GII, ĐNH, HU thoát Ta-bà,

TÍN, NGUYN, HNH sanh Cc-lc.



NAM MÔ PHẠM VÕNG HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT



KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI


III.- PHẦN QUY KÍNH


Đây mới bắt đầu vào trong Nghi thức tụng Bồ tát Giới.

 

Bài kệ kế đây là quy ngưỡng nơi Tam Bảo, vì trong đây có Phật, có Bồ tát và có Giới. Giới thuộc về Pháp, Phật là Phật, Bồ tát là Tăng, đó là Tam Bảo. Mở đầu bài kệ quy ngưỡng Tam Bảo, có câu: “Chúng thọ Bồ tát giới lắng nghe” đây là lời nhắc nhỡ trong Đại chúng, những người dự Bố tát, nên chú ý lắng nghe. Vì đây là tụng giới trong giờ Bố tát, thì một người tụng, còn bao nhiêu người lóng nghe. Do đó cho nên người tụng giới cần phải có lên tiếng để cho những người nghe chú ý.

 

Chúng thọ Bồ Tát giới lắng nghe :

Quy mạng Lô Xá Na

Mười phương Kim Cương Phật”.

 

Đây, chính là quy y Phật. Lô Xá Na tức là đức Lô Xá Na Phật, luôn cả thập phương chư Phật.

 

“Đảnh lễ đức Di Lặc

Sẽ hạ sanh thành Phật”.

 

Đây chính là quy mạng Bồ tát Tăng vì đức Di Lặc hiện tại còn là Bồ tát. Tại sao nơi đây lại xưng hiệu đức Di Lặc Bồ tát để kính lễ? Vì đức Di Lặc được sự thọ ký của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hiện tại ngự nơi cõi trời Đâu Suất nội viện là Di Lặc Bồ tát, sau đây sẽ giáng sanh xuống Diêm Phù Đề để thành Phật độ sanh, nối tiếp chánh pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Đảnh lễ đức Di Lặc là đảnh lễ tất cả chư vị đại Bồ tát, lấy đức Di Lặc làm tiêu biểu, vì Ngài có bổn phận giữ gìn chánh pháp và sau khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã mãn thì Ngài sẽ chuyển thân làm Phật.

 

Câu “Sẽ hạ sanh thành Phật” là chỉ rõ rằng hiện tại Ngài còn là Bồ tát.

 

“Nay tụng ba tụ giới,

Bồ tát đều cùng nghe”.

 

Ba tụ giới là nói Bồ tát giới. Ba tụ giới nói đủ là Ba tụ tịnh giới. Tụ cũng như một khối, một nhóm. Vì giới Bồ tát có nhiều quy điều và chia ra làm ba khối.

 

Khối thứ nhứt gọi là “Nhiếp luật nghi giới”.

Khối thứ hai gọi là “Nhiếp thiện pháp giới”.

Khối thứ ba gọi là “Nhiêu ích hữu tình giới”.

 

Không được sát sanh, không được trộm cướp, không được tà hạnh, không được nói dối, không được uống rượu, say sưa, không được bán rượu, cho đến không được tà kiến, hủy báng Tam Bảo …

 

Tất cả những điều như vậy, gọi là những điều răn cấm không cho làm, thâu nhiếp đúng theo luật pháp oai nghi của Phật định chế ấy hợp lại thành một khối, khối đó gọi là “Nhiếp luật nghi giới”, cũng là tụ tịnh giới thứ nhứt của Bồ tát.

 

Ngoài những điều xấu ác cần răn cấm không cho phạm, còn có những thiện pháp phải thực hành, nếu không làm thời phạm. Như phải kính Phật trọng Tăng, phải cúng dường Tam Bảo bằng cách xây dựng tháp thờ Phật, biên soạn ấn loát kinh điển để lưu truyền, tứ sự cung cấp cho người xuất gia hành đạo, phải lễ Phật, niệm Phật. phải tọa thiền tham cứu, phải học Kinh Luật, phải nghe diễn giảng, phải tập chánh định, phải tu trí huệ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu môn ba la mật … phải siêng tu tập, nhẫn đến Thánh hạnh phải làm, Thánh đức phải theo.

