NGHI THỨC TỤNG
KINH A DI ĐÀ
TÁN LƯ HƯƠNG
Lò hương vừa nhen nhúm
Pháp giới đã được xông
Các Phật trong hải hội đều xa hay
Theo chỗ kết mây lành
Lòng thành mới ân cần
Các Phật hiện toàn thân.
NAM MÔ HƯƠNG VÂN CÁI BỒ TÁT MA HA TÁT. (3 lần)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT. (3 lần)
KỆ KHAI KINH
Pháp vi diệu rất sâu vô lượng
Trăm nghìn muôn ức kiếp khó gặp
Con nay nghe thấy được thọ trì
Nguyện hiểu nghĩa chơn thật của Như Lai.
Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ tát. (3 lần)
PHẬT NÓI
KINH A DI ĐÀ (1)
Hán dịch: Dao Tần Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch. (2)
1. KỲ VIÊN ĐẠI HỘI (3)
Ta nghe như vầy: Một thuở nọ Đức Phật ở nơi vườn Kỳ Thọ, cấp Cô
Độc nước Xá Vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ kheo câu hội: đều
là bậc đại A La Hán mọi người đều quen biết, như là:
Trưởng lão Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Ma Ha Ca
Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà,
La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lư Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân
Na, Bạc Câu La, A Nâu Lâu Đà, những vị đại đệ tử như thế.
Và hàng Đại Bồ tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ
tát, Càn Đà Ha Đề Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát... cùng với các vị Đại Bồ tát
như thế và với vô lượng chư Thiên như ông Thích Đề Hoàn Nhơn, v.v... đại chúng
cùng đến dự hội. (4)
2. Y BÁO CHÁNH BÁO (5)
Bấy giờ đức Phật bảo ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng: "Từ
đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong
thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói pháp.
3. Y BÁO TRANG NGHIÊM
Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc?
Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng
những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc. (6)
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng
mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế
nên nước đó tên là Cực Lạc. (7)
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu,
trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất.
Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên
ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha
lê, xa cừ, xích châu, mã não.
Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng
xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh
sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch. (8)
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường
ấy.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc
trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la.
Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa
đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ
ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành. (9)
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường
ấy.
Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có những giống chim màu sắc
xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng tần
già, Cọng mạng những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.
Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ
đề phần, bát thánh đạo phần, v.v... Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim
xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!
Xá Lợi Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội
báo sanh ra. Vì sao?
Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ. Xá Lợi Phất! Cõi của
đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim
đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa
làm ra đấy thôi. (10)
Xá Lợi Phất! Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động
các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí dụ như
trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung.
Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm
Pháp, niệm Tăng.
Xá Lợi Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang
nghiêm dường ấy.
4. CHÁNH BÁO VÔ LƯỢNG THÙ THẮNG
Xá Lợi Phất! Nơi ý ông nghĩ sao? Đức Phật đó vì sao hiệu là A Di
Đà?
Xá Lợi Phất! Đức Phật đó, hào quang sáng chói vô lượng, soi suốt
các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại vì thế nên hiệu là A Di Đà.
Xá Lợi Phất! Đức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng
vô biên a tăng kỳ kiếp, nên hiệu là A Di Đà. (11)
Xá Lợi Phất! Đức Phật A Di Đà thành Phật nhẫn lại đến nay, đã được
mười kiếp.
Xá Lợi Phất! Lại đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh văn đệ tử
đều là bực A La Hán, chẳng phải tính đếm mà có thể biết được, hàng Bồ tát chúng
cũng đông như thế.
Xá Lợi Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang
nghiêm dường ấy.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc, những chúng sanh vãng sanh
vào đó đều là bực bất thối chuyển.
Trong đó có rất nhiều vị bực Nhất sanh bổ xứ, số đó rất đông, chẳng
phải tính đếm mà biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên a tăng kỳ để
nói thôi!
Xá Lợi Phất! Chúng sanh nào nghe những điều trên đây, nên phải
phát nguyện cầu sanh về nước đó.
Vì sao? Vì đặng cùng với các bậc Thượng thiện nhơn như thế câu hội
một chỗ. (12)
5. NHƠN HẠNH VÃNG SANH
Xá Lợi Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên
mà được sanh về cõi đó.
Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức
Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc
hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy
ngày, một lòng không tạp loạn.
Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh
chúng hiện thân ở trước người đó.
Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về
cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. (13)
Xá Lợi Phất! Ta thấy có sự lợi ích ấy nên nói những lời như thế.
Nếu có chúng sinh nào, nghe những lời trên đó, nên phải phát
nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc.
6. SÁU PHƯƠNG PHẬT ĐỒNG
KHUYÊN TIN
Xá Lợi Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức lợi ích chẳng thể
nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà, phương Đông cũng có đức A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng
Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật. Hằng hà sa số những đức
Phật như thế đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam
thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên
tin kinh: “Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm
Này".
Xá Lợi Phất! Thế giới phương Nam, có đức Nhật Nguyệt Đăng Phật,
Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật.
Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng
dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng
sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết
Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá Lợi Phất! Thế giới phương Tây, có đức Vô Lượng Thọ Phật, Vô
Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bửu Tướng
Phật, Tịnh Quang Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều ở tại nước
mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời
thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả
Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá Lợi Phất! Thế giới phương Bắc, có đức Diệm Kiên Phật, Tối Thắng
Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhựt Sanh Phật, Võng Minh Phật. Hằng hà sa số những đức
Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam
thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên
tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm
Này".
Xá Lợi Phất! Thế giới phương Dưới, có đức Sư Tử Phật, Danh Văn
Phật, Danh Quang Phật, Đạt Mạ Phật, Pháp Tràng Phật, Trì Pháp Phật. Hằng hà sa
số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm
khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các
ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật
Sở Hộ Niệm Này".
Xá Lợi Phất! Thế giới phương trên, có đức Phạm âm Phật, Tú Vương
Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bửu Hoa
Nghiêm Thân Phật, Ta La Thọ Vương Phật, Bửu Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa
Phật, Như Tu Di Sơn Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước
mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời
thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả
Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này". (14)
Xá Lợi Phất! Nơi ý của ông nghĩ thế nào, vì sao tên là kinh: Nhứt
Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm?
Xá Lợi Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh
này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của đức Phật, thời những thiện nam tử cùng
thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển
nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Xá Lợi Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của
các đức Phật nói.
Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện,
sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà, thời những người ấy
đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; nơi cõi nước
kia, hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về.
Xá Lợi Phất! Cho nên các thiện nam tử thiện nữ nhân nếu người
nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.
7. THUYẾT KINH RẤT KHÓ
Xá Lợi Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ
bàn của các đức Phật, các đức Phật đó cũng ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ
bàn của Ta mà nói lời này: "Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất
khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến
trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, mà Ngài chứng được ngôi
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tất cả
thế gian khó tin này".
Xá Lợi Phất! Phải biết rằng Ta ở trong đời ác Ngũ trược thực
hành việc khó này: đặng thành bậc Vô thượng Chánh giác và vì tất cả thế gian
nói kinh pháp khó tin này, đó là rất khó! (15)
Đức Phật nói kinh này rồi, ngài Xá Lợi Phất cùng các vị Tỳ kheo,
tất cả trong đời: Trời, Người, A tu la, v.v... nghe lời của đức Phật dạy, đều
vui mừng tin nhận đảnh lễ mà lui ra.
BẠT NHỨT-THẾ NGHIỆP-CHƯỚNG
CĂN-BỔN ÐẮC SANH TINH ÐÔ ÐÀ-LA-NI
Nam-mô a di đa bà dạ. Ða tha dà đa dạ, Ða điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ. A di rị đa, tất đam bà tỳ, A di rị đa tỳ ca lan đế, A di rị đa tỳ ca lan đa, Dà di nị, dà dà na. Chỉ đa ca lệ, ta bà ha. (7 lần)
A DI ÐÀ PHẬT TÁN
Tây phương Giáo Chủ Tịnh độ Năng nhơn,
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh.
Phát nguyện thệ hoằng thâm.
Thượng phẩm thượng sanh,
Ðồng phó Bửu Liên thành.
Chí Tâm Ðảnh Lễ: (Mỗi câu đều đọc)
1. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Lượng
Quang Như Lai.
2. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Biên
Quang Như Lai.
3. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Ngại
Quang Như Lai.
4. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Ðối
Quang Như Lai.
5. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Diệm Vương
Quang Như Lai.
6. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Thanh Tịnh
Quang Như Lai.
7. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Hoan Hỉ
Quang Như Lai.
8. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Trí Huệ
Quang Như Lai.
9. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Nan Tư
Quang Như Lai.
10. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Bất Ðoạn
Quang Như Lai.
11. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Xưng
Quang Như Lai.
12. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực Lạc giới Di Ðà Hải hội, Siêu Nhật
Nguyệt Quang Như Lai.
Thích Nghĩa Kinh A Di Đà
(1) Trong kinh này, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuật nói chánh báo
và y báo thù thắng trang nghiêm của đức Phật A Di Đà Phật.
(2) Triều Tấn (Tàu), Dao Hưng chiếm một phần đất xưng Vương, quốc
hiệu là Tần nên gọi là Dao Tần.
Bực thông hiểu tam tạng: kinh, luật và luận, có thể giảng nói để
dạy mọi người nên gọi là Tam Tạng Pháp Sư.
Ngài Cưu Ma La Thập người xứ Thiên Trúc, qua Tàu làm một nhà dịch
kinh chữ Phạn ra chữ Tàu có danh tiếng nhất.
(3) Ông Cấp Cô Độc Trưởng giả mua khu vườn của ông Kỳ Đà Thái tử,
con vua Ba Tư Nặc, nước Xá Vệ. Thái tử cúng luôn rừng cây trong đó, rồi hai người
chung sức nhau dựng Tinh xá để thỉnh Phật cùng chúng hội về ở. Do đó nên hiệp cả
hai tên của hai người để đặt tên chốn ấy mà gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên vậy.
Đệ tử của đức Phật rất đông, không phải chỉ có 1.250 người,
nhưng vì 1.250 vị Đại A La Hán này là những vị được Phật độ trước và theo hầu cận
bên Phật luôn, nên trong kinh thường ước lược nói số đó.
