GIỚI, ĐỊNH, HUỆ thoát Ta-bà,
TÍN, NGUYỆN, HẠNH sanh Cực-lạc.
NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT
KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI
PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH
V.- ĐỨC PHẬT KẾT RĂN
“Nầy các Phật tử: trên đây là mười giới trọng Bồ tát các Phật
tử cần nên học!
Trong mười giới đó, không nên trái phạm một giới nào cả, dầu
một mảy nhỏ như vi trần, huống chi phạm đủ cả mười giới ư! Nếu có người nào
trái phạm thì người ấy hiện đời không được phát Bồ đề tâm, rồi cũng mất ngôi Quốc
Vương, ngôi Chuyển Luân Vương, ngôi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cũng mất những quả Thập
Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa, tất cả diệu quả Phật tánh
thường trụ đều mất, đọa trong ba ác đạo, trong hai kiếp, ba kiếp chẳng được
nghe danh tự của cha mẹ và Tam Bảo. Vì thế nên không được phạm một giới nào cả.
Tất cả Bồ tát các Ngài đã học, sẽ học và hiện nay học. Mười giới như thế cần
nên học, hết lòng kính trọng phụng trì”.
Đức Phật răn nhắc, cần phải học, nghĩa là phải
hiểu cho rành. Phần đọc tụng ghi nhớ đã đành mà cần phải học, học có nghĩa là
phải nghiền ngẫm, phải suy nghĩ, tư duy.
Dầu một mảy nhỏ như vi trần cũng không được phạm.
Vì nhiều khi không thiệt thành tội, nhưng không giữ kỹ, thì có nhiều điều sơ
sót, nhiều lần phạm lỗi nhỏ trở thành lớn.
Như giới sát sanh chẳng hạn, không hẳn là thiệt
giết như phủi kiến, đập muỗi, chà rệp …
mà làm lỡ tay cho nó chết, tuy không cố ý, song cũng phạm tội, vì cũng có một
phần nào tâm niệm sân.
Nếu những lỗi nhỏ mình không ngăn ngừa, thì lâu
ngày gây nên tội nặng cho nên bài tựa nói “Không nên coi thường những lỗi nhỏ”,
nghĩa là dù lỗi nhỏ sẽ trở thành những lỗi lớn. Giọt nước coi nó nhỏ, nhưng nhỏ
giọt hoài, tất nhiên cũng đầy cả lu lớn, nghĩa là dù lỗi nhỏ mà cứ khinh suất để
cho phạm hoài, lỗi nhỏ đó dồn dập thành lỗi lớn.
Nếu có người nào trái phạm, thì người ấy hiện đời
không phát Bồ đề tâm. Tâm Bồ đề mất rồi, thì công đức lành không thể sanh được,
cho nên mất luôn những quả lành. Rồi cũng mất luôn ngôi Quốc vương, ngôi Chuyển
Luân Vương, ngôi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cũng mất những quả Thập Phát Thú, Thập
Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa, tất cả diệu quả Phật tánh đều mất.
Nếu phạm những điều trọng nầy, tất nhiên nhơn
lành không có thì quả lành làm sao có được? Những quả lành thế gian, xuất thế
gian, Quốc vương, Chuyển Luân Vương là quả lành về thế gian, còn như Tỳ kheo, Tỳ
kheo ni, Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa là quả lành
xuất thế gian. Rồi cho đến quả vị Phật tánh thường trú cũng mất. Tất cả những
quả lành thế gian và xuất thế gian đều mất, do vì không có nhơn lành. Bởi do phạm
mười điều giới trọng nầy, tất nhiên thành nghiệp ác. Do vì nghiệp ác, nên đọa
trong ba ác đạo, trong 2 kiếp, 3 kiếp, chẳng được nghe danh tự của cha mẹ và
Tam Bảo.
Đọa trong ba ác đạo là địa ngục, súc sanh, ngạ
quỷ, ở đây đức Phật lại nói trong hai ba kiếp không được nghe danh tự của cha mẹ
và Tam Bảo, đúng thiệt như vậy.
Bây giờ ta thử hỏi con chó, nó làm sao biết được
danh tự cha mẹ hay là Phật, Pháp, Tăng. Loài chó, trâu bò nó hơn các loài khác
còn như vậy, huống chi các loài như kiến, ruồi, muỗi mòng, con dế, con sâu làm
gì mà biết được? Vì sự hại lớn như vậy, cho nên đức Phật mới nói: “Vì thế nên
không được phạm một giới nào cả”. Phải giữ gìn mười điều giới nầy cho cẩn thận
đừng để phạm.
Vì đức Phật đương giảng với các vị Bồ tát, nên
đức Phật mới nói tất cả Bồ tát hiện tại đây là đương học, nếu các vị Bồ tát quá
khứ thì đã học, các vị Bồ tát vị lai cũng sẽ học. Nghĩa là đã Bồ tát thì đều phải
học giới nầy cả.