 

Cúng dường Tam Bảo nhẫn đến chánh định, trí huệ v.v… là những thiện pháp mà người đã thọ giới Bồ tát phải thực hành. Những điều nầy gom lại thành một khối gọi là “Nhiếp thiện pháp giới”. Đây là tụ tịnh giới thứ hai của Bồ tát.

 

Trong các điều luật của Bồ tát lại còn có những điều luật bắt buộc phải làm lợi ích cho người, cho vật. Như gặp người bệnh tật thì phải lo cứu tế. Thấy người bệnh tật lẻ loi, cô độc không có cả thuốc men, không ai săn sóc, gặp rồi bỏ lãng mà đi, không tìm phương tiện giúp đỡ là phạm giới đối với người đã thọ giới Bồ tát. Nghĩa là buộc phải săn sóc người bệnh, nếu người đó thiếu sự săn sóc. Lại như thấy người đói mà mình có đồ ăn thì phải chia, phải sớt, phải cho, phải bố thí, đây cũng là một điều bắt buộc phải làm. Cho đến phải cứu độ chúng sanh, phải làm cho chúng sanh hết khổ, phải làm cho chúng sanh được vui, dầu rằng có sự làm chưa được, nhưng mà trong tâm lúc nào cũng mong muốn, như nguyện cho tất cả chúng sanh được giải thoát, được thành Phật.

 

Những điều giới trong phạm vi phải có những việc làm, những lời nói hay là những tâm niệm đem lại sự lợi ích cho chúng sanh, để đưa chúng sanh khỏi khổ sanh tử mà đến quả giải thoát thành Phật đó, gom lại thành ra một khối, gọi là “Nhiêu ích hữu tình giới”. Đây là tụ tịnh giới thứ ba của Bồ tát.

 

Những điều giới răn cấm việc ác gom lại thành một khối. Những điều giới bắt buộc phải làm những thiện pháp gom lại thành một khối và những điều giới phải đem sự lợi ích, sự giải thoát cho chúng sanh gom lại thành một khối, gọi chung là ba tụ tịnh giới của Bồ tát.

 

Một là “ Nhiếp luật nghi giới” những điều ác phải răn chừa.

Hai là “Nhiếp thiện pháp giới” những điều lành phải làm.

Ba là “Nhiêu ích hữu tình giới” những điều giới đem sự lợi ích cho chúng sanh.

 

Nay tụng về Bồ tát giới mà Bồ tát giới bao giờ cũng có đủ ba khối nầy cả, các vị đã thọ giới Bồ tát đều phải cùng nghe.

 

Đây mới nói đến công dụng của giới, công dụng của giới thì cũng như công đức của giới vậy. Giới như chi?

 

“Giới như đèn sáng lớn,

Soi sáng đêm tối tăm”.

 

Nếu không giới thì không biết điều nào là lành, điều nào là dữ, những điều gì nên làm, những điều gì nên tránh. Nhờ có giới luật nên mới có biết được những điều đó. Như vậy, giới khác nào như cây đèn sáng để soi sáng đêm tối tăm cho mọi người, để biết lối nào nên đi, lối nào nên tránh.

 

“Giới như gương báu sáng,

Chiếu rõ tất cả pháp”.

 

Có nhiều khi làm những việc đó mình tưởng là tốt, rồi những người khác làm việc đó, mình lại nghĩ tưởng đó là xấu. Nhưng những điều mà mình nghĩ tưởng cho là tốt và cho là xấu đó chưa ắt hẳn là tốt hay xấu, cần phải lấy cái gì để soi cho rõ coi cái đó là thiệt tốt hay là thiệt xấu. Bây giờ đem giới luật ra để mà soi. Nếu đúng như trong điều giới đó, mà trong điều giới lại nói rằng việc đó là tốt, thì nhứt định nó là tốt. Nếu trong điều giới nói như vậy là xấu, thì nhứt định nó là xấu.

