KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
PHẨM “QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT PHỔ-MÔN”
THỨ HAI MƯƠI LĂM
Hán dịch: Dao Tần Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch.
HƯƠNG TÁN
Chiên đàn hải ngạn,
Lư nhiệt danh hương.
Da du tử mẫu lưỡng vô ương,
Hỏa nội đắc thanh lương.
Chí tâm kim tương,
Nhất chú biến thập phương. (1)
Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT. (3 lần)
KHAI KINH KỆ
Pháp vi diệu rất sâu vô lượng
Trăm nghìn muôn ức kiếp khó gặp
Con nay nghe thấy được thọ trì
Nguyện hiểu nghĩa chơn thật của Như Lai.
Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ tát. (3 lần)
NAM MÔ THÁNH QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT. (3 lần)
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
PHẨM “QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT PHỔ-MÔN” (2)
THỨ HAI MƯƠI LĂM
1. BẠCH HỎI SỞ NHƠN
Lúc bấy giờ, Ngài Vô Tận Ý Bồ tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch
áo bày vai hữu, chắp tay hướng Phật (3) mà bạch rằng: "Thế Tôn! Ngài Quán
Thế Âm Bồ tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?"
2. THOÁT TÁM ĐIỀU NẠN
Phật bảo Ngài Vô Tận Ý Bồ tát: "Thiện nam tử! Nếu có vô lượng
trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các sự khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ tát này
một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được
giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát này, dầu vào trong
lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của Bồ tát này vậy.
Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ tát này liền được chỗ
cạn.
Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm các thứ châu báu
như: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu nên vào
trong biển lớn.
Giả sử gió bão thổi ghe thuyền của kẻ kia trôi tấp nơi nước quỉ
La sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát,
thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ La sát. Do nhân duyên đó mà tên
là Quán Thế Âm.
Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ
tát, thời dao gậy của người kia cầm liền gãy từng khúc, người ấy được thoát khỏi.
Nếu quỉ Dạ xoa cùng La sát đầy trong cõi Tam thiên đại thiên (4)
muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, thời các quỉ dữ đó
còn không có thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.
Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng
xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát thảy đều đứt rã, liền
được thoát khỏi.
Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi Tam thiên đại thiên, có một vị
thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, đi ngang qua nơi đường hiểm
trở, trong đó có một người xướng rằng: "Các thiện nam tử! Chớ nên sợ sệt,
các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, vị Bồ tát đó hay
đem pháp vô úy thí cho chúng sinh, các ông nếu xưng danh hiệu Ngài thời sẽ được
thoát khỏi oán tặc này".
Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: "Nam Mô
Quán Thế Âm Bồ tát!", vì xưng danh hiệu Bồ tát nên liền được thoát khỏi.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm đại Bồ tát sức oai thần to lớn như thế.
3. TRỪ BA ĐỘC
Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm
Quán Thế Âm Bồ tát, liền được lìa lòng dâm ý dục.
Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ
tát, liền được lìa lòng giận.
Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ
tát, liền được lìa ngu si.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát có những sức uy thần rộng lớn, nhiều
lợi ích như thế, cho nên chúng sinh thường phải một lòng tưởng nhớ đến Ngài.
4. TOẠI HAI ĐIỀU CẦU
Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường
Quán Thế Âm Bồ tát, liền sinh con trai phước đức trí tuệ; giả sử muốn cầu con
gái, bèn sinh con gái có tướng xinh đẹp, vì trước đã trồng cội phước đức, mọi
người đều kính mến.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát có sức oai thần như thế.
5. SO SÁNH CÔNG ĐỨC LỄ NIỆM
Nếu có chúng sinh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ tát, thời phước
đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sinh đều phải thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm
Bồ tát.
Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng
hà sa (5) Bồ tát lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống y phục, giường nằm thuốc
thang. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, người thiện nữ nhân đó
có nhiều chăng?"
Vô Tận Ý thưa: "Bạch Thế Tôn! Rất nhiều".
