Nam mô Hoa-Tạng Giáo-Chủ Tỳ-Lô-Giá-Na Phật
Biến Pháp-giới Tam-Bảo
Nam-Mô Đại Bảo-Tích Hội Thượng Phật Bồ-Tát Ma-Ha-Tát (3 lần)
KINH
ĐẠI BẢO TÍCH
QUYỂN 76
PHÁP HỘI HỘ QUỐC BỒ TÁT
THỨ MƯỜI TÁM
Lại làm Quốc Vương tên Phước Đức
Ở trong các tụ lạc phố phường
Chứa đầy thuốc men và thực phẩm
Để ban cho tất cả chúng sanh
Từng làm Quốc Vương tên Nhựt tịnh
Kỹ nữ xinh đẹp đủ ngàn người
Chuỗi ngọc bảy báu trang nghiêm đầu
Hoa hương đẹp thơm dùng nghiêm sức
Cũng đem bố thí cho mọi người
Lại làm Quốc Vương tên Tri Túc
Tay chưn dịu mềm như bông tơ
Sắc đẹp sạch trong như hoa sen
Cũng đem bố thí các chúng sanh
Lại làm thương chủ tên Tịnh Nhãn
Đem năm trăm người tìm bảy báu
Các quỉ La Sát hiện mỹ nữ
Thương chủ cứu thoát cả đoàn người
Từng làm Vương Tử tên Phước Diệm
Thê thiếp kỹ nữ đến số ức
Thân hình xinh đẹp như thiên nữ
Rời bỏ xuất gia không ái luyến
Lài làm thương chủ tên Kim Sắc
Lúc ấy có Phật hiệu Vô Cấu
Kim Sắc đối Phật đốt mười ngón
Cúng dường Tối Thắng Lưỡng Túc Tôn
Lại làm Quốc Vương hiệu Hoa Nhãn
Mọi người chiêm ngưỡng lòng không nhàm
Đem đôi mắt đẹp để bố thí
Vì lòng vua thương chúng
sanh vậy
Lại làm Bồ Tát tên Đa Phát
Thấy có phụ nhơn vừa mất chồng
Ngày đêm nhớ thương mãi không nguôi
Triền miên lõa lồ tâm điên cuồng
Bồ Tát Đa Phát lòng xót thương
Hóa hình chồng chết bảo vợ cuồng
Lần lần giáo hóa vợ cuồng kia
Khiến hết cuồng điên tâm tỉnh ngộ
Lại làm Bồ Tát tên Phổ Chiêm
Thấy một người bịnh gầy đau khổ
Bấy giờ Phổ Chiêm sanh từ bi
Đem huyết nhục mình thí người bịnh
Lại làm Quốc Vương tên Hoa Phu
Thấy có một người bịnh khốn ngặt
Hoa Phu Bồ Tát sanh từ tâm
Chẻ xương tủy mình chữa bịnh ấy
Lại làm Quốc Vương tên Thành Lợi
Thấy có một người quá nghèo cùng
Đem hết của cải thí cho họ
Lại bỏ thân mạng không luyến tiếc
Ta làm Quốc Vương tên Tín Tràng
Hai tay nhu nhuyến đủ luân tướng
Có người đến xin hai tay ấy
Vì cầu Bồ đề ta liền cho
Lại làm Quốc Vương tên Phổ Hiện
Có bốn thiên hạ nhiều của báu
Nước nhà giàu vui dân chúng đông
Vì cầu Bồ đề đem bố thí
Lại làm Vương nữ tên Trí Ý
Thân thể trắng sạch rất nhu nhuyến
Từ bi hoan hỉ cắt thịt đùi
Và thí máu huyết lòng chẳng tiếc
Lại làm nữ nhơn tên Ngân Sắc
Trong thành Kim Sắc có phụ nữ
Mới đẻ đói khát muốn ăn con
Ngân Sắc thẻo vú cho người đói
Lại làm Quốc Vương tên Văn Đức
Rất giàu tiền của nhiều anh lạc
Vàng bạc bảy báu các xe cộ
Người đời khó bỏ vua đều thí
Lại làm Vương Tử tên Tri Ân
Có người té biển tên Vô Ân
Vô Ân vì báu đâm mắt ta
Bấy giờ lòng ta chẳng oán hận
Lại nhớ quá khứ làm lính chiến
Ở trong đại trận không lòng giết
Thà thân mình chết chẳng hại người
Nhẫn đến kiến muỗi không tưởng giết
Lại nhớ quá khứ làm chim trĩ
Cung kính cúng dường bực tôn trưởng
Đồng loại già trẻ đều cấp cho
Bấy giờ đều không lòng ngạo mạn
Lại nhớ quá khứ làm vượn khỉ
Ở núi gặp phải người thợ săn
Cả bầy khỉ vượn về nương ta
Vì thương mạng chúng ta liền cứu
Lại nhớ quá khứ làm tượng vương
Bị Quốc Vương kia bắt trói cột
Ta nhớ cha mẹ mù đôi mắt
Thà chịu đói chết nhịn không ăn
Lại nhớ quá khứ làm thân gấu
Có người lạc đường ta cứu nuôi
Họ dẫn thợ săn phản hại ta
Dầu bị phản hại ta không giận
Lại nhớ quá khứ làm tượng vương
Bị trúng mũi tên của thợ săn
Ta cầu Bồ đề các công đức
Đem ngà dâng cho thợ săn ấy
Lại nhớ quá khứ làm chim trĩ
Ở tại đồng quê cạnh khu rừng
Rừng ấy bị lửa cháy lan đến
Ta cứu lửa rừng trời mưa hoa
Xưa ta từng làm nai chín màu
Ăn cỏ uống nước bên bờ sông
Nước sông sâu rộng dòng chảy gấp
Có người té sông ta cứu họ
Người ấy ham tiền lãnh lịnh vua
Đem nhiều binh lính đến hại ta
Ta cầu Bồ đề làm từ bi
Đối với người ấy không oán giận
Lại nhớ quá khứ làm rùa lớn
Tế độ người buôn qua khỏi biển
Năm trăm người buôn ăn thịt ta
Lòng ta từ bi không giận họ
Ta nhớ quá khứ hành Bồ đề
Từng làm thân cá lội trong nước
Thương xót tất cả nên xả thân
Trăm ngàn chúng sanh ăn thịt ta
Ta thấy trăm ngàn chúng sanh bịnh
Hóa thân làm thuốc lớn như núi
Muốn cho chúng sanh trừ bịn khổ
Biến làm thân trùng tên là Nguyệt
Lại nhớ xưa làm sư tử vương
Thân lớn sức mạnh mà lòng thương
Lại nhớ quá khứ làm mã vương
Thân sắc trắng sạch như ngọc tuyết
Thường tại biển lớn đảnh núi cao
Cứu các lữ hành nạn La Sát
Lại nhớ quá khứ cầu Bồ đề
Từng làm Quốc Vương tên Cư Gia
Thấy các dục lạc nhiều lỗi họa
Chẳng theo dâm nữ bị lời gian
Lại nhớ quá khứ từng làm thỏ
Thường dạy bày thỏ các việc lành
