GIỚI, ĐỊNH, HUỆ thoát Ta-bà,
TÍN, NGUYỆN, HẠNH sanh Cực-lạc.
NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT
KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI
PHẦN NGUYÊN VĂN CỦA KINH
IV.- MƯỜI GIỚI TRỌNG
5.- GIỚI BÁN RƯỢU
“Nếu Phật tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu: nhơn bán
rượu, duyên bán rượu, cách thức bán rượu, nghiệp bán rượu. Tất cả rượu không được
bán. Rượu là nhơn duyên sanh tội lỗi. Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả
chúng sanh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho chúng
sanh, Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội”.
Bồ tát lấy hạnh lợi tha, giác tha làm chánh, mà
bán rượu là cố ý làm cho người khác say sưa, mất sự khôn ngoan, trí huệ, làm hại
người khác thành ra hại tha.
Hạnh nguyện của Bồ tát là lợi tha, mà làm hại
tha nên phạm tội trọng. Còn mình tự uống rượu thuộc tội khinh, vì chỉ hại mình
mà thôi.
Sự bán rượu thành tội cũng có bốn điều kiện:
1. Nhơn:
tâm niệm cố ý bán
2. Duyên:
người đến mua
3. Cách
thức bán: đong rượu, cân rượu, vô chai
4. Nghiệp:
người mua đã mua xong Tất cả tội lỗi chi, đều có thể phạm hết, nên nói rượu là
nhơn duyên sanh tội lỗi. “Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có
trí huệ sáng suốt”.
Bồ tát phải làm cho chúng sanh hết sự si mê, có
trí huệ sáng suốt. Bây giờ đem rượu bán cho chúng sanh uống say sưa, điên đảo,
như vậy phạm tội trọng.
Bán rượu phạm tội trọng mà không mất giới,
nghĩa là sau khi phạm rồi ăn năn, thành tâm sám hối, thì tội được tiêu, trở lại
thanh tịnh. Từ giới thứ năm đến giới thứ mười đều phạm giới trọng mà không mất
giới. Nhưng nếu phạm rồi không ăn năn, cứ tiếp tục phạm là mất giới.
Cho đến rượu thuốc cũng không được bán vì rượu
thuốc uống nhiều cũng say. Nếu người thọ ngũ giới không được uống rượu, nhưng
bán rượu không phạm. Người thọ Bồ tát giới tất cả rượu không được bán, dù là rượu
bổ, rượu thuốc vì tất cả đều làm cho người say sưa cả.
Nói về giới thể, giới tánh, thì đều có nói
trong giới Bồ tát đây nương nơi tự tâm bổn tánh bình đẳng thanh tịnh của tất cả
mọi người, cũng như của tất cả Bồ tát. Như vậy, không sát sanh, không trộm cướp
… Thế nào nương nơi tự tánh bình đẳng thanh tịnh mà lập? Vì tự tánh bình đẳng
thanh tịnh đó… bổn lai không có sự sát hại, mà bấy giờ nếu sát hại (sát sanh)
thì trái với nơi tự tánh bình đẳng thanh tịnh. Mà đã trái là hành động cũng
trái thì không thể nào được vào nơi tự tánh bình đẳng thanh tịnh, chỉ thuận mới
được vào, mà thuận là không có sự sát hại, sát sanh.
Và nơi thể tánh thanh tịnh đó, bổn lai không
gian tham, vậy nếu trộm cướp, tất trái với tự tánh thanh tịnh. Bây giờ không trộm
cướp không gian tham, thì thuận với tự tánh thanh tịnh. Còn dâm dục cũng như vậy,
nếu dâm dục là uế trược. Vì thế nên phải dứt sự dâm dục để thuận với tự tánh
thanh tịnh. Đã thuận rồi thì có thể ngộ chứng. Cũng như bổn lai tự tánh không dối
trá, nếu dối trá, vọng ngữ, thì trái với tự tánh thanh tịnh, vì thế muốn thuận
với tự tánh thanh tịnh thì đừng dối trá vọng ngữ.
