PHẬT THUYẾT
VU-LAN-BỒN KINH
Tây-Tấn, Tam-Tạng Pháp-Sư Trúc-Pháp-Hộ dịch
Văn như thị: nhứt thời Phật tại Xá-Vệ quốc, Kỳ-thọ Cấp-Cô-Ðộc viên.
Ðại Mục-Kiền-Liên, thỉ đắc lục thông, dục độ phụ-mẫu, báo nhũ bộ chi ân.
Tức dĩ đạo-nhãn quán thị thế-gian, kiến kỳ vong-mẫu sanh ngạ-quỉ trung, bất kiến ẩm thực, bì cốt liên lập.
Mục-Liên bi ai, tức dĩ bát thạnh phạn, vãng hướng kỳ-mẫu.
Mẫu đắc bát phạn, tiện dĩ tả thủ chướng bát, hữu thủ suy tự.
Tự vị nhập khẩu, hóa thành hỏa thán, toại bất đắc thực.
Mục-Liên đại khiếu, bi hiều thế khấp, trì huờn bạch Phật, cụ trần như thử.
Phật ngôn : “Nhữ mẫu tội-căn thâm kiết, phi nhữ nhứt nhơn lực sở nại hà !
Nhữ tuy hiếu-thuận, thinh động thiên-địa, Thiên-thần, Địa-kỳ, tà-ma, ngoại-đạo, đạo-sĩ, tứ Thiên-Vương Thần, diệc bất năng nại hà !
Ðương tu thập-phương chúng Tăng oai-thần chi lực, nãi đắc giải-thoát.
Ngô kim đương thuyết cứu-tế chi pháp, linh nhứt-thiết nạn, giai ly ưu khổ.
Phật cáo Mục-Liên : “Thập-phương chúng Tăng, thất nguyệt thập ngũ nhựt, Tăng Tự-tứ thời, đương vị thất thế phụ mẫu, cập hiện-tại phụ mẫu ách nạn trung giả, cụ phạn bá vị, ngũ quả, cấp quán bồn khí, hương du, đính chúc, sàng phu
ngọa cụ, tận thế cam mỹ, dĩ trước bồn trung, cúng-dường thập-phương đại đức chúng Tăng.
Ðương thử chi nhựt, nhứt thiết Thánh-chúng, hoặc tại sơn gian thiền-định, hoặc đắc tứ đạo quả, hoặc tại thọ hạ kinh-hành, hoặc lục-thông tự-tại giáo-hóa Thanh-văn,
Duyên-giác, hoặc thập-địa Bồ-tát đại-nhơn, quyền hiện Tỳ-kheo tại đại-chúng trung, giai đồng nhứt tâm thọ bát-hòa-la phạn, cụ thanh-tịnh giới Thánh-chúng chi đạo, kỳ đức uông dương.
Kỳ hữu cúng-dường thử đẳng Tự-tứ Tăng giả, hiện thế phụ-mẫu, lục-thân quyến-thuộc, đắc xuất tam-đồ chi khổ, ứng thời giải-thoát, y thực tự-nhiên.
Nhược phụ-mẫu hiện tại giả phước lạc bá niên.
Nhược thất thế phụ-mẫu sanh Thiên, tự tại hóa sanh nhập Thiên-hoa quang”.
Thời, Phật sắc thập phương chúng Tăng, giai tiên vị thí chủ mông chú nguyện, nguyện thất thế phụ-mẫu, hành thiền-định ý nhiên-hậu thọ thực.
Sở thọ thực thời, tiên an tại Phật tiền, tháp tự trung Phật tiền, chúng Tăng chú nguyện cánh, tiện tự thọ thực.
Thời, Mục-Liên Tỳ-kheo cập đại Bồ-tát chúng, giai đại hoan-hỉ: Mục-Liên bi đề khấp thinh thích nhiên trừ diệt.
Thời, Mục-Liên mẫu tức ư thị nhựt, đắc thoát nhứt kiếp ngạ-quỉ chi khổ.