 

Lệ như nơi sân, nơi nhà có ổ kiến lửa. Anh bảo nên lấy lửa đốt, hoặc dùng dầu hôi rưới, nếu để vậy kiến sẽ cắn người. Chị lại cho rằng không nên đốt, không nên rưới dầu hôi vì làm như vậy kiến chết tội nghiệp. Anh và chị đều có lý lẽ riêng khó phân biệt phải trái. Bây giờ đem giới luật ra so, chúng ta sẽ thấy rằng không đốt là phải. Vì trong luật có điều giới nói rõ ràng tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được giết hại. Kiến là một loài hữu tình có mạng sống, tất không được giết hại mạng nó. Như thế thì giết hại là điều ác, còn không giết hại là điều lành. Tại sao vậy? Vì giới luật do đức Phật chế răn. Chẳng phải do suy đoán mà đức Phật chế giới.

 

Dùng Phật nhãn và Phật trí, đức Như Lai thấy rõ nghiệp và quả của tất cả chín giới chúng sanh: do nghiệp như vậy mà được quả như vậy. Quả như kia là do nghiệp như kia. Nếu thấy kết thành những quả an vui tốt đẹp, giải thoát tự tại thời biết chắc đó là nghiệp nhơn lành tốt thanh tịnh. Nếu thấy hiện lên những quả xấu xa khổ sở buộc ràng hệ lụy thời biết chắc đó là những nghiệp nhơn xấu ác, nhơ trược. Do thấy rõ như vậy mà Đức Phật chế giới điều: không được làm hay nói như vậy và nên làm nên nói như vậy. Vì đức Phật muốn mọi người mọi loài đều xa lìa những quả báo khổ sở xấu xa nhơ đục, mà được những quả tốt đẹp an vui giải thoát.

 

“Giới như châu Ma ni

Rưới của giúp kẻ nghèo”.

 

A- Trong kinh Hiền Ngu Nhơn Duyên nói: “Long Vương nơi đại hải và Thiên Đế có Như Ý Bửu Châu. Châu nầy có thế lực mưa xuống những thực phẩm y phục vàng bạc châu báu …

 

“Thoát khổ mau thành Phật,

Chỉ giới nầy hơn cả.

Vì thế nên Bồ tát,

Phải tinh tấn giữ gìn”.

 

Khỏi sanh tử luân hồi để thành tựu quả Phật.

 

B- Đại khái đều do ba môn vô lậu học: Trì chánh giới, Tập chánh định và Tu chánh huệ. Trong đây tán thán chỉ giới nầy là hơn tất cả. Trước kia đã nói, tất cả những công đức lành cho đến quả vị Phật đều phải thành tựu ở trên nền giới luật. Nếu không giới, cũng như không có cái nền, những thiện căn công đức không thể thành tựu được. Và định với huệ cũng phải sanh phát từ nơi giới. Vì đều do nơi giới, nên giới là quan trọng nhứt. Quả Phật muốn được thành thời phải có Phật nhơn, bởi vì quả phải từ nơi nhơn. Cái chi để làm nhơn cho quả Phật? Công hạnh Bồ tát là cái nhơn để thành tựu quả Phật. Mà công hạnh Bồ tát đây lấy giới Bồ tát làm chánh.

 

Vì thế trong đây nói đến thành tựu quả Phật thì giới Bồ tát nầy là quan trọng nhứt, là hơn tất cả. Do đó cho nên, hễ là Bồ tát rồi thì phải tìm cách giữ gìn nơi giới Bồ tát nầy.

