Nam mô Hoa-Tạng Giáo-Chủ Tỳ-Lô-Giá-Na Phật
Biến Pháp-giới Tam-Bảo
Nam-Mô Đại Niết-Bàn Hội Thượng Phật Bồ-Tát Ma-Ha-Tát (3 lần)
KINH
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
QUYỂN 20
PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU
CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
THỨ HAI MƯƠI HAI
Nầy Thiện nam tử ! Thế nào là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn chẳng nghe mà được nghe ? Mười hai bộ kinh nghĩa lý thâm thúy từ trước chẳng nghe, nay nhơn kinh nầy mà được nghe đầy đủ. Trước dầu được nghe nhưng chỉ nghe danh tự, nay ở kinh nầy mới đặng nghe nghĩa lý. Thanh Văn
Duyên Giác chỉ nghe danh tự của mười hai bộ kinh mà chẳng nghe nghĩa lý, nay ở kinh nầy được nghe đầy đủ. Đây gọi là chẳng nghe mà được nghe.
Trong tất cả kinh của Thanh Văn Duyên Giác chẳng nghe đức Phật có thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng rốt ráo nhập diệt, Tam Bảo và Phật tánh không có tướng sai khác, người phạm bốn trọng tội, hủy báng kinh điển Đại Thừa, tạo tội ngũ ngịch và nhứt xiển đề, tất cả đều có Phật tánh. Nay ở kinh nầy mà đặng nghe đó. Đây gọi là chẳng nghe mà được nghe.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Nếu nhứt xiển đề v.v… mà có Phật tánh, tại sao bọn họ lại đọa địa ngục ?
Bạch Thế Tôn ! Giả sử bọn họ có Phật tánh, sao lại nói là không có thường, lạc, ngã, tịnh ?
Nếu dứt căn lành gọi là nhứt xiển đề, lúc dứt căn lành tại sao Phật tánh lại chẳng dứt ? Phật tánh nếu dứt sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh ? Như Phật tánh chẳng dứt sao lại gọi là nhứt xiển đế ?
Bạch Thế Tôn ! Phạm bốn tội nặng gọi là bất định, hủy báng kinh Đại Thừa, tạo tội ngũ nghịch cùng nhứt xiển đề đều gọi là bất định. Những hạng nầy nếu quyết định làm sao đặng thành Vô Thượng Bồ Đề, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật cũng gọi là bất định, vì nếu quyết định lẽ ra Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật đều chẳng được thành Vô Thượng Bồ Đề.
Bạch Thế Tôn ! Nếu phạm bốn tội nặng là chẳng quyết định, thời Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật cũng là chẳng quyết địnyh, chư Phật Như Lai cũng lại chẳng quyết định như thế thể tánh Niết Bàn cũng lại chẳng quyết định, tất cả pháp cũng chẳng quyết định. Tại sao chẳng quyết định gọi là nhứt xiển đề. Trừ nhứt xiển đề thời thành Phật đạo. Chư Phật Như Lai lẽ ra cũng như vậy, nhập Niết Bàn rồi đáng lẽ cũng lại trở ra chẳng nhập Niết Bàn. Nếu như vầy thời tánh Niết Bàn cũng là chẳng nhứt định. Vì chẳng nhứt định nên biết chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh. Sao lại nói rằng : Nhứt xiển đề v.v… sẽ đặng Niết Bàn ?”
Đức Phật nói : “ Lành thay ! Lành
thay ! Ông vì muốn lợi ích an lạc chúng sanh, vì lòng từ bi xót thương thế gian, vì muốn sách tấn các Bồ Tát phát Bồ Đề tâm, nên hỏi Phật những điều như vậy
Ông đã gần gũi vô lượng chư Phật quá khứ trồng những căn lành, từ lâu đã thành tựu công đức Bồ Đề hàng phục các loài ma, đã giáo hóa vô lượng vô biên chúng sanh đưa họ đến vô thượng chánh giác, từ lâu đã thông đạt tạng thâm mật của Như Lai, đã từng đem những nghĩa thâm mật như trên thưa hỏi hằng hà sa chư Phật thuở quá khứ. Tất cả thế gian hoặc người hoặc trời hoặc Sa Môn hoặc Bà La Môn hoặc Ma Vương, Phạm Vương, ta đều không thấy ai có thể hỏi được như vậy. Ông nên thành tâm lóng nghe.
Nầy Thiện nam tử ! Nhứt xiển đề cũng chẳng nhứt định. Vì nếu nhứt định thời nhứt xiển đề trọn không thể đặng thành vô thượng chánh giác. Vì chẳng nhứt định nên có thể đặng thành.
Như ông hỏi : Phật tánh chẳng dứt, sao nhứt xiển đề lại dứt căn lành ?
Nầy Thiện nam tử ! Căn lành có hai thứ : Trong và ngoài. Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, nên chẳng dứt.
Căn lành lại có hai thứ : Hữu lậu và vô lậu. Phật tánh chẳng phải hữu lậu vô lậu nên chẳng dứt.
Lại có hai thứ căn lành : Thường và vô thường. Phật tánh chẳng phải thường , chẳng phải vô thường nên chẳng dứt.
Nếu là những thứ bị dứt, thời trở lại đặng. Nếu chẳng trở lại đặng thời gọi là chẳng dứt. Nếu dứt rồi trở lại đặng thời gọi là nhứt xiển đề. Phạm bốn tội nặng, hủy báng đại thừa, tạo tội ngũ nghịch cũng chẳng nhứt định như vậy. Vì nếu nhứt định thời những hạng nầy trọn chẳng thể đặng vô thượng Bồ Đề.
Sắc cùng tướng của sắc, hương, vị, xúc, sanh đến vô minh, ấm, nhập , giới, hai mươi lăm cõi, bốn loài sanh, tất cả pháp cũng đều không có tướng nhứt định.
Ví như nhà ảo thuật ở trong đại chúng biến hóa làm quân lính, chuỗi ngọc đồ trang sức, xóm làng, thành ấp, rừng cây, suối, ao, sông, giếng. Trong đại chúng có bọn trẻ thơ vì không đủ trí, nên lúc xem coi cho
đó là thiệt. Người trí biết đó là hư dối , do sức ảo thuật làm lầm mắt người.
Tất cả phàm phu nhẫn đến Thanh Văn Bích Chi Phật, đối với tất cả pháp thấy có tướng nhứt định. Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng thấy tướng nhứt định.