Mười giới như trên, ai nấy cần nên học và kính
trọng phụng trì. Học rồi phải hết sức kính trọng, kính trọng phải giữ gìn. Đây
ghi thêm về sự giảng rộng mười điều giới trên, trong “Bát vạn oai nghi”, bởi vì
bộ kinh Phạm Võng có nhiều phẩm.
VI.- BỐN MƯƠI TÁM ĐIỀU GIỚI KHINH
Trong 48 điều giới khinh đây, thiệt ra có nhiều
giới cũng hệ trọng lắm, nhưng nói “khinh”, bởi vì đối với mười giới trọng ở trước,
gọi là khinh. Những điều giới khinh sau đây, nếu lỡ sái phạm thì thiệt tâm sám
hối tội sẽ tiêu và trở lại thanh tịnh.
Đức Phật bảo các vị Bồ tát rằng:
“Đã lược giảng mười giới trọng rồi, sau đây Ta sẽ nói về 48
điều giới khinh”.
1.- GIỚI KHÔNG KÍNH THẦY BẠN
“Nếu Phật tử, lúc sắp lãnh ngôi Quốc Vương, ngôi Chuyển Luân
Vương, hay sắp lãnh chức quan, trước nên thọ giới Bồ tát. Như thế, tất cả quỷ
thần cứu hộ thân vua và thân các quan, chư Phật đều hoan hỷ”.
Lời đầu tiên của Phật khuyên mọi người nên thọ
giới Bồ tát. Cho đến những vị sắp sửa sẽ có bổn phận để cai trị muôn dân, có bổn
phận lãnh đạo dân chúng lại cần thọ giới Bồ tát, vì sao? Vì những người đó có bổn
phận làm lợi ích cho nhơn dân thì nên thọ giới Bồ tát, thực hành giới Bồ tát
đem sự lợi ích cho nhơn dân. Nếu thực hành giới nầy mà trị nước, trị dân chẳng
những chư Phật đều hoan hỷ mà tất cả quỷ thần đều theo phò hộ vua và các quan.
“Đã đắc giới rồi, Phật tử nên có lòng hiếu thuận và cung
kính. Nếu thấy có bậc Thượng tọa, A Xà Lê, những bậc Đại Đức, đồng học đồng kiến,
đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, hỏi thăm. Mọi sự đều đúng
như pháp mà cúng dường, hoặc tự bán thân cho đến quốc thành con cái cùng bảy
báu trăm vật để cung cấp các bậc ấy. Nếu Phật tử lại sanh lòng kiêu mạn sân hận
ngu si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y theo pháp mà cùng
dường, Phật tử phạm “Khinh Cấu Tội”.
Giới thứ nhứt đây, phần lớn nói về tại gia, phải
có sự kính trọng của bậc Thượng tọa, hoặc A xà lê, những bậc Đại đức đồng học,
đồng kiến, đồng hạnh về Đại thừa Bồ tát giới, nghĩa là đồng hạnh Đại thừa thì
phải cung kính, cúng dường. Nếu kiêu mạn, sân hận, ngu si mà không chịu cung
kính, cúng dường đó, tức nhiên phạm giới, vì bổn phận của người Phật tử thì phải
làm sao cho giá trị Đại thừa tăng lên.
Một là lợi ích cho mình, có sự cung kính cúng
dường mới có phước lợi lớn. Hai là mọi người cùng cung kính để hướng về Đại thừa,
làm cho mọi người cũng được sự lợi ích nơi chánh pháp Đại thừa của Phật.
Trái lại đem tâm kiêu mạn, mà không chịu cung
kính cúng dường thì phạm giới thứ nhứt nầy.
2.- GIỚI UỐNG RƯỢU
“Nếu Phật tử cố uống rượu, mà rượu là thứ làm cho người uống
sanh ra vô lượng tội lỗi. Nếu tự tay trao cho người uống, sẽ mang ác báo 500 đời
không tay, huống là tự uống. Cũng chẳng được bảo người và tất cả chúng sanh uống
rượu, huống là tự mình uống. Tất cả các thứ rượu, Phật tử không được uống. Nếu
mình cố uống và bảo người uống, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Phàm người đã thọ Bồ tát giới rồi thì không được
uống rượu vì rượu làm cho người uống sanh ra vô lượng tội lỗi. Chẳng những mình
không được uống cũng chẳng được bảo người khác uống, hoặc trao chén rượu cho
người uống. Nếu tự tay trao chén rượu cho người uống sẽ mang ác báo 500 đời
không tay. Tức là đọa vào loài không tay, do cái nhơn trao rượu cho người uống,
làm cho người ta bị hại, cho nên bị quả báo không tay trong nhiều đời. Thí dụ đọa
làm thân chó thì cũng không tay rồi, còn bao nhiêu loài không tay như chim, bò,
trâu … nhẫn đến có loài không cả tay
chân như rắn, trùng …
Như vậy bị đọa vào loài súc sanh không tay, tự
mình uống còn nặng hơn nữa, vì trao chén rượu cho người uống còn phải chịu ác
báo 500 đời không tay, còn mình tự uống không biết đọa bao nhiêu kiếp?