Tự tánh thanh tịnh bổn lai là sáng suốt, mà bây
giờ say sưa thì thêm sự điên đảo mê muội. Như vậy trái với tánh bổn lai sáng suốt
của tự tánh thanh tịnh. Vì thế nên không bán rượu, nghĩa là tránh biểu tượng mê
lầm điên đảo, tất nhiên thuận với cái sáng suốt của tự tánh thanh tịnh. Mà có
thuận với tự tánh thanh tịnh mới có thể ngộ nhập, phát hiện được ở nơi tự tánh
thanh tịnh.
Tóm lại, tự tánh thanh tịnh bổn lai không có sự
sát hại, không gian tham, không ô trược, không hư vọng, cũng như không có sự mê
lầm điên đảo. Bây giờ, nếu sát sanh, trộm cướp, dâm dục, vọng ngữ hay là bán rượu,
đó là trái với tự tánh thanh tịnh.
Mà muốn bỏ trái làm theo thuận, đức Phật mới chế
điều giới: không được sát sanh, không được trộm cướp, không được dâm dục, không
được vọng ngữ, không được bán rượu.
6.- GIỚI RAO LỖI CỦA TỨ CHÚNG
“Nếu Phật tử, tự miệng rao nói những tội lỗi của Bồ tát xuất
gia, Bồ tát tại gia, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy:
nhơn rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách thức rao nói tội lỗi, nghiệp
rao nói tội lỗi. Là Phật tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại đạo cùng người Nhị thừa
nói những điều phi pháp, trái luật trong Phật pháp thì phải luôn luôn có lòng từ
bi giáo hóa những kẻ ác ấy cho họ sanh tín tâm lành đối với Đại thừa, mà trái lại
Phật tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật pháp. Phật tử nầy phạm Bồ
tát Ba La Di tội”.
Nghĩa là không được nói lỗi của Tứ chúng. Lỗi nầy
rất nặng. Lại tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ tát xuất gia. Bồ tát tại gia, của
Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy. Tội lỗi của người
mình mắt được thấy, tai được nghe, nhưng miệng không được nói. Trừ trường hợp
người phạm tội không hay biết, thì mình khuyên cho biết để vị đó chừa bỏ ăn năn
sám hối cho tiêu tội. Hoặc người phạm tội không chịu sám hối, không chịu chừa bỏ
thì mình có bổn phận thưa các bậc trên răn nhắc (nên trình riêng với người có
trách nhiệm) để ngăn ngừa tội lỗi hay bảo người ấy sám hối. Như vậy là việc tốt.
Còn nếu đem thuật lại cho người nầy người kia nghe bàn bạc tới lui đều là tội
rao nói cả. Do đó, cho nên hằng ngày phải cẩn thận. Việc tội lỗi của người tai
nghe mắt thấy nhưng miệng không được rao nói.
Đức Phật dạy: “Thấy người có những điều trái luật
trong Phật pháp, thì phải khuyên, phải giáo hóa cho họ sanh tín tâm lành đối với
pháp Đại thừa”. Mà những người đi rao nói việc đó Phật gọi là những kẻ ác.
Bởi vì những người đó làm mất uy tín của chánh
pháp. Họ trọng chánh pháp, trọng Phật, họ luôn nhìn vào hàng đệ tử Phật. Nếu
hàng đệ tử Phật thực hành đúng theo chánh pháp, thì người ta kính mến, rồi kính
pháp, trọng Phật… Nếu họ khinh khi hàng đệ tử Phật thì giáo pháp của Phật, họ
không dám gần, cũng không trọng Phật nữa.
