, Phật đã thấy rõ như vậy.

 

Trái lại, bố thí quan tài thì phước đức vô lượng. Vì sao? Vì người bố thí hòm đó, không khi nào mong muốn cho người chết nhiều để người ta đến xin hòm, chỉ nghĩ là để giúp cho những người nghèo thiếu vậy thôi. Do đó lúc nào cũng muốn người ta mạnh giỏi, người ta ít chết. Tâm niệm đã bố thí rồi, lại muốn cho người ta ít chết, mạnh khỏe, có quan niệm tốt, cho nên được phước đức nhiều. Đức Phật chẳng những cấm không được buôn bán quan tài, cho đến ván cây, đồ đựng thây chết.

 

Những đồ đựng thây chết, đến như vải để tẩn liệm hay là các vật khác cũng không được buôn bán. Chẳng những tự mình không được buôn bán, cũng chẳng được bảo người khác làm tiệm đó, buôn bán các thứ đó. Nếu tự buôn bán hay bảo người buôn bán hoặc là hùn vốn đều phạm tội nầy vậy.

 

 

13.- GIỚI HỦY BÁNG

 

Nếu Phật tử vì ác tâm nơi người tốt, người lành, Pháp sư, sư Tăng, hoặc Quốc vương và hàng quý nhơn, vốn vô sự mà hủy báng là phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng. Với cha mẹ, anh em trong lục thân phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, mà trở lại vu khống cho là phạm tội nghịch, đọa nơi ác đạo. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Hủy báng, tất nhiên nói hủy báng những người tu hành hoặc là vu khống cho là phạm tội nầy, tội kia. Đến trong thân thuộc: cha mẹ, anh em cũng phải luôn luôn nêu đức tốt, hạnh lành, không nên bày vẽ để hủy báng.

 

Pháp sư là vị thuyết pháp, giảng kinh. Sư Tăng là các vị Hòa thượng, A xà lê. Quốc vương bây giờ là vị nguyên thủ trong quốc gia, Quốc trưởng, Thủ tướng chẳng hạn. Hàng quý nhơn là quan quyền.

 

Người ta không có lỗi mà lại vu khống cho họ phạm lỗi nầy lỗi kia. Các vị quan chức không ăn hối lộ, mà lại vu khống cho là hối lộ, có khi vu khống cho người ta là phạm giới trọng như: trộm cắp, nói dối  

 

Với hàng thân thuộc như: cha mẹ, anh chị, lục thân bà con thân quyến, không được vu khống. Khi nào thiệt có tội lỗi thì chỉ ngay cho người ta ăn năn sửa lỗi, sám hối chừa bỏ. Còn đây không có lại đi nói cho thành có vì muốn người đọa ác đạo, cho nên phạm tội đọa nơi ác đạo. Những tội nghịch hay tội trọng đều đọa nơi ác đạo. Chỉ một niệm muốn người đọa ác đạo thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

 

14.- GIỚI PHÓNG HỎA

 

Nếu Phật tử, vì ác tâm, phóng hỏa đốt núi rừng đồng nội. Từ tháng Tư cho đến tháng Chín phóng hỏa. Hoặc cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, Tăng phường, ruộng cây của người và cung điện tài vật của quỷ thần. Tất cả chỗ có sanh vật, không được cố thiêu đốt. Nếu cố thiêu đốt, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Đốt lửa mà đốt phi pháp thì tức nhiên theo luật thế gian phải đền. Còn đây nói phóng hỏa hợp pháp theo thế gian, cũng như trong vườn, nơi ruộng rẫy, làm cỏ rồi vun đống lại để đốt, hay cỏ khô châm lửa cho cháy. Trong đây cấm từ tháng Tư đến tháng Chín không được đốt, bởi vì tháng đó là tháng mùa mưa, những sanh vật nhỏ ở trong cỏ, ở dưới đất nhiều, những trùng, những kiến, nếu đốt thì các loại ấy bị hại. Cho nên cấm từ tháng Tư cho đến tháng Chín không được phóng hỏa. Phóng hỏa đây là nói đốt một vùng rộng lớn, đốt cả một cánh đồng hay một cụm rừng, một ngọn đồi  

 

Cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, Tăng phường, ruộng cây của người, theo luật thế gian phải đền bồi. Còn trong Phật pháp phạm tội “Khinh cấu.”

