Nam mô Hoa-Tạng Giáo-Chủ Tỳ-Lô-Giá-Na Phật
Biến Pháp-giới Tam-Bảo
Nam-Mô Đại Niết-Bàn Hội Thượng Phật Bồ-Tát Ma-Ha-Tát (3 lần)
KINH
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
QUYỂN 15
PHẨM PHẠM HẠNH
THỨ HAI MƯƠI
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Phàm Bồ Tát tư duy đều là chơn thật. Hàng Thanh Văn, Duyên
Giác chẳng phải là chơn thật. Tất cả chúng sanh cớ chi chẳng nhờ oai lực của Bồ Tát đồng thọ khoái lạc. Nếu các chúng sanh thiệt chẳng đặng khoái lạc, nên biết tâm từ của Bồ Tát tu tập là không lợi ích.”
Phật nói : “ Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ của Bồ Tát chẳng phải không lợi ích.
Có những chúng sanh hoặc quyết định thọ khổ. Hoặc có chúng sanh chẳng quyết định thọ khổ. Nếu có chúng sanh quyết định thọ khổ, lòng từ của Bồ Tát là không lợi ích, vì đó là hàng nhứt xiển đề.
Nếu có chúng sanh chẳng quyết định thọ khổ thời lòng từ của Bồ Tát là lợi ích, làm cho chúng sanh
đó đều thọ khoái lạc.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như có người từ xa thấy sư tử, cọp, beo, chó sói, qủy La Sát v.v… tự nhiên sanh sợ sệt. Ban đêm thấy gốc cây trụi cũng sanh sợ sệt.
Những người như vậy tự nhiên sợ sệt, cũng thế, chúng sanh thấy người tu tâm từ tự nhiên thọ khoái lạc.
Do nghĩa đó n ên Bồ Tát tu tâm từ là tư duy chơn thật chẳng phải không lợi ích.
Nầy Thiện nam tử ! Ta nói tâm từ nầy có vô lượng môn, chính là những thần thông.
Nầy Thiện nam tử ! Như Đề Bà Đạt Đa xưa kia bảo vua A Xà Thế làm hại đức Như Lai. Lúc đó ta cùng chúng Tăng vào thành Vương Xá thứ đệ khất thực.
Vua A Xà Thế liền thả voi say để hại ta cùng chư Tăng. Lúc đó voi say đạp chết trăm ngàn chúng sanh. Voi ấy ngữi hơi máu, nên hung tợn càng thêm hung tợn, nhắm ngay đoàn của ta mà chạy thẳng đến. Các đệ tử chưa ly dục kinh sợ chạy tứ tán chỉ một mình A Nan ở lại. Lúc đó nhơn dân trong thành Vương Xá đều cả tiếng kêu khóc, hôm nay đức Như Lai có thể bị hại, cớ sao đấng chánh giác lại vội sẽ diệt mất. Còn Điều Đạt trong lòng hớn hở. Sa Môn Cù Đàm bị hại chết thời là rất tốt, kế của ta rất hay, ta sắp sẽ được toại nguyện.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó ta vì muốn hàng phục voi say liền nhập từ tâm tam muội, sè bàn tay chỉ voi, năm đầu ngón tay ta hiện năm sư tử. Voi say thấy sư tử, lòng nó quá sợ, phẩn tiểu vảy ra, gieo mình mọp xuống kính lễ dưới chân ta.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó năm đầu ngón tay của ta thiệt không sư tử, đó là do sức thiện căn tu tâm từ làm cho voi say được điều phục.