Do đó, trong giới tu hành với nhau, nếu có lỗi
thì mình tìm cách ngăn ngừa cho nhau, khuyên lơn nhau sám hối cho tiêu tội, được
thanh tịnh. Còn bằng không thì mình cũng không nên đem rao nói tội lỗi ra. Bởi
vì đem rao nói người nghe họ sẽ khinh khi chung cả. Một khi người ta đã khinh rồi,
thì giáo pháp của Phật khó làm cho người ta tin tưởng được vậy.
Giới nầy cũng đủ bốn điều kiện mới thành phạm:
1. Nhơn:
rao nói tội lỗi là tâm cố ý rao nói những lỗi của người khác.
2. Duyên:
nghĩa là cũng có người đối diện với mình để nghe cái lỗi của mình thuật, hay
nói những điều lỗi đó.
3. Cách
thức: hoặc nói ra lời, hoặc viết thơ, viết giấy hay đăng quảng cáo hay làm
cách gì đó cho người khác được biết việc đó, rồi người nghe nhận hiểu được lời
nói rao tội lỗi.
4. Nghiệp:
khi nhận hiểu được đó thì thành nghiệp.
Nếu rao nói tội lỗi của tứ chúng thuộc về giới
trọng, hoặc nói người đó ăn trộm, tà dâm, hay phạm dâm, vọng ngữ … đó là những
tội lỗi về giới trọng của người đó đã phạm mà đem rao nói. Người đem rao nói đó
là phạm trọng.
Còn đem rao nói những tội giới khinh ở phía
sau, thuộc giới thứ sáu. Nhưng ở trong giới trọng thuộc nơi phần vì rao nói những
lỗi khinh nên phạm lỗi khinh trong giới trọng? Nếu rao nói những tội lỗi thuộc
giới trọng thì phạm lỗi trọng trong giới trọng. Còn rao nói những lỗi khinh thì
phạm về tội khinh trong giới trọng. Trong giới nầy phân ra trọng và khinh, dù
trọng dù khinh cũng quy về giới trọng nầy hay là lỗi trọng trong giới trọng vậy.
Do đó, phải cẩn thận, nếu không hằng ngày phạm
lỗi nầy không ít. Mình gặp nhau nói chuyện nên nói chuyện lợi ích, điều tốt, điều
hay, khuyên nhau tu hành, hay bàn việc gì có lợi trong đạo, thêm uy tín, công đức
cho Phật, Pháp, Tăng, chứ không nên gặp nhau đem chuyện người nầy, chuyện người
kia để nói bàn. Cái bịnh thông thường của người là hay tìm kiếm những cái dở của
người để bàn nói với nhau, nhưng không biết nói như vậy là phạm tội.
Đây là nói đem rao những lỗi có thiệt của người
khác mà còn phạm tội nặng, huống chi là việc vu khống, vu oan nữa thì tội lỗi
càng nặng hơn.
7.- GIỚI TỰ KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI
“Nếu Phật tử, tự khen mình chê người, cũng bảo người khác
khen mình chê người: nhơn chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp
chê người. Là Phật tử lẽ ra phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ nhục cho
tất cả chúng sanh, mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật
tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người
bị khinh chê, Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội”.
Những điều hay tốt của mình thì phải tự mình
khiêm tốn và phải nêu cao khen tặng điều hay tốt của người khác, chớ không được
khoe khoang những điều hay tốt của mình mà dìm che điều hay tốt của người và vạch
kẻ những điều dở của người để chê.
Đây là nói việc hay dở của người để chê, nếu
đem tội lỗi của người đó để bàn, để chê thì gồm cả hai tội.
Chê phạm tội ở giới thứ 7, còn đem tội lỗi của
người đó để bàn, nói thì phạm tội ở giới thứ 6.
Trong đây cũng có bốn điều kiện:
1. Nhơn:
cố tâm khen mình chê người
2. Duyên:
người mà mình đối diện để nói
3. Cách
thức: hoặc ra dấu, lời nói hay viết chữ
4. Nghiệp:
người kia nghe hiểu được lời nói đó thì đã thành nghiệp.