 

Cung điện tài vật của quỷ thần” tức là đền, miếu, đình, chỗ thờ các vị quỷ thần.

 

“Tất cả chỗ có sanh vật không được cố thiêu đốt”. Do đó không luận là mùa nào hay chỗ nào rộng hay hẹp cũng không được cố thiêu đốt, hoặc một khúc cây mà trong đó có kiến, có mối cũng không được đem đốt. Cho nên nói “tất cả chỗ có sanh vật vậy đều không được cố thiêu đốt”. Chữ “cố” là cố tâm thiêu đốt. Nếu cố ý thiêu đốt thì phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Vì không có tâm niệm hộ sanh, cứ đốt đại mà không coi trong đó có sanh vật không? Đây là tâm ác, phạm tội nặng.

 

Phóng hỏa từ tháng Tư cho đến tháng Chín trong mùa mưa thì phạm tội không luận có sanh vật hay không. Phóng hỏa làm cháy lan đến nhà cửa người khác, cho đến ruộng cây của người, đình, miếu, cung điện của quỷ thần. Ngoài việc đền bù cho sở hữu chủ, còn phải mắc tội đây vậy. Không luận chỗ đốt đó nhỏ hay lớn, cũng không luận là thời gian nào, nếu có sanh vật, dù là một que củi, cố đốt thì vẫn phải phạm tội.

 

 

15.- GIỚI DẠY GIÁO LÝ NGOÀI ĐẠI THỪA

 

Nếu là Phật tử, từ đệ tử Phật, lục thân, tất cả thiện tri thức đến ngoại đạo ác nhơn, đều phải khuyên bảo thọ trì Kinh Luật Đại thừa. Nên giảng cho hiểu nghĩa lý, khiến phát Bồ đề tâm, Thập Phát Thú tâm, Thập Trưởng Dưỡng tâm, Thập Kim Cang tâm, trong ba mươi tâm ấy, giảng cho họ hiểu pháp dụng tuần thứ của mỗi món, mà Phật tử lại vì ác tâm, sân tâm đem Kinh Luật của Thanh Văn Nhị thừa cùng các bộ luận của ngoại đạo tà kiến để dạy ngang cho người, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Những Phật tử thọ giới Bồ tát rồi, tự mình phải học giáo lý Đại thừa, bởi vì đã thọ giới Đại thừa, rồi tu tập giáo lý Đại thừa và đem giáo lý Đại thừa đó để dạy cho người khác, hoặc ít hoặc nhiều theo sự hiểu biết của mình, để gây giống lành mạnh, thiện căn về Đại thừa để thành Phật. Mà giáo lý Đại thừa không đem dạy cho người, lại đem những giáo lý khác để dạy, việc đó là mất tâm từ bi, cho nên thiếu bổn phận Phật tử thọ Bồ tát giới.

 

Đây nói bổn phận người Phật tử thọ Bồ tát giới. Trong kinh nói “Phật đệ tử” là chỉ cho hàng Thanh Văn Nhị thừa.