Ví như mùa hạ thấy ánh sáng dợn, trẻ thơ cho là nước. Người trí trọn chẳng nhận là nước thiệt, chỉ là ánh nắng gợn làm lầm mắt người.
Tất cả phàm phu Thanh Văn Duyên
Giác thấy tất cả pháp đều cho là thật. Chư Phật Bồ Tát chẳng thấy có tướng nhứt định.
Ví như khe núi, do tiếng mà có vang. Trẻ thơ cho là thiệt tiếng. Người trí hiểu là không thật, chỉ có tướng tiếng phỉnh dối nơi nhĩ thức.
Tất cả phàm phu Thanh Văn Duyên
Giác đối với tất cả pháp thấy có tướng nhứt định. Chư Phật Bồ Tát hiểu rõ đều không tướng nhứt định, thấy là tướng vô thường, tướng không tịch, tướng không sanh diệt. Do nghĩa nầy, Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp là tướng vô thường.
Nầy Thiện nam tử ! Cũng có định tướng, chính là thường, lạc, ngã, tịnh nơi quả Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Quả Tu Đà Hoàn cũng chẳng quyết định, vì chẳng quyết định nên trãi qua tám muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác. Quả Tu Đà Hàm cũng chẳng quyết định, vì trải qua sáu muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác Quả A Na Hàm cũng chẳng quyết định, vì trải qua bốn muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác. Quả A La Hán cũng chẳng quyết định, vì trải qua hai muôn kiếp đặng vô thượng chánh giác.
Bích Chi Phật cũng chẳng quyết định, vì trải qua mười ngàn kiếp đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nầy Thiện nam tử ! Hôm nay Như lai ở trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, thị hiện nằm dựa trên giường sư tử sắp nhập Niết Bàn, làm cho chúng đệ tử chưa chứng quả A La Hán cùng các lực sĩ rất lo rầu, cũng làm cho trời, người, A Tu la, Càn Thát Bà, Ca
Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già v.v… trần thiết đồ cúng dường. Muốn khiến mọi người dùng ngàn bức vải lông vấn thân Như Lai, bảy báu làm quan tài, đựng đầy dầu thơm, chất những gỗ thơm để thiêu đó. Chỉ trừ hai thứ chẳng thể cháy được : Một là y lót mình, hai là lớp vải vấn phía ngoài hết. Vì chúng sanh nên phân
chia xá lợi làm tám phần.
Tất cả hàng Thanh Văn đệ tử đều cho rằng Đức Như Lai nhập Niết Bàn. Phải biết Đức Như Lai cũng chẳng quyết định rốt ráo nhập Niết Bàn, vì đức Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. Do nghĩa nầy nên Đức Như Lai nhập Niết Bàn cũng chẳng nhứt định.
Nầy Thiện nam tử ! Nên biết Như Lai cũng chẳng quyết định. Như Lai chẳng phải Thiên. Có bốn hạng thiên : Một là thế gian thiên, hai là sanh
thiên, ba là tịnh thiên, bốn là nghĩa thiên.
Thế gian thiên, lệ như các vị Quốc vương. Từ Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng gọi là Sanh Thiên. Từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật gọi là Tịnh Thiên. Thập trụ Bồ Tát v.v… gọi là Nghĩa Thiên, vì có thể hiểu rõ nghĩa của các pháp, chính là thấy nghĩa không của tất cả pháp.
Nầy Thiện nam tử ! Như Lai chẳng phải Quốc Vương, chẳng phải Tứ Thiên Vương, nhẫn đến trời Phi Phi Tưởng, cũng chẳng phải Tu Đà Hoàn, Bích Chi Phật, Thập Trụ Bồ Tát. Do đây nên Như Lai chẳng phải Thiên. Mặc dù như vậy, nhưng chúng sanh cũng gọi Phật là Thiên Trung Thiên. Vì
thế nên Như Lai chẳng phải là Thiên cũng chẳng phải là chẳng phải Thiên, chẳng phải là người cũng chẳng phải là chẳng phải người, chẳng phải là quỷ, cũng chẳng phải là chẳng phải quỷ, chẳng phải là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chẳng phải là chúng sanh cũng chẳng phải là chẳng phải chúng sanh, chẳng phải là pháp cũng chẳng phải là chẳng phải pháp, chẳng phải là sắc cũng chẳng phải là chẳng phải sắc, chẳng phải là dài, vắn cũng chẳng phải là chẳng phải dài, vắn. Chẳng phải là tướng cũng chẳng phải là chẳng phải tướng, chẳng phải là tâm cũng chẳng phải là chẳng phải tâm, chẳng phải là hữu lậu, chẳng phải là vô lậu, chẳng phải là hữu vi, chẳng phải là vô vi, chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường, chẳng phải là huyễn hóa cũng chẳng phải là chẳng phải huyễn hóa, chẳng phải là danh cũng chẳng phải là chẳng phải danh, chẳng phải là định cũng chẳng phải là chẳng phải định, chẳng phải có không cũng chẳng phải là chẳng phải có không, chẳng phải ngôn thuyết cũng chẳng phải là chẳng phải ngôn thuyết, chẳng phải Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải Như Lai. Do nghĩa nầy nên Như Lai chẳng quyết định.
Nầy Thiện nam tử ! Cớ sao Như Lai chẳng gọi là thế gian Thiên ? Thế gian Thiên chính là của vị Quốc Vương. Đức Như Lai từ vô lượng kiếp đã bỏ ngôi Quốc Vương, cho nên Như Lai chẳng phải là Quốc Vương. Như Lai giáng sanh nơi nhà vua Tịnh Phạn tại thành Ca Tỳ La Vệ, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Quốc Vương.
Như Lai từ lâu đã lìa khỏi các cõi, nên chẳng phải là sanh thiên. Như Lai lên trời Đâu Suất xuống Diêm Phù Đề, nên chẳng phải là chẳng phải sanh Thiên.
Như Lai chẳng phải Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật, nên Như Lai chẳng phải là Tịnh Thiên.
Tám pháp trong đời chẳng ô nhiễm được, dường như Liên Hoa chẳng dính bụi, nước, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Tịnh Thiên.
Như Lai chẳng phải là Thập Trụ Bồ Tát, nên Như Lai chẳng phải là Nghĩa Thiên. Như Lai thường tu mười tám nghĩa không, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Nghĩa Thiên.