Nếu người bịnh, Phật khai cho, nhưng phải cho một
người nào thọ giới như mình biết. Phải nói trước rồi mới uống, để tránh sự hiềm
nghi của kẻ khác. Trước khi uống ta phải phân minh rằng, tôi có bịnh như vậy, cần
uống rượu như vậy để trị bịnh, sau khi lành rồi thì tuyên bố ra là dứt hẳn
không uống nữa, để khỏi có sự hiềm nghi, xung quanh người ta nghĩ rằng đã có phạm
giới. Có người thắc mắc rằng: “Tại sao ở giới bán rượu, Phật không cho bán rượu
thuốc, còn ở giới nầy lại khai cho uống rượu khi bịnh?”. Vì có bịnh cần có rượu
thuốc mới lành, cho nên Phật khai cho uống. Còn giới bán rượu ở trên, dù là rượu
thuốc, nhưng cái đó thuộc về sanh lợi, không bán thì không có lợi, chứ không có
hại gì, không đến nỗi tổn thương đến tánh mạng. Còn đây nếu không uống thứ rượu
thuốc để trị bịnh thì không hết bịnh, do đó nên cho uống.
3.- GIỚI ĂN THỊT
“Nếu Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sanh
đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thì mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật
tánh, tất cả chúng sanh thấy đều tránh xa. Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi.
Vì thế nên tất cả Phật tử không được ăn thịt của tất cả mọi loài chúng sanh. Nếu
cố ăn thịt, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Đại chúng nên biết, nếu muốn có thịt để ăn thì
phải sát sanh. Không tự giết thì cũng bảo người giết, cho nên ăn thịt là nguyên
nhơn cho sự sát hại sanh mạng của các loài vật. Tất cả các thứ thịt, không luận
là thịt gì, từ thịt heo, bò cho đến tôm, ốc … thuộc về loài thịt của chúng sanh đều không
được ăn.
Có đạo cho rằng loài ốc, tôm không có máu như vậy
ăn được. Còn có đạo nói trứng chưa lộn, nó không biết đau đớn nên ăn được.
Nhưng theo lời Phật dạy, xét kỹ nó thuộc về
loài thịt đều không được ăn cả, bởi vì dù con tôm, con ốc thiệt sự nó không có
máu đi nữa, nhưng nó cũng ham sống sợ chết. Như con ốc biết khép mai khi nghe
tiếng động, con tôm, con tép biết nhảy ngược khi mình đụng vào nó. Như vậy là
nó có cảm giác biết đau, biết ham sống sợ chết, mới có những tác động như thế.
Còn như các trứng, nếu ta ăn trứng mà chưa có tượng hình, nghĩa là chưa lộn, gọi
rằng không có tội mà được ăn, như vậy những người có thai, hoặc một, hai tháng,
hay bao nhiêu đó mà uống thuốc phá thai thì không có tội, bởi vì thai lúc đó nó
cũng chưa thành hình gì. Mà nếu phá thai có tội, thì ăn trứng cũng có tội, bởi
vì trong trứng nếu đủ duyên nó sẽ thành con gà hay con gì đó.
Như vậy nói tóm lại, mình y theo lời Phật dạy
thì tất cả thuộc về tánh chất thịt đều không được ăn. Tuy thế, đức Phật cũng
theo thời cơ của người đời. Do đó trong giới Tiểu thừa, lúc ban sơ Phật có cấm
ăn thịt, nhưng cho ăn ba thứ thịt: không nghe bị giết, không thấy bị giết,
không nghi người ta giết vì mình. Ngoài ra còn được ăn thêm các thứ thịt: con vật
nó tự chết, hoặc con thú khác bắt ăn rồi còn dư.
Nhưng tìm cho được các thứ thịt đó mà ăn cũng khó
lắm. Nếu mình chịu khó suy xét kỹ thì trong khi ăn cá hoặc thịt, mình có thể
nghĩ rằng: vì sự ăn thịt của mình đây làm duyên cho người giết, xúi người ta giết.
Những người giết nếu không có người mua thì họ giết để làm gì? Có người nghĩ rằng,
nếu mình không ăn thì cũng có người bán thịt, họ cũng giết như thường. Nhưng
suy nghĩ kỹ: nếu một người không ăn thì sẽ bớt sự giết một phần, thì sự giết hại
cũng ít đi.
Tại sao không được ăn thịt?
Đức Phật nói: “Người ăn thịt thì mất lòng đại từ
bi, dứt giống Phật tánh…”.
Phật tánh được phát triển là do tâm đại từ bi,
Phật tánh ai cũng có, nhưng mà Phật tánh thành giống để thành Phật, là một việc
khác, cho nên gọi là giống Phật tánh.
Bây giờ muốn cho nó thành giống để thành Phật,
do nơi tâm từ bi mới phát được cái giống đó. Trái lại ăn thịt thì tất nhiên tâm
từ bi làm gì cũng có được?
Tâm từ bi là lòng muốn cho chúng sanh khỏi khổ
thường vui, mà bây giờ nỡ lấy cái khổ nhứt của chúng sanh đề nuôi cái thân
mình, ngon cái miệng mình, như vậy thì lòng từ bi làm gì có nữa?