Đức Phật dạy cặn kẽ: bổn phận người Phật tử thì
phải chịu thay thế những sự khinh chê khổ nhục cho mọi người, cho tất cả chúng
sanh, những việc gì hay tốt nhường cho người, những việc xấu thì mình gánh lấy.
Bổn phận người Phật tử có tâm Bồ tát thì phải
như vậy. Mà bây giờ ngược lại, đem tài đức của mình phô dương ra, rồi những điều
hay tốt của người khác thì dìm che để cho người bị khinh chê, như vậy phạm tội
trọng thứ 7 nầy.
Nếu mình dìm che điều hay tốt của người là trái
với hạnh tùy hỷ công đức. Trong phẩm Phổ Hiền có nói: “Dù chúng sanh có một việc
lành việc tốt nhỏ như hột bụi đi nữa, cũng phải ca tụng ngợi khen, tán thán để
cho tất cả chúng sanh nương nơi sự tán dương đó mà phấn khởi làm lành”.
Người Phật tử chỉ được khen tặng điều hay, điều
tốt, điều lành của người khác, chớ không được dìm che điều hay tốt của người. Nếu
dìm che điều hay tốt của người, làm cho người mất sự phấn khởi để làm lành. Vì
người ta làm tốt, làm lành mà không được ai khen ngợi, nâng đỡ, khuyến khích, tất
nhiên việc ấy người ta làm một cách rụt rè, rồi thối lui. Như vậy trái với tâm
Bồ tát. Bồ tát là phải làm cho chúng sanh tăng trưởng thiện căn mà người ta
chưa có, phải làm sao cho người ta có, đã có rồi phải làm sao cho được tăng trưởng.
Mà cách làm cho tăng trưởng căn lành của họ, không gì bằng sự khen tặng điều
lành tốt để khuyến khích.
Bây giờ họ có dịp làm lành, làm tốt lại đi dìm
che, tìm những cách nầy, kia để cho họ thối tâm làm lành, làm tốt.
Do đó, trái với bổn nguyện mà cũng mất hạnh Bồ
tát cho nên phạm tội.
8.- GIỚI BỎN SẺN THÊM MẮNG ĐUỔI
“Nếu Phật tử, tự mình bỏn sẻn, bảo người bỏn sẻn: nhơn bỏn sẻn,
duyên bỏn sẻn, cách thức bỏn sẻn, nghiệp bỏn sẻn. Phật tử khi thấy những người
bần cùng đến cầu xin, thời phải cấp cho theo chỗ cần dùng của họ.
Mà Phật tử lại đem lòng giận ghét, cho đến không cho một mảy,
có người đến cầu học giáo pháp, cũng chẳng nói một kệ một câu, lại còn xua đuổi
quở mắng, Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội”.
Bỏn sẻn là hà tiện, có mà không chịu xả, chịu
thí. Chẳng những không chịu thí xả mà lại còn mắng đuổi người đến xin nữa, cho
nên phạm tội.
Giới đây cũng có bốn điều kiện:
1. Nhơn:
tâm niệm bỏn sẻn
2. Duyên:
tiền hay pháp do người đến cầu xin (xin tài vật hay xin pháp đó vậy)
3. Cách
thức: có tiền có vật lại đem dấu đi, hoặc làm cách tỏ vẻ thiếu thốn, hoặc nói
tôi không có chẳng hạn
4. Nghiệp
bỏn sẻn: nghĩa là khi xua đuổi người đến xin, làm họ thất vọng hoàn toàn,
khi họ bước lui đi thì thành nghiệp.
Đức Phật nói bổn phận người thọ giới Bồ tát:
“Phật tử khi thấy những người bần cùng đến cầu xin phải cấp cho theo chỗ cần
dùng của họ”.