Mục-Liên phục bạch Phật ngôn : “Ðệ-tử sở sanh mẫu đắc mông Tam-Bảo công-đức chi lực, chúng Tăng oai-thần chi lực cố.
Nhược vị-lai thế, nhứt thiết Phật đệ-tử, diệc ưng phụng Vu-Lan-Bồn, cứu độ hiện-tại phụ mẫu nãi chí thất thế phụ mẫu, khả vi nhĩ phủ ?”.
Phật ngôn : Ðại thiện khoái vấn ! Ngã chánh dục thuyết nhữ kim phục vấn.
Thiện-nam tử ! Nhược Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Quốc-vương, Thái-tử, Đại-thần, Tể-tướng, Tam-công, bá quan, vạn dân, thứ nhơn hành từ-hiếu giả, giai ưng tiên vị sở sanh hiện-tại phụ mẫu, qúa-khứ thất thế phụ mẫu, ư thất nguyệt thập ngũ nhựt, Phật hoan-hỉ nhựt, Tăng Tự-tứ nhựt, dĩ bá vị phạn thực, an Vu-Lan-Bồn trung thí thập phương Tự-tứ Tăng.
Nguyện sử hiện tại phụ-mẫu thọ-mạng bá niên, vô bịnh, vô nhứt thiết khổ não chi hoạn, nãi chí thất thế phụ-mẫu ly ngạ quỉ khổ, sanh Nhơn Thiên trung, phước lạc vô-cực.
Thị Phật đệ-tử tu hiếu thuận giả, ưng niệm niệm trung thường ức phụ mẫu nãi chí thất thế phụ-mẫu, niên niên thất nguyệt thập ngũ nhựt, thường dĩ hiếu từ, ức sở sanh phụ mẫu, vị tác Vu-Lan-Bồn thí Phật cập Tăng, dĩ báo Phụ mẫu trưởng dưỡng từ ái chi ân.
Nhược nhứt-thiết Phật đệ-tử ưng đương phụng trì thị pháp.
Thời, Mục-Liên Tỳ-kheo, tứ bối đệ-tử hoan hỉ phụng hành.
PHẬT THUYẾT
VU-LAN-BỒN KINH
BÁO PHỤ MẪU ÂN CHÚ
NAM-MÔ MẬT LẬT ĐA ĐÁ BÀ DẠ TÁ HA.
(7 BIẾN)
VU-LAN
KINH TÁN
THẦN THÔNG
TÔN GIẢ, MÃN BÁT
TRÌNH THÂN,
THỰC TÀI NHẬP KHẨU HỎA VIÊM
THÂN,
HIỀU KHẤP MẠC NĂNG
THÂN,
THÁNH-GIÁO
PHU TRẦN,
HƯỞNG TIẾN TRƯỢNG TỪ-TÔN.
NAM-MÔ ĐẠI-HIẾU MỤC-KIỀN-LIÊN TÔN-GIẢ
(3 XƯNG)
PHẬT NÓI KINH VU LAN BỒN(1)
Đời Tây Tấn, ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ dịch
Tôi nghe như vầy:
Một lúc nọ, đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ. Ông Đại Mục Kiền Liên vừa mới chứng được sáu pháp thần thông(2) ông
muốn cứu độ cha mẹ của ông để đền đáp công ơn bú mớm. Ông liền dùng đạo nhãn(3) xem
khắp trong
thế gian, thấy bà vong mẫu(4) của ông sanh vào trong loài
ngạ quỷ(5) chẳng được uống ăn, thân thể ốm gầy da bọc lấy xương.
Thấy thế, ông Mục Liên chẳng xiết xót thương, liền lấy bình bát đựng cơm đem dâng cho mẹ ông. Mẹ ông tiếp được bình bát cơm, bèn dùng tay trái che
bát, tay mặt bốc cơm. Cơm của bà bốc chưa vào đến miệng đã hóa thành than lửa, bà ăn không đặng. Ông Mục Liên kêu to, buồn rầu khóc lóc, vội vã trở về bạch với đức Phật, thuật đủ những việc như thế.