Do đó, các loài cũng ham sống sợ chết, cho nên
cá thấy người cá lặn, chim thấy người chim bay.
Có xứ họ không bắt chim thì chim nó vô trong
nhà, nó thấy người không sợ sệt gì. Có những xứ không bắt cá thì cá nó lội nhởn
nhơ trên mặt nước, thấy người không lặn. Mà bây giờ nó thấy nó tránh xa thì biết
rằng do duyên giết hại, ăn thịt nó mà ra.
“Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi…”. Nghĩa là
không phải một hay hai tội lỗi, mà đây Phật nói vô lượng tội lỗi vì nghiệp sát
rất nặng.
Vì thế, nên tất cả Phật tử, không được ăn tất cả
thịt của mọi loài chúng sanh…
Nếu cố ăn thịt, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Do đó người đã thọ giới Bồ tát phải trường
chay, không phải ăn chay kỳ, nếu lỡ ăn thịt thì phạm “Khinh Cấu Tội”, phải sám
hối chừa bỏ thì được thanh tịnh.
4.- GIỚI ĂN NGŨ TÂN
“Nếu Phật tử, chẳng được ăn loại “ngũ tân”: loại hành, hẹ, tỏi,
nén và hưng cừ. Loài ngũ tân nầy gia vào trong tất cả thứ thực phẩm đều không
được ăn. Nếu cố ăn, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ.
Hưng cừ trong bổn tập bên nầy không có, không
biết loại đó là loại gì ở thời kỳ của Phật. Bên nầy không có giống đó cho nên
không biết hưng cừ là thứ gì? Ta đây có hành, hẹ, tỏi, nén, poirot họ kêu là tỏi
Tây. Tỏi Tây, tỏi Tàu, tỏi Việt cũng không được ăn. Cũng như hành thì hành ta,
hành Tàu, hành gì cũng không được ăn. Không có các món nầy thì cũng không đến nỗi
chết, cho nên gắng giữ cho thanh tịnh.
Tại sao không được ăn ngũ tân? Trong kinh Lăng
Nghiêm có cắt nghĩa những loại đó thuộc loài thảo mộc không có tội lỗi gì,
nhưng vì chất của nó làm cho người ăn có hại, nhứt là đối với người tu hành vì
nó thuộc về tánh nồng. Nếu ăn vào thêm nóng nảy, làm cho người thêm nóng giận
(sân hận). Còn nấu chín rồi thì nó lại thêm dâm dục. Đó là hại cho người tu
hành. Còn mùi tanh của nó, ăn hôi cả miệng, hơi ra lỗ chân lông cũng hôi tanh nữa.
Trong kinh nói, bởi vì do mắt Phật thấy, chư Thiên hay Thiện Thần sợ mùi đó lắm,
tránh xa hết, còn các loài quỷ lại thích. Do đó trong kinh nói: Những người ăn
các loại nầy, quỷ nó ưa đến liếm môi người đó. Mà khi liếm môi người đó cũng
không hay, chỉ có mắt Phật mới thấy được.
Trong kinh Lăng Nghiêm nói: Người ăn các loại
đó thì tụng kinh cũng không có phước, trì chú không linh nghiệm, ngồi thiền tập
định gì cũng không thành. Do Phật nhãn xem thấy tai hại của nó như thế. Nếu ăn
sống thì thêm sân, ăn chín thì thêm dâm, lại mùi tanh của nó làm cho thiện Thần,
chư Thiên tránh xa, tất nhiên người lành cũng tránh rồi, còn ác quỷ nó lại
thích, thường đến gần nó, nó liếm môi của người đó. Cái hại của nó như tụng
kinh thì không có phước, trì chú thì không linh nghiệm, thêm sân, thêm dâm, làm
sao mà tu thiền luyện định được? Vì thế nên Phật răn cấm không được ăn, cho đến
gia vị cũng không được ăn. Nếu ăn thì phạm “Khinh Cấu Tội”.
5.- GIỚI KHÔNG DẠY NGƯỜI SÁM HỐI
Nếu Phật tử, khi thấy người phạm Ngũ giới, Bát giới, Thập giới,
phá giới hay phạm thất nghịch, bát nạn tất cả tội phạm giới … phải khuyên bảo người ấy sám hối.
Nếu Phật tử chẳng khuyên bảo người phạm tội sám hối, lại cùng
ở chung, đồng sống chung, đồng chúng Bố tát, đồng thuyết giới, mà không cử tội
người ấy, không nhắc người ấy sám hối, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Thấy người khác thọ Ngũ giới có điều sai phạm,
hoặc thọ Bát giới là Bát quan trai, hay là Thập giới. Phá giới tất nhiên là phạm
nặng, đã phá hủy giới hạnh, đến phạm thất nghịch, thường ta chỉ biết ngũ nghịch:
giết cha, giết mẹ, giết Thánh nhơn, phá Tăng và ác tâm làm thân Phật chảy máu,
thêm giết Hòa thượng, giết A xà lê thành ra thất nghịch.