 

 

IV.- PHẦN XƯỚNG THỜI GIAN

 

Trên là bài kệ quy ngưỡng nơi Tam Bảo, nói công hiệu của giới Bồ tát và kết khuyên cần phải tinh tấn giữ gìn.

 

Kế đây nói đến thời gian. Thời gian Bố tát đây là ngày nào trong mùa nào? Chủ ý gì mà Phật lại bảo trước khi tụng giới cần phải nói thời gian trong lúc Bố tát? Vì nếu người mà quên sự vô thường thì khó phát tâm tinh tấn tu hành. Do đó cho nên cần nhắc đến thời gian để cho thấy rõ rằng vừa mới đó mà đã qua nửa tháng rồi, mà nếu trực nhớ lại dường như mới Bố tát ngày hôm qua, rồi hôm nay lại Bố tát nữa, thời gian qua mau như vậy đó. Hôm nào mới mùa đông, bây giờ lại đến mùa xuân, mà mùa xuân lại sắp sửa hết, mùa hạ sẽ tới liền đây.

 

Như vậy, thời gian thắm thoát qua mau, sự vô thường nó không đợi ai. Nếu mình chần chờ không kịp thời để tu hành tạo nên công đức thì thời gian đã qua sẽ thành ra luống uổng. Và bao giờ cũng vậy. Một việc chi mà thành tựu không phải là nhứt thời mà cần phải nhiều thời gian. Nếu không tiếc thời gian để cho nó trôi qua, thì chính là thời gian qua rồi nó chưa thành, không thành. Thời gian hiện tại đây mình lây lất sẽ vẫn không thành. Như thế sự già, sự bịnh, sự chết nó sẽ đến và khi nó đến rồi thì lúc đó, dầu muốn tinh tấn cũng không được, dầu muốn cho thành tựu một việc gì cũng không thể làm.

 

Do đó cho nên, mỗi khi Bố tát đều nhắc đến thời gian. Mà nhắc đến thời gian đó là nhắc phải nắm lấy thời gian mà tinh tấn tu hành, đừng để trôi qua luống uổng.

 

“Chư Đại đức - Chư Phật tử - Chư Đại chúng”.

 

Trong đây là lời của người tụng giới gọi Đại chúng. Nếu lúc Bố tát mà toàn các vị Tỳ kheo không thì người tụng giới nên gọi rằng: “Chư Đại đức”. Nếu ở dưới mà toàn là người tại gia thì người tụng giới sẽ gọi: “Chư Phật tử”. Còn nếu có kẻ xuất gia, có tại gia lẫn lộn, thời nên gọi: “Chư Đại chúng”. Nên đây mới đề cả ba, tùy theo trong lúc chúng nhóm họp để nghe giới: là thuần Tỳ kheo thì kêu “Đại đức”, nếu thuần tại gia thì kêu “Chư Phật tử” còn nếu có lẫn lộn đủ cả tứ chúng, bởi vì cả tứ chúng đều có thể thọ Bồ tát giới, thời gọi “Chư Đại chúng”. Điều nầy phải chú ý lắm, bằng không thì người tụng giới không biết được là phải nói làm sao đây?

 

“Phần mùa xuân bốn tháng là một mùa. Nửa tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa một đêm còn ba tháng rưỡi”.

 

Quý vị phải nhớ, phải ghi mới được. Xuân, hạ, đông trong Phật pháp không giống với ngoài đời. Ngoài đời thì tháng giêng, tháng hai, tháng ba là mùa xuân. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu là mùa hạ. Tháng bảy, tháng tám, tháng chín là mùa thu. Tháng mười, tháng mười một, tháng chạp là mùa đông.

 

Trong Phật pháp, bốn tháng làm một mùa, một năm có ba mùa: xuân, hạ và đông. Ngày 16 tháng chạp đó là bắt đầu mùa xuân đến rằm tháng tư là cuối mùa xuân:

 

Từ sáng 16 tháng chạp đến hết đêm rằm tháng giêng là tháng thứ nhứt của mùa xuân.