Cùng tiên ở chung đồng tu niệm
Xả thân tự thiêu cứu tiên đói
Lại nhớ quá khứ làm anh võ
Thường ở cụm rừng nhiều hoa quả
Báo ơn cây khô
chẳng rời bỏ
Vua trời biến cây khô sanh trái
Lại nhớ từng làm vua loài khỉ
Thấy bầy khỉ vượn bị rồng hại
Bèn dạy bầy khỉ uống ống tre
Khỉ vượn đều khỏi nạn rồng hại
Ta lại nhớ xưa làm anh võ
Lấy thóc của người nuôi cha mẹ
Chủ lúa bắt ta giận quở rằng
Sao dám trộm lấy lúa nhà người
Ta thưa lúc người gieo trồng lúa
Hứa rằng cho các chúng sanh ăn
Nay tôi lấy về nuôi cha mẹ
Chẳng thể bảo là trộm cắp được
Chủ lúa tức thì lòng hoan hỉ
Tôi là cầm thú chim là người
Lành thay anh võ có trí huệ
Biết hiếu cha mẹ biết cúng dường
Từ nay về sau tôi thí lúa
Cho chim đem về dâng cha mẹ
Quá khứ như vậy vô lượng sự
Không khổ hạnh nào mà chẳng làm
Chưa hề sanh lòng nhàm chánh mỏi
Để cầu vô thưọng thanh tịnh đạo
Bao nhiêu vật trong và vật ngoài
Không có một thứ chẳng phát khởi
Trì giới nhẫn nhục tinh tấn thiền
Vô lượng phương tiện và trí huệ
Da thịt xương tủy và máu huyết
Đem thí tất cả cho chúng sanh
Thuở xưa ta ở trong núi rừng
Dũng mãnh tinh tấn thân khô kiệt
Để tìm Phật dạy Đại Tiểu thừa
Truyền dạy chúng sanh khiến nhập đạo
Thường thích ở tại chỗ đầu đà
Luôn luôn tu hành không vứt bỏ
Tất cả khổ hạnh khó như vậy
Từ thuở xa xưa ta đều làm
Phật nói vị lai các chúng sanh
Nghe ta thuật lại lòng khinh cười
Chẳng tin nhận làm một câu kệ
Trở lại hủy báng pháp như vậy
Vì họ tham ưa ăn mặc thảy
Lòng luôn suy tưởng ngủ nghỉ nhiều
Siểm khúc hủy pháp không tàm quí
Phá hoại chánh pháp không công đức
Nghe pháp vi diệu tịch tịnh này
Cho rằng chẳng phải của Phật dạy
Thầy ta đa văn dường biển cả
Giảng giỏi nói hay tối đệ nhứt
Họ cũng chẳng hành pháp như vậy
Các ông chớ cầu sự hư vọng
Trong ấy không ngã không thọ mạng
Cũng chẳng nói có tướng chúng sanh
Luống tự nhọc nhằn không phước đức
Uổng công tu hành các khổ hạnh
Đã nói có pháp tên Đại thừa
Sao lại còn nói không vô ngã
Bởi không chúng sanh không tác giả
Thế nên nơi pháp chẳng cần cầu
Các văn cú ấy giả làm ra
Cũng như ngoại đạo tà ý thuyết
Như Lai chẳng nói sự như vậy
Quở trách mắng nhục chư Tỳ Kheo
Bọn ấy bất thiện không tu sĩ
Gian ngụy khi dối đủ sự ác
Đời sau ở trong pháp của Phật
Mà làm hình tướng các Tỳ Kheo
Trong lòng tật đố đầy mạn phú
Tay chưn nhiễu động mất oai nghi
Ca sa luôn luôn thòng hai gốc
Thân mặc pháp phục thường ở chợ
Đi trong nhà tục hằng say rượu
Thân mặc pháp y gần người tục
Vứt bỏ chánh pháp khối công đức
Ưa làm sứ giả cho người tục
Chứa nuôi bò ngựa dê heo gà
Tôi trai tớ gái vật bất tịnh
Làm ruộng làm vườn hằng loạn tâm
Lòng ưa việc ác không hạnh lành
Cũng chẳng thân cận thiện tri thức
Miệng chẳng lựa chẳng chọn lời nói năng
Trong thân làm đủ các sự ác
Tham lấy vật Tăng vật tháp Phật
Huống là của mình mà chịu thí
Thấy chư Tỳ Kheo trì tịnh giới
Chê bai chẳng phải thiệt phạm hạnh
Chẳng gìn cấm giới không oai đức
Thích ở nhà tục xâm vợ người
Bạch y có vợ còn hổ thẹn
Ác Tỳ Kheo kia tham còn hơn
Chứa nuôi vợ con cầu chẳng chán
Cùng các kẻ tục không có khác
Nếu có đàn việt thỉnh cúng dường
Bố thí áo cơm thuốc men thẩy
Thọ của tín thí không tịnh niệm
Chỉ thêm tham dục xâm vợ người
Lòng thường mơ tưởng bên nữ sắc
Tùy thuận phiền não không thánh hạnh
Phương tiện dụ phỉnh các phụ nữ
Giáo hóa người tục khiến đoạn dục
Rằng người tham dục đọa ác đạo
Đọa vào địa ngục quỉ súc sanh
Nhưng chính
thân mình chẳng y giáo
Làm sao truyền pháp giáo hóa người
Người này ba nghiệp chẳng đúng pháp
Bao nhiêu quyến thuộc cũng như vậy
Ngày đêm họp bàn không thôi nghỉ
Chỉ luận ngũ dục các thế sự
Nhận nuôi môn đồ chỉ sai khiến
Trọn không dạy bảo các đạo lành
Nhận đệ tử đông tụ bao quanh
Hiển mình đức lớn cầu danh lợi
Ngoài hiện dị tướng dối từ bi
Nhiếp các đồ chúng chẳng cầu lợi
Môn đồ quyến thuộc nhiều bịnh hoạn
Khô gầy hủi lác ghẻ chóc thảy
Chỉ là tạp loại hạng hạ nhơn
Trọn chẳng chỉ dạy Phật pháp lành
Giới văn định huệ đều vứt bỏ
Chẳng làm việc làm của Tỳ Kheo
Chẳng đạo chẳng tục không tên gọi
Dường như khúc gỗ hư mục rã
Đối với luật nghi lòng khinh rẻ
Bồ tát thuyết giới cũng coi khinh
Tự tại dạo chơi trái lời Phật
Đường đột như voi say thả lòng
Hoặc lúc dối hiện ở núi rừng
Lòng thường tưởng việc ở thành thị
Phiền não ba độc luôn phát khởi
Chẳng thể tạm thời lòng tịch tịnh
Quên mất lời Phật đã dạy răn