Như Lai chẳng phải là người vì Như Lai từ vô lượng kiếp đã lìa quả báo người. Như Lai giáng sinh thành Ca Tỳ La nên chẳng phải là chẳng phải người.
Như Lai chẳng phải là quỷ vì chẳng hại tất cả chúng sanh. Như Lai cũng dùng thân quỷ để hóa độ chúng sanh nên chẳng phải là chẳng phải quỷ.
Như Lai chẳng phải là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ vì từ lâu đã lìa ác nghiệp, cũng hiện thọ thân trong ác đạo để giáo hóa chúng sanh, nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ,
Như Lai chẳng phải là chúng sanh vì từ lâu đã lìa tánh chúng sanh.
Có lúc Như Lai diễn thuyết chúng sanh, nên cũng chẳng phải là chẳng phải chúng sanh.
Các pháp mỗi mỗi đều có tướng sai khác. Như Lai chỉ có một tướng, nên chẳng phải là pháp. Như Lai là pháp giới nên cũng chẳng phải là chẳng phải pháp.
Như Lai chẳng nhiếp trong mười sắc pháp, nên chẳng phải là sắc.
Thân Như Lai có ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, nên chẳng phải là chẳng phải sắc.
Vì dứt tất cả sắc nên Như Lai chẳng phải là cao. Tất cả thế gian không ai thấy được đỉnh đầu của Như Lai, nên chẳng phải là chẳng phải cao.
Từ lâu, đã xa lìa kiêu mạn, nên Như Lai chẳng phải là thấp. Vì độ Trưởng Giả, Cù Sư La, Như Lai hiện thân ba thước, nên chẳng phải là chẳng phải thấp.
Từ lâu đã xa lìa các hình tướng, nên Như Lai chẳng phải là tướng. Như Lai biết rành tất cả tướng, nên chẳng phải là chẳng phải tướng.
Như Lai rỗng rang như hư không, nên chẳng phải là tâm. Vì Như Lai có mười tâm trí lực, cũng có thể rõ biết tâm của chúng sanh, nên cũng chẳng phải là chẳng phải tâm.
Vì Như Lai là thường, lạc, ngã , tịnh, nên chẳng phải là hữu vi. Như Lai thị hiện có đến, đi, ngồi, nằm cùng thị hiện Niết Bàn nên chẳng phải là vô vi.
Vì có thân phần đoạn nên Như Lai chẳng phải là thường.ï Lại vì có biết, vì có nói năng, vì có họ tên, vì có cha mẹ, vì có bốn oai nghi, vì có nơi chỗ, do đây nên Như Lai chẳng phải là thường. Phàm pháp có sanh gọi là vô thường. Như Lai là vô sanh nên chẳng phải là chẳng phải thường. Phàm pháp thường trụ thời khắp tất cả chỗ như hư không, không chỗ nào không có, Như Lai khắp tất cả chỗ cũng như vậy nên là thường. Những pháp vô thường thời chỗ nầy có, chỗ kia không, Như Lai chẳng như vậy nên là thường. Pháp vô thường thời có lúc có lúc không, Như Lai chẳng như vậy nên là thường. Pháp thường trụ không danh, sắc, không nhơn, không quả, Như Lai cũng như vậy nên là thường. Pháp thường trụ chẳng nhiếp trong thời gian ba đời, Như Lai cũng như vậy nên là thường.
Vì dứt tất cả tâm luống dối, nên Như Lai chẳng phải là huyễn hóa. Như Lai có lúc chia một thân làm vô lượng thân, vô lượng thân hiệp làm một thân, đi thẳng qua núi qua vách không bị chướng ngại, đi trên nước như đất, vào trong đất như nước, đi trên hư không như đất bằng, thân tuôn ra khói lửa, hực hở như đống lửa, hiện tiếng mây sấm chấn động, hoặc hiện làm thành ấp xóm làng nhà cửa núi sông cây cối, hoặc hiện thân to lớn, hoặc thân nhỏ, thân nam, thân nữ, thân đồng nam, thân đồng nữ, vì thế nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải huyễn hóa.
Trong rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, Như Lai thị hiện nhập Niết Bàn vì thế nên Như Lai chẳng phải quyết định. Do vì thường, lạc, ngã tịnh nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng quyết định.
Vì đã dứt ba thứ lậu : Một là dục lậu tức là tất cả phiền não ở dục giới trừ vô minh ; hai là hữu lậu tức là tất cả phiền não sắc giới và vô sắc giới trừ vô minh ; ba là vô minh lậu tức là vô minh trong tam giới.
Vì thế nên Như Lai chẳng phải hữu lậu.
Tất cả phàm phu đối với đời vị lai đều có tâm nghi : Trong đời vị lai sẽ có thân hay chẳng có thân ? Trong đời qua khứ thân vốn có hay là vốn không ? Trong đời hiện tại thân nầy có hay thân nầy không ? Nếu có ngã, thời ngã ấy là sắc hay là chẳng phải sắc ? Là tưởng hay chẳng phải tưởng ? Thân nầy thuộc về cái khác hay chẳng thuộc ? Là có mạng có thân hay có thân
không mạng ? Thân cùng mạng là thường hay vô thường ? Thân cùng mạng do Tự Tại Thiên tạo ư ? Thời tiết tạo ư ? Vô nhơn tạo ư ? Thế tánh tạo ư ? Vi trần tạo ư ? Pháp cùng phi pháp tạo ư ? Sĩ phu tạo ư ? Phiền não tạo ư ? Cha mẹ tạo ư ? Ngã ở nơi tâm hay ở nơi nhãn ? Ngã thắp đầy trong thân ư ? Ngã từ đâu đến, đi đến chỗ nào ? Ai sanh ai chết ? Ngã thuở quá khứ là chủng tánh nào ? Đời vị lai sẽ thuộc chủng tánh nào ? Thuở quá khứ, thân nầy của ta là nam hay nữ ? Nếu ta sát sanh sẽ phải tội hay không tội ? Nhẫn đến uống rượu sẽ có tội hay không tội ? Ta tự gây tạo hay vì người mà gây tạo ? Ngã thọ báo hay thân thọ báo ?
Vô lượng điều nghi chấp như vậy che đậy chúng sanh làm cho tâm phiền muộn. Do những điều nghi chấp nầy sanh ra sáu thứ quan niệm : Một là quyết định có ngã, hai là quyết định không ngã; ba là ngã thấy là ngã; bốn là ngã thấy là không ngã; năm không ngã thấy là ngã; sáu là ngã làm ngã thọ ngã biết. Những quan niệm trên đây gọi là tà kiến.