Bát nạn là những nạn không thể lãnh thọ được
chánh pháp như đọa tam đồ (sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Như làm người
mà đui, điếc, câm, ngọng thì cũng không thể nào học được chánh pháp của Phật. Như
sanh về Bắc Câu Lô Châu dầu hưởng phước, mà nơi đó không có Phật pháp. Hoặc
sanh lên Vô Tưởng Thiên, bao giờ cũng ở trong Vô tưởng định, không thể nào lãnh
thọ được giáo pháp của Phật. Nếu thấy người từ phạm giới, hay là phạm tội nghịch
cho đến tạo nghiệp gì mà cảm quả báo nơi bát nạn nầy, nó làm chướng việc tu
hành trong chánh pháp thì phải khuyên bảo người ấy ăn năn, để họ quay trở về
con đường chánh, cũng như họ biết điều tội lỗi đúng như pháp mà sám hối cho
tiêu tội, được thanh tịnh.
Đó là lòng từ bi thương xót, muốn cho mọi người
được phước, được vui, đều được khỏi tội. Đã là Phật tử thọ Bồ tát giới mà không
thể khuyên bảo người phạm tội sám hối, rồi lại cùng ở chung, cùng sống chung, đồng
chúng Bố tát, đồng thuyết giới mà không cử tội, không nhắc người ấy sám hối, Phật
tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Cùng ở chung, đồng sống chung, đồng chúng Bố
tát, đồng thuyết giới, mà không cử tội, không nhắc nhở người ấy sám hối, tất
nhiên ý nói tán thành tội lỗi của người, khuyến khích người phạm tội, mới tùy hỷ
cho sống chung, ở chung, đồng Bố tát, đồng thuyết giới, không chịu nhắc nhở người
đó nhận tội sám hối… Còn cử tội thì người đó không chịu nhận tội, không chịu
sám hối, nên phải đem tội người đó ra thưa giữa chúng.
Nhắc nhở rồi mà người đó không chịu nhận lỗi,
sám hối nên phải thưa giữa chúng để trong chúng xét xử. Như vậy thì được, còn nếu
đi rao nói, bàn tán, đó gọi là rao nói tội lỗi phạm giới trọng ở trên.
6.- GIỚI KHÔNG CÚNG DƯỜNG THỈNH PHÁP
Nếu Phật tử, thấy có vị Pháp sư Đại thừa, hay những bậc đồng
học, đồng kiến, đồng hạnh Đại thừa từ trăm dặm, nghìn dặm đến nơi Tăng phường,
nhà cửa thành ấp, thời liền đứng dậy rước chào, đưa đi, lễ bái cúng dường.
Mỗi ngày ba thời cúng dường, trăm thức uống ăn, giường ghế,
thuốc men tất cả đồ cần dùng giá đáng ba lượng vàng đều phải cấp hộ cho Pháp
sư. Mỗi ngày sáng, trưa và chiều, thường thỉnh Pháp sư thuyết pháp và đảnh lễ.
Không hề có lòng sân hận buồn rầu. Luôn thỉnh pháp không mỏi nhàm, chỉ trọng
pháp chứ không kể thân. Nếu Phật tử không như thế thì phạm “Khinh Cấu Tội”.
Phật tử gặp được vị Pháp sư Đại thừa thì mừng rỡ
cung kính, tiếp rước mời vào nhà rồi cúng dường, thỉnh vị đó dạy chánh pháp cho
mình để hiểu biết đường lối tu hành, cho đến thưa thỉnh pháp không nhàm mỏi, chỉ
trọng pháp chứ không kể thân. Cung kính cúng dường đây, không những đối với vị
Pháp sư, giảng sư đó, mà chính là trọng pháp nên thỉnh vị ấy truyền dạy cho.
Cung kính cúng dường những thức uống ăn, giường
ghế, thuốc men đó là tứ sự cúng dường, dù vị ấy mỗi ngày tốn hao đến ba lượng
vàng cũng phải cấp hộ. Cúng dường dù có tốn hao nhiều cũng chỉ vì trọng pháp
cho đến thân mạng còn không tiếc, huống là những vật chất đó?
Tiền thân của Phật, có khi vì một bài kệ mà phải
bỏ thân mạng để cầu. Có đời đức Phật chỉ vì một pháp mà bỏ cả ngôi vua để hầu hạ
ông Pháp sư. Cũng như trong kinh Pháp Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa, tiền thân của Phật
vì cầu kinh pháp Đại thừa bỏ ngôi vua, nhường ngôi cho người khác, theo vị Pháp
sư ấy lên núi, hầu hạ cung cấp cho đến lấy thân làm chỗ ngồi chỗ nằm cho ông
Pháp sư, trải qua ngàn năm như vậy vẫn không thối thất tâm cầu pháp. Đức Phật
là gương sáng nhắc nhở việc quên thân, trọng pháp, cầu pháp đó vậy.
Còn chúng ta nếu đối với chánh pháp mà không trọng,
thì khó thành tựu Thánh quả.
Muốn trọng pháp thì phải trọng người biết pháp
rồi mới lãnh thọ được pháp.