Phật dạy: "Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ
tát, nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường, thời phước của hai người đó bằng nhau
không khác, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.
Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát được vô lượng vô
biên phước đức lợi ích như thế."
6. MƯỜI CHÍN LOẠI THUYẾT PHÁP
Ngài Vô Tận Ý Bồ tát bạch Phật rằng: "Thế Tôn, Quán Thế Âm
Bồ tát dạo đi trong cõi Ta bà như thế nào? Vì chúng sanh nói pháp như thế nào?
Sức phương tiện của ngài như thế nào?"
Phật bảo Vô Tận Ý Bồ tát: "Thiện nam tử! Nếu có chúng sinh
trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật đặng độ thoát thời Quán Thế Âm Bồ tát liền
hiện thân Phật vì đó mà nói pháp.
Người đáng dùng thân Duyên giác đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Duyên giác mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thanh văn đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Thanh văn mà vì đó nói pháp. (7)
Người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Ðế Thích đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Ðế Thích mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tự tại thiên đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Tự tại thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Ðại Tự tại thiên đặng độ thoát, Bồ tát liền
hiện thân Ðại Tự tại thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thiên đại tướng quân đặng độ thoát, Bồ tát
liền hiện thân Thiên đại tướng quân mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tỳ Sa môn đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Tỳ Sa môn mà vì đó nói pháp. (8)
Người đáng dùng thân Tiểu vương đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Tiểu vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Trưởng giả đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Trưởng giả mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Cư sĩ đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện thân
Cư sĩ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tể quan đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Tể quan mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Bà la môn đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện
thân Bà la môn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đặng
độ thoát, Bồ tát liền hiện thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di mà vì
đó nói pháp.
Người đáng dùng thân phụ nữ của Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà
la môn đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện thân phụ nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ đặng độ thoát, Bồ tát liền
hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la,
Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhân cùng phi nhân đặng độ thoát, Bồ tát
liền đều hiện ra mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thần Chấp Kim Cang đặng độ thoát, Bồ tát liền
hiện thân Thần Chấp Kim Cang mà vì đó nói pháp. (9)
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát đó thành tựu công đức như thế, dùng
các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh như thế, cho
nên các ông phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát.
Quán Thế Âm Ðại Bồ tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự
vô úy, cho nên cõi Ta bà này đều gọi Ngài là vị "Thí Vô Úy". (10)
7. CÚNG DƯỜNG
Vô Tận Ý Bồ tát bạch Phật: "Thế Tôn! Con nay xin cúng dường
Quán Thế Âm Bồ tát". Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị
trăm nghìn lạng vàng, đem cúng dường cho Ngài Quán Thế Âm mà nói rằng:
"Xin Ngài nhận chuỗi ngọc trân bảo pháp thí này."
Khi ấy Quán Thế Âm Bồ tát chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô Tận Ý lại
thưa cùng Quán Thế Âm Bồ tát rằng: "Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận
chuỗi ngọc này".
Bấy giờ, Phật bảo Quán Thế Âm Bồ tát: "Ông nên thương Vô Tận
Ý Bồ tát này và hàng tứ chúng (11) cùng Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu
la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhân và phi nhân v.v... mà nhận chuỗi
ngọc đó".
Tức thời Quán Thế Âm Bồ tát thương hàng tứ chúng và Trời, Rồng,
Nhân, Phi nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: một phần dâng đức
Thích Ca Mâu Ni Phật, một phần dâng vào tháp của Phật Ða Bảo. (12)
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát có sức oai thần tự tại như thế, dạo
đi nơi cõi Ta bà.
8. TRÙNG TỤNG (13)
Lúc đó, Ngài Vô Tận Ý Bồ tát nói kệ hỏi Phật rằng:
- Thế Tôn đủ tướng tốt!
Con nay lại hỏi kia
Phật tử nhân duyên gì (14)
Tên là Quán Thế Âm?