 

Đối với các bậc đó, cho đến lục thân quyến thuộc, tất cả thiện tri thức, các người quen biết bạn bè, đến những người ngoại đạo, những kẻ ác (những người hung ác ngoài đời, kẻ trộm cướp, du côn, du đảng) tất cả phải có tâm bình đẳng mà khuyên bảo họ thọ trì Kinh Luật Đại thừa. Nếu có duyên đến thì đem Kinh Luật Luận Đại thừa để giảng giải cho họ hiểu. Đây không phải giảng giải cho hiểu tất cả, dù đó là một câu kinh, hay một bài kệ, một đoạn ngắn hay chỉ là một pháp thôi, nếu thuộc về Đại thừa đều là giáo pháp Đại thừa cả. Nên giảng dạy cho họ hiểu nghĩa lý để họ phát Bồ đề tâm, tăng trưởng lần lần để được những Thập Phát Thú tâm, Thập Trưởng Dưỡng tâm, Thập Kim Cang tâm, nghĩa là tạo sự lý từng bậc tu tập, đến địa vị Bồ tát. Thập Phát Thú là Thập Trụ Bồ tát, Thập Trưởng Dưỡng là Thập Hạnh, Thập Kim Cang là Thập Hồi Hướng.

 

Trong 30 tâm ấy phải giảng giải cho họ hiểu pháp dụng tuần thứ của mỗi món.

 

Đây nói các bậc Đại thừa Bồ tát, Pháp sư có đủ năng lực cần phải đem công hạnh, những sự lý nơi các bậc Bồ tát để giảng giải cho những người mới phát tâm Bồ đề, cho họ ham mộ quy hướng nơi đó, tinh tấn tu hành.

 

Giờ đây Phật tử lại vì ác tâm, sân tâm không muốn cho họ thành Phật, muốn cho họ sa vào hàng Thanh văn hay lạc vào ngoại đạo tà kiến, mà đem Kinh Luật Thanh văn để dạy cho người hoặc các bộ luận tà kiến để dạy.

 

Họ thích học kinh điển Đại thừa, nhưng mà đem giáo thuyết Nhị thừa hay của ngoại đạo tà kiến để dạy cho họ. Do đó phạm tội Khinh cấu, tội thứ 15 nầy.

 

Nếu không có ác tâm, sân tâm, chỉ vì muốn dẫn dắt những người căn cơ còn thấp, không thể lãnh thọ được giáo pháp Đại thừa, mà đem pháp Tiểu thừa để dạy cho người, như vậy không có tội. Nhiều khi những người thích ngoại đạo, giảng cho họ thấy trong đó có chỗ chưa hoàn bị rồi sẽ đem pháp hoàn bị hơn, để họ hướng về pháp của Phật, như vậy là tâm tốt. Mục đích dìu dắt theo căn cơ người đó, cho nên dạy sách luận của ngoại đạo. Như vậy là không có tội.

 

Ngoại đạo là gì? Đạo ở ngoài Phật pháp.

 

 

16.- GIỚI VÌ LỢI MÀ GIẢNG PHÁP LỘN LẠO

 

Nếu là Phật tử phải tận tâm học Kinh Luật, oai nghi Đại thừa, thông hiểu nghĩa lý, khi thấy có hàng tân học Bồ tát từ xa trăm dặm, nghìn dặm đến cầu học Kinh Luật Đại thừa, nên đúng như pháp giảng dạy tất cả khổ hạnh, hoặc tự đốt thân, đốt cánh tay, đốt ngón tay.

 

Nếu không đốt thân hay cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật thời không phải là hàng Bồ tát xuất gia. Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả các loài quỷ đói. Rồi sau mới tuần tự theo căn cơ của mỗi người mà giảng chánh pháp cho hàng tân học ấy được mở thông tâm ý.

 

Nếu Phật tử vì quyền lợi, đáng dạy mà không dạy, lại giảng Kinh Luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn, không có thứ lớp trước sau, thuyết pháp có tính cách hủy báng Tam Bảo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Lộn lạo là không có thứ tự, làm cho người học không thể nhận được, bởi vì đã lộn lạo tất nhiên sự hiểu biết sai lầm, mặc dù cũng nói về chánh pháp, nhưng nói quả lộn với nhơn, trước sau lộn lạo. Phàm lộn với Thánh, Thánh lộn với Phàm, làm cho người học hiểu biết sai lầm.