Như Lai đã dứt hẳn vô lượng cội gốc tà kiến, hữu lậu như vậy, nên Như Lai chẳng phải hữu lậu. Đại Bồ Tát tu thánh hạnh Đại Niết Bàn cũng dứt hẳn được những lậu như vậy. Chư Phật thường tu thánh hạnh nên là vô lậu.
Nầy Thiện nam tử ! Phàm phu chẳng thể khéo nhiếp năm căn thời có ba thứ lậu, bị nghiệp ác kéo dắt đến nơi chỗ chẳng lành. Ví như ngựa dữ tánh hung hăng, có thể làm cho người cỡi đến chỗ hiểm nạn. Người không khéo nhiếp năm căn cũng như vậy, có thể làm cho người đó xa lìa pháp lành đến những chỗ ác.
Ví như voi dữ chưa điều thuận, người cỡi nó chẳng thể tùy ý, nó đưa người xalìa thành ấp đến nơi rừng sâu. Chẳng khéo điều nhiếp năm căn nó sẽ dắt người xa lìa thành ấp Niết Bàn đến nơi rừng rậm sanh tử. Ví như tôi nịnh bảo vua làm ác, như đứa con hư chẳng tuân lời dạy của cha mẹ sư trưởng, chẳng khéo nhiếp ngũ căn nó sẽ khiến người làm ác chẳng thuận pháp lành.
Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn thường bị địa ngục súc sanh ngạ quỉ tàn hại, như giặc cướp hại người lành.
Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn chạy theo ngũ trần, như người chăn trâu chẳng khéo giữ gìn để trâu làm hại lúa mạ.
Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn nên thường ở trong ba cõi chịu nhiều sự khổ não. Đại Bồ Tát lúc tu Thánh hạnh Đại Niết Bàn, thường có thể khéo nhiếp ngũ căn, dứt trừ tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn , tật đố, để được thành tựu tất cả pháp lành.
Nếu người có thể khéo giữ gìn ngũ căn thời nhiếp được tâm, nếu nhiếp được tâm thời nhiếp ngũ căn. Ví như có người ủng hộ Quốc Vương thời là ủng hộ Quốc Gia, ủng hộ Quốc Gia thời là ủng hộ Quốc Vương.
Đại Bồ Tát nếu đặng nghe kinh Đại Niết Bàn nầy thời được trí huệ vì được trí huệ thời được chuyên niệm. Nếu ngũ căn tán loạn thời chánh niệm có thể nhiếp dừng lại, vì là niệm huệ vậy. Như người chăn giỏi, giả sử trâu sút dây đi ăn lúa mạ của người thời liền bắt lại. Nhờ niệm huệ nên Đại Bồ Tát thâu nhiếp ngũ căn chẳng cho tán loạn. Nhờ có niệm huệ nên Đại Bồ Tát chẳng thấy ngã tướng, chẳng thấy tướng ngã sở, chẳng thấy chúng sanh cùng chỗ thọ dụng. Thấy tất cả pháp đồng là pháp tánh, sanh ra tướng đất đá ngói sạn. Như nhà cửa do nhiều duyên hiệp lại thành không có tánh nhứt định. Thấy chúng sanh do tứ đại ngũ ấm hiệp thành không tánh quyết định. Vì không tánh quyết định nên Bồ Tát ở trong đó chẳng sanh tham đắm. Tất cả phàm phu vì thấy có chúng sanh nên khởi phiền não. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn vì có niệm huệ nên đối với chúng sanh chẳng sanh tham trước.
Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn chẳng chấp trước tướng chúng sanh mà hiện làm ra những pháp tướng. Như thợ vẽ dùng các thứ màu vẽ thành những hình tượng : Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu, hoặc ngựa. Phàm phu không trí huệ thấy đó thời cho rằng có tướng nam nữ v.v… thợ vẽ rõ biết không có nam nữ. Cũng vậy vì có niệm huệ nên Đại Bồ Tát đối với tướng sai khác của các pháp thấy là một tướng, trọn chẳng thấy tướng chúng sanh.
Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn vì khéo quán sát pháp
tướng nên lúc thấy nam nữ đoan chánh trọn chẳng sanh lòng tham trước.
Đại Bồ Tát biết ngũ dục không có thiệt vui, chẳng tạm dừng, như chó ngậm xương khô, như người cầm lửa đi ngược gió, như rắn độc đựng trong trấp, như trong chiêm bao lượm được trái cây trên đường, như khối thịt bầy chim đuổi theo, như bóng nước, như dấu vẽ trong nước, như dệt hết đường canh chỉ, như người tù dắt ra chợ, như vật mượn tạm. Bồ Tát quan sát ngũ dục nhiều lỗi ác như vậy.
Đại Bồ Tát quán sát chúng sanh vì
sắc hương vị xúc, nên từ vô lượng kiếp đến nay, chịu nhiều khổ não. Trong một kiếp, mỗi chúng sanh, xương nơi thân chất như thành Vương xá, như núi Tỳ Phú La. Uống sửa mẹ nhiều như nước trong bốn biển. Máu trong thân chảy ra nhiều hơn nước bốn biển. Nước mắt khíoc người chết của cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, nhiều hơn nước bốn biển. Dùng tất cả cỏ cây trên mặt đất làm thẻ dài bốn tấc để đếm cha mẹ cũng không thể hết. Từ vô lượng kiếp, hoặc ở địa ngục súc sanh ngạ quỷ chẳng thể tính đếm. Vò quả đất nầy bằng trái táo còn có thể dễ hết, nhưng sanh tử rất khó hết.
Đại Bồ Tát quán sát tất cả chúng sanh vì ngũ dục mà chịu vô lượng sự khổ như vậy, do đây Bồ Tát chẳng mất niệm huệ.
Ví như trong đời có nhóm người đông đầy chật hai mươi lăm dặm. Vua truyền một quan chức cầm một chén dầu đầy đi qua giữa đám đông ấy không được làm đổ, nếu đổ rơi một giọt sẽ bị tội chết. Vua lại sai một người cầm gươm theo sau nếu thấy dầu đổ thời chém. Vì sợ chết nên quan chức ấy hết lòng gìn giữ chén dầu, đi qua khỏi đám đông chẳng làm đổ một giọt.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát ở trong sanh tử chẳng mất niệm huệ, nên dầu thấy ngũ dục mà tâm không tham trước. Lúc bấy giờ ngũ căn của Bồ Tát thanh tịnh, vì ngũ căn thanh tịnh nên giữ gìn giới căn đầy đủ.