Nếu Phật tử thọ Bồ tát giới mà không có sự cung
kính, cúng dường để thỉnh pháp đối với các vị Pháp sư đó thì phạm lỗi nầy.
7.- GIỚI KHÔNG ĐI NGHE PHÁP
Nếu Phật tử, hàng tân học Bồ tát, phàm nơi nào chốn nào có giảng
kinh luật, phải mang kinh Luật đến chỗ Pháp sư để nghe giảng và thưa hỏi, hoặc
nơi núi rừng, trong vườn cây, chùa nhà …
tất cả chỗ thuyết pháp đều đến nghe học.
Nếu Phật tử không đến nơi ấy để nghe pháp cùng thưa hỏi, thời
phạm “Khinh Cấu Tội”.
Đây là tội biếng trễ. Phàm người thọ Bồ tát giới
rồi thì phải cầu mong cho được quả Đại thừa, mà muốn thành tựu quả Đại thừa thì
phải có sự tu hành. Muốn có sự tu hành phải có sự hiểu biết giáo pháp Đại thừa,
hoặc Kinh, hoặc Luật. Muốn hiểu biết như vậy, phải siêng học. Mà siêng học thì
có chỗ nào thuyết pháp, giảng kinh, giảng luật phải chịu khó đến nghe học. Hoặc
nơi núi rừng, chùa, nhà, vườn cây … thì
phải chịu khó đến nghe học. Nếu chỗ giảng Kinh, giảng Luật Đại thừa như vậy mà
bỏ qua thì là sự biếng nhác đối với chánh pháp. Do đó cho nên phạm tội.
8.- GIỚI CỐ TÂM TRÁI BỎ ĐẠI THỪA
Nếu Phật tử, có quan niệm trái bỏ Kinh Luật Đại thừa thường
trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì Kinh Luật tà kiến và tất cả
các giới của Thanh Văn Nhị thừa cùng ngoại đạo ác kiến, Phật tử nầy phạm “Khinh
Cấu Tội”.
Người thọ Bồ tát giới rồi thì tất nhiên phải trọng
pháp Đại thừa, bởi vì thọ giới Bồ tát là thọ giới Đại thừa. Vậy họ phải đọc, phải
học Kinh Luật Đại thừa, phải kính trọng tôn sùng pháp Đại thừa, mà bây giờ có
quan niệm bỏ đi, rồi đi thọ trì những pháp của Thanh Văn ngoại đạo.
Đây nói Kinh Luật tà kiến xét kỹ nói rộng ra,
ngoài Kinh Luật của Phật thì tất cả Kinh Luật khác đều gọi là của ngoại đạo tà
kiến. Mà ở trong Kinh Luật của Phật lại có phân ra Đại thừa Bồ tát với Thanh
Văn Nhị thừa.
Nếu ngoài các kinh, luật, luận của Phật ra mà
đi học, đi tham cứu những sách vở khác, thì gọi là theo Kinh Luật tà kiến. Ngay
chánh pháp của Đức Phật là Kinh, Luật, Luận. Nếu bỏ Kinh, Luật, Luận Đại thừa
mà đi học, đi tham cứu hay là thọ trì của Nhị thừa Thanh văn thì cũng có tội.
Còn nếu đồng thời thọ trì Kinh, Luật Đại thừa mà cũng kèm theo ở nơi cấm giới
Kinh, Luật của Thanh Văn Nhị thừa thì không có hại, không có tội, bởi vì không
bỏ Đại thừa chỉ thêm Thanh văn Nhị thừa để giúp cho pháp Đại thừa được hoàn chỉnh
hơn. Nếu bỏ Đại thừa để giữ Thanh văn Nhị thừa thì có tội. Thọ giới Bồ tát rồi
mà Kinh, Luật Đại thừa Bồ tát không chịu tham học, thọ trì, mà chỉ lo việc học
hỏi Kinh, Luật của Thanh văn Nhị thừa hay là thọ trì. Như vậy là phạm tội. Còn
nếu đã thọ trì học hỏi nơi Đại thừa mà gồm thêm Thanh văn Nhị thừa thì không có
tội.
Cũng như người mà trí lực hữu dư, Kinh, Luật,
Luận đã thông về Đại thừa, bây giờ cũng hiểu biết sách vở của đạo khác cũng như
sách vở văn hóa thế gian để dùng làm phương tiện độ người thì không có lỗi. Nếu
theo sách vở ngoài đời theo văn hóa mà bỏ bê Kinh, Luật Đại thừa, không chịu
siêng học đó là phạm tội.
9.- GIỚI KHÔNG SĂN SÓC (KHÁN) BỊNH
Nếu Phật tử, thấy tất cả người tật bịnh phải tận tâm cúng dường
như cúng dường Phật. Trong tám phước điền, khán bệnh là phước điền thứ nhứt. Nếu
như cha mẹ, sư Tăng có bịnh, có tật, trăm thứ bịnh đau khổ, đều nên săn sóc cho
được lành mạnh, Phật tử lại vì lòng hờn giận không chăm nuôi nhẫn đến thấy
trong Tăng phường, thành ấp, nơi núi rừng đồng nội, đường sá có người tật bệnh
mà không lo cứu tế, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
Tất cả người tật bịnh, tận tâm cúng dường như
cúng dường Phật, đây là nói tâm bình đẳng cúng dường, có công đức rất lớn.