Thiện nam tử ! Vừa rồi lúc ta muốn nhập Niết Bàn, mới khởi sự đi đến thành Câu Thi Na. Giữa đường có năm trăm lực sĩ dọn quét đường sá có một hòn đá to, bọn họ muốn khiêng bỏ nhưng sức họ chẳng khiêng nổi. Lúc đó ta xót thương liền khởi tâm từ. Bọn lực sĩ kia liền thấy ta lấy ngón chân cái hất hòn đávăng lên hư không, rồi lấy tay hứng bắt để hòn đá trên bàn tay mặt, thổi nát ra rồi ráp liền lại làm cho bọn lực sĩ hết cao mạn. Ta liền vì họ nói các pháp yếu làm cho họ đồng phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó Như Lai thiệt chẳng dùng ngón chân hất văng hòn đá, cho đến chẳng thổi nát và ráp lại.
Nầy Thiện nam tử ! Nên biết chính là sức thiện căn của tâm từ làm cho bọn lực sĩ thấy như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Xứ Nam Thiên Trúc nầy có một thành lớn Thủ Ba La. Trong thành đó có một trưởng giả tên Lưu Chí, được đại chúng kính trọng. Ông
nầy đã vun trồng cội lành từ vô lượng đức Phật thuở quá khứ. Nhơn dân trong thành đó tin theo đạo tà, phụng sự phái Ni Kiền Tử. Ta muốn độ ông Trưởng giả Lưu Chí, liền từ Vương Xá thành đến thành Thủ Ba La. Phái Ni Kiền Tử nghe ta sắp đến thành liền bàn với nhau : Sa Môn Cù Đàm nếu đến thành nầy, nhơn dân chắc sẽ bỏ ta chẳng còn cung cấp, chúng ta lấy gì sanh sống.
Bàn xong, chúng Ni Kiền Tử chia ra loan báo với người trong thành. Sa Môn Cù
Đàm sắp đến thành nầy. Nhưng Sa Môn đó lìa bỏ cha mẹ du phương các xứ, ông đến đâu thời làm cho xứ đó mất mùa đói khát nhơn dân bị bịnh trời, bịnh dịch không thể cứu chữa. Cù Đàm là hạng vô lại dắt theo toàn những quỉ La Sát hung ác, là kẻ cô cùng không cha không mẹ đi theo làm môn đồ. Giáo thuyết của ông toàn là hư vọng. Ông đến nơi nào thời xứ đó không an vui.
Nhơn dân trong thành nghe những lời đó kinh sợ quá lạy mọp dưới chơn bọn Ni Kiền Tử thưa rằng : Đại Sư ! Nay chúng tôi phải thiết kế gì ?
Bọn Ni Kiền Tử đáp : Tánh của Sa Môn Cù Đàm ưa lùm rừng, suối chảy nước trong. Các ngươi nên ra ngoài thành, chỗ nào có rừng suối phải đốn hết cây cối đem phẩn dơ rảy xuống giếng , ao, khe, suối. Rồi đóng chặt cửa thành võ trang phòng vệ. Ông ấy đến thời đừng cho vào. Ông ấy không vào thành được
thời các người sẽ được an ổn. Chúng ta cũng sẽ dùng pháp thuật làm cho ông Cù Đàm phải rút lui.
Nhơn dân trong thành liền thật hành theo : Đốn hết cây cối, làm nhơ đục hết các giòng suối, võ trang phòng vệ.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc ta đến ngoài thành kia chẳng thấy rừng cây, chỉ thấy người trên mặt thành võ trang giữ gìn chặt chẽ, ta liền thương xót khởi tâm từ. Những cây cối mọc lên như cũ mà còn có phần tươi tốt hơn. Nước trong sông, ao giếng, suối đều trở nên sạch sẽ, đầy tràn trong như lưu ly, nhiều thứ hoa đẹp thơm mọc lan tràn mặt đất. Vách thành biến làm lưu ly xanh. Nhơn dân trong thành đều thấy đặng ta và đại chúng. Cửa thành tự mở toang, không ai kềm ngăn được. Võ khí của nhơn dân biến thành cành hoa đẹp. Lúc đó trưởng giả Lưu Chí dẫn nhơn dân hiệp đoàn đến chỗ Phật. Ta liền vì họ nói các pháp yếu làm cho mọi người