(4) A Dật Đa là tên của đức Di Lặc Bồ tát.
Càn Đà Ha Đề Bồ tát là ngài Bất Hưu Tức Bồ tát.
Thích Đề Hoàn Nhân là tên của Đế Thích, vua cõi trời Đao Lợi.
(5) Y báo là chỗ nương ở, nhà cửa, ao vườn, v.v... gọi chung là
cõi nước, trong đây y báo là nước Cực Lạc.
Chánh báo là quả báo chánh thể, tức là loài người, trời, chim
thú, v.v... trong đây chánh báo là đức Phật A Di Đà cùng Bồ tát, Thanh văn,
v.v...
(6) Cõi nước ta đương ở đây gọi là Ta bà có không biết bao nhiêu
điều khổ lụy, nào tam khổ, bát khổ, v.v... Trái lại, bên cõi Cực Lạc chỉ thuần
có những điều vui sướng, nào tam lạc, bát lạc.
KHỔ Ở CÕI TA BÀ
1. Tam Khổ:
- Khổ khổ: mang thân sắc người nặng nề, nhơ uế, sống nay chết
mai này đã khổ lắm rồi, mà trên cái khổ đó lại còn chồng thêm không biết bao
nhiêu là sự khổ khác nữa, như già, bệnh, đói khát, nóng rét, v.v...
- Hoại khổ: vô thường biến đổi, thân mạng như chỉ mành, tang
thương xoay chuyển, như sương đầu cỏ, như móc buổi mai.
- Hành khổ: trong mỗi niệm, tâm tưởng, biến chuyển luôn không dừng...
2. Bát Khổ:
- Sanh khổ: ở thai bào tối tăm nhơ uế, lọt lòng đau khổ trăm bề.
- Lão khổ: lụm cụm già nua, mắt mờ tai điếc, trí lãng, thần hôn,
lưng mỏi, gối dùn, mặt nhăn đầu bạc...
- Bệnh khổ: đau rên bứt rứt, nhức nhối xót xa, ngồi nằm không
yên, đi đứng không ổn...
- Tử khổ: ngộp mệt, lộn tròng, méo miệng, chuyển xương, gân
rút...
- Cầu bất đắc khổ: lợi danh không toại, muốn phước trở mang họa,
cầu thọ mà yểu vong...
- Ái biệt ly khổ: cốt nhục phân tán, sanh biệt tử ly...
- Oán tắng tội khổ: oan gia đối đầu, cừu thù gặp gỡ.
- Ngũ ấm xí thạnh khổ: thân tâm dời đổi biến diệt, phút phút chẳng
dừng, như ngọn lửa phừng không khác.
VUI Ở CỰC LẠC
1. Tam Lạc:
- Lạc trung lạc: thân cùng độ đều thù thắng, thân nhẹ, cõi xinh,
ấm no, khương kiện...
- Bất biến hoại lạc: thân mạng trường tồn, cõi nước không thiêu
diệt...
- Bất động trí lạc: định huệ dung thông, chánh trí bất động...
2. Bát lạc:
- Sanh lạc: thác chất liên hoa, thanh tịnh hóa sanh...
- Vô lão lạc: mãi mãi trẻ trung, không già không yếu...
- Vô bịnh lạc: hằng hằng khương kiện, không bệnh, không đau...
- Vô tử lạc: thọ mạng vô cùng, trường sanh bất diệt...
- Toại nguyện lạc: tùy ý quả toại, y thực tự nhiên...
- Vô ái biệt ly lạc: bạn lành hải chúng, thân cận không rời...
- Vô oán tắng hội lạc: thuần là Thượng Thiện Nhân, đồng tâm xứng
ý...
- Vô ngũ ấm thạnh lạc: thân tâm thanh tịnh, thường trụ không dời...
Không đâu khổ bằng Ta bà, không đâu vui bằng Cực Lạc, vì thế mọi
người nên nhàm lìa chốn Ta bà mà nguyện về chốn Cực Lạc!
(7) Bốn báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Trong đây nói bốn báu mà
chính là gồm bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, và mã não.
Trong Quán Kinh nói: hoặc có thứ cây thuần bằng vàng, hoặc có thứ cây thuần bằng
bạc, v.v... hoặc có thứ cây thân bằng vàng lá bạc, nhánh lưu ly, v.v...
Dầu bằng chất thất bửu chớ vẫn là cây sống, cũng như cây bên này
bằng chất gỗ.
(8) Trong đây nói đất (địa) đó là chỉ thuận theo tiếng này mà gọi
thế, chớ chính thật cõi Cực Lạc thuần bằng chất vàng... Tuyệt không có thứ đất bùn
cát sỏi.
Tám công đức của nước trong ao bên Cực Lạc: 1) trong sạch, 2) nhẹ
nhàng, 3) mát mẻ, 4) ngon ngọt, 5) đượm thuần, 6) êm đềm hòa huỡn, 7) uống vào
hết đói khát, 8) bổ khỏe thân tâm.
(9) Người trong nước Cực Lạc đều có thần túc thông, trong nháy mắt
có thể đi trải qua vô lượng thế giới.