Cùng hạnh đầu đà các công đức
Ngã mạn cống cao đầy trong thân
Đọa tại a tì ngục đáng sợ
Ngày đêm hằng luận quốc độ sự
Cũng thường luận nói nơi đạo tặc
Thân tâm chuyên lo việc thân duyên
Bỏ lìa thiền định và trí huệ
Dầu cho có tu ưa sự thô
Lòng lo tự an nên xây dựng
Giả sử xây dựng Tăng già lam
Tham ưa phòng nhà
mày luôn nhíu
Thân khẩu ý mình chẳng điều nhu
Đồ chúng học theo cũng giống vậy
Ác Tỳ Kheo kia dầu tạo tự
Chuyên vì thân mình và quyến thuộc
Nếu có Tỳ Kheo thuận tùng họ
Họ liền áp trí nhiếp thọ ở
Nếu có trì giới chư Đại Đức
Phương tiện giỏi hay thuyết chánh pháp
Tự điều phục mình điều phục người
Họ trọn chẳng nhận Đại Đức ấy
Rằng phòng hiện nay tôi đương ở
Phòng khác của các đệ tử tôi
Ngoài ra đã thuộc các đồng học
Ông đi chỗ khác đây không chỗ
Hiện nay chỗ có giường chõng ấy
Đều giao phó người thuộc về người
Không còn dư chỗ để dung ông
Cũng không áo cơm ông nên
đi
Đồ dùng tạm thời còn không cho
Huống nhờ phòng nhà và các vật
Chẳng làm tăng thứ pháp như vậy
Ác Tỳ Kheo ấy như tục nhơn
Chứa nhiều tiền của quyến thuộc đông
Hàng đệ tử Phật sống đúng pháp
Họ luôn đuổi xua chẳng cho ở
Có lúc họ nhớ lời Phật dạy
Lòng họ bi thương vào núi rừng
Than ôi pháp mầu của Phật dạy
Chẳng lâu sẽ diệt chẳng còn hiện
Lại có Tỳ Kheo cầu nhiều lợi
Thân không pháp hạnh ghét có đức
Dầu có người trì giới công đức
Bị họ ghét khinh không lợi dưỡng
Đều tự buồn than bỏ thành ấp
Thường ở trong núi vắng rừng quạnh
Những kẻ si mạn cống cao ác
Luôn luôn đấu tranh thô lưỡng thiệt
Khi dối người đời được lợi dưỡng
Tự cho cùng Thánh đồng không khác
Phật giáo chánh pháp tạng công đức
Đầy đủ tất cả công đức diệu
Đời sau bị hoại không còn hiện
Bởi do ngã mạn không trì giới
Như kho báu
kia bị người phá
Như ao hoa sen
bị khô cạn
Như xe báu kia
bị gãy hư
Đời sau Phật pháp cũng như vậy
Ác Tỳ Kheo kia khó điều phục
Diệt Phật chánh pháp không còn thừa
Ở trong đời ác thuở vị lai
Phá hoại Phật pháp rất đáng sợ
Những kẻ vui thích sự ác ấy
Rời xa Trời Người và hạnh lành
Từ nơi thân này xả mạng rồi
Đọa vào địa ngục quỷ súc sanh
Ở đó vô lượng ức ngàn năm
Chịu đủ tất cả những khổ não
Về sau giả sử được thân người
Nhiều khổ uế ác luôn bất tịnh
Hoặc đui hoặc điếc hoặc câm ngọng
Thân thể luôn luôn nhiều bịnh tật
Nhan sắc xấu ác người chẳng ưa
Thường phải sợ sệt phục vụ người
Khó vừa ý người khó được thương
Có lời nói ra không được tin
Nếu có người ác hạnh như vậy
Ở đâu cũng bị quở đuổi xua
Người ấy mang nhiều những bịnh khổ
Thường bị gậy gộc đánh xua đuổi
Thường bị đói khát làm khổ thân
Mọi người ngó thấy đều khinh rẻ
Nếu nghe như vậy nhiều khổ lụy
Phải bỏ các ác tâm điều phục
Đối với chúng sanh làm điều lành
Chớ để ngày sau phải ăn năn
Nếu người mến kính Phật Thế Tôn
Thánh chúng trì giới pháp đầu đà
Các ông phải siêng cầu hạnh ấy
Phải xa quyến thuộc và lợi danh
Danh lợi điên đảo như huyễn hoá
Phải xem hữu vi như mộng mơ
Ân ái hiệp hội tất biệt ly
Tất cả hữu vi chẳng bền lâu
Chớ bỏ chánh cần căn lực thảy
Siêng cầu các môn Ba la mật
Trong khi chưa chứng diệu Bồ đề
Thường phải tu tập tất cả hạnh”.
Đức Phật lại bảo Hộ Quốc Bồ Tát rằng: “Nầy thiện nam tử ! Đời vị lai, những người tu hạnh đại thừa Bồ Tát, nếu có các lỗi như vậy thì phải tự rời xa và xa rời những kẻ có ác lỗi như vậy.
Những người tự chẳng siêng tu mà quen gần cùng người có ác lỗi ấy, chẳng siêng gìn chánh hạnh tự làm siểm khúc và thân cận kẻ siểm khúc, tự không trí huệ và tùy thuận kẻ không trí huệ, tham cầu thế lợi không bao giờ biết chán tham mến nhà tục, ganh ghét kẻ hơn mình, siểm khúc trá ngụy không khổ không thẹn, dối hiện thánh tướng tự tôn tự trọng, đều riêng tự khen tặng quyến thuộc mình để cầu danh lợi, vì cầu lợi dưỡng nên thường vào thành thị, chẳng thương tất cả chúng sanh cũng chẳng vài giáo hoá tất cả chúng sanh mà thường tự nói rằng : tôi có bình đẳng luôn ý niệm như vậy ai biết được, tôi là chơn thiện tri thức của chúng sanh, tôi là bực đa văn, mà thiệt ra đối với Phật pháp họ không có lòng cung kính
không có lòng cầu pháp như đồ hư bể không còn dùng được, như người lười biếng không làm xong việc gì, tìm lỗi của nhau làm các phương tiện vô trí giải đãi suy tưởng quấy ác cùng nhau thảo luận các sự phá pháp, cố chấp ác tâm đến chết chẳng bỏ, tham xan chứa họp nhiều, quyến thuộc được nuôi cũng học như vậy mà quây quần nhau ở trong Phật pháp.