Đức Phật dạy rằng:
Tội căn(6) của mẹ ông gây kết sâu nặng, chẳng phải thần lực của một mình ông mà có thể làm cứu được. Dầu rằng ông có lòng hiếu thuận, tiếng tăm vang động cả trời đất, mà những vị thiên thần, địa kỳ, tà ma, ngoại đạo, đạo sĩ và bốn vị Thiên vương thần(7) cũng
không thể làm thế nào cứu được. Cần phải nhờ đến sức oai thần của chúng Tăng ở mười phương, mẹ ông mới có thể giải thoát. Nay Ta sẽ nói phương pháp cứu tế, làm cho tất cả kẻ bị hoạn nạn như thế, đều được thoát khỏi những sự buồn khổ.
Đức Phật bảo ông Mục Liên:
Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chúng Tăng ở mười phương(8), đến ngày ấy người làm con phải nên vì cha mẹ trong bảy đời đã qua(9) và
cha mẹ trong đời hiện tại đang bị khổ trong vòng ách nạn, mà sắm những giường trải nệm chiếu, những bồn chậu đựng nước rửa, hương dầu, đèn nến, năm thứ trái, cơm canh trăm thứ những đồ ăn ngon lành nhứt trên đời, đựng vào trong bồn cúng dường cho hàng Đại đức Tăng ở mười phương(10).
Đang trong ngày đó, tất cả Thánh
chúng: hoặc những người tu thiền nhập định ở trong núi, hoặc những vị chứng được bốn đạo quả(11), hoặc những người đi kinh hành dưới cội cây hoặc những bực Thanh văn và Duyên giác(12) đủ sáu pháp thần thông tự tại giáo hóa, hoặc là hàng Thập địa Bồ tát Đại nhơn(13) quyền hiện làm Tỳ kheo(14)… đồng hội về ở trong Đại chúng đều đồng nhứt tâm lãnh thọ bát cơm, đạo đức của hàng Thánh chúng hoàn
toàn giới hạnh thanh tịnh đó rất là rộng lớn.
Có người nào cúng dường cho hàng chúng Tăng Tự Tứ dường ấy, thì cha mẹ cùng lục thân(15) quyến thuộc trong đời hiện tại của người đó được ra khỏi chốn khổ tam đồ(16), liền giải thoát hưởng thọ những đồ mặc, món ăn tự nhiên. Như cha mẹ hiện đang còn sống, thời sống lâu trăm tuổi hưởng phước an vui. Còn cha mẹ trong bảy đời đã qua, đề được sanh lên cõi trời, hóa sanh tự tại vào trong cõi trời sáng đẹp.
Bấy giờ, đức Phật truyền chúng Tăng ở mười phương, trước phải vì người thí chủ mong chờ chú nguyện, cầu cho cha mẹ bảy đời, mà chuyên ý thiền định(17) rồi sau mới thọ thực.
Lúc ban đầu thọ thực, trước hết để món ăn nơi trước đức Phật, hay để trước tượng Phật trong chùa tháp, chúng
Tăng đồng chú
nguyện xong, rồi mới tự thọ thực.
Lúc đó, ông Mục Liên Tỳ kheo và hàng đại Bồ tát đều rất vui mừng, tiếng buồn rầu khóc lóc của ông Mục Liên liền nín lặng.
Chính trong ngày đó, bà mẹ của ông Mục Liên được thoát khỏi một kiếp chịu khổ trong loài ngạ quỷ. Ông Mục Liên lại bạch với đức Phật rằng:
Sanh mẫu(18) của đệ tử nay do nhờ sức công đức của Tam Bảo và sức oai thần của chúng Tăng mà được khỏi khổ. Còn về đời vị lai, tất cả đệ tử của Phật cũng phải phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua, làm như thế được chăng?
Đức Phật nói:
Ông hỏi rất hay!