Đi kinh hành là đi vòng quanh chậm rãi, vừa đi vừa suy gẫm tưởng
niệm những pháp lành. Phật, Pháp và Tăng v.v... Đi kinh hành có hai điều lợi
ích: 1) Thâu nhiếp tâm tưởng vào chánh niệm, phục trừ tà niệm loạn tưởng cùng
biếng lười ngủ nghỉ, và 2) điều hoà thân thể, huyết khí lưu thông, tiêu hóa dễ
dàng.
(10) Ngũ căn: Tín, tấn, niệm, định, huệ: người tu hành có năm đức
này thời vững chắc trên đường đạo như cây có rễ nên gọi là ngũ căn (cội rễ).
Nếu tất cả cảnh duyên không thể khuấy rối làm lay động được, thời
năm đức trên gọi là ngũ lực (sức mạnh).
Thất Bồ Đề Phần cũng gọi là Thất giác chi (7 đức giác ngộ) là Trạch
pháp, Niệm, Tinh tấn, Hỉ, Khinh an, Định, và Xả.
Bát Thánh Đạo Phần là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh
nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định.
Ở trong cõi Ta bà này, những loài chim nhiếp thuộc vào Súc sanh
đạo, một ác đạo trong lục đạo, do ác nghiệp tội khiên mà chiêu cảm ra khổ báo ấy.
Chim bên Cực Lạc thời khác hẳn, không phải là giống vật tội báo cảm vời sanh
ra, mà do thần lực của đức A Di Đà biến hóa ra để làm cho pháp âm được lưu chuyển
khắp trong nước.
(11) Đoạn này là đức Phật tự định danh nghĩa của ba đức A Di Đà,
vì có hai điều vô lượng: 1) Vô lượng quang, 2) Vô lượng thọ, nên đức Phật bên
nước Cực Lạc hiệu là A Di Đà.
(12) A bệ bạt trí (Phạn âm) Hán dịch là bất thối chuyển, vào bực
này thời một mực đi trên đường Thánh thẳng đến thành Phật, không còn bị thối sụt
xuống phàm phu hay Tiểu thừa nữa. Tất cả mọi người được sanh về cõi Cực Lạc đều
vào bực bất thối cả, trong hàng bất thối lại có vô số bậc Nhứt sanh bổ xứ Bồ
tát (vì Bồ tát chỉ còn là Bồ tát trong một đời hiện tại, mãn đời hiện tại thời
thành Phật, như hiện nay đức Di Lặc Bồ tát ở cung trời Đâu Suất nội viện là bậc
Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát vậy).
Các bậc Thượng thiện nhân là chỉ các bậc Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát.
(13) Cõi Cực Lạc rất thù thắng trang nghiêm, phải có nhiều căn
lành phước đức mới được sanh về đó. Niệm Phật được nhất tâm bất loạn thời là
thành tựu căn lành phước đức rất lớn, đến khi lâm chung đức Phật A Di Đà cùng
Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát... phóng quang đến rước, quyết định đặng
sanh cõi Cực Lạc.
- Niệm Phật không còn có móng tưởng gì khác, không có mảy may
thinh sắc gì khác xen vào, vững vàng không xao động gọi là Nhứt tâm bất loạn.
(14) Người tu Tịnh độ phải có đủ ba điều: Tín (tin thật), Hạnh
(chuyên tâm niệm Phật) và Nguyện (thiết tha muốn được sanh về cõi Cực Lạc)
Trong ba điều này, lòng tin đứng trước cả mà cũng là nền tảng của tất cả căn
lành vì thế nên chư Phật ở sáu phương đồng khuyên bảo, cho mọi người sanh lòng
tin chắc chắn quyết định.
- Hằng hà sa số: là số cát sông Hằng. Sông Hằng là con sông lớn
bên Thiên Trúc, nguồn từ dãy núi Hi Mã, chảy ngang xứ Thiên Trúc, đổ vào Ấn Độ
Dương. Lòng sông và hai bên bãi có cát rất nhiều và rất mịn. Đương thời đức Phật
thường nói pháp gần bên sông, nên phàm khi muốn chỉ một số lớn quá nhiều thời
mượn số cát trong sông Hằng mà nói.
- Tướng lưỡi rộng dài biểu tượng của sự thành thật. Trong kinh
nói người nào chót lưỡi liếm đến đầu mũi, thời người ấy trong ba đời đã qua
không hề có một lời nói dối. Lưỡi dài liếm đến đầu mũi còn như thế, huống nữa
là rộng dài trùm khắp cả thế giới?
- Một thái dương hệ là một tiểu thế giới. Một nghìn tiểu thế giới
là một tiểu thiên thế giới. Một nghìn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế
giới. Một nghìn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Trải qua ba lần
nhân cho số nghìn, nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới (1 tiểu thế giới x
1.000 x 1.000 x 1.000 = Đại thiên thế giới).
Đại thiên thế giới của ta ở đây tên là Ta bà (Phạm âm) dịch là
Kham nhẫn ngụ ý rằng trong cõi này có vô lượng sự thống khổ, mà chúng sanh
trong đó vẫn kham chịu được.