- Ðấng đầy đủ tướng tốt
Kệ đáp Vô Tận Ý:
Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng các nơi chỗ.
- Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn (15)
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
- Ta vì ông lược nói
Nghe tên cùng thấy thân
Tâm niệm chẳng luống qua
Hay diệt khổ các cõi. (16)
- Giả sử sinh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
- Hoặc trôi dạt biển lớn
Các nạn quỉ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm được.
- Hoặc ở chót Tu di (17)
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhật treo không.
- Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông.
- Hoặc gặp oán tặc vây
Ðều cầm dao làm hại
Do sức niệm Quán Âm
Ðều liền sinh lòng lành.
- Hoặc bị khổ nạn vua
Khi hành hình sắp chết
Do sức niệm Quán Âm
Dao liền gãy từng đoạn.
- Hoặc tù cấm xiềng xích
Tay chân bị gông cùm
Do sức niệm Quán Âm
Tháo rã được giải thoát.
- Nguyền rủa các thuốc độc
Muốn hại đến thân đó
Do sức niệm Quán Âm
Trở hại nơi bổn nhân (18).
- Hoặc gặp La sát dữ
Rồng độc các loài quỉ
Do sức niệm Quán Âm
Liền đều không dám hại.
- Hoặc thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Do sức niệm Quán Âm
Vội vàng bỏ chạy thẳng.
- Rắn độc cùng bò cạp
Hơi độc khói lửa đốt
Do sức niệm Quán Âm
Nghe tiếng tự bỏ đi.
- Mây sấm nổ sét đánh
Tuôn giá xối mưa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Liền được tiêu tan cả.
- Chúng sinh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian.
- Ðầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện.
- Các loài trong đường dữ:
Ðịa ngục, Quỉ, Súc sanh
Sinh, già, bịnh, chết khổ
Lần đều khiến dứt hết.
- Chân quán, thanh tịnh quán
Trí tuệ quán rộng lớn
Bi quán và từ quán (19)
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.
- Sáng thanh tịnh không nhơ
Tuệ nhật phá các tối (20)
Hay phục tai gió lửa
Khắp soi sáng thế gian.
- Lòng bi răn như sấm
Ý Tứ diệu dường mây
Xối mưa pháp cam lộ
Dứt trừ lửa phiền não. (21)
- Cãi kiện qua chỗ quan
Trong quân trận sợ sệt
Do sức niệm Quán Âm
Cừu oán đều lui tan.
- Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm âm, Hải Triều Âm (22)
Tiếng hơn thế gian kia
Cho nên thường phải niệm.
- Niệm niệm chớ sanh nghi
Quán Âm bậc tịnh thánh
Nơi khổ não nạn chết
Hay vì làm nương cậy. (23)
- Ðủ tất cả công đức
Mắt lành trông chúng sanh
Biển phước lớn không lường
Cho nên phải đảnh lễ.
9. TỔNG KẾT NGHE KINH ĐẶNG CÔNG ĐỨC
LỚN
Bấy giờ, Ngài Trì Ðịa Bồ tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước
Phật bạch rằng: "Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ
tát đạo nghiệp tự tại, Phổ môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công
đức của người đó chẳng ít".
Lúc Phật nói phẩm Phổ môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn
chúng sanh đều phát tâm Vô đẳng đẳng, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
PHẨM “QUÁN-THẾ-ÂM BỒ-TÁT PHỔ-MÔN”
CHƠN NGÔN VIẾT:
ÁN, ĐA RỊ ĐA RỊ, ĐỐT ĐA RỊ, ĐỐT ĐỐT ĐA RỊ,TA-BÀ HA. (7 LẦN)
LỤC TỰ ÐẠI MINH CHƠN NGÔN:
ÁN, MA NI BÁT DI HỒNG. (108 LẦN)
PHỔ MÔN TÁN:
Phổ môn thị hiện
Cứu khổ tầm thinh
Từ bi thuyết pháp độ mê tân
Phó cảm ứng tùy hình
Tứ hải thanh ninh
Bát nạn vĩnh vô xâm. (25)
THẬP NHỊ NGUYỆN:
(Mười Hai Điều Nguyện)
1. Nam mô hiệu Viên thông danh Tự tại, Quán Âm Như Lai, quảng
phát hoằng thệ nguyện. (26)
2. Nam mô nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quán Âm Như Lai, thường cư
Nam hải nguyện.