Trên cúng dường Phật, Phật thuộc nơi tích điền.
Còn dưới người tật bịnh thuộc về bi điền. Nếu tâm bình đẳng đối với người tật bịnh
mà tận tâm săn sóc lo lắng thì công đức đó cũng như công đức cúng dường nơi đức
Phật vậy. Vì thế, trong kinh Duy Ma Cật ông Trưởng giả bố thí (lập hội bố thí)
ngài Duy Ma Cật thấy cần phải khuyên nhắc cho có tâm bình đẳng để được Bố thí
ba la mật, công đức rất lớn.
Nếu bố thí cho một người hèn hạ, nghèo nàn nhứt
mà tâm cũng như tâm kính trọng cúng dường nơi Phật thì công đức đó ngang nhau
và rộng lớn vô lượng vô biên. Nếu sự bố thí đó lại thấy đức Phật thì đáng tôn
kính hơn, còn người hèn hạ kia lại kém sự cung kính bố thí, như vậy thì phước đức
không bình đẳng tất nhiên rất nhỏ bé.
Do đó, ngài Duy Ma Cật mới lãnh lấy một xâu chuỗi,
đồng thời phân làm hai: trên thì dâng cúng cho Phật, dưới thì bố thí cho một
người hèn hạ nhứt ở trong thành. Tâm đã bình đẳng như vậy, mà sự bình đẳng hết
sức cung kính cúng dường cả hai, thì công đức rất lớn. Bình đẳng là đem tâm
cung kính tôn trọng để cúng dường đức Phật, cũng như lúc bố thí cho người
nghèo. Đức Phật có nói: “Đối với người tật bịnh thì phải thiệt tâm cúng dường,
phải làm sao như là một sự hoan hỷ cúng dường đức Phật”. Đức Phật lại nói trong
8 phước điền, khán bệnh là phước điền thứ nhứt. Vì sao? Bởi vì dù Phật, Pháp,
Tăng cho đến cha mẹ đó là phước điền rồi. Nhưng nó không cần kíp như người đang
bịnh. Người đang bịnh là người đang chịu khổ, nếu săn sóc cho được lành, cứu vớt
người đó khỏi bịnh khổ. Như vậy phước đức rất lớn. Khi gặp người tật bịnh mà
thiếu sự săn sóc thì mất phước điền. Khi gặp người tật bịnh phải nghĩ như vầy:
đó là nhơn duyên cho ta gây tạo phước vô lượng vô biên, vì đức Phật nói trong
tám phước điền, từ nơi Phật, Thánh nhơn cho đến cha mẹ đều là phước điền mà
trong đó người bịnh là phước điền thứ nhứt ở trong 8 phước điền.
Tám phước điền là:
1- Phật,
2- Thánh
nhơn (Thánh nhơn là vị đã chứng quả rồi, từ nơi bậc A la hán, các vị Bồ tát
cho đến các vị Bích Chi Phật, đều là Thánh nhơn),
3- Chư
Tăng,
4- Hòa
thượng,
5- A xà
lê (là người truyền giới cho mình),
6- Cha,
7- Mẹ,
8- Người
bịnh.
Đó là 8 phước điền để cho người gieo trồng công
đức. Cúng dường chư Phật thì có công đức, cho đến cúng dường cha mẹ, cùng săn
sóc người bịnh cũng có công đức. Mà đức Phật nói người bịnh là phước điền thứ
nhứt vì người bịnh là người đương khổ, tất nhiên cần sự bố thí săn sóc cúng dường
hơn. Do đó, người bịnh là phước điền thứ nhứt. Huống nữa là chư Phật Thánh
nhơn? Mong mỏi của chư Phật, Thánh nhơn là muốn cho người khỏi khổ. Mà bây giờ
săn sóc cho người bịnh thì chư Phật, Thánh nhơn cũng đều hoan hỷ.
Như vậy săn sóc cho người bịnh chính là cúng dường
chư Phật, Thánh nhơn rồi.
Đoạn kết nói: gần như cha mẹ, sư Tăng, hàng đệ
tử, nói chung là hàng con em, chi hết đó là người thân gần, lần cho đến người
xa, nếu có bịnh tật thì tất cả sự bình đẳng đau khổ phải săn sóc cho được lành
mạnh. Bây giờ trái lại, vì lòng hờn giận không chăm nuôi, nhẫn đến thấy trong
Tăng phường thành ấp, nơi núi rừng đồng nội, đường xá có người bịnh tật mà
không có nơi nương tựa, thấy như vậy mà bỏ đi, không lo cứu tế, Phật tử nầy phạm
“Khinh Cấu Tội”.
Còn những người có bịnh mà có chỗ nơi, có người
lo nuôi, có thuốc men rồi, đó là bổn phận của người khác lo rồi.