Hành giả như vậy phàm có làm sự gì chẳng hỏi bực minh triết chẳng cầu Phật pháp. Vì không tinh tấn nên sanh nhà nghèo cùng, từ nhà nghèo cùng mà được xuất gia, ở trong Phật giáo được chút lợi dưỡng sanh lòng vui mừng mà không hổ thẹn. Bọn ấy còn không có lòng sám hối làm sao có được thắng trí tự giác. Bọn ấy tự bỏ công đức chư Phật mà lấy danh lợi hiện tại. Vì được danh lợi hiện tại nên tự nói tôi là Sa Môn.
Nầy Hộ Quốc ! Với hạng người như vậy, Phật còn chẳng nói họ có tùy thuận thục nhẫn, huống là có được đại trí chư Phật. Hạng ấy còn xa Nhơn đạo, Thiên đạo, huống là thành được Phật đạo.
Nầy Hộ Quốc ! Hạng người ấy, Phật nói có tám thứ pháp chướng ngại Bồ đề:
Một là sẽ sanh vào ba ác đạo.
Hai là sẽ sanh nhà nghèo cùng.
Bốn là nhan sắc chẳng đoan chánh.
Năm là ngu si không trí huệ.
Sáu là thường hội họp với các ác tri thức.
Bảy là nhiều bịnh hoạn.
Tám là bị ác bịnh nặng đến chết.
Nầy Hộ Quốc ! Tám điều ấy chướng ngại Bồ đề.
Nầy Hộ Quốc ! Phật chẳng nói chỉ có ngôn thuyết mà được Bồ đề. Phật chẳng nói dối hiện tướng thánh mà có tịnh hạnh. Phật chẳng nói kẻ siểm khúc mà có Bồ đề hạnh. Phật chẳng nói kẻ tham nhiều lợi dưỡng mà có hạnh cúng dường Phật. Phật chẳng nói kẻ ngã mạn mà có hạnh Bát Nhã thanh tịnh. Phật chẳng nói kẻ vô trí mà quyết được nghi cho người. Phật chẳng nói kẻ đố kỵ mà có hạnh tinh tấn. Phật chẳng nói kẻ không tinh tấn mà có các hạnh đà la ni. Phật chẳng nói kẻ chẳng ưa công đức mà được hạnh thiện đạo. Phật chẳng nói kẻ tham luyến nhà thế tục mà có hạnh thân tâm thanh tịnh. Phật chẳng nói kẻ dối hiện oai nghi mà gặp được Phật hội. Phật chẳng nói kẻ ưa nhà tục mà có hạnh khẩu nghiệp thanh tịnh. Phật chẳng nói kẻ chẳng cung kính mà có hạnh tâm thanh tịnh. Phật chẳng nói kẻ chẳng tri túc mà có ưa pháp hạnh. Phật chẳng nói kẻ tiếc thân mạng mà có hạnh cầu chánh pháp.
Nầy Hộ Quốc ! Dầu Phật có quở rầy lục sư nhưng các nhà ngoại đạo ấy ở ngoài Phật pháp. Còn kẻ vào trong Phật pháp mà làm ác nghiệp tội lỗi đáng quở trách còn hơn lục sư kia gấp bội. Tại sao, vì hạng người ấy chỉ có miệng nói tôi là Tỳ Kheo mà lấy vô hạnh khi dối tất cả Trời Người thế gian vậy”.
Muốn tuyên lại nghĩa ấy, đức Thế Tôn nói kệ rằng:
“Oai nghi trược loạn không cung kính
Chỉ thêm ngã mạn tham danh dự
Phiền não che đậy lòng mê say
Hạng ấy xa lìa diệu Bồ đề
Tham đắm danh lợi và giải đãi
Tăng trưởng giải đãi mất chánh niệm
Nếu không chánh niệm mất trì giới
Nếu không trì giới mất thiện đạo
Người ấy sanh vào nhà nghèo cùng
Được xuất gia rồi ham lợi dưỡng
Như người vứt bỏ báu hoàng kim
Vác mang cỏ dơ cho là báu
Vì cầu danh lợi ở núi rừng
Đến đó lại cầu các đồng bạn
Vứt bỏ thần thông trí biện tài
Cầu danh lợi hiện tại quyến thuộc
Hạng ấy mạng chung đọa ác đạo
Hoặc sanh trong nhà nghèo hạ tiện
Giải đãi xấu xa không oai đức
Đây đều do ngã mạn nhận chịu
Họ đã xa lìa các hạnh lành
Cũng bởi phóng dật mất chánh niệm
Ở mãi trong các đại ác đạo
Ức ngàn vạn kiếp chưa thoát được
Nếu cầu danh lợi nước Bồ đề
Thì Điều Đạt kia ưng là Phật
Gió mạnh tì lam thổi nát vật
Giải đãi không giới cũng như vậy
Tự không hạnh lành tham nữ sắc
Không tịnh giới hạnh mất công đức
Ở trong pháp Phật không chỗ dùng
Kẻ vô trí ấy như gỗ mục
Nếu vì Bồ đề cầu Phật pháp
Đâu được chẳng y hạnh giải thoát
Dường như keo nhựa trói khỉ vượn
Ngã mạn cầu đạo cũng như vậy
Xưa ta vì cầu một câu pháp
Vứt bỏ thân mạng vì Bồ đề
Kẻ ấy giải đãi bỏ Phật giáo
Không chút lợi ích nơi Phật pháp
Xưa ta vì cầu nước thiện giáo
Nhảy xuống gộp cao nhảy vào lửa
Ta được nghe pháp làm như pháp
Vứt bỏ tất cả ái tắng thảy
Kẻ ấy được nghe Phật công đức
Chẳng từng ưa thích một câu pháp
Không pháp làm sao được Bồ đề
Như trước kẻ mù nói đường sá”.
Đức Phật lại bảo Hộ Quốc Bồ Tát : “Nầy thiện nam tử ! Ta nhớ quá khứ vô số kiếp, lại quá vô số lượng bất khả tư bất khả ví dụ bất khả kế bất khả thuyết kiếp, bấy giờ có Phật xuất thế hiệu Thành Lợi Huệ Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác.
Bấy giờ có vua tên Diệm Ý. Này Hộ Quốc ! Thuở vua Diệm Ý trị vì thì Diêm Phù Đề này ngang rộng một vạn sáu ngàn do tuần, có hai vạn thành, mỗi thành có ngàn câu chi
nhà.
Thành của vua Diệm Ý ngự tên là Bửu Quang Minh rộng Đông Tây mười hai do tuần, Nam Bắc bảy do tuần, bằng thất bửu, bảy lớp tường báu bao quanh, mỗi tường cách nhau bảy bộ vững chắc khó phá.
Nầy Hộ Quốc ! Dân chúng nước ấy thọ mười câu chi na do tha tuổi.
Nầy Hộ Quốc ! Vua Diệm Ý ấy sơ sanh một con trai tên Phước Diệm đoan chánh xinh đẹp có đủ tướng tốt thế gian vô song người xem không chán.