 

Từ sáng 16 tháng giêng đến hết đêm rằm tháng hai là tháng thứ hai của mùa xuân.

 

Từ sáng 16 tháng hai đến hết đêm rằm tháng ba là tháng thứ ba của mùa xuân.

 

Từ sáng 16 tháng ba đến hết đêm rằm tháng tư là tháng cuối cùng của mùa xuân.

 

Như vậy, mùa xuân là chi? Là bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng chạp cho đến hết ngày và đêm rằm tháng tư, đó là bốn tháng mùa xuân theo Phật pháp. Sáng ngày 16 tháng tư là bắt đầu mùa hạ của Phật pháp.

 

Do đó cho nên đến ngày nầy mỗi năm, chư Tăng nhập hạ. Theo đúng trong luật thì ngày 16 tháng tư là ngày phải vào hạ, nhưng vì theo nhơn duyên nầy, sự duyên kia, nên về sau có nơi kiết hạ hoặc đổi qua ngày khác. Đúng theo Phật pháp, ngày 16 tháng tư là ngày nhập hạ của chư Tăng, vì ngày đó là ngày đầu mùa hạ, tới rằm tháng năm là một tháng đầu của mùa hạ. Từ sáng 16 tháng năm đến hết đêm rằm tháng sáu là tháng thứ hai của mùa hạ. Từ sáng 16 tháng sáu đến hết đêm rằm tháng bảy là tháng thứ ba của mùa hạ. Từ sáng 16 tháng bảy cho đến hết đêm rằm tháng tám là tháng thứ tư cũng là tháng sau cùng của mùa hạ. Như vậy, mùa hạ trong Phật pháp bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng tư cho đến hết ngày và đêm rằm tháng tám.

 

Trong Phật pháp không có mùa thu, chỉ có xuân, hạ và đông mà thôi. Vậy mùa đông kế tiếp mùa hạ, tức là bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng tám đến hết đêm rằm tháng chín, là một tháng đầu của mùa đông. Từ sáng ngày 16 tháng chín đến hết đêm rằm tháng mười là tháng thứ hai của mùa đông. Từ sáng 16 tháng mười đến hết đêm rằm tháng mười một là tháng thứ ba của mùa đông. Từ sáng 16 tháng mười một đến hết đêm rằm tháng chạp là tháng thứ tư cũng là tháng cuối cùng của mùa đông trong Phật pháp.

 

Như vậy, bốn tháng mùa đông trong Phật pháp là bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng tám cho đến hết ngày và đêm rằm tháng chạp. Rồi qua sáng ngày 16 tháng chạp là bắt đầu mùa xuân của Phật pháp.

 

Khi Bố tát, mọi người phải nhận biết ngày đó là ngày nào? Trong tháng nào? Thuộc về mùa gì? Cứ theo ngày, mùa trong Phật pháp mà tính. Bây giờ nếu mình Bố tát nhằm ngày 30 tháng chạp. Tính coi 30 tháng chạp mùa gì? Tức là mùa xuân, bởi vì mùa xuân bắt đầu từ sáng ngày 16 tháng chạp, còn hiện tại mình Bố tát trong ngày 30 tháng chạp, vậy là ở trong mùa xuân rồi. Mà mùa xuân đó đã qua mấy ngày rồi? Từ 16 tháng chạp đến bây giờ mình Bố tát là ngày 30 tháng chạp là đã trải qua nửa tháng. Mà bốn tháng làm một mùa, nay đã trải qua nửa tháng rồi thì số ngày còn lại là ba tháng rưỡi. Cho nên dưới để còn ba tháng rưỡi. Nhưng ở đoạn giữa lại có thêm một câu: “thiếu một đêm, thừa một đêm”. Đây thấy rằng sự tinh tế ở trong Phật pháp. Bởi vì trong ngày 30 đang Bố tát đó, đêm hãy còn. Đêm 30 còn mà mình nói đã qua rồi nửa tháng nhưng kỳ thiệt còn thiếu một đêm nữa mới đúng nửa tháng.