Chính là Ta vừa muốn nói, mà ông nay hỏi liền.
Nầy thiện nam tử! Những người tu hạnh hiếu từ hoặc là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni,
hoặc là quốc vương, thái tử, quan đại thần, tể tướng, tam công, trăm quan,
muôn dân, kẻ thứ thấp hèn v.v… đến ngày rằm tháng Bảy, ngày đức Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng Tự tứ, đều nên trước vì cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong bảy đời đã qua, mà sắm cơm và đồ ăn trăm vị thơm ngon để vào Bồn Vu Lan cúng dường cho chúng Tăng Tự tứ ở mười phương. Cầu nguyện cho cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, không đau ốm, không tất cả hoạn nạn khổ não, nhẫn đến cầu nguyện cho cha mẹ trong bảy đời đã qua thoát khỏi chốn khổ ngạ quỷ, sanh vào trong loài người, hoặc cõi Trời hưởng phước vui vô cùng.
Là hàng đệ tử của Phật tu hạnh hiếu thuận, trong mỗi niệm phải thường nhớ tưởng cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, do lòng hiếu thuận(19) thường nhớ tưởng đến cha mẹ đã sanh mình, vì cha mẹ sắm Bồn Vu Lan cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để đền đáp công ơn từ ái nuôi nấng của cha mẹ.
Nếu làm đệ tử của đức Phật, tất cả phải nên phụng trì phương pháp báo hiếu nầy.
Bấy giờ, ông Đại Mục Kiền Liên Tỳ kheo và bốn hàng đệ tử(20) đều vui mừng tuân theo thực hành.
THÍCH NGHĨA
(1) Phật tức là đức Thích Ca Mâu Ni
Phật trong
kinh nầy. Đức Phật vì ông Đại Mục Kiền Liên và
mọi người mà chỉ dạy phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua cùng cả lục thân quyến thuộc.
Bồn là
bồn, thau,
tượng, chậu, đồ bằng sành, bằng thiếc, hoặc bằng thau, đồng v.v… để đựng chứa đồ ăn.
Vu Lan là Phạm âm, Hán dịch là Giải đảo huyền, nghĩa đen: là tháo mở sự treo ngược. Sự treo ngược là ám chỉ cho tất cả sự thống khổ nặng nề. Đem bồn đựng đồ ăn cúng dường Phật và chúng Tăng, trong ngày
rằm tháng bảy để cứu độ cha mẹ v.v… khỏi sự thống khổ nên gọi là Vu Lan Bồn.
(2) Thiên nhãn
thông: Thiên nhãn thấy xa đến cả thế giới, thấy rõ vật nhỏ như vi trùng v.v… thấy suốt thấu các chất ngại.
Thiên nhĩ thông: Thiên nhĩ
nghe được xa và
nghe được tiếng rất nhỏ, cùng tiếng nói của tất cả loài.
Túc mạng thông: Biết rõ những đời trước của mình và của người khác.
Tha tâm thông: Hiểu biết tâm niệm, tư tưởng của người
khác.
Thần túc thông: Bay đi
mau lẹ tự tại, ý muốn đến đó thời thân liền đến đó.
Lậu tận thông: Những phiền não loạn tưởng đã dứt sạch, thấy suốt đời vị lai.
(3) Đạo nhãn: chính
là thiên nhãn thông. Do tu hành đạo hạnh thành
tựu đạo quả mà có nên gọi là đạo nhãn.
(4) Vong mẫu là
người mẹ đã qua đời.
(5) Ngạ quỷ (quỷ đói). Loài nầy cả đời chịu khổ về đói khát. Không hề được uống, vì thấy nước thành máu mủ hay lửa hừng, nước dính vào miệng nó làm phỏng cả miệng lưỡi, mà cũng không hề được ăn, vì cuống họng nhỏ bằng cây kim, bụng lớn như trống, mà đồ ăn đến miệng lại biến thành than lửa, nên dầu có cũng không ăn được. Trên đây là nói về hạng vô tài ngạ quỷ, mẹ ông Mục Liên bị đọa sinh vào loài nầy. Ngoài ra còn hạng hữu tài ngạ quỷ, loài sau nầy có phần ít đói khát hơn.