3. Nam mô trụ Ta bà, U minh giới, Quán Âm Như Lai, tầm thinh cứu
khổ nguyện.
4. Nam mô hàng tà ma trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai, năng trừ
nguy hiểm nguyện.
5. Nam mô thanh tịnh bình, thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai, cam
lộ sái tâm nguyện.
6. Nam mô đại Từ bi, năng hỷ xả, Quán Âm Như Lai, thường hành
bình đẳng nguyện.
7. Nam mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quán Âm Như Lai, thệ diệt tam
đồ nguyện. (27)
8. Nam mô vọng nam nham, cần lễ bái, Quán Âm Như Lai, già tỏa giải
thoát nguyện.
9. Nam mô tạo pháp, thuyền du khổ hải, Quán Âm Như Lai, độ tận
chúng sanh nguyện.
10. Nam mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quán Âm Như Lai, tiếp dẫn
Tây Phương nguyện.
11. Nam mô Vô lượng thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như Lai, Di Ðà
thọ ký nguyện.
12. Nam mô đoan nghiêm thân, vô tỉ tái, Quán Âm Như Lai, quả tu
thập nhị nguyện.
CỬ TÁN
Quan Âm Đại sĩ
Phổ hiệu viên thông
Thập nhị đại nguyện thệ hoằng thâm
Khổ hải phiếm từ phong
Phổ tế tâm dung
Sát sát hiện vô cùng.
NAM MÔ THÁNH QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT MA HA TÁT. (3 lần)
Thích Nghĩa Kinh Phổ Môn
(1) Trong kinh Pháp Hoa phẩm Dược
Vương Bồ tát Bổn sự có câu: “Lại rưới hương hải thử ngạn chiên đàn, sáu thù
hương này giá trị bằng cõi Ta bà...” Sáu thù là hai chỉ rưỡi. Hương hải ngạn
chiên đàn là một thứ hương rất quý.
Trong Trí Độ luận nói: sau khi đức
Thái tử Sĩ Đạt Đa bỏ ngôi đi xuất gia vào núi Tuyết tu hànhh, nhiều người nghi
bà Da Du Đà La, vợ cũ của Thái tử, là có chửa hoang. Ở trước mặt mọi người bà lập
thệ rằng: “Nếu ta không trinh chánh, đứa con trong bụng ta đây nếu không phải
chính thật là con của Thái tử Sĩ Đạt Đa, nguyện ta cùng con đều bị lửa cháy
tiêu”. Nguyện xong, bà liền nhảy vào hầm lửa. Lúc đó hầm lửa đang cháy hừng hực,
bỗng nhiên biến thành ao nước mát mẻ đầy hoa sen tươi tốt, bà an lành ngồi trên
hoa sen. Do đó mà mọi người đồng công nhận bà là bực trinh chánh. Nay người tu
hành dùng chí thành đem nén tâm hương cúng dường thập phương Tam Bảo, như lòng
chí thành của bà Da Du Đà La, thời có quyết cảm nghiệm.
(2) Toàn bộ kinh “Diệu Pháp Liên
Hoa” (thông thường gọi tắt là kinh Pháp Hoa) có 28 phẩm chia làm 7 quyển. Phẩm
Phổ Môn này là phẩm thứ 25, thuộc về quyển thứ 7.
(3) Phật đây là đức Thích Ca Mâu Ni
Phật.