Ngày Phước Diệm sơ sanh, chỗ sanh ấy tự nhiên cáo tạng bảy báu xuất hiện cao bằng bảy người. Giờ Vương Tử ấy sanh, tất cả chúng sanh ở Diêm Phù Đề đều hoan hỉ hớn hở vô lượng. Nếu có ai bị tù gông trói tự nhiên tháo mở.
Nầy Hộ Quốc ! Trong bảy ngày, Vương Tử Phước Diệm học thành cả công xảo nghệ thuật thế gian.
Một hôm vào lúc khuya vắng, trời Tịnh Cư đến bảo Vương Tử Phước Diệm, nầy Đồng Tử chớ phóng dật nên khéo quán vô thường. Nầy Đồng Tử mạng chẳng dừng lâu đến nơi đời sau, thời gian qua mau hằng phải quan sát sanh lòng rất lo sợ, tạo nghiệp tất thọ báo như bóng theo hình”.
Trời Tịnh Cư lại vì Vương Tử mà nói kệ:
“Đồng Tử cẩn thận chớ phóng dật
Cũng chớ tùy thuận kẻ phóng dật
Vứt bỏ phóng dật được Phật khen
Nếu thọ phóng dật bị Phật quở
Thường tự điều thuận chẳng phóng dật
Tất cả hay thí không tật đố
Từ bi thương xót các chúng sanh
Người ấy chẳng lâu sẽ thành Phật
Quá khứ vô lượng Phật
Hiện tại và vị lai
Đều từ thiện phát khởi
An trụ đạo bất dật
Ăn uống và y phục
Vàng bạc anh lạc thảy
Đều bố thí cả kiếp
Để cầu đạo vô thượng
Tay chưn và mắt mũi
Ai xin vui lòng cho
Thiệt tâm cầu công đức
Chẳng lâu được thành Phật
Ngôi vua nhiều oai thế
Vợ con và quyến thuộc
Hữu vi như huyễn hóa
Mau xả chớ luyến tiếc
Thọ mạng chẳng dừng lâu
Như đồ đất dễ hư
Tạm mượn đời chẳng lâu
Đây cũng không thường tịnh
Cha mẹ và quyến thuộc
Ác đạo không cứu được
Chúng sanh tạo thiện ác
Như bóng luôn theo hình
Cầu nhiều nơi biển dục
Hại nhau chẳng làm lợi
Mà không ai cứu vớt
Luống chịu khổ nhọc mệt
Nay muốn làm lợi tha
Cầu đạo tịch vô thượng
Xương thịt có khô gầy
Ông chớ cho là khổ
Chư Phật xuất thế khó
Pháp tịch diệt khó nghe
Siêng thờ thiện tri thức
Hay phá được chúng ma
Bỏ rời ác tri thức
Hay ở nơi chánh đạo
Ngăn che đường ác tà
Lành thay siêng tinh tấn
Ông chớ tiếc thân mạng
Giữ lòng như kim cương
Chánh hỏi đạo nơi thầy
Chớ bỏ ý chánh ý
Tất cả Phật quá khứ
Thường ưa a lan nhã
Ông phải thuận học theo
Phải ưa ở rảnh vắng
Vứt bỏ nơi ân ái
Vợ con và quyến thuộc
Thân mình và thọ mạng
Để cầu trí lớn rộng”.
Nầy Hộ Quốc ! Vương Tử Phước Diệm nghe chư thiên nói kệ xong, trong mười năm chưa hề ngủ nghỉ, chưa hề chơi cười, chưa hề ca vũ, chưa hề vui mừng, chưa hề hớn hở, chưa hề phóng dật, chẳng vào vườn chơi, chẳng thích quyến thuộc, chẳng tham vương vị, nơi của cải thành ấp chẳng có lòng ưa luyến, tất cả các vật trong thân đều vứt bỏ, chỉ nhập thiền định, ở nơi nhà vắng vẻ suy nghĩ tất cả pháp vô thường không bền không vững tạm có rồi mất, ngôi vua vô vị không thiệt tự tại, ân ái biệt ly, oán ghét hội ngộ, không đáng tham ưa mà vọng sanh mến luyến đều do ngu si hư vọng phỉnh dối không có một chút thiệt, chỉ có giải thoát tịch diệt là vui thôi, mà hàng phàm
phu bị ngu si làm say nên thường thích ở nơi ấy ngang sanh ra tướng ưu liệt, nay tôi ở trong chúng phàm ngu nầy phải ở lặng yên suy nghĩ chẳng phóng dật.
Nầy Hộ Quốc ! Bấy giờ vua Diệm Ý vì Vương Tử Phước Diệm mà lập thành khác tên Thắng Hỉ Lạc có bảy vòng tường báu bao quanh, Nam Bắc thành ấy có bảy trăm đường phố tường vách bằng bảy báu giăng che với linh vàng lưới báu, trên lại giăng các lưới chơn châu, mỗi đầu đường đều có tám vạn bốn ngàn trụ báu, trên các trụ báu cột sáu vạn dây báu móc liền nhau, trong khoảng dây có mười bốn câu chi cây đa la báu,
gió nhẹ thổi động vang âm thanh vi diệu như trăm ngàn âm nhạc chẳng trổi tự kêu. Mỗi đầu đường phố an trí năm trăm đồng nữ niên thiếu khỏe mạnh giỏi ca vũ được mọi người yêu thích. Vua Diệm Ý truyền các đồng nữ ấy từ nay trở đi luôn ca vũ ngày đêm khiến mọi người vui vẻ, người bốn phương đến thành đều phải làm cho tầt cả đều vui thích, không được phát ngôn thô tháo dầu là một tiếng.
Lại muốn làm vui lòng Vương Tử Phước Diệm, trước đầu phố, vua cho an trí mọi thứ bố thí, như y phục, đồ ăn uống, an lạc, giường nệm, xe cộ voi ngựa bò dê, vàng bạc bảy báu, các thứ hương hoa. Người xin cần gì thì cho thứ ấy. Vua lại đặt ở các nơi an trí nhiều đống châu báu để cho mọi người tùy ý thọ dùng.
Trong thành Thắng Hỉ Lạc ấy xây nhiều cung điện để vương tử dạo chơi, đất lát bằng các thứ báu xen nhau. Trên thành
xây lầu cao lớn châu báu trang nghiêm. Trung ương thành xây
một điện lớn, trong điện an trí ngàn vạn giường nệm, bốn phía điện lập nhiều vườn đầy hoa quả. Trong vườn tạo ao bảy báu, bốn mặt ao có đường thềm bốn báu là vàng bạc lưu ly và pha lê, mỗi mặt ao có hai sư tử bằng trăm thứ báu thường phun nước thơm vào trong ao, lại có hai sư tử báu ở mỗi mặt ao dẫn nước ra. Trong ao thường có bốn thứ hoa sen, hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ và hoa sen trắng. Bốn bờ ao có cây báu bao quanh, lại có nhiều cây bông trái. Lại có tám trăm cây báu liên
kết nhau bằng những dây báu treo những phan lụa màu, lại có số ức cây đa la báu, khoảng cách giăng dây báu treo những linh báu bằng vàng, gió nhẹ khua động vang tiếng vi diệu như trăm ngàn âm nhạc chẳng đánh tự kêu. Vì sợ bụi bặm nên trên ao giăng lưới báu lớn.