Trong kinh nói: Những người bị đọa vào ngạ quỷ vì gây nhiều tội ác mà tánh ích kỷ, bỏn sẻn, tham lam là phần chính.
(6) Tội căn: Cội gốc tội lỗi, đã kết thành quả báo xấu khó lay chuyển như cây có gốc rễ.
(7) Các vị thần trên cõi trời gọi là thiên thần, những vị thần ở mặt đất gọi là địa kỳ. Giữa chừng núi Tu Di bốn mặt có bốn cõi trời, mỗi cõi có một vị thiên vương cai quản gọi đó là Tứ Thiên Vương.
(8) Chúng tăng là
đoàn thể Tăng già
từ bốn vị xuất gia trở lên y theo sáu pháp hòa hiệp mà trụ.
Tự tứ là tha hồ, mặc tình, hứa cho không ngăn cấm.
Sau ba tháng an cư (bắt đầu từ ngày 16 tháng tư đến ngày rằm tháng bảy), thời tất cả chúng Tăng trong một đại giới đều câu hội lại rồi y theo luật pháp mà chỉ chỗ lỗi lầm lẫn nhau, để cùng nhau sám hối, cốt ý để chứng tỏ sự thanh tịnh (nếu người không phạm lỗi) hay làm cho thanh tịnh (nếu người có phạm lỗi) trong toàn thể đại chúng và khỏi những điều nghi ngờ, trong khi đó ai ai cũng sẵn sàng bằng lòng cho người khác chỉ trích lỗi của mình đã phạm trong ba tháng hạ mà mình không tự biết (vì nếu tự biết thời đã làm phép sám hối rồi) và sẵn sàng vui lòng nhận lấy lỗi của mình, trực nhớ lại, hoặc lời chỉ trích hữu lý cùng có bằng cớ. Vì thế nên ngày rằm tháng bảy gọi là ngày Tăng tự tứ.
(9) Phật dạy mọi người chẳng phải chỉ có một đời hiện tại mà về quá khứ, đã thọ nhiều thân, trải qua nhiều đời sống, một lần sinh, một lần chết gọi là một đời, một đời sống thời có một đời cha mẹ, đã trải qua nhiều đời sống là đã có nhiều cha mẹ chớ chẳng phải nội bảy đời thôi, song trong kinh đây
nói cha mẹ trong bảy đời đã qua, đó là vì ba lẽ:
Số bảy là con
số của đức Phật thường dùng, vì nó có quan trọng đối với sự biểu pháp.
Ước lược mà nói.
Còn gần với hiện tại, dễ hiểu biết và có phần thân thiết hơn.
(10) Cơm trăm vị là cơm rất thơm ngon đủ các mùi vị.
Câu: Đem đủ cả những đồ ăn ngon lành có trên đời (tận thế cam mỹ) là ý nói hết sức lo sắm sửa, người giàu thời tột sức của phận giàu, người nghèo thời tận lực của phận nghèo.
Năm thứ trái:
Loại trái có hột lớn, như: táo, xoài v.v…
Loại trái dầy cơm, như: dưa, hồng v.v…
Loại trái có vỏ cứng, như: lựu, măng v.v…
Loại trái mềm mại, như: nho v.v…
Loại trái có sừng khía, như: ấu v.v…
(11) Bốn đạo quả :
Trong Thanh văn thừa có 4 quả vị; trong 4 quả vị nầy do sự tu hành dứt kiến hoặc và tư hoặc trong tam giới mà chứng đặng. Kiến hoặc trong tam giới có 88 món, dứt sạch 88 món kiến hoặc thời thoát khỏi phàm phu dự vào hàng thánh (Nhập lưu cũng gọi là Dự lưu, tiếng Phạm là Tu đà hoàn),
đây là quả vị thứ nhứt.