 

Vị nào đã thọ giới Bồ tát, phải tận tâm học Kinh Luật oai nghi Đại thừa. Học Luật để đầy đủ oai nghi, học Kinh để thông hiểu nghĩa lý. Sau khi thông hiểu rồi, khi thấy có hàng tân học (mới hướng vào Đại thừa). Những vị đó sự hiểu biết còn kém, hay là chưa biết, từ xa đến cầu học Kinh Luật Đại thừa, phải đúng như pháp giảng dạy, nghĩa là giảng dạy đúng như pháp, đúng như lời Phật dạy không sai.

 

Trong Bồ tát hạnh thì trọng khổ hạnh, nên đã lấy việc khổ hạnh cho tất cả hạnh của Bồ tát. Mà trong việc khổ hạnh có việc đốt thân là việc lớn hệ trọng, nên lấy đó làm lề cho các khổ hạnh khác.

 

Tại gia không bắt buộc khổ hạnh là đốt thân, còn hàng xuất gia thì phải đốt như thế. Cho nên nếu không đốt thân, cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật, thì không phải là hàng Bồ tát xuất gia.

 

Không đốt được hết thân thì phải đốt một phần nơi thân như cánh tay, ngón tay. Nếu không đốt được phần tay chân thì đốt một phần nào ít trên thân. Cổ Đức ngày xưa thấy sự khó khăn đó, nên mới có đốt liều để cho hợp với pháp đây, khỏi trái lời Phật dạy. Đốt liều thì cũng đốt trên thân. Do đó đốt liều có nghĩa là đốt thân để cúng dường Phật, chứ không phải để đánh dấu thứ bậc tam đàn hay là nhị đàn. Không thể đốt cánh tay, ngón tay hay toàn thân cúng dường chư Phật, cho nên đốt chút ít trên da như vậy để tỏ lòng cung kính nên mới đốt liều trên đầu. Về sau nầy, những vị thọ Bồ tát giới tại gia phát tâm đốt nơi thân để cúng dường Phật. Vì nếu đốt trên đầu thì sợ lầm với người xuất gia. Người tại gia có đốt cúng dường thì đốt nơi cánh tay.

 

Đây là chỉ một phần ít cho hợp lời Phật dạy, do đó mà có đốt hương, đốt liều cúng dường Phật khi đã thọ giới Bồ tát.

 

Sự khổ hạnh để mà bố thí là đối với chư Phật. Còn đối với chúng sanh thì hạnh khó làm đây (là khổ hạnh), là xả thân để bố thí chúng sanh. Nói xả thân bố thí chúng sanh là nói những vật ngoài thân như nhà cửa, tiền bạc, châu báu, đó là việc dễ nhẫn đến xả thịt nơi thân mình, như tay chân mà bố thí cho tất cả cọp, sói, sư sử đói, cùng tất cả loài quỷ đói…

 

Thú đói nếu không có thịt của ta thì nó sẽ chết. Nếu thiếu những hạnh bố thí nầy khó thành Phật. Nếu đủ nhẫn lực để thực hành hạnh bố thí cả thịt nơi thân mình hay là đốt cả thân hay ngón tay, cánh tay, như vậy mới có công đức.

 

Còn nếu làm cho lấy lệ, lấy có hay là để cầu danh cầu tướng, rồi trong lúc đó phiền não lại khởi lên, lấy làm đau khổ, bứt rứt bực bội, thì vi tế sân phát khởi, bởi vì không chịu đựng được những sự khổ đó. Phải có đủ nhẫn lực, khi thực hành hạnh bố thí đó, trong tâm thơ thới, mát mẻ sung sướng như uống nước cam lộ. Như vậy mới thành tựu được đức lành. Được sự nhẫn lực như vậy là chứng được sanh Không hay pháp Không. Chứ đừng thấy trong đây tán thán hoặc giả là những người khác tán thán rồi cứ làm đại, không đúng pháp thì không có công đức.

 

“…Rồi sau mới tuần tự theo căn cơ của mỗi người mà giảng chánh pháp cho hàng tân học được mở thông tâm ý…”.