Thực hành Bồ tát hạnh, khi thấy những người bần
cùng đến cầu xin thì coi họ như là đại ân nhân, đại tri thức của mình, chẳng những
mừng rỡ mà còn trọng người đến xin nữa. Bởi vì nghĩ rằng: người đó đến xin, ta
mới có dịp thực hành hạnh bố thí, ta mới thành tựu công đức bố thí Ba la mật. Nếu
không có người đến xin thì dù cho có muốn bố thí cũng không biết làm sao bố thí
được, muốn thành tựu công đức Đàn ba la mật không thể nào mà thành tựu được!
Do đó, đối với người đến cầu xin, coi họ là ân
nhân rất lớn, vui vẻ sẵn sàng để cung cấp theo sức của mình đối với sự cần dùng
của họ. Nếu họ cần tiền thì cho tiền, cần gạo cho gạo, cần quần áo cho quần áo;
cho đến họ cần pháp thì bố thí pháp. Còn nếu không được như vậy thì hạnh Bồ tát
đã không có rồi, mà trái lại còn phạm tội trọng.
“Đem lòng giận ghét cho đến không cho một mảy”,
đó là nói vật chất. Còn người đến cầu học giáo pháp cũng chẳng nói một kệ một
câu để cho người ta hiểu biết, lại còn xua đuổi quở mắng nữa.
Nếu người đến xin thất vọng, lúc họ thất vọng
quay đi, tất nhiên người bỏn sẻn xua đuổi đây phạm tội trọng.
9.- GIỚI GIẬN HỜN KHÔNG NGUÔI
Nếu Phật tử, tự mình giận, bảo người giận, nhơn giận, duyên
giận, cách thức giận, nghiệp giận. Người Phật tử lẽ ra phải làm cho tất cả
chúng sanh được những căn lành không gây gổ, thường có lòng từ bi, lòng hiếu
thuận. Mà trái lại đối với trong tất cả chúng sanh, cho đến trong loài phi
chúng sanh đem lời ác mạ nhục, còn thêm dùng tay chân, dao gậy để đánh đập mà vẫn
chưa hả dạ, cho đến nạn nhân kia lấy lời nhỏ nhẹ xin lỗi, cầu sám hối, tạ tội,
nhưng vẫn còn không hết giận. Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội.
Phàm người đã thọ giới Bồ tát rồi phải luôn
luôn có lòng từ bi, thương người, thương vật, đã không thương hại còn giận, nếu
có giận thì sau phải hỷ xả, không nên chứa chấp trong tâm, hờn mãi, như vậy thì
phạm tội.
Bảo người giận là xúi người giận như nói rằng:
người đó làm việc đó đáng giận lắm! Giới nầy cũng có bốn điều kiện:
1. Nhơn:
tâm giận
2. Duyên:
người làm trái ý đó
3. Cách
thức: hoặc nói ra lời, dùng tay chân để hất, đánh đập, trợn mắt, đỏ mặt …
4. Nghiệp:
không chịu hỷ xả tức nhiên thành nghiệp. Thực ra, chưa ai tránh khỏi sân hận
khi cảnh đến, nhưng giận rồi phải hỷ xả. Còn nếu ôm lòng sân hận mãi không thôi
thì phạm tội trọng.
Bổn phận người thọ Bồ tát giới, thì phải làm
cho tất cả chúng sanh tăng trưởng thiện căn, vô tránh, nghĩa là không giận
nhau, không hờn nhau, không gây gổ tranh đấu nhau, mà phải luôn luôn có lòng
cung kính thương xót, nên gọi là thường phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận.
Đây đã không được như vậy mà còn đi giận chúng sanh, dùng những lời ác mắng nhiếc
để mạ nhục còn dùng tay, chân, dao, gậy đánh đập. Nhưng cũng chưa thôi, chưa chịu
hết giận, cho đến nạn nhân kia dùng lời nhỏ nhẹ để tạ tội, van xin, cũng vẫn
không hết giận, không chịu hỷ xả, không thương xót cứ giận mãi.