 

Bởi vì từ sáng 16 cho đến hết đêm 30 là nửa tháng. Qua sáng ngày sau mới bắt đầu ngày thứ nhứt của nửa tháng sau. Bây giờ mình lại ở trong ngày 30 làm phép Bố tát, mình nói đã qua nửa tháng, kỳ thiệt còn thiếu một đêm nữa mới đầy nửa tháng. Mà thiếu một đêm mới đầy nửa tháng trước đã qua thì tất nhiên nửa tháng sau sắp đến đây phải thừa lại một đêm đó, nên mới gọi rằng “thiếu một đêm, thừa một đêm, còn ba tháng rưỡi”. Câu “thiếu một đêm, thừa một đêm” là nói tắt, nếu nói đủ phải nói: “thiếu một đêm, mới đầy nửa tháng đã qua”, nghĩa là nửa tháng qua rồi đó, nói thì nói như vậy chớ còn lại một đêm chưa qua, tức là nửa tháng đã qua đó còn thiếu lại một đêm nữa, hay nói cách khác, còn thiếu một đêm nữa mới đủ nửa tháng đã qua. Mà nửa tháng trước đã thiếu một đêm, thì cái đêm thiếu đó nó dư cho nửa tháng sau. Thành ra cái ba tháng rưỡi còn lại có dư một đêm của nửa tháng đã qua rồi. Như vậy câu “thiếu một đêm, thừa một đêm, còn ba tháng rưỡi” nếu nói cho đủ thì phải nói rằng: “Nửa tháng đã qua còn thiếu một đêm, còn lại ba tháng rưỡi có thừa một đêm”. Nhưng Bố tát cần phải đọc gọn tắt để khỏi làm phiền Đại chúng.

 

Do đây, mới thấy cái tinh tế trong Phật pháp, một đêm vẫn nhắc, chớ không bỏ qua. Rồi từ nơi đó mình tính ra những kỳ Bố tát sắp đến. Nếu Bố tát ngày Rằm tháng giêng, thì đã qua một tháng, trừ cho bốn tháng thì chỉ còn lại ba tháng thôi. Nếu Bố tát ngày 30 tháng giêng, như vậy là đã qua rồi một tháng rưỡi, còn lại hai tháng rưỡi. Nếu Bố tát ngày rằm tháng hai, thì đã qua hai tháng còn lại hai tháng. Nếu Bố tát ngày 30 tháng hai, thì đã qua hai tháng rưỡi còn lại một tháng rưỡi. Nếu Bố tát ngày rằm tháng ba, thì đã qua ba tháng còn lại một tháng. Nếu Bố tát ngày 30 tháng ba, thì đã qua ba tháng rưỡi còn lại nửa tháng. Nếu Bố tát ngày rằm tháng tư, tất nhiên đã đủ bốn tháng của mùa xuân và cũng là ngày cuối xuân. Như vậy, mình nói “Chư Đại chúng, phần mùa xuân bốn tháng làm một mùa, bốn tháng đã qua, thiếu một đêm chỉ còn thừa lại một đêm”. Thiếu một đêm đó là đã qua bốn tháng mùa xuân rồi nhưng kỳ thiệt còn lại một đêm mới mãn mùa xuân, vì sáng ngày 16 tháng tư mới bắt đầu mùa hạ, nên nói “chỉ còn lại một đêm”. Nếu Bố tát ngày 30 tháng tư, thì phải nói rằng “phần mùa hạ bốn tháng làm một mùa, nửa tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn ba tháng rưỡi”. Cứ tuần tự để tính mà trừ cho bốn tháng.