 

Ở đây giảng chánh pháp, những hàng tân học Bồ tát đến để cầu pháp. Còn nếu bố thí thân để cho cọp, sói, sư tử đói ăn, thì vị Bồ tát đó phải chết, thì còn ai để giảng chánh pháp. Nên hiểu như thế nầy:

 

Đại thừa Bồ tát không lấy thời gian, hạn cuộc nơi một thân. Nếu ở đời đó có chết đi, tức là làm nhơn duyên cho đời sau để độ.

 

Thuở xưa, đức Phật đã kết nhơn duyên đem thịt nơi thân để bố thí cho mấy người đói, nên khi thành Phật rồi nhờ nhơn duyên đó mới độ được họ đắc pháp.

 

Người Phật tử thọ Bồ tát giới rồi, phải khổ hạnh, phải đốt thân, cánh tay, ngón tay để cúng dường chư Phật nếu là Bồ tát xuất gia. Còn đối với chúng sanh, ở dưới thì phải làm tất cả điều lợi ích. Cho đến việc lớn là dù xả thân mình để cho nó khỏi chết đói, vẫn phải cố gắng thực hiện, để đem nhơn duyên đó phát khởi thiện căn cho chúng sanh được kết duyên lành, rồi nó có thể lãnh hội nơi chánh pháp.

 

“Nếu Phật tử, vì quyền lợi đáng dạy mà không dạy…”. Đáng lẽ đem chánh pháp Đại thừa để dạy cho hàng tân học Bồ tát mà bây giờ vì quyền lợi cho nên không dạy.

 

“Giảng Kinh Luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn, không có thứ lớp trước sau…”.

 

Như vậy làm mất giá trị chánh pháp của Phật, cho nên trong đây nói thuyết pháp có tính cách hủy báng Tam Bảo, bởi vì pháp của Phật đâu phải là lộn xộn, không thứ lớp. Bây giờ mà đem pháp của Phật mà giảng một cách điên đảo, lộn xộn làm mất giá trị chánh pháp của Phật. Mà chánh pháp đã mất giá trị thì tất nhiên, Phật, Tăng cũng giảm giá trị. Cho nên thuyết pháp như vậy là hủy báng Tam Bảo. Việc thuyết pháp rất hệ trọng, chứ không phải muốn nói gì thì nói. Nếu nói rằng thuyết pháp thì phải giảng nói chánh pháp của Phật, phải đúng như pháp để thuyết. Còn thuyết pháp mà không đúng như pháp thì tất nhiên có lỗi. Đã có lỗi thì không có công đức.

 

 

17.- GIỚI CẬY THẾ LỰC QUYÊN GÓP

 

Nếu Phật tử, tự mình vì việc ăn uống tiền của, lợi dưỡng danh dự mà thân cận Quốc vương, Hoàng tử cùng các quan, nương quyền cậy thế bức người để lấy tiền của, lại bảo người khác cũng cầu lợi như vậy. Tất cả sự cầu lợi ấy, gọi là ác cầu, đa cầu, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Quyên góp là lạc quyên, quyên tiền để cất chùa hay làm việc khác. Mà đây nói cậy thế lực, cậy thế lực của chính quyền, cậy thế lực của quan, của vua để đi quyên tiền bạc.

 

Đây là dựa quyền của vua chúa, các quan để đi quyên tiền. Danh từ ác cầu, đa cầu là gì?

 

Ác cầu là cầu không đúng pháp, dùng quyền lực để thúc người ta. Người ta không phát tâm cúng dường nhưng bị quyền lực bắt phải cúng dường, còn đa cầu là cầu quá đáng.

 

Người được chính quyền ủng hộ, nương thế lực để áp bức người. Nếu làm tất nhiên phạm. Còn như người ta phát tâm thì không phạm.

 

Nếu đem số tiền đi quyên phi pháp ấy cất chùa, đúc tượng  … cũng phạm tội. Không có phước đức gì cả.