“Loài phi chúng sanh” là những loài vô tình
như: cây, đá … Nhiều khi giận trời, giận đất, giận gió, giận mưa. Như vậy đối với
trời đất, cây cỏ mà sanh ra sân giận. Đây chính là đối với loài phi chúng sanh
mà sân giận. Như có người giận trời đến nỗi lấy cây sào đứng giữa sân mà thọt
lên trên không. Có khi người ta vác rựa, vác búa ra mà chặt cả cây cối, như vậy
gọi là sân với loài phi chúng sanh. Có người giận chén, ly, tách đập bể hết,
bàn ghế cũng xô ngã lăn.
Nếu như giận mà không chịu xả thì mất tâm từ
bi, muốn cho chúng sanh chịu khổ vì cơn giận của mình. Cho nên trái với tâm từ
bi, mất hạnh Bồ tát, tất nhiên phạm tội trọng.
10.- GIỚI HỦY BÁNG TAM BẢO
Nếu Phật tử, tự mình hủy báng Tam Bảo, xúi người hủy báng Tam
Bảo: nhơn hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng.
Phật tử khi nghe một lời hủy báng Tam Bảo của ngoại đạo và kẻ
ác, còn đau lòng như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình, huống là tự miệng mình
hủy báng. Không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với Tam Bảo, lại còn giúp sức
cho những kẻ ác tà kiến hủy báng nữa, Phật tử nầy phạm Bồ tát Ba La Di tội.
Tam Bảo phải kính trọng, lúc nào cũng phải làm
cho giá trị uy tín của Tam Bảo được nêu cao, để cho chúng sanh ngưỡng mộ, hướng
về Tam Bảo để hết khổ, bớt khổ… mà bây giờ lại đi phỉ báng làm mất giá trị uy
tín của Tam Bảo, do đó nên phạm tội. Có muôn ngàn hình thức hủy báng. Nghĩa là
nếu làm hành động gì, lời nói gì mà có tổn thương đến giá trị, uy tín của Tam Bảo
đều gọi là hủy báng Tam Bảo cả.
Giới thứ Tám thuộc về tham, giới thứ Chín thuộc
về sân, giới thứ Mười thuộc về si. Giới thứ Tám do tham lấy bỏn sẻn làm chánh.
Giới thứ Chín do sân lấy căm hờn làm chánh. Giới thứ Mười do si lấy tà kiến làm
chánh. Hễ hủy báng Tam Bảo tức nhiên là tà kiến. Kính tin Tam Bảo là chánh kiến.
Do hủy báng Tam Bảo, cho nên không có đức tin
và lòng hiếu thuận đối với Tam Bảo, không kính ngưỡng Tam Bảo, tin tưởng sùng
trọng Tam Bảo. Nếu kính tin, ngưỡng mộ ngôi Tam Bảo, thì vào được trong nhà Tam
Bảo để theo chánh pháp của Phật tu hành, được giải thoát khỏi khổ. Giờ đây ta hủy
báng Tam Bảo, làm cho mất giá trị, mất uy tín, như vậy chúng sanh sẽ không dám
gần Tam Bảo, cho nên mất sự lợi ích không được giải thoát, tức nhiên làm cho
chúng sanh mất điểm tựa để thoát khổ được giải thoát, vì thế mất lợi lớn của
chúng sanh, cho nên phạm tội.
Nếu phanh phui hủy báng ngôi Tam Bảo bằng hành
động, lời nói bất luận, ở nơi hình thức nào, làm tổn thương đến uy tín giá trị
của Tam Bảo, đều là hủy báng cả.
Còn nếu xúi người khác hủy báng, thì tội càng nặng
hơn, thường thì hay phạm tội nầy, vì ban đầu một mình, rồi kéo dắt người khác hủy
báng nữa. Trong mười giới trọng nầy, ban đầu từ giới sát sanh đến giới vọng. Bốn
giới nầy thuộc về Tánh giới. Nếu phạm thì mất giới (nếu phạm phần Tánh, phần nặng).