Tất cả phàm phu ngũ căn chẳng thanh tịnh chẳng khéo giữ gìn nên gọi là căn lậu. Bồ Tát đã dứt hẳn nên là vô lậu. Như Lai đã dứt hẳn cội gốc nên chẳng phải là lậu.
Nầy Thiện nam tử ! Lại có ly lậu. Đại Bồ Tát vì muốn được quả Phật vô thượng cam lồ nên lìa các ác lậu. Nếu có thể tu hành kinh Đại Niết Bàn, biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa, đây gọi là xa lìa.
Nầy Thiện nam tử ! Ta chẳng thấy trong mười hai bộ kinh có kinh nào lìa được các ác lậu như kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn nầy.
Ví như ông thầy giỏi dạy các đồ đệ, trong hàng đồ đệ người thuận theo lời thầy dạy thời chẳng gây tạo việc ác.
Cũng vậy Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thời tâm chẳng gây tạo
nghiệp ác.
Ví như trong đời có người giỏi chú thuật, nếu ai một lần nghe được chú nầy trong bảy năm chẳng bị trúng độc, rắn độc chẳng cắn được, nếu có người tụng thuộc chú nầy thời trọn đời không có những sự họa hại. Cũng vậy, nếu có chúng sanh một lần nghe kinh Đại Niết Bàn nầy thời trọn bảy kiếp chẳng bị đọa ác đạo. Nếu có người biên chép, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa, thời quyết định thấy Phật tánh đặng vô thượng Bồ Đề.
Kinh Đại Niết Bàn nầy có vô lượng công đức như vậy. Nếu người nào biên chép, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa của kinh nầy, thời thiệt là đệ tử Phật, khéo lãnh thọ giáo pháp của Phật, là người mà Phật thường thấy thường nhớ, là người biết rõ Phật chẳng nhập Niết Bàn. Người nầy ở tại chỗ nào thời Phật cũng ở trong đó, thường nhận sự cúng dường của người nầy, hoặc hiện làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Bà La Môn, Phạm Chí, người nghèo khổ ăn xin. Người nầy hoặc ở trong chiêm bao thấy tượng Phật, hoặc thấy Trời, thấy Sa Môn, Thánh Vương, Quốc Vương, Sư Tử Vương, hoa sen, hoa Ưu Đàm, hoặc thấy núi cao, biển lớn, mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy Bạch Tượng, bạch Mã, hoặc thấy cha mẹ, đặng bông, đặng trái, vàng bạc, lưu ly, pha lê những châu báu, thấy sữa, lạc, tô, đề hồ v.v…, nên biết chính là Như Lai nhận sự cúng dường. Người nầy sau khi tỉnh giấc vui mừng liền đặng những đồ vật cần dùng, tâm chẳng nghĩ điều ác, thích thật hành điều lành.
Nầy Thiện nam tử ! Kinh Đại Niết Bàn có vô lượng vô số công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nay ông phải tin lấy lời của Phật.
Nếu người nào muốn thấy Phật, muốn cung kính Phật, muốn đồng pháp tánh mà thấy Phật, muốn đặng không định, muốn thấy thiệt tướng, muốn tu tập Thủ Lăng Nghiêm định, Sư Tử Vương định, muốn phá tám ma : Phiền não, ngũ ấm, tử ma, thiên ma, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, muốn đặng hưởng vui trong loài người hay trên trời, thời phải qua gần gũi học hỏi cúng dường cung kính tôn trọng tán thán người thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết tư duy ý nghĩa kinh Đại Niết Bàn, rửa tay chưn cho người đó, trải giừơng chiếu cung cấp đầy đủ tất cả đồ cần dùng. Nếu người đó từ xa đến, phải ra rước ngoài mười do diên. Vì tôn trọng kinh Đại Niết Bàn nên đem tất cả vật nhu dụng dưng cúng cho người đó. Nếu không có, phải tự bán thân mình để mua sắm. Vì kinh nầy khó được gặp hơn hoa Ưu Đàm.
Nầy Thiện nam tử ! Ta nhớ thuở quá khứ vô lượng vô biên na do tha kiếp, thuở đó có cõi nước hiệu là Ta Bà, Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni đầy đủ mười hiệu, vì hàng đại chúng tuyên nói kinh Đại Niết Bàn. Thuở đó ta được nghe kinh nầy nơi các người bạn. Lòng ta vui mừng muốn sắm đồ cúng dường, nhưng vì quá nghèo thiếu nên không có một vật chi đáng giá. Ta tự đem thân đi bán, nhưng vì bạc phước nên chẳng ai chịu mua. Buồn tủi trở về nhà, giữa đường ta gặp một người, bèn đem tâm sự bày tỏ. Người ấy bảo ta : Nếu ông bằng lòng làm theo nhu cầu của người thời người sẽ mua với giá năm đồng tiền vàng. Người ấy có bịnh lạ y sĩ chế thuốc mỗi ngày cần có ba lượng thịt người. Ta vui mừng nhận lời yêu cầu. Người đó trả tiền trước, sau bảy ngày ta sẽ đến nhà người để theo đúng nhu cầu của người. Người ấy bằng lòng nhưng chỉ cho một ngày vì bịnh người phải gấp dùng thuốc.
Sau khi lãnh tiền ta liền đến chỗ Phật đảnh lễ chơn Phật, rồi đem tất cả năm đồng tiền vàng dưng lên Phật. Cúng dường xong, ta chí thành lóng
nghe Phật giảng kinh Đại Niết Bàn. Lúc đó tâm trí ta quá tối, dầu đặng nghe kinh nhưng chỉ thọ trì được một bài kệ :
Như Lai chứng Niết Bàn . Dứt hẳn nơi sanh tử. Nếu người hết lòng nghe thường được vui vô lượng.
Sau khi thọ trì bài kệ trên đây rồi, ta liền đến nhà người bịnh. Nhờ ta niệm tưởng bài kệ, nên dầu mỗi ngày cắt lấy ba lượng thịt nơi thân, nhưng ta chẳng lấy làm đau khổ lắm. Trọn một tháng, mỗi ngày ta cắt lấy thịt cho người làm thuốc, do đó bịnh người được lành mà thân của ta cũng được bình phục, ta liền phát tâm vô thượntg Bồ Đề, nguyện đời vị lai đặng thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.