(4) Tam thiên đại thiên (xem thích
nghĩa ở sau kinh A Di Đà).
(5) Hằng hà sa (xem thích nghĩa ở
sau kinh A Di Đà).
(6) Không thể cùng tận là phước đức
đó còn mãi mãi không hết không dứt.
(7) Thân Phật, thân Duyên giác
(Bích Chi Phật) và thân Thanh văn là thân của ba bực Thánh xuất thế gian.
(8) Từ Phạm Vương đến Tỳ Sa Môn (1
trong tứ Thiên Vương) là hiện thân của các vị trời cõi sắc và cõi dục đề độ
chúng sanh.
(9) Chấp Kim Cang Thần là thần cầm
chày Kim Cang, thường trừ dẹp tà ma ác quỉ để trợ chánh pháp, ủng hộ người tu
hành chơn chánh.
(10) Thí vô úy là ban cho sự không
sợ hãi, nghĩa là làm cho thoát khỏi sự hoạn nạn hiểm nguy tật bịnh v.v...
(11) Tứ chúng: 1) Tỳ kheo, 2) Tỳ
kheo ni (2 chúng xuất gia), 3) Ưu bà tắc, 4) Ưu bà di (2 chúng tại gia).
(12) Trong hội Pháp Hoa, tháp của đức
Phật Đa Bửu từ dưới đất hiện lên dừng tại trên lưng chừng không, để nghe Phật
Thích Ca nói kinh và để chứng thật, (xem kinh Pháp Hoa quyển thứ tư, phẩm thứ
11).
(13) Trùng tụng là lời kệ tụng thuật
lại những điều, những nghĩa đã nói ở trước.
(14) Bồ tát từ nơi pháp của đức Phật
mà nên, là con pháp của đức Phật nên gọi là Phật tử.
(15) Thệ nguyện rộng sâu của Bồ tát
đã trải qua nhiều kiếp và không thể lấy tâm tư suy đoán bàn luận đến được.
(16) Những sự khổ trong cõi dục, cõi
sắc và cõi vô sắc.
(17) Núi Tu Di xem lời (Thích nghĩa
ở sau Hồng Danh).
(18) Những thứ nguyền, rủa, bùa,
chú thuốc độc v.v... trở lại hại người chủ.
(19) Chơn quán: chơn trí soi chơn
lý.
Thanh tịnh quán: Rõ thấu pháp tánh
thanh tịnh.
Quảng đại trí huệ quán: Trí huệ rộng
lớn suốt thấu tất cả pháp.
Bi quán: Lòng đại bi xem xét sự khổ
của mọi loài để cứu vớt chúng.
Từ quán: Lòng đại từ thường xem xét
mọi loài thường ưa thích những gì để ban sự vui cho chúng.
(20) Trí huệ phá tan sự mê lầm ngu
dại như ánh sáng mặt trời trừ chỗ tối tăm nên gọi là huệ nhựt.
(21) Phiền não là những lòng tham,
giận v.v... nó làm cho tâm người loạn động bứt rứt khổ sở, như bị lửa đốt.
(22) Diệu âm: Tiếng nhiệm mầu khai
ngộ cho tất cả chúng sanh.
Quan Thế Âm: Tiếng quan sát thế
gian để cứu giúp.
Phạm âm: Tiếng thanh tịnh.
Hải triều âm: Tiếng lớn vang khắp
và đúng giờ, như tiếng nước triều trong biển.
(23) Bồ tát là nơi chúng sanh nương
dựa để được mọi điều vui, cậy nhờ để được khỏi những sự khổ.
Chuyện Quan Thế Âm Bồ Tát Tầm Thanh Cứu Khổ
Một chuyện linh cảm của đức Quan Thế
Âm Bồ tát xảy ra vào năm 1940 (D.L.) do thầy giáo thọ Đạt Từ, trụ trì chùa Thiền
Tôn (làng Thạnh Mỹ Lợi tỉnh Gia Định) tường thuật.