(15) Ngũ trựơc:
1) Kiếp trược: kiếp là chỉ cho thời đại, thời gian. Trong thời đại
nào mà có các món trược dưới đây thời là thời đại đục nhơ.
2) Kiến trược: Những điêu mê chấp, tà kiến, điên đảo.
3) Phiền não trược: Các tâm niệm bất thiện như tham, sân, si, mạn
bất tín.
4) Chúng sanh trược: Năm ấm (sắc, thọ,...) hiệp hội sanh diệt chẳng
dừng.
5) Mạng trược: Số thọ rất ngắn, sống nay chết mai, mạng sống
trong hơi thở.
Năm món trên đây tánh cách nhiễu não, sai lầm, biến đổi vô thường
nên gọi là trược (nhơ đục).
PHỤ LỤC VÀI TÍCH VÃNG SANH CÓ CHỨNG NGHIỆM
Những sự tích của các vị tu Tịnh độ được vãng sanh mà chúng ta
được đọc đến, hầu hết là trích dịch ở sách Tàu mà những vị được vãng sanh kia
là người Tàu. Người trong nước ta tu Tịnh độ, từ xưa đến nay há lại không có
người được vãng sanh ư? Nếu có, sao không thấy sách nào ghi đến? Có vãng sanh
cùng chép vào sách là 2 chuyện. Từ xưa đến nay Người trong nước ta tu Tịnh độ
được vãng sanh rất nhiều, nhưng vì thiếu sót sự ký lục, thiếu sự lưu truyền,
nên dầu có nhiều mà ít người được biết, có biết cũng chỉ riêng nơi nhóm người
được mục kích, nhưng rồi nó cũng theo thời gian mà phai lần.
Nhưng chính tôi cũng từng nghe biết nhiều người tu Tịnh độ khi
lâm chung có chứng nghiệm chắc chắn được vãng sanh nhưng vì không ghi chép,
không thường lập lại trong trí, nên nay thấy sự khuyết điểm như vừa nói ở trên,
muốn tường thuật lại thời đã quên lãng gần hết, hoặc nhớ người mà quên tên họ,
năm tháng v.v... Ghi chép mà không rành rẽ tên họ chỗ nơi, thời làm thế nào mà
thủ tín được!
Vài sự tích chép dưới đây may chăng nó có thể làm tiền phong bổ
cứu điều khuyết điểm trên, mà từ đây về sau, lần lượt mọi người được đọc những
trang tiểu sử vãng sanh có chứng nghiệm của các nhà đạo tâm vì mục đích vị tha
tường thuật, để thiệt nghiệm lời Phật đã dạy và nẩy nở tín tâm của mình.
Ngày 10-10 Mậu Tý (1948 D.L)
NÁN LẠI MỘT NGÀY
Bà Nguyễn thị Danh pháp danh Đạt Nhiên, người làng Thanh Hà hạt
Chợ lớn, gần 60 tuổi mới phát tâm cầu đạo thọ pháp với Sự Cụ chùa Tôn Thạnh
chuyên tâm tu tịnh nghiệp. Đến năm Ất Dậu 1945 D.L (năm bà 68 tuổi), bà nhuốm bịnh.
Biết trước giờ vãng sanh. Ngày 7 tháng 4, bà sai người đến chùa Tôn Thạnh thỉnh
Sư Cụ Liễu Thoàn rằng: “Ngày mùng 8 tháng 4 này, bà theo Phật, xin thỉnh Sư Cụ
đến ngày đó xuống nhà để bà từ tạ”.
Nhưng vì ngày mùng 8 tháng 4 là ngày lễ Đản sanh của Đức Phật
Thích Ca, Sư Cụ mắc ở lại chùa hành lễ, nên thành ra sáng mùng 9 Sư Cụ mới xuống
đến. Thấy Sư Cụ bà mừng rỡ mà bạch rằng: “Từ hôm qua tới nay, tôi trông Thầy lắm.
Trước khi về Phật, tôi muốn gặp Thầy để tạ từ. Đáng lẽ tôi đã đi hồi trưa hôm
qua song vì chờ Thầy nên tôi phải nán lại tới hôm nay. Bây giờ tội sắp đi, xin
nhờ Thầy hộ cho một biến kinh”.
Sư Cụ cùng vài người đệ tử lên trước bàn Phật tụng kinh A Di Đà,
vừa xong quyển, thời bà ngồi chắp tay niệm Phật mà quy Tây. Có hai người con
trai đều xuất gia, hiện đương coi chùa Linh Phong tại làng Tân Hiệp, tỉnh Mỹ
Tho.
Ý NGUYỆN VÃNG SANH
Bà Trần Thị Lai, người ở làng Tân Kim hạt Chợ Lớn, năm 45 tuổi
phát tâm tu hành. Có lời nguyện rằng: “Tôi quyết chí tu hành, xin Phật cho tôi
được vãng sanh vào ngày vía Đức A Di Đà Phật” (17 tháng 11).
Quả nhiên, đến ngày 17 tháng 11 năm Đinh Hợi (1947 D.L), bà niệm
Phật mà từ trần.
Con cháu của bà đều xuất gia, hiện nay đang tu tại chùa Pháp
Tánh (làng Tân Kim Chợ Lớn).