 

 

18.- GIỚI KHÔNG THÔNG HIỂU MÀ LÀM THẦY TRUYỀN GIỚI

 

Nếu là Phật tử, phải học 12 phần kinh, thường tụng giới mỗi ngày sáu thời, nghiêm trì Bồ tát giới, hiểu rõ nghĩa lý tánh Phật tánh của giới. Nếu Phật tử không hiểu một kệ một câu cùng nhơn duyên của giới luật, mà dối rằng thông hiểu, đó chính dối gạt mình và cũng là dối gạt người khác. Không hiểu một pháp, không biết một luật mà lại đi làm Thầy truyền giới cho người, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Nếu Phật tử đã thọ giới Bồ tát rồi, thì phải cố gắng học mười hai phần kinh.

 

Mười hai phần kinh đó là:

 

1.- Trường Hàng là văn xuôi.

2.- Trùng Tụng, là những bài kệ nói lại ý nghĩa của văn Trường Hàng, như trong kinh Phổ Môn, bài kệ ở sau nói lại nghĩa của phần văn ở trước.

3.- Cô Khởi, là bài kệ riêng ra, không phải thuật lại ý nghĩa của Trường Hàng, như bài kệ trong kinh Kim Cang.

4.- Bổn sanh, Bổn sự của Phật, nói những nhơn duyên.

5.- Nhơn duyên, là nói về nhơn duyên gặp Phật, nghe pháp.

6.- Luận nghị, là lời hỏi, lời đáp trong kinh, như trong kinh Duy Ma Cật.

7.- Thí Dụ, đem ví dụ để nói rõ nghĩa của pháp, như kinh Pháp Hoa. Phương Đẳng - tức là Pháp Đại thừa.

8.- Tự thuyết, không ai thưa hỏi mà Phật tự nói như kinh Phật thuyết A Di Đà.

9.- Vị Tằng Hữu, là pháp trước kia chưa từng có.

10.- Thọ ký, như thọ ký cho Bồ tát sẽ thành Phật.

 

“Thường tụng giới”: có nhớ thuộc mới thực hành. Mỗi ngày sáu thời: ngày ba thời, đêm ba thời. Ngày ba thời: sáng, trưa, chiều. Đêm ba thời: đầu hôm, giữa đêm, cuối đêm. Như vậy cả ngày đêm nghiêm trì giới Bồ tát, không có lúc nào hở trống.

 

“Hiểu rõ nghĩa lý tánh, Phật tánh của giới”:

 

Tánh của giới chính là chủng tử Phật tánh, bổn nguyên của chư Phật, cũng là căn bản của hàng Bồ tát.

 

Pháp ta học đây thuộc về giới tướng (tướng của giới). Nếu không hiểu một kệ một câu, nhơn duyên của giới luật mà dối là thông hiểu để làm Thầy, tức là tự gạt mình, mà cũng chính là gạt người khác. Nếu đi làm thầy truyền giới cho người, thì phạm “Khinh Cấu Tội”… Như vậy, những người chưa thông hiểu giới pháp Đại thừa, không được đi làm thầy truyền giới cho người.

 

 

19.- GIỚI LƯỠNG THIỆT

 

Nếu Phật tử, vì ác tâm thấy thầy Tỳ kheo trì giới, tay bưng lư hương tu hạnh Bồ tát, tự đi đâm thọc hai đầu, cho sanh sự bất hòa, khinh khi người hiền, tạo nhiều tội ác, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Lưỡng thiệt là nói hai lưỡi, là nói lưỡi đôi chiều đòn xóc hai đầu: đến người nầy nói người kia, đến người kia nói người nầy, để cho hai bên hờn giận nhau, thù ghét nhau, làm mất niềm hòa khí.

 

Đáng lẽ, Phật tử thấy những vị tu Bồ tát hạnh, thì phải tùy hỷ tán dương, khuyến khích khen ngợi, đây lại ghét, có ác tâm tất nhiên không thích.