Hoặc trôi giạt biển lớn, các nạn quỉ
cá rồng. Do sức niệm Quan Âm, sóng mòi chẳng chìm đặng.
Tại nam phần Việt Nam, gần đây có một
người bổn xứ nhập tịch dân Pháp tên là Brillan. Bà thân của ông vốn tin trọng
Phật, thường niệm Quan Thế Âm Bồ tát. Bà thường nhắc những chuyện linh cảm của
Bồ tát để khuyên dạy con cháu. Vì thế ông Brillan sớm đã có tin tưởng Bồ tát. Lớn
lên đi lính, lắm khi gặp việc bất tường ông thường niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ
tát, thời đều được toại nguyện. Lúc ông được bổ vào sở thủy phi thoàn thời ông
đã lên chức Thiếu úy.
Năm 1940 D.L. một hôm Thiếu úy
Brillan cùng với đại úy Touf-fan, Trung úy Retourna, ba người ngồi phi thoàn ra
Côn Lôn.
Lúc trở về phi thoàn hư, nên đồng
ngộ nạn ngoài biển khơi. Trong lúc nguy khốn chỉ còn dự bị để chờ chết vì sóng
to chụp lên phi thoàn, mặc cho hai ông kia ríu rít gọi nhau lo kế thoát khổ,
Thiếu úy chỉ cả tiếng kêu cầu Quan Thế Âm Bồ tát. Chiếc phi thoàn vẫn lững đững
lờ đờ trên lượng sóng đến mấy tiếng đồng hồ. Rất may, một chiếc tàu đánh cá của
người Nhật bắt gặp.
Sau khi thòng thang dây xuống cho
ba người leo lên, chiếc phi thoàn liền chìm! Toàn trên tàu cả khách lẫn chủ, ai
cũng lấy làm lạ. Tại sao chiếc phi thoàn lúc có người thời mãi mấy giờ vẫn bập
bềnh không chìm, bây giờ không có người lại chìm liền như vậy? Thiếu úy lần lượt
thuật lại sự linh cảm của Quan Thế Âm, ngày trước cũng như vừa rồi ngộ nạn phi
thoàn ông luôn kêu cầu Bồ tát mà đều có ứng nghiệm. Chiếc phi thoàn kia đáng lẽ
chìm liền khi sóng biển chụp lên, nhưng vẫn bập bềnh chở cả ba lên tàu rồi mới
chìm đắm, đó phải chăng là do ai thần của Quan Thế Âm Bồ tát cứu hộ?
Nghe Thiếu úy trịnh trọng giải bày.
Đại úy Touffan rất chú ý, vì Đại úy công nhận rằng chiếc phi thoàn lúc nãy
không chìm là do một sự lạ lùng không thể có được, và nhớ rõ rằng Brillan chỉ một
mặt chắp tay kêu gọi nhớ cầu cứu với một thiêng liêng nào, trong lúc ông và
Trung úy Retourna lính quýnh không tìm ra chước thoát thân.
Từ đó về sau, Đại úy rất tín ngưỡng
đạo Phật, và biết ơn đối với Quan Thế Âm Bồ tát. Muốn tỏ lòng thành. Đại úy cất
một cái am thờ Phật rất trang hoàng tại Cát Lái (làng Thạnh Mỹ Lợi Gia Định).
Thường ngày hai lần Đại úy đến am dâng hoa chiêm ngưỡng. Thỉnh thoảng Đại úy
cũng có đến chùa Thiền Tôn cúng Phật trong những ngày lễ hay ngày Tam ngươn.
Ông thường nhắc đến câu chuyện ngộ nạn phi thoàn trên đây và cũng vì đó mà ông
tin Phật.
Hiện nay Đại úy đã đổi đi nơi khác.
Cái am đã biến thành trại xưởng, nhưng Cai Tham vẫn ghi rõ chuyện trên và thường
thuật lại cho người khác nghe.
Comments
Post a Comment