Nầy Thiện nam tử ! Do công đức của một bài kệ ấy làm cho ta ngày nay được thành Phật, ở trong đại chúng tuyên nói kinh Đại Niết Bàn nầy.
Nầy Thiện nam tử ! Kinh Đại Niết Bàn thành tựu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đây là tạng bí mật rất sâu của chư Phật. Do nghĩa nầy nên người thọ trì dứt lìa được những ác lậu. Chính là voi ác, ngựa ác, trâu ác, chó ác, rắn độc, chỗ đất nhiều gai, gộp cao, bờ biển, nước xoáy chảy xiết, người ác, nước ác, thành ác, nhà ác, bạn ác v.v… Những nơi đó nếu là nhơn ác lậu thời Bồ Tát liền xa lìa, nếu chẳng phải nhơn ác lậu thời Bồ Tát chẳng xa lìa. Nếu thêm hữu lậu thời xa lìa, nếu chẳng thêm thời chẳng xa lìa. Nếu là pháp ác thời bèn xa lìa, nếu có thể làm lành thời chẳng xa lìa. Xa lìa như thế nào ? Chẳng cầm dao gậy, thường dùng trí huệ phương tiện mà xa lìa đó, đây gọi là chánh huệ viễn ly, vì muốn thêm lớn pháp lành thời phải xa lìa pháp ác.
ĐạiBồ Tát quán sát thân tướng của mình, xem như ghẻ, như nhọt như oán thù, như tên độc, là chỗ khổ, là cội gốc của tất cả thiện ác. Thân nầy dầu bất tịnh như vậy, Bồ Tát vẫn săn sóc nuôi dưỡng, chẳng phải vì tham thân, chính là vì pháp lành ; chẳng phải vì sanh tử, chính là vì Niết Bàn ; vì thường, lạc, ngã, tịnh ; vì đạo Bồ Đề ; vì nhứt thừa ; vì ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vì pháp vương. Đại Bồ Tát thường phải giữ gìn thân thể cho được an tòan để biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa kinh Đại Niết Bàn nầy. Vì thế nên Bồ Tát phải khéo giữ gìn thân thể. Do nghĩa nầy nên Bồ Tát đặng xa lìa tất cả ác lậu.
Như người muốn qua sông phải khéo giữ gìn thuyền bè. Người đi đường xa khéo giữ gìn ngựa hay. Như nhà trồng tỉa khéo giữ gìn phân tro. Như vì chữa độc nên khéo giữ gìn rắn độc. Như người vì của cải nên nuôi dưỡng Chiên Đà La. Như vì muốn phá giặc nên nuôi dưỡng dũng sĩ. Như người lạnh giữ gìn ngọn lửa. Như người bịnh hủi tìm cầu thuốc độc. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dầu thấy thân nầy đầy vô lượng nhớp nhơ, nhưng vì muốn thọ trì kinh Đại Niết Bàn nên vẫn giữ gìn nuôi dưỡng.
Đại Bồ Tát xem voi ác cùng bạn ác đồng nhau không khác, vì đều làm hại thân. Đối với voi ác, Bồ Tát chẳng sợ bằng sợ bạn ác.Vì voi ác chỉ hại thân mà chẳng hại được tâm. Bạn ác thời hại cả hai thứ thân và tâm. Voi ác chỉ làm hại một thân. Bạn ác có thể làm hại vô lượng thân lành vô lượng tâm lành. Voi ác chỉ có thể phá hoại thân hôi nhơ. Bạn ác có thể phá hoại tịnh thân cùng tịnh tâm. Voi ác chỉ có thể làm hại nhục thân. Bạn ác làm hại đến pháp thân. Bị voi ác giết chẳng sa đến ba đường ác. Bị bạn ác giết tất sa đến ba đường ác. Voi ác chỉ là kẻ oán thù của thân. Bạn ác là kẻ oán thù của pháp lành. Do đây nên Bồ Tát thường phải xa lìa bạn ác.
Những ác lậu như vậy, phàm phu chẳng xa lìa nên sanh ác lậu, Bồ Tát xa lìa thời chẳng sanh ác lậu. Bồ Tát còn không có ác lậu như vậy huống là Như Lai.
Thế nào là gần gũi ác lậu ? Tất cả phàm phu lãnh lấy y phục vật thực đồ nằm thuốc thang, họ vì sự đòi hỏi của thân tâm mà tìm cầu những vật như vậy, nên gây tạo nhiều tội ác, chẳng biết là lỗi lầm, phải luân hồi trong ba đường ác, do đây nên gọi là ác lậu. Đại Bồ Tát thấy những lỗi như vậy thời bèn xa lìa.
Lúc cầu y phục Bồ Tát bèn nhận lấy. Chẳng phải vì thân mục đích chỉ vì pháp lành ; chẳng kiêu mạn, thường khiêm tốn, chẳng vì phục sức tốt đẹp, chỉ vì hổ thẹn, để che lạnh che nắng, che gió mưa ngăn muỗi mòng. Bồ Tát dầu lãnh thọ vật thực, nhưng lòng chẳng tham đắm chẳng vì thân chĩ vì chánh
pháp, chẳng vì da thịt chỉ vì chúng sanh, để trị bịnh đói, dầu đặng món ăn ngon cũng vẫn không tham đắm.
Bồ Tát lúc nhận lấy phòng nhà cũng như vậy, chẳng để quan niệm tham đắm ở nơi lòng, vì che mưa gió, vì Bồ Đề mà nhận lấy phòng nhà.
Lúc cầu thuốc thang lòng Bồ Tát không tham đắm, chẳng phải vì mạng sống chỉ vì chánh pháp, vì pháp
thân huệ mạng. Như người bị ung nhọt, dùng thuốc đắp lên lấy vải bó đó, như vậy là chỉ vì để rút máu mủ cho bịnh được lành. Vì tránh gió độc nên ở trong nhà kín. Cũng vậy, Đại Bồ Tát xem thân thể là ung nhọt nên lấy y phục che đậy, vì cửu khiếu máu mủ mà tìm cầu món ăn vật uống, vì mưa gió độc nên nhận lấy phòng nhà vì bốn độc phát bịnh nên tìm cầu thuốc thang. Vì đạo Bồ Đề mà Bồ Tát lãnh lấy bốn thứ cúng dường chẳng vì mạng sống. Bồ Tát suy nghĩ như vầy : Nếu tôi chẳng nhận lấy bốn thứ cúng dường nầy, thời thân thể phải chết mất, chẳng thể nhẫn thọ khổ nhọc ; nếu không kham sự khổ nhọc thời không thể tu tập pháp lành ; nếu kham sự khổ nhọc thời có thể tu tập vô lượng pháp lành ; nếu tôi chẳng kham nhẫn các sự khổ, thời sẽ sanh lòng giận hờn đối với việc nghịch trái, và sẽ sanh lòng tham đắm đối với cảnh thuận vui ; nếu tìm cầu sự vui mà chẳng đặng thời sanh lớn vô minh mê muội.