 

Đại chúng nên chú ý một chút, câu “thiếu một đêm, thừa lại một đêm”. Nếu không nhớ kỹ ý nghĩa, về sau tất khó tránh khỏi phân vân bất quyết.

 

Tôi xin nhắc lại “thiếu một đêm” đó là những ngày đã qua nhưng kỳ thiệt còn một đêm nầy mới là đủ. Vì trong Phật pháp cứ đến sáng sớm, lúc tướng sáng mặt trời hiện, tức là thấy rõ mặt đất ngoài trống, hoặc ở ngoài trời thấy rõ chỉ trong bàn tay là khởi đầu của ngày, đến sáng sớm ngày sau là trọn ngày và bắt đầu ngày kế. Lệ như sáng sớm ngày rằm là khởi đầu ngày rằm, đến sáng sớm ngày 16 là hết ngày rằm và bắt đầu ngày 16. Thế nên gọi “một ngày một đêm” là trọn đủ một ngày vậy.

 

Do đó mới gọi là “thiếu một đêm”. Mà thời gian trước đã qua rồi còn thiếu một đêm, thì một đêm thiếu của nửa tháng đã qua đó nó sẽ thừa lại cho phần thời gian sắp đến.

 

Tôi xin trình bày bảng đồ xướng ngày Bố tát ba mùa trong năm để Đại chúng dễ nhận, dễ nhớ.

 

 

BẢNG XƯỚNG NGÀY BỐ TÁT

TRONG BA MÙA MỖI NĂM

 

NGÀY BỐ TÁT: Nên xướng rằng

 

MÙA XUÂN: Sáng ngày 16 tháng chạp khời đầu mùa Xuân.

 

- 30 tháng 12: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, nửa tháng đã qua thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn ba tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng giêng: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, một tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn ba tháng.

 

- 30 tháng giêng: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, một tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm thừa lại một đêm còn lại hai tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 2: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, hai tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn hai tháng.

 

- 30 tháng 2: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, hai tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn một tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 3: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, ba tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn một tháng.

 

- 30 tháng 3: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, ba tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn nửa tháng.

 

- Rằm tháng 4: Phần mùa Xuân bốn tháng làm một mùa, bốn tháng đã qua, thiếu một, còn thừa lại một đêm.

 

MÙA HẠ: Sáng ngày 16 tháng tư khởi đầu mùa Hạ - cũng là ngày nhập Hạ, tiền An cư.

 

- 30 tháng 4: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, nửa tháng đã qua thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn ba tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 5: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, một tháng đã qua thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn ba tháng.

 

- 30 tháng 5: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, một tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn hai tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 6: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, hai tháng đã qua thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn hai tháng.

 

- 30 tháng 6: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, hai tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn một tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 7: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, ba tháng đã qua thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn một tháng. (Lễ Vu Lan tự tứ).

 

- 30 tháng 7: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, ba tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn nửa tháng.

 

- Rằm tháng 8: Phần mùa Hạ bốn tháng làm một mùa, bốn tháng đã thiếu một đêm, thừa lại một đêm (Lễ hậu Tự tứ).

 

MÙA ĐÔNG: Sáng ngày 16 tháng 8 khởi đầu mùa Đông.

 

- 30 tháng 8: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, nửa tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn 3 tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 9: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, thiếu một đêm, thừa lại một đêm, còn ba tháng.

 

- 30 tháng 9: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, một tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn hai tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 10: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, hai tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn hai tháng.

 

- 30 tháng 10: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, hai tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn một tháng rưỡi.

 

- Rằm tháng 11: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, ba tháng đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn một tháng.

 

- 30 tháng 11: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, ba tháng rưỡi đã qua, thiếu một đêm, thừa lại một đêm còn nửa tháng.

 

- Rằm tháng 12: Phần mùa Đông bốn tháng làm một mùa, bốn tháng đã qua, thiếu một đêm còn thừa lại một đêm.

Comments

Popular posts from this blog