Trong đại điện ấy an trí ngàn vạn giường bảy báu, trên mỗi giường đều trải năm trăm thứ nệm. Giữa đại điện đặt một tòa ngồi cao bằng bảy báu cao bằng bảy người đứng. Trên tòa báu ấy trải tám vạn câu chi y phục vi diệu, trước tòa đặt lư hương báu đốt hương trầm thủy, đêm ba thời ngày ba thời rải hoa đẹp.
Dùng màn lưới vàng giăng trên điện báu, bên màn treo hoa sen
vàng, lại dùng màn chơn châu giăng trên màn vàng.
Có tám vạn trân bửu sáng sạch để làm ánh sáng.
Trong vườn lại đặt chín trăm vạn khối báu, mỗi khối báu cao một do tuần chiếu sáng toàn cõi ấy.
Trong vườn có các giống chim như: anh võ, cù dục, hồng nhạn, chim câu hệ la, khổng tước, nga nhạn, oan ương, câu na la, ca lăng tần già, chim mạng mạng, lúc muốn kêu đều nói tiếng người vi diệu hòa nhã như tiếng chim trong vườn hoan hỉ của Chư Thiên, các chim nầy kêu hót đều để làm vui Vương Tử.
Vua lại vì Vương Tử mà xây dựng nhà ăn, mỗi ngày sắm sửa năm trăm thức ăn để cung cấp Vương Tử.
Vua lại triệu tập các đồng tử trong nước số đông đến tám mươi câu chi. Các đồng tử ấy hoặc tuổi hai mươi hoặc trên hai mươi đều giỏi tất cả công xảo kỹ nghệ ăn mặc trang nghiêm sạch sẽ đều cho vào thành Thắng Hỷ Lạc. Cha mẹ các đồng tử đưa ngàn vạn câu chi đồng nữ vào hầu các đồng tử. Quyến thuộc của các đồng tử cũng dâng ngàn vạn câu chi đồng nữ theo hầu. Các trưởng giả và nhơn dân cũng đưa ngàn vạn câu chi thể nữ vào hầu. Các thể nữ ấy tuổi mới mười sáu đều xinh đẹp đoan chánh thế gian vô song, đều giỏi âm nhạc ca vũ giỏi làm trò, ngôn ngữ điều nhu, nhan sắc hòa vui đều có thể an ủi kẻ già người trẻ, tất cả nghề khéo đều thông thạo, miệng ra hơi thơm như hoa sen xanh, thân các lỗ lông ra hơi chiên đàn, vi diệu thanh khiết như thiên nữ.
Vương Tử Phước Diệm ỏ trong cung điện ấy, chúng thể nữ thường hòa nhạc các thứ cúng dường.
Vương Tử nghe âm nhạc ấy nghĩ rằng : các thứ này là oan thù của tôi, cướp đoạt pháp lành của tôi, phải mau rời bỏ.
Bấy giờ Vương Tử thấy các sự vui mà lòng chẳng vui chẳng khác người sắp bị sử tử, dầu thấy sắc dục mà lòng chẳng ham, ở giữa chúng thể nữ chẳng vui cùng quyến thuộc tụ hội trong thành cũng chẳng vui, trọn mười năm như vậy chẳng lấy tướng sắc thinh hương vị xúc, chỉ nghĩ rằng lúc nào tôi thoát khỏi cảnh oán thù này, lúc nào tôi hành bất phóng dật để được giải thoát.
Chúng thể nữ ấy đem sữ việc trình tâu vua Diệm Ý. Vua cùng tám vạn tiểu vương đồng đến chỗ Vương Tử khóc than buồn khổ té xỉu trên đất. Tỉnh lại, vua Diệm Ý hướng Vương Tử Phước Diệm mà nói kệ rằng:
Con có phước báu lớn tối diệu
Với con có ai làm chẳng tốt
Mà con chẳng thọ vui tối thắng
Con chẳng thọ vui cha lo buồn
Mong con thọ vui cho cha mừng
Nếu bị phá rầy nói cha hay
Cha sẽ phạt họ tội rất nặng
Con xem hoa sen đẹp tại đây
Cha suy nghĩ làm cho con
Có thiếu thứ gì con mau nói
Cha hay hiện nên như Đế Thích
Nay mặt mắt con như hoa sen
Sao con nhíu mày chẳng vui thích
Các thể nữ này rất đẹp lạ
Vi diệu thanh tịnh bằng thiên nữ
Các nàng đều giỏi những kỹ thuật
Ca vũ âm nhạc đều hay thông
Con nên cùng vui với thể nữ
Sao con rầu buồn như trúng tên
Nay con nên mau thọ vui sướng
Chẳng phải lúc con lo rầu khổ
Vườn rừng suối ao rất mậu thạnh
Bông trái nhánh lá rất sum sê
Rộng lớn chẳng khác vườn cõi trời
Nay con đương lúc tuổi thiếu niên
Nhan sắc tiều tụy như bông khô
Chỉ nên thọ vui chớ nên khổ
Suối chảy ao tắm như cõi trời
Nước thơm vi diệu tắm rửa thân
Các hoa đua nở bầy ong bu
Nay con cớ sao chẳng ưa vui
Nga nhạn anh võ và hồng hạc
Mạng mạng câu na tiếng vi diệu
Không khác Hương sơn và Tuyết sơn
Có ai nghe thấy chẳng ưa thíc
Thắng điện thất bửu lưới chơn châu
Lưu ly nghiêm tịnh như thiên cung
Tòa báu trang nghiêm trùm y
diệu
Linh vàng lưới báu vang tiếng hay
Các thứ âm thanh rất thù đặc
Đường sá phố phường và đầu ngõ
Thể nữ số ngàn tấu âm nhạc
Dường như ngọc nữ vườn hoan hỉ
Sao con mê loạn chẳng thọ vui
Đồng tử thể nữ như chư Thiên
Vì muốn con vui mà tụ họp
Cha mẹ vì con khóc rơi lệ
Sầu lo than thở khổ xiết bao.