Đây là nói những người bịnh bơ vơ không ai săn
sóc, khi gặp đáng lẽ nên giúp đỡ mà không giúp đỡ, bỏ lơ đi thì phạm tội. Còn
như người thân quyến, cha, mẹ, anh, em, những người đồng sống chung trong một
nhà, một chùa khi bịnh mà không lo săn sóc thì phạm tội.
10.- GIỚI CHỨA KHÍ CỤ SÁT SANH
Nếu là Phật tử, không được cất chứa những binh khí như: dao,
gậy, cung tên, búa, giáo … cùng những đồ
sát sanh như chài, lưới, rập, bẫy … Là
Phật tử dù cho đến cha mẹ bị người giết, còn không báo thù, huống lại đi giết tất
cả chúng sanh! Không được cất chứa những khí cụ sát sanh. Nếu cố cất chứa, Phật
tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội”.
“Mười giới như thế cần nên học và hết lòng kính trọng phụng
trì”.
Xưa không có súng, nên chỉ nói cung tên, bây giờ
thì các loại súng đạn cũng không được cất chứa. Chài lưới rập bẫy là những đồ
giết hại chúng sanh cũng không được cất chứa. Nếu cố cất chứa thì phạm “Khinh Cấu
Tội”.
“Là Phật tử dù cho đến cha mẹ bị người giết còn
không báo thù, huống lại đi giết hại chúng sanh” là cố ý răn nhắc Phật tử tuyệt
đối không được sát sanh. Lúc cha mẹ đang bị người ta giết, nếu có cách gì để cứu
thì được. Nếu người ta đã giết rồi thì không được đi báo thù.
Việc sát sanh phải tránh hẳn, do đó những khí
giới hay những đồ chi để sát sanh không được cất chứa. Nếu cất chứa thì tất
nhiên có thể tạo nên duyên để có dịp sát sanh.
Vì để ngăn chặn duyên đó, nên Phật răn không được
cất chứa.
Cần phải nên học kỹ để hiểu biết, nhớ mà giữ
gìn. Trong mười giới nầy quan trọng đối với chánh pháp thì phải tôn sùng cung
kính, tín ngưỡng. Do đó đức Phật dạy phải cung kính đối với những bậc Thầy bạn
hiểu rành chánh pháp Đại thừa. Có cung kính mới gần gũi để nghe giáo pháp, cũng
như phải cúng dường các vị Pháp sư để thỉnh pháp không được trái bỏ pháp Đại thừa
mà theo pháp thế gian tà kiến hay Nhị thừa. Phải siêng năng đi nghe pháp ở chỗ
nào có giảng Kinh Luật. Còn đối với những người đồng hạnh, đồng học với mình
thì phải giữ gìn cho nhau cho được thanh tịnh. Thấy người khác có lỗi, thì phải
khuyên nhắc để cho họ chừa lỗi và sám hối.
Giữ nơi tự thân cho khỏi tội, để được tăng trưởng
phước đức lành thì không được uống rượu, vì rượu là nhơn duyên sanh tội lỗi.
Trong luật có ghi: Có vị Ưu bà tắc vì uống rượu mà sanh nhiều tội lỗi. Sách có
ghi: Một người vào rừng gặp một vị hung thần. Vị hung thần bắt người ấy phải
theo một trong hai điều kiện, mà nếu không theo vị thần ấy sẽ giết.
Điều thứ nhứt là phải về giết mẹ.
Điều thứ hai là phải uống rượu của hung thần
đưa. Người ấy suy nghĩ, mẹ mà làm sao mình giết được, thôi thà lãnh bầu rượu.
Anh liền nhận bầu rượu, uống say rồi về nhà chẳng những mẹ mà vợ con anh ta
cũng giết hết.
Điều ấy cho ta thấy rằng uống rượu say có thể tạo
ra nhiều tội lỗi, còn nặng hơn tội giết mẹ nữa!
Như vậy, muốn tránh duyên tạo tội, Phật răn cấm
không được uống rượu, cũng như không được ăn thịt của chúng sanh vì ăn thịt mất
lòng từ bi, phạm giới sát gây nghiệp oan trái đối với chúng sanh. Như trong
kinh Lăng Nghiêm: Người ăn thịt đời đời vay trả nhau, không có lúc nào thoát khỏi
sanh tử luân hồi. Trong đó, có nói người giết dê để ăn thịt, thì dê nó sẽ làm
người rồi vay trả giết xoay dần lẫn nhau, không thể thoát khỏi. Vì thế nên Phật
mới kết rằng: Ăn thịt thì mắc vô lượng tội lỗi, tất cả các thứ thịt của mọi
loài chúng sanh đều không được ăn.
Không được ăn loại ngũ tân: hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ. Các thứ đó làm đồ gia vị trong các thứ thực phẩm cũng không được ăn. Đến như không được cất chứa khí cụ sát sanh. Nếu trong nhà có sẵn thì phải bỏ đi không nên đem cho người và cũng không được bán. Nếu bán là mình xúi người ta sát hại chúng sanh. Vì thế cho nên không được cho hoặc bán, phải hủy bỏ đi.
Comments
Post a Comment