 

Những vị tu hạnh Bồ tát chỉ bưng lư hương vì trong hạnh Bồ tát lấy việc cúng dường Phật làm trọng.

 

Do đó trong các kinh Đại thừa, trước khi nói pháp đều thuật lại sự cúng dường. Như trong kinh Pháp Hoa, phẩm “Hóa Thành Dụ”, lúc ngài Đại Thông Trí Thắng Phật ngồi đạo tràng các chư Thiên mười phương đến để cầu pháp. Trước khi cầu pháp đều đem hương hoa cho đến cung điện để dâng cúng dường. Sau cúng dường rồi mới thỉnh pháp, thì thấy rằng, việc cúng dường làm trọng trong giáo pháp Đại thừa.

 

Khi thấy vị Tỳ kheo giữ giới thanh tịnh phải kính trọng, khen ngợi, khuyến khích, giúp đỡ, mà trái lại vì ác tâm, đem tâm ganh ghét, rồi kiếm chuyện nầy chuyện nọ để đi nói với người nầy người kia, cho người ta khinh khi các vị tinh tấn tu hành đó. Như vậy các vị tu hành cũng mất sự ủng hộ và những người chung quanh cũng bị chướng ngại nơi lòng tín kính đối với bậc tu hành. Do đó tạo nhiều tội ác. Trong đời thường có như vậy, người nào phát tâm tu hành thì cũng có người đi nói xấu.

 

Làm cho chung quanh người ta có ác ý đối với vị tu hành tinh tấn đó, vậy mình đã mất lợi lớn còn sanh ra điều hại, sanh ra nhiều sự chướng, tội lỗi.

 

 

20.- GIỚI KHÔNG PHÓNG SANH

 

Nếu Phật tử vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh, tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy, nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta.

 

Nếu giết chúng để ăn thịt thì chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đời sát sanh nên tìm cách cứu vớt cho chúng được thoát khỏi nạn khổ! Thường đem giới Bồ tát để giảng dạy để cứu độ chúng sanh.

 

Nếu ngày cha mẹ hay anh em chết, nên thỉnh Pháp sư giảng kinh Luật Bồ tát giới. Người chết nhờ phước đức ấy, hoặc được vãng sanh Tịnh Độ ra mắt chư Phật, hay thác sanh trong cõi trời, cõi người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.

 

Mười giới như thế cần nên học tập kính trọng phụng trì. Nếu sát sanh thì phạm điều trọng thứ nhứt, trong mười giới trọng ở trước. Thấy chúng sanh sắp chết, nếu có duyên, có sức mà không cố gắng tìm cách giải thoát cho nó, cứ nhẫn tâm để cho nó chết, bị giết như thế, tất nhiên phạm tội không phóng sanh.

 

Là Phật tử thọ giới Bồ tát rồi, thì phải có tâm từ bi, tất nhiên phải phóng sanh, do tâm từ thương xót cứu vớt khi thấy nó sắp bị giết nên mua nó để thả, tâm từ bi thể hiện như vậy đã đành, nhưng phải hiểu sâu một chút nữa. Phật nói: “Tất cả nam tử, nam tử đây không chỉ một loài người cho đến loài thú, loài chim, những con trống, con mái nó là cha mẹ ta cả”.

 

Vì nhiều đời, ta đều thác sanh nơi đó. Từ vô lượng đời xoay vần trong vòng lục đạo nầy. Có lúc làm trời, có lúc làm người, có lúc làm súc sanh, có lúc làm quỷ, địa ngục  … Như vậy, nếu không nhiều thì cũng có một đời nào đó, có duyên làm mẹ cha với con vật, con chim, chưa nói đến làm người.

 

Cho nên Phật nói: “Chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta, mà cũng là thân cũ của ta”.

 

Ta có thân nầy là do tứ đại hòa hợp mà thành. Sau khi chết rồi thân tan rã trở về tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong thì chất tứ đại đó sẽ kết hợp lại thành thân của những con vật khác. Do đó, những con vật sắp sửa bị giết, bị hại tất nhiên thân của nó cũng là thân cũ của ta.