Vương Tử Phước Diệm nói kệ thưa phụ vương:
Như đấng công đức đầy đủ kia
Xem xét hữu vi sanh tử khổ
Nhàm lìa phiền não muốn cầu thoát
Vứt bỏ tất cả những dục lạc
Thấy các chúng sanh vào lưới chết
Thường cầu giải thoát xa dục lạc
Suy gẫm Bồ đề thù thắng nhất
Cúi mong cha mẹ nghe con nói
Không ai làm ác đối với con
Con tự chẳng vui các dục lạc
Tất cả ân ái như oan thù
Thêm lớn phiền não đọa ác đạo
Người ngu ưa thích thể nữ này
Thêm lớn nghiệp ma bị trói buộc
Xa lìa công đức thêm bất thiện
Lại khiến đời sau đọa ác đạo
Các Thánh quở trách ngũ dục nầy
Nay tôi sao lại thích gốc khổ
Các thể nữ này giả ngoại sắc
Chỉ là túi da đựng gân xương
Trong đầy máu thịt cứt đái dơ
Thây chết thúi hôi sao lại thích
Ca vũ âm nhạc kỹ thuật thảy
Như ảo như mộng gạt ngu si
Kẻ ngu phân biệt mất chánh đạo
Con há tùy thuận tạo nghiệp ái
Vườn rừng bông trái đến mùa đông
Héo khô vàng úa đều rơi rụng
Vô thường tan hư chẳng còn lâu
Thọ mạng vô định si phóng dật
Tâm như đại hải chẳng tri túc
Ân ái thêm lớn cầu không nhàm
Thường bị dục nhiễm tàn hại nhau
Con như Tu Di gió chẳng động
Cha mẹ anh em và chị em
Vợ con bạn bè các quyến thuộc
Ngôi vua bá quan và thế lực
Nếu đọa ác đạo chẳng cứu được
Chúng ta ngày nay như giọt sương
Cũng như ánh chớp chẳng tạm dừng
Tâm ý tán loạn không chỗ định
Suy thấy như vậy nên siêng tu
BÀI VĂN PHÁT NGUYỆN
Nam-mô thập phương thường trụ Tam-Bảo (3 lần)
Lạy đấng tam giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng Kinh Đại Bảo-Tích
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Ðều phát bồ-đề tâm
Khi mãn báo-thân này
Sanh qua cõi Cực-Lạc.
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI
ÐẠI TỪ ÐẠI BI TIẾP DẪN ÐẠO SƯ A DI ÐÀ PHẬT
NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
(1.080 CÂU)
PHÁT NGUYỆN HỒI HƯỚNG
(Sau khi trì danh đủ số, đến quỳ trước bàn Phật, chắp tay niệm)
Nam mô A-Di Ðà Phật (niệm mau 10 hơi)
Nam mô Ðại bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Ðại-Thế-Chí Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Ðại-Nguyện Ðịa-Tạng-vương Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Thanh-tịnh Ðại-hải-chúng Bồ-tát (3 câu)
(Vẫn quỳ, chí tâm đọc bài kệ phát nguyện hồi hướng)
Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di Đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con, chưa biết thân Phật, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán Âm Thế Chí, các chúng Bồ Tát và thế giới kia, thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.
Con nguyện lâm chung không chướng ngại,
A Di Đà đến rước từ xa.
Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu
Thế Chí kim đài trao đỡ gót.
Trong một sát na lìa ngũ trược,
Khoảng tay co duỗi đến liên trì.
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.
Nghe xong liền CHỨNG Vô Sanh Nhẫn,
Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự,
Con nguyện như thế Phật chứng tri.
Kết cuộc về sau được thành tựu.
( Bài kệ trên tuy đơn giản, song đầy đủ tất cả ý nghĩa. Hành giả có thể đọc nguyện văn khác mà mình ưa thích, nhưng phải đúng với ý nghĩa phát nguyện hồi hướng. Xong đứng lên xướng)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Tây phương cực lạc thế-giới giáo chủ, thọ quang thể tướng vô-lượng vô-biên, từ thệ hoằng thâm, tứ thập bát nguyện độ hàm linh, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư, Pháp giới Tạng thân A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI biến pháp giới Tam bảo. (1 lạy)
Tự qui y Phật, đương nguyện chúng-sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm (1 lạy)
Tự qui y Pháp, đương nguyện chúng-sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải (1 lạy)
Tự qui y Tăng, đương nguyện chúng-sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại (1 lạy)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Vạn Đức đường thượng, từ Lâm Tế Gia Phổ, tứ thập nhất thế, CỐ HÒA THƯỢNG TỔ SƯ, Thích Thượng TRÍ hạ TỊNH thùy từ minh chứng (1 lạy)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Phương Liên Tịnh Xứ Mật-Tịnh đạo tràng, TRÚC LIÊN BỔN THẤT, CỐ HÒA THƯỢNG TỔ SƯ, Thích Thượng Thiền hạ Tâm thùy từ minh chứng (1 lạy)
HÒA NAM THÁNH CHÚNG
NIỆM PHẬT
LỜI KHAI THỊ.- Tất cả pháp của Phật dạy đều có tông chỉ, y theo tông chỉ mà thực hành mới có kết quả. Tông chỉ của môn niệm Phật là TÍN, NGUYỆN và HẠNH.
Thế nào là TÍN ? - Tin chắc cõi Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm ở cách đây mười muôn ức Phật độ về phương Tây là chỗ mình nguyện sẽ về. Tin chắc nguyện lực của Phật A Di Đà, nhiếp thọ người niệm Phật văng sinh. Tin chắc mình niệm Phật đây quyết sẽ được vãng sinh về Cực Lạc thế giới ở bậc Bất thối chuyển Bồ Tát. Được như vậy gọi là TIN SÂU.
Thế nào là NGUYỆN ? - Mong mỏi được về Cực Lạc thế giới như viễn khách nhớ cố hương. Mong mỏi được ở gần Phật A Di Đà như con thơ nhớ từ mẫu, ngày ngày ngưỡng vọng Tây phương mà lòng mãi ngậm ngùi. Phút phút trông chờ Từ phụ mà mắt luôn trông ngóng. Nguyện rời cõi trược ác. Nguyện về Tịnh độ an lành. Nguyện thành Phật. Nguyện độ chúng sinh. Như trên đây gọi là NGUYỆN THIẾT.
Thế nào là HẠNH? - Dùng lòng tin và chí nguyện ở trên mà xưng niệm hồng danh “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT". Niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng hay niệm thầm đều được cả miễn là khi niệm phải đủ bốn điều dưới đây mới gọi là thực hành đúng pháp.
1) RÀNH RÕ.- Rành là từng chữ, từng câu rành rẽ không lộn lạo. Rõ là mình tự nhận lấy tiếng niệm rõ ràng không trại không mờ.
2) TƯƠNG ỨNG.- Tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.
3) CHÍ THIẾT.- Chí thành tha thiết nhớ tưởng đến Phật. Như con thơ mắc nạn mà kêu cầu từ mẫu cứu vớt.