Về tư hoặc, ở cõi dục có 9 phẩm, cõi sắc và vô sắc chung có 72 phẩm. Sau khi chứng bậc Tu đà hoàn (đã dứt 88 món kiến hoặc) thời phải tu hành dứt tư hoặc. 9 phẩm tư hoặc cõi Dục nó làm cho vị Tu đà hoàn phải bị 7 đời sanh tử ở cõi dục. Dứt được 6 phẩm trước thời chỉ còn 1 lần sanh tử ở cõi dục nên gọi là Nhứt lai (Tư đà hàm, Phạm âm) đây là quả vị thứ hai.
Dứt luôn ba phẩm sau thời không còn bị sanh vào cõi dục nữa nên gọi là Bất lai (A na hàm, Phạm âm) đây là quả vị thứ ba.
Dứt sạch luôn cả 72 phẩm tư hoặc cõi sắc và vô sắc thời thoát hẳn vòng sanh tử luân hồi nên gọi Vô sanh (A la hán,
Phạm âm) đây
là quả vị thứ tư.
(12) Bích chi
Phật là
Phạm âm, quả vị đồng với bậc A la hán (quả thứ tư trong hàng Thanh văn hoặc tiểu thừa) nhưng về công hạnh tu hành thời khác, có hai hạng:
Ra đời không gặp đức Phật mà cũng không gặp được Phật pháp, do căn lành đã vun
trồng từ nhiều đời trước, xuất gia thấy cảnh sống chết của người vật, thấy cảnh tươi héo của cỏ hoa v.v… mà tự ngộ lý vô thường, vô ngã, chứng sanh không quả gọi là vị Độc giác.
Ra đời gặp Phật hay giáo pháp của đức Phật, y theo phép quán mười hai nhân duyên mà tu tập, đoạn hoặc chứng chân thành quả vô sanh gọi là vị Duyên giác.
(13) Bồ tát là người phát đại tâm, tu hành đại thừa, chứng thành đại quả nên gọi là đại nhơn.
Đức Phật là đấng đã chứng pháp tánh thân hoàn
toàn; còn những bậc cũng chứng pháp tánh thân mà chưa được hoàn toàn thời có hàng Thập địa Bồ tát:
Hoan Hỷ địa
Ly Cấu địa
Phát Quang địa
Diệm Huệ địa
Nan Thắng địa
Hiện Tiền địa
Viễn Hành địa
Bất Động địa
Thiện Huệ địa
Pháp Vân địa
(14) Người xuất gia thọ 250 điều giới pháp Tỳ kheo thời gọi là thầy Tỳ kheo.
(15) Cha, mẹ, anh, em, chồng, vợ gọi là lục thân.
(16) Tam đồ:
Hỏa đồ, tức địa ngục, chốn lửa đốt cháy ngày đêm.
Đao đồ, tức là ngạ quỷ, thường dùng dao gậy chém đập
nhau.
Huyết đồ, tức là súc sinh, thường bị cắt cổ mổ bụng máu chảy lai láng.
(17) Chuyên ý
thiền định là
chú ý lặng lòng để tưởng niệm, khiến cho sự cầu nguyện được mau thành tựu.
(18) Sanh mẫu là
mẹ đẻ, mẹ ruột.
(19) Câu: Do
lòng hiếu từ là ý chỉ rõ rằng do lòng hiếu từ thiết tha nhớ tưởng đến cha mẹ mà làm lễ Vu Lan để cầu phước cho cha mẹ, chớ chẳng phải làm theo lệ lấy có, hay cầu tiếng khen v.v…
(20) Bốn hàng đệ tử:
Tỳ kheo: Xuất gia thọ 250 điều giới pháp.
Tỳ kheo ni: Xuất gia thọ 348 điều giới pháp.
Ưu bà tắc: Người nam tu tại gia quy y thọ năm điều giới pháp.
Ưu bà di: Người nữ tu tại gia quy y thọ năm điều giới
pháp.
Comments
Post a Comment