Do đây nên phàm phu sanh những ác lậu đối với bốn thứ cần dùng. Bồ Tát vì có thể quan sát như vậy nên chẳng sanh những ác lậu, do đây nên gọi là vô lậu. Bồ Tát còn vô lậu như vậy huống là Như Lai. Vì thế nên Như Lai chẳng gọi là hữu lậu.
BÀI VĂN PHÁT NGUYỆN
Nam-mô thập phương thường trụ Tam-Bảo (3 lần)
Lạy đấng tam giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng Kinh Đại Niết-Bàn
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Ðều phát bồ-đề tâm
Khi mãn báo-thân này
Sanh qua cõi Cực-Lạc.
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI
ÐẠI TỪ ÐẠI BI TIẾP DẪN ÐẠO SƯ A DI ÐÀ PHẬT
NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
(1.080 CÂU)
PHÁT NGUYỆN HỒI HƯỚNG
(Sau khi trì danh đủ số, đến quỳ trước bàn Phật, chắp tay niệm)
Nam mô A-Di Ðà Phật (niệm mau 10 hơi)
Nam mô Ðại bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Ðại-Thế-Chí Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Ðại-Nguyện Ðịa-Tạng-vương Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Thanh-tịnh Ðại-hải-chúng Bồ-tát (3 câu)
(Vẫn quỳ, chí tâm đọc bài kệ phát nguyện hồi hướng)
Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di Đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con, chưa biết thân Phật, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán Âm Thế Chí, các chúng Bồ Tát và thế giới kia, thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.
Con nguyện lâm chung không chướng ngại,
A Di Đà đến rước từ xa.
Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu
Thế Chí kim đài trao đỡ gót.
Trong một sát na lìa ngũ trược,
Khoảng tay co duỗi đến liên trì.
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.
Nghe xong liền CHỨNG Vô Sanh Nhẫn,
Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự,
Con nguyện như thế Phật chứng tri.
Kết cuộc về sau được thành tựu.
( Bài kệ trên tuy đơn giản, song đầy đủ tất cả ý nghĩa. Hành giả có thể đọc nguyện văn khác mà mình ưa thích, nhưng phải đúng với ý nghĩa phát nguyện hồi hướng. Xong đứng lên xướng)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Tây phương cực lạc thế-giới giáo chủ, thọ quang thể tướng vô-lượng vô-biên, từ thệ hoằng thâm, tứ thập bát nguyện độ hàm linh, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư, Pháp giới Tạng thân A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI biến pháp giới Tam bảo. (1 lạy)
Tự qui y Phật, đương nguyện chúng-sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm (1 lạy)
Tự qui y Pháp, đương nguyện chúng-sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải (1 lạy)
Tự qui y Tăng, đương nguyện chúng-sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại (1 lạy)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Vạn Đức đường thượng, từ Lâm Tế Gia Phổ, tứ thập nhất thế, CỐ HÒA THƯỢNG TỔ SƯ, Thích Thượng TRÍ hạ TỊNH thùy từ minh chứng (1 lạy)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Phương Liên Tịnh Xứ Mật-Tịnh đạo tràng, TRÚC LIÊN BỔN THẤT, CỐ HÒA THƯỢNG TỔ SƯ, Thích Thượng Thiền hạ Tâm thùy từ minh chứng (1 lạy)
HÒA NAM THÁNH CHÚNG
NIỆM PHẬT
LỜI KHAI THỊ.- Tất cả pháp của Phật dạy đều có tông chỉ, y theo tông chỉ mà thực hành mới có kết quả. Tông chỉ của môn niệm Phật là TÍN, NGUYỆN và HẠNH.
Thế nào là TÍN ? - Tin chắc cõi Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm ở cách đây mười muôn ức Phật độ về phương Tây là chỗ mình nguyện sẽ về. Tin chắc nguyện lực của Phật A Di Đà, nhiếp thọ người niệm Phật văng sinh. Tin chắc mình niệm Phật đây quyết sẽ được vãng sinh về Cực Lạc thế giới ở bậc Bất thối chuyển Bồ Tát. Được như vậy gọi là TIN SÂU.
Thế nào là NGUYỆN ? - Mong mỏi được về Cực Lạc thế giới như viễn khách nhớ cố hương. Mong mỏi được ở gần Phật A Di Đà như con thơ nhớ từ mẫu, ngày ngày ngưỡng vọng Tây phương mà lòng mãi ngậm ngùi. Phút phút trông chờ Từ phụ mà mắt luôn trông ngóng. Nguyện rời cõi trược ác. Nguyện về Tịnh độ an lành. Nguyện thành Phật. Nguyện độ chúng sinh. Như trên đây gọi là NGUYỆN THIẾT.
Thế nào là HẠNH? - Dùng lòng tin và chí nguyện ở trên mà xưng niệm hồng danh “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT". Niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng hay niệm thầm đều được cả miễn là khi niệm phải đủ bốn điều dưới đây mới gọi là thực hành đúng pháp.
1) RÀNH RÕ.- Rành là từng chữ, từng câu rành rẽ không lộn lạo. Rõ là mình tự nhận lấy tiếng niệm rõ ràng không trại không mờ.
2) TƯƠNG ỨNG.- Tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.
3) CHÍ THIẾT.- Chí thành tha thiết nhớ tưởng đến Phật. Như con thơ mắc nạn mà kêu cầu từ mẫu cứu vớt.
4) NHIẾP TÂM.- Để tâm vào tiếng niệm Phật, không cho tạp niệm xen vào. Nếu xao lãng thời liền thâu lại, chăm chú nhận rõ lấy tiếng niệm Phật của minh.
Lòng tin sâu chắc và nguyện vọng tha thiết mà niệm Phật chuyên cần như trên, đó là NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁP. Niệm Phật đúng pháp rồi chí tâm hồi hướng cầu sinh, thời quyết định vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc thế giới ở chung với chư Bồ Tát thượng thiện nhân, gần gũi Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, trụ bậc Bất thối chuyển, một đời sẽ thành Phật.