4) NHIẾP TÂM.- Để tâm vào tiếng niệm Phật, không cho tạp niệm xen vào. Nếu xao lãng thời liền thâu lại, chăm chú nhận rõ lấy tiếng niệm Phật của minh.
Lòng tin sâu chắc và nguyện vọng tha thiết mà niệm Phật chuyên cần như trên, đó là NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁP. Niệm Phật đúng pháp rồi chí tâm hồi hướng cầu sinh, thời quyết định vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc thế giới ở chung với chư Bồ Tát thượng thiện nhân, gần gũi Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, trụ bậc Bất thối chuyển, một đời sẽ thành Phật.
Kệ rằng :
Nam mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưởn
(Hạ Thủ Công Phu)
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ
(Tương Ưng với Giới, Định, Huệ)
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
(Sự Nhất Tâm)
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
(Lý nhất Tâm)
Chứng lý pháp thân hiện
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
(Phát Nguyện Vãng-sanh Cực-lạc)
Cầu đài sen thượng phẩm.
(Giảng Giải Kinh Pháp Bảo Đàn - HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ-TỊNH)
Tâm Nguyện Của Dịch Giả
Trích cuối tập 9 Kinh Ðại-Bửu-Tích
…
Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại VÀI DÒNG NÀY, CHÍNH TÔI, PHẢI CHÍNH TÔI, KHÔNG DÁM ngửng mặt tự xưng là Tỳ Kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.
Chùa Vạn Ðức
Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tỵ .
(08-10-1989)
Thích Trí Tịnh
Cẩn Chí
Đời ta chí gởi chốn Liên-trì,
Trần thế vinh-hư sá kể gì.
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm,
Mừng nay được thấy đức A-Di.
Về cách trì niệm, Bút-giả lại phối hợp với môn Thiền của Ngài Trí Giả, khiến cho Thiền, Tịnh được dung hòa. Pháp thức này chia thành bốn giai đoạn đi từ cạn đến sâu:
1 – KÝ SỐ NIỆM: Hành giả lấy mười câu làm một đơn vị, niệm xong 10 câu lần một hột chuỗi. Người hơi dài có thể niệm suốt. Như hơi ngắn thì chia làm hai đoạn, mỗi đoạn 5 câu. Cần phải niệm rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm lắng nghe, ghi nhớ từ 1 đến 10 câu. Vì còn sự ghi nhớ ấy, nên gọi là KÝ SỐ.
2 – CHỨNG SỐ NIỆM: Khi niệm đã thuần, thì không cần ghi nhớ từ 1 đến 10. Niệm đủ mười câu, liền tự biết một cách hồn nhiên. Đó gọi là CHỨNG SỐ. Lúc này tâm hành giả được tự tại hơn. Ý niệm càng chuyên nhứt.
3 – CHỈ QUÁN NIỆM: Lúc mới niệm, dứt tất cả tư tưởng phiền tạp, duy yên tĩnh lắng nghe, gọi là CHỈ. Khi yên tĩnh đã lâu, tâm muốn hôn trầm, liền khởi ý niệm Phật tha thiết, tựa như con sa vào vòng tội khổ, gọi cha mẹ cứu vớt. Sự khởi ý tưởng đến Phật đó, gọi là QUÁN. Hai cách nầy cứ thay đổi lẫn nhau, tán loạn dùng phép CHỈ, hôn trầm dùng phép QUÁN.
4 – TỊCH TĨNH NIỆM: Khi Chỉ Quán đã thuần, hôn trầm tán loạn tiêu tan, hành giả liền một niệm buông bỏ tất cả. Lúc ấy trong quên thân tâm, ngoài quên thế giới, đạo lý diệu huyền cũng xả, cho đến cái không cũng trừ. Bấy giờ tâm niệm vắng lặng sáng suốt, chỉ còn hồn nhiên một câu niệm Phật mà thôi. Đến Giai-đoạn nầy Tịnh tức là Thiền, có niệm đồng với không niệm, tạm mệnh danh là TỊCH TĨNH NIỆM.
Pháp thức niệm trên đây, sau nhiều năm bị chướng ngại trong lúc hành trì, Bút-giả đã suy tư nghiên cứu, vạch ra một đường lối để áp dụng riêng cho mình. Nay cũng mong nó đem lợi ích lại cho hàng liên hữu.
Có lời khen rằng:
Hạ bối căn non, kém hiểu biết,
Ngũ nghịch, thập ác, gây nhiều nghiệp
Phá giới, phạm trai, trộm của Tăng,
Không tin Ðại Thừa, báng Chánh Pháp.
Lâm chung tướng khổ hội như mây,
Ưng đọa A Tỳ vô lượng kiếp.
Thiện hữu khuyên xưng niệm Phật danh
Di Đà hóa hiện tay vàng tiếp.
Mười niệm khuynh tâm đến bảo trì,
Luân hồi từ ấy thoát trường kỳ.
Mười hai đại kiếp hoa sen nở
Đại nguyện theo với tiếng đại bi.
MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
Tế Tỉnh Đại Sư, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường
27.
Nhứt cú Di Ðà |
Một câu A Di Ðà |
Có một độ, bút giả vừa tụng xong bộ kinh Hoa Nghiêm, tâm niệm bỗng vắng lặng quên hết điều kiến giải, hồn nhiên viết ra bài kệ sau:
Vi trần phẫu xuất đại thiên kinh
Nghĩ giải thiên kinh không dịch hình!
Vô lượng nghĩa tâm toàn thể lộ
Lưu oanh hựu chuyển tịch thường thinh.
Bài kệ này có ý nghĩa: Chẻ hạt bụi cực vi để lấy ra tạng kinh rộng nhiều bằng cõi Ðại Thiên thế giới. Tạng kinh ấy đã từ điểm bụi cực vi nơi Không Tâm diễn ra, thì tìm hiểu nghĩa lý làm chi cho mệt tâm hình? Tốt hơn là nên trở về chân tâm, bởi tâm này đã sẵn đầy đủ vô lượng vô biên diệu nghĩa, lúc nào cũng lồ lộ hiện bày. Kìa chim oanh bay chuyền trên cành cây kêu hót, đang nói lên ý nghĩa chân thường vắng lặng ấy!
Câu niệm Phật cũng thế, nó bao hàm vô lượng vô biên nghĩa lý nghiệm mầu, đâu phải chỉ một Ðại Tạng Kinh? Gọi một Ðại Tạng Kinh chỉ là lời nói ước lược mà thôi. Khi niệm Phật dứt hết vọng tưởng, đi thẳng vào chân tâm hay vô lượng nghĩa tâm thì ánh sáng tự tâm phát hiện dọc ngang chói suốt bốn bề. Tâm cảnh ấy dứt hết sự đối đãi, u linh nhiệm mầu không thể diễn tả!
VÔ NHẤT Thích Thiền-Tâm
Comments
Post a Comment