BIẾT TRƯỚC NGÀY GIỜ VÃNG SANH
Ông Hồ Văn Định, người làng Long An (Chợ Lớn), năm 42 tuổi phát
tâm mộ đạo, chuyên ròng niệm Phật tụng kinh.
Đến năm Mậu Tý (1948 D.L) ngày mùng 3 tháng 9, ông nói trước vợ
con rằng: “Đến giờ Thân, thời tôi về Phật”.
Thật giờ Thân ông chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.
Ba tích vãng sanh trên đây là của Sư Cụ Liễu Thoàn (Hòa thượng
chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc) tường thuật. Sư Cụ tự nói rằng những người tu Tịnh
độ lúc lâm chung có thiệt nghiệm là được vãng sanh. Sư Cụ tường thuật đây, đều
là tận mắt Sư Cụ mục kích trong khi Sư Cụ đến hộ niệm. Ngoài ra Sư Cụ còn thuật
thêm 7 người nữa, như ông Nguyễn Văn Xá (làng Quy Đức) niệm Phật chờ mây trắng
đến mà từ trần. Cô Nguyễn Thị Sao (làng Mỹ Lệ) trước giờ lâm chung thấy ba lằn
mống bạc xẹt ngang mình từ Đông sang Tây, vân vân...
Ôi! Sanh không biết từ đâu đến, chết không biết rồi sẽ về đâu,
hãi hùng kinh sợ, giật mình lăn lộn, mắt trợn ngược, miệng kéo xếch, ngột hơi cứng
lưỡi, chơn rút, tay vinh vân vân... kể sao cho hết cảnh trạng thống khổ trong
khi sắp chết của một phần đông trong số người cả đời không biết gì là điều
lành, là đạo đức.
Muốn “tử an” há lại dễ được lắm ư! Câu tử khổ từ xưa đức Phật đã
từng răn nhắc! muốn khỏi “tử khổ” phải làm thế nào?
Kinh nói: “khi con người sắp chết, thời tất cả cảnh tượng của những
điều ác hay lành trọn trong đời của người đó gây tạo đều tuần tự phô diễn lại
trong trí của người đó. Nếu cảnh dữ thời sẽ chết một cách đau khổ, sợ sệt. Còn
cảnh lành thời đi một cách yên vui vững vàng”. Biết trước ngày giờ mình sẽ từ
giã thân ô trược này, khi đi thong dong tự tại, là những điều dành riêng cho những
người hành đạo chơn chánh và đã đắc lực, mà dễ được nhứt là người tu về PHÁP
MÔN TỊNH ĐỘ (niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc).
Ngày thường đã tu Tịnh độ thời là đã vun trồng chánh nhơn Tịnh độ.
Nhơn thành thời kết quả. Trong kinh đức Phật có dạy: “Này Xá Lợi Phất! Nếu có
người đã phát nguyện, hiện phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Cực Lạc
của đức Phật A Di Đà... nơi cõi nước kia hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay
sanh về, hoặc sẽ sanh về”.
Lời của đức Phật, đấng Thiên Nhơn Sư, phán ra quyết định là đúng
thật, đó là điều mà từ xưa đến nay, người có chánh tín, không ai là không công
nhận PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ (niệm Phật A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc) là pháp môn vừa
thù thắng nhứt vừa giản tiện nhứt đó là lời các vị Tổ Sư thường nói.
Thù thắng nhứt, vì người tu Tịnh độ mau chứng bực “bất thối”,
mau “thành Phật”. Cho đến ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền là bực Pháp Vương Tử mà
còn nguyện sanh thay!
Giản tiện nhứt, vì mọi người, bất luận là trí, ngu, nam, nữ, đều
có thể thật hành và đều có thể thành tựu.
Xem như nguyện của Bà Danh v.v... đến già mới phát tâm. Thời
gian tu hành không bao lâu, mà đều có phần tự tại an vui khi lâm chung: người
thời ngừng sự chết lại, người thời y như chỗ mình nguyện cầu, người biết rõ giờ
khắc... Những sự tự tại an vui khi lâm chung của người tu Tịnh độ là thoại ứng
được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc vậy.
Người tu Tịnh độ được như thế là do nhờ sức đại nguyện của đức
Phật A Di Đà nhiếp thọ.
Trong kinh “Vô Lượng Thọ Phật”. Đức A Di Đà khi tu hạnh Bồ tát
có phát 48 điều đại nguyện để nhiếp sanh. Ngài đã thật hành đầy đủ 48 điều đó,
và hiện tại cũng như vị lai Ngài vẫn dung 48 điều đại nguyện đó bủa khắp pháp
giới để tiếp độ muôn loài.
48 Điều Đại Nguyện Của Đức Phật A Di Đà
1. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, trong cõi nước của Ta còn có Địa
ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
2. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta sau khi mạng chung còn phải đọa vào ba ác đạo thì Ta nguyện không chứng lấy
quả Chánh giác.
3. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà tất cả thân thể của hàng Trời,
Người trong nước Ta chẳng thuần vàng ròng cả thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
4. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hình sắc của hàng Trời, Người
trong nước Ta có tốt xấu không đồng nhau thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
5. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta chẳng biết túc mạng, ít nhất là biết những việc trong trăm nghìn ức vô số kiếp
thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
6. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta chẳng đặng thiên nhãn, ít nhứt là thấy trăm nghìn ức vô số cõi nước của chư
Phật thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
7. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta chẳng đặng thiên nhĩ, ít nhứt là nghe lời thuyết pháp của trăm nghìn ức vô số
chư Phật và chẳng thọ trì trọn vẹn được, thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
8. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta chẳng đặng tha tâm trí, ít nhứt là rõ biết tâm niệm của chúng sanh trong
trăm nghìn ức vô số cõi nước của chư Phật, thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
9. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta chẳng đặng thần túc, ít nhứt là khoảng một niệm qua đến trăm nghìn ức vô số
nước Phật thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
10. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong nước
Ta nếu sanh lòng tưởng nghĩ tham chấp nơi thân mình thì Ta nguyện không chứng lấy
quả Chánh giác.
11. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong nước
Ta, chẳng trụ trong dòng chánh định mãi đến lúc thành Phật, thì Ta nguyện không
chứng lấy quả Chánh giác.
12. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, ánh sáng của Ta còn có hạn lượng,
ít nhứt chẳng chiếu thấu trăm nghìn ức vô số cõi nước của chư Phật thì Ta nguyện
không chứng lấy quả Chánh giác.
13. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, thọ mạng của Ta còn có hạn lượng,
ít nhứt là trăm nghìn ức vô số kiếp thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh
giác.
14. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mà có người tính đếm biết được
số của hàng Thanh văn trong nước Ta, hoặc giả nhẫn đến tất cả chúng sanh trong
cõi Tam thiên Ðại thiên đều thành bực Duyên giác cùng nhau chung tính đếm suốt
trăm nghìn kiếp mà biết rõ được số Thanh văn ấy thì Ta nguyện không chứng lấy
quả Chánh giác.
15. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, thọ mạng của hàng Trời, Người
trong nước Ta không có hạn lượng, trừ khi họ có bổn nguyện riêng, dài ngắn tự tại
theo ý muốn. Nếu chẳng như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
16. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong nước
Ta nhẫn đến nghe có tên bất thiện thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
17. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật
chẳng đều ngợi khen xưng tụng danh hiệu của Ta thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
18. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí
tâm tin ưa muốn sanh về nước Ta nhẫn đến trong mười niệm, nếu không được vãng
sanh thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác. Chỉ trừ người phạm tội ngũ
nghịch và chê bai chánh pháp.
19. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát
Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước của Ta. Đến
lúc người đó mạng chung, nếu Ta chẳng cùng với đại chúng vây quanh hiện ra nơi
trước người đó. Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
20. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe
danh hiệu của Ta, chuyên nhớ nước Ta, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng
muốn sanh về nước Ta mà chẳng được toại nguyện thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
21. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong nước
Ta chẳng đều thành tựu đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhơn thì Ta nguyện không chứng
lấy quả Chánh giác.
22. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở cõi nước khác
sanh về nước Ta rốt ráo tất cả đến bực nhứt sanh bổ xứ. Trừ người có bổn nguyện
tự tại hóa độ, vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ chứa công đức độ thoát tất cả,
đi qua các nước Phật tu hạnh Bồ tát, cúng dường chư Phật mười phương, khai hóa
hằng sa vô lượng chúng sanh khiến họ trụ nơi đạo chánh chơn Vô thượng, vượt hơn
công hạnh của hạng tầm thường, hiện tiền tu tập công đức Phổ Hiền. Nếu không
như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
23. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, Bồ tát trong nước Ta thừa thần
lực Phật mà đi cúng dường chư Phật, khoảng bữa ăn nếu không đến khắp vô số vô
lượng ức na do tha cõi nước thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
24. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, Bồ tát trong nước Ta ở trước
chư Phật hiện công đức mình, nếu những thứ dùng để cúng dường không có đủ theo
ý muốn thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
25. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, Bồ tát trong nước Ta không thể
diễn nói nhứt thiết trí thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
26. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, Bồ tát trong nước Ta chẳng đặng
thân Kim Cương bền chắc thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
27. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, trong nước Ta những hàng Trời,
Người và tất cả muôn vật đều đẹp đẽ, trong sạch, sáng rỡ hình sắc lạ thường, rất
nhiệm, rất mầu, không ai có thể cân lường được, dầu là người có thiên nhãn mà
biện biệt được danh số ấy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
28. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Bồ tát trong nước Ta, nhẫn
đến những người công đức kém ít mà chẳng thấy biết được đạo tràng thọ màu sáng
vô lượng cao bốn trăm muôn dặm thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
29. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, Bồ tát trong nước Ta nếu đọc
tụng thọ trì diễn thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài thì Ta nguyện
không chứng lấy quả Chánh giác.
30. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, trí huệ biện tài của Bồ tát
trong nước Ta mà có hạn lượng thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
31. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, nước Ta thanh tịnh soi thấy tất
cả vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật mười phương, như gương sáng
soi hiện hình gương mặt, nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả
Chánh giác.
32. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, từ mặt đất lên đến hư không,
những cung điện, lâu đài, ao nước, cây hoa, tất cả vạn vật trong nước Ta đều
dùng vô lượng châu báu, trăm nghìn thứ hương hiệp lại làm thành xinh đẹp kỳ lạ
hơn hàng Trời, Người. Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới mười phương. Bồ tát
nghe mùi hương ấy đều tu hạnh Phật. Nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng
lấy quả Chánh giác.
33. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, những loài chúng sanh của vô
lượng bất tư nghị thế giới mười phương, được quang minh Ta chiếu đến thân, thân
họ nhu nhuyến hơn hẳn hàng Trời, Người. Nếu không như vậy thì Ta nguyện không
chứng lấy quả Chánh giác.
34. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, những loài chúng sanh của vô
lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu Ta mà chẳng được Bồ tát
vô sanh pháp nhẫn các thâm tổng trì thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh
giác.
35. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng nữ nhơn của vô lượng bất
tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu Ta vui mừng tin ưa phát tâm Bồ đề
nhàm ghét thân người nữ, nếu sau khi chết mà họ còn sanh thân người nữ lại thì
Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
36. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát trong vô lượng bất
tư nghì thế giới mười phương thế giới nghe danh hiệu Ta sau khi thọ chung thường
tu phạm hạnh đến thành Phật đạo. Nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy
quả Chánh giác.
37. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong vô lượng
bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu Ta rồi năm vóc gieo xuống đất
cúi đầu vái lạy vui mừng tin ưa tu hạnh Bồ tát thì được chư Thiên và người đời
đều kính trọng. Nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
38. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong nước
Ta muốn được y phục liền tùy nguyện hiện đến, y phục đẹp đúng pháp như Phật
khen ngợi tự nhiên mặc trên thân. Nếu còn phải may cắt nhuộm giặt thì Ta nguyện
không chứng lấy quả Chánh giác.
39. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong nước
Ta hưởng thọ khoái lạc chẳng như bực lậu tận Tỳ Kheo thì Ta nguyện không chứng
lấy quả Chánh giác.
40. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, Bồ tát nước Ta tùy ý muốn thấy
vô lượng nước Phật trang nghiêm thanh tịnh mười phương thì liền được toại nguyện,
đều được soi thấy ở trong những cây báu, như thấy mặt mình hiện rõ trong gương
sáng. Nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
41. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta, từ đó đến lúc thành Phật nếu các căn thân còn thiếu xấu
chẳng được đầy đủ thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
42. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta thảy đều chứng được thanh tịnh giải thoát Tam muội, khoảng
một lúc phát ý, cúng dường vô lượng bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà không
mất tâm chánh định. Nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh
giác.
43. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta, sau lúc thọ chung sanh nhà tôn quý. Nếu không như vậy
thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
44. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta vui mừng hớn hở tu hạnh Bồ tát đầy đủ cội công đức. Nếu
không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
45. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta thảy đều chứng được phổ đẳng Tam muội, an trụ trong Tam
muội này đến lúc thành Phật thường thấy vô lượng bất khả tư nghị tất cả chư Phật.
Nếu không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
46. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở trong nước Ta
tùy chí nguyện của mỗi người muốn được nghe pháp liền tự nhiên được nghe. Nếu
không như vậy thì Ta nguyện không chứng lấy quả Chánh giác.
47. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta mà chẳng liền được đến bực bất thối chuyển thì Ta nguyện
không chứng lấy quả Chánh giác.
48. Giả sử khi Ta đặng thành Phật, chúng Bồ tát ở quốc độ phương
khác nghe danh hiệu Ta mà chẳng liền được đệ nhứt nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam
pháp nhẫn, nơi các Phật pháp chẳng liền được bực bất thối chuyển thì Ta nguyện
không chứng lấy quả Chánh giác.
Trong kinh lại nói: Sau khi thuật 48 điều đại nguyện xong đức Phật
phán tiếp: “Này A Nan! Ngài Pháp Tạng Tỳ kheo (tiền thân của đức Phật A Di Đà)
vừa phát nguyện và nói tụng xong, liền đó khắp cõi đại địa sáu điệu vang động.
Trời rưới hoa báu để rải trên mình Ngài Pháp Tạng. Âm nhạc tự nhiên trên hư
không vang ra tiếng khen rằng: quyết định chắc chứng thành quả Vô thượng Chánh
giác! Đó rồi Ngài Pháp Tạng Tỳ kheo tu hoàn toàn đầy đủ các đại nguyện như thế
chắc thiệt chẳng dối... Pháp Tạng Bồ tát nay đã thành Phật hiện ở nước Cực Lạc
bên phương Tây, cách đây mười muôn ức cõi...”
Mười phương chư Phật ba đời
Di Ðà bực nhứt chẳng rời quần sanh
Sen vàng chín phẩm sẵn dành
Oai linh đức cả đã thành vô biên
Nay con dưng tấm lòng thiềng.
Nam Mô Lạc Bang Giáo Chủ Đại Từ Bi Phụ A Di Đà Phật.
Comments
Post a Comment