Kệ rằng :
Nam mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưởn
(Hạ Thủ Công Phu)
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ
(Tương Ưng với Giới, Định, Huệ)
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
(Sự Nhất Tâm)
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
(Lý nhất Tâm)
Chứng lý pháp thân hiện
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
(Phát Nguyện Vãng-sanh Cực-lạc)
Cầu đài sen thượng phẩm.
(Giảng Giải Kinh Pháp Bảo Đàn - HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ-TỊNH)
Tâm Nguyện Của Dịch Giả
Trích cuối tập 9 Kinh Ðại-Bửu-Tích
…
Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại VÀI DÒNG NÀY, CHÍNH TÔI, PHẢI CHÍNH TÔI, KHÔNG DÁM ngửng mặt tự xưng là Tỳ Kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.
Chùa Vạn Ðức
Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tỵ .
(08-10-1989)
Thích Trí Tịnh
Cẩn Chí
Đời ta chí gởi chốn Liên-trì,
Trần thế vinh-hư sá kể gì.
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm,
Mừng nay được thấy đức A-Di.
Về cách trì niệm, Bút-giả lại phối hợp với môn Thiền của Ngài Trí Giả, khiến cho Thiền, Tịnh được dung hòa. Pháp thức này chia thành bốn giai đoạn đi từ cạn đến sâu:
1 – KÝ SỐ NIỆM: Hành giả lấy mười câu làm một đơn vị, niệm xong 10 câu lần một hột chuỗi. Người hơi dài có thể niệm suốt. Như hơi ngắn thì chia làm hai đoạn, mỗi đoạn 5 câu. Cần phải niệm rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm lắng nghe, ghi nhớ từ 1 đến 10 câu. Vì còn sự ghi nhớ ấy, nên gọi là KÝ SỐ.
2 – CHỨNG SỐ NIỆM: Khi niệm đã thuần, thì không cần ghi nhớ từ 1 đến 10. Niệm đủ mười câu, liền tự biết một cách hồn nhiên. Đó gọi là CHỨNG SỐ. Lúc này tâm hành giả được tự tại hơn. Ý niệm càng chuyên nhứt.
3 – CHỈ QUÁN NIỆM: Lúc mới niệm, dứt tất cả tư tưởng phiền tạp, duy yên tĩnh lắng nghe, gọi là CHỈ. Khi yên tĩnh đã lâu, tâm muốn hôn trầm, liền khởi ý niệm Phật tha thiết, tựa như con sa vào vòng tội khổ, gọi cha mẹ cứu vớt. Sự khởi ý tưởng đến Phật đó, gọi là QUÁN. Hai cách nầy cứ thay đổi lẫn nhau, tán loạn dùng phép CHỈ, hôn trầm dùng phép QUÁN.
4 – TỊCH TĨNH NIỆM: Khi Chỉ Quán đã thuần, hôn trầm tán loạn tiêu tan, hành giả liền một niệm buông bỏ tất cả. Lúc ấy trong quên thân tâm, ngoài quên thế giới, đạo lý diệu huyền cũng xả, cho đến cái không cũng trừ. Bấy giờ tâm niệm vắng lặng sáng suốt, chỉ còn hồn nhiên một câu niệm Phật mà thôi. Đến Giai-đoạn nầy Tịnh tức là Thiền, có niệm đồng với không niệm, tạm mệnh danh là TỊCH TĨNH NIỆM.
Pháp thức niệm trên đây, sau nhiều năm bị chướng ngại trong lúc hành trì, Bút-giả đã suy tư nghiên cứu, vạch ra một đường lối để áp dụng riêng cho mình. Nay cũng mong nó đem lợi ích lại cho hàng liên hữu.
Có lời khen rằng:
Hạ bối căn non, kém hiểu biết,
Ngũ nghịch, thập ác, gây nhiều nghiệp
Phá giới, phạm trai, trộm của Tăng,
Không tin Ðại Thừa, báng Chánh Pháp.
Lâm chung tướng khổ hội như mây,
Ưng đọa A Tỳ vô lượng kiếp.
Thiện hữu khuyên xưng niệm Phật danh
Di Đà hóa hiện tay vàng tiếp.
Mười niệm khuynh tâm đến bảo trì,
Luân hồi từ ấy thoát trường kỳ.
Mười hai đại kiếp hoa sen nở
Đại nguyện theo với tiếng đại bi.
MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
Tế Tỉnh Đại Sư, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường
27.
Nhứt cú Di Ðà |
Một câu A Di Ðà |
Có một độ, bút giả vừa tụng xong bộ kinh Hoa Nghiêm, tâm niệm bỗng vắng lặng quên hết điều kiến giải, hồn nhiên viết ra bài kệ sau:
Vi trần phẫu xuất đại thiên kinh
Nghĩ giải thiên kinh không dịch hình!
Vô lượng nghĩa tâm toàn thể lộ
Lưu oanh hựu chuyển tịch thường thinh.
Bài kệ này có ý nghĩa: Chẻ hạt bụi cực vi để lấy ra tạng kinh rộng nhiều bằng cõi Ðại Thiên thế giới. Tạng kinh ấy đã từ điểm bụi cực vi nơi Không Tâm diễn ra, thì tìm hiểu nghĩa lý làm chi cho mệt tâm hình? Tốt hơn là nên trở về chân tâm, bởi tâm này đã sẵn đầy đủ vô lượng vô biên diệu nghĩa, lúc nào cũng lồ lộ hiện bày. Kìa chim oanh bay chuyền trên cành cây kêu hót, đang nói lên ý nghĩa chân thường vắng lặng ấy!
Câu niệm Phật cũng thế, nó bao hàm vô lượng vô biên nghĩa lý nghiệm mầu, đâu phải chỉ một Ðại Tạng Kinh? Gọi một Ðại Tạng Kinh chỉ là lời nói ước lược mà thôi. Khi niệm Phật dứt hết vọng tưởng, đi thẳng vào chân tâm hay vô lượng nghĩa tâm thì ánh sáng tự tâm phát hiện dọc ngang chói suốt bốn bề. Tâm cảnh ấy dứt hết sự đối đãi, u linh nhiệm mầu không thể diễn tả!
VÔ NHẤT Thích Thiền-Tâm
Comments
Post a Comment