Như giới sát sanh, giết người trở lên, phạm trọng
mất giới, còn giết những loài nhỏ phạm trọng không mất giới.
Còn trộm cướp từ năm tiền trở lên thì phạm trọng,
mất giới, còn dưới số đó, phạm trọng không mất giới.
Vọng ngữ, nếu là đại vọng ngữ xưng mình là chứng
Thánh được pháp siêu phàm, đó là vọng ngữ thuộc về tội trọng mất giới, còn vọng
ngữ thường, phạm trọng không mất giới.
Giới dâm, nếu mà phạm thì mất giới, không có phạm
trọng mà không mất giới, chỉ có phạm trọng mất giới mà thôi. Phạm trọng không mất
giới nghĩa là phương tiện để hành dâm chưa thành dâm, hoặc do nhân duyên gì đó
mà chận lại được.
Như vậy không có phương tiện hoạt động, nhưng
nó chưa thành nghiệp, nên phạm trọng không mất giới.
Như vậy, giới sát sanh, trộm cướp, vọng ngữ có
phân ra phạm trọng mất giới và phạm trọng không mất giới. Nếu phạm trọng mất giới,
phải sám hối rồi thọ giới lại. Còn phạm trọng không mất giới, thì sám hối rồi
được thanh tịnh trở lại. Còn giới dâm hay tà dâm, nếu đã phạm thì thành nghiệp
phạm trọng thì mất giới.
Còn 6 giới sau: là giới bán rượu cho đến giới hủy
báng Tam Bảo là phạm trọng không mất giới. Nhưng nếu không chịu ăn năn sám hối,
chừa bỏ thì dồn dập lâu ngày sẽ trở thành tội trọng mất giới.
Tóm lại, trong mười giới trọng phân ra làm 3:
- Những giới phạm trọng mất giới (sát sanh, trộm
cướp, vọng ngữ) và cũng vừa phạm trọng không mất giới - Những giới chỉ riêng phạm
trọng mất giới (giới dâm, tà dâm).
- Những giới phạm trọng không mất giới (6 giới
sau)
Trong mười giới trọng, cứ theo hành tướng của
nó thuộc Tánh giới hay là Giá giới để phân ra có ba loại giới khác nhau.
Bốn Tánh giới: sát sanh, trộm
cướp, dâm dục, vọng ngữ cần phải giữ gìn cho kỹ.
Còn 6 giới sau, thì cũng rất đáng sợ! Như giới
rao lỗi của Tứ chúng, tự khen mình chê người, hai giới nầy thường hay phạm lắm
vì khi tiếp chuyện hằng ngày với nhau, chuyện vãng lại vô tình đem chuyện người
nầy nói chuyện người kia, phải thận trọng nếu không sẽ phạm tội, làm cho thiện
căn, công đức khó tăng trưởng.
Còn những giới kia rất rõ ràng như giới: bán rượu,
bỏn sẻn, giận hờn, hủy báng Tam Bảo.
Giới rao nói lỗi tứ chúng, nói đúng lỗi còn phạm,
nếu bịa đặt vu khống phạm tội phao vu còn nặng hơn!
Do đó cho nên đức Phật nhắc người thọ Bồ tát giới phải thuộc, phải tụng mười điều giới nầy. Nếu không thuộc, không tụng thì người ấy không phải là Phật tử, không phải là Bồ tát. Nghĩa là người đó không xứng đáng là người đã thọ giới Bồ tát. Vì thế nên Đại chúng nếu không thuộc hết quyển giới nầy thì cố gắng thuộc mười giới trọng để hằng ngày kiểm điểm hành vi cử chỉ, lời nói của mình, nhờ đó mới tránh được tội và công đức lành được phát sanh.
Comments
Post a Comment