 

Phật nói: “Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta”. Nghĩa là tất cả loài vật cho đến loài người, đều dùng chất tứ đại để kết thành thân cả.

 

Vì vậy, nên nghĩ rằng tất cả chúng sanh đều là cha mẹ ta, đều là thân cũ của ta, nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm.

 

Nếu nghĩ được như vậy thì lòng thương của ta tăng lên. Bởi vì thấy con vật đó như cha mẹ của ta. Và thấy những thân con vật đó như thân của ta nên sanh tâm mến tiếc.

 

Đức Phật lại bảo: “Nếu thấy người đời sát sanh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ”. Tìm cách hoặc mua chuộc, hoặc khuyên lơn, năn nỉ.

 

Nếu thiệt sự mình không đủ sức thì nên chú nguyện cho nó, hoặc niệm Phật, để nhờ duyên đó sau khi chết rồi, nhờ niệm Phật, trì chú, tụng kinh nó được sanh về cõi lành, được thêm thiện căn trong tương lai không bị khổ nữa. Chẳng những thương xót con vật bị giết mà còn thương xót cả người giết nữa. Vì người đó đang tạo nghiệp khổ, sẽ bị quả báo khổ…! Nhưng như vậy cũng chưa rốt ráo hết khổ cho đôi bên, vì còn người sát và còn kẻ bị giết. Muốn chấm dứt cái nhơn sát, nhơn của khổ ấy, không gì bằng đem giới Bồ tát giảng dạy. Nếu giảng dạy mà họ chịu tin và thực hành thì những việc sát sanh, việc khổ chấm dứt. Cho nên Phật bảo, phải thường xuyên đem giới Bồ tát để giảng dạy cứu độ chúng sanh, tất nhiên cứu cái nhơn, còn phóng sanh, mua chuộc để phóng sanh là cứu cái quả.

 

Bây giờ muốn cho chấm dứt, thì phải cứu cái nhơn, khiến cho mọi người phát tâm từ bi. Mà tâm từ bi có rồi thì sát sanh không còn nữa, chúng sanh khỏi khổ. Do đó, việc phóng sanh ở trên, gọi rằng cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ. Còn đem giới Bồ tát giảng dạy đó là cứu độ. Điều nầy quan trọng. Cứu khổ chỉ tạm thời thôi, còn cứu độ mới thiệt là rốt ráo.

 

Chẳng những độ sanh mà còn độ tử. Thế cho nên nói: như cha mẹ anh em những người thân thuộc đã chết thì phải thỉnh Pháp sư giảng kinh Luật Bồ tát giới, nhờ phước đức đó được sanh về Tịnh Độ, gặp Phật, hoặc sanh trong cõi trời, cõi người, khỏi bị sa đọa trong tam đồ.

 

Do đó, giới phóng sanh nầy có hai: cứu khổ và cứu độ những chúng sanh sống và cũng là siêu độ cho những người quá vãng. Mười giới như thế cần nên học tập, hết lòng kính trọng phụng trì.

 

Tiền thân của Phật, có những đời Phật cũng làm đến con chí, con rận, con chim. Có những đời làm con nai, những đời làm người, những đời tu hành làm Tiên nhơn. Chúng ta đây cũng vậy.

 

Tiền thân đức Phật còn sanh trong các loài như thế, huống chi chúng ta đây những đời quá khứ e cũng lăn lộn trong các loài, có đủ các thân… Nên nói tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Mình dùng chất tứ đại làm thân, các loài cũng dùng tứ đại làm thân. Do đó nên tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta. Nếu giết các loài là giết cha mẹ của ta, cũng là giết thân cũ của ta. Nghĩ như vậy thì tình thương nồng hậu tha thiết, việc phóng sanh, việc cứu độ được mạnh mẽ.


Comments

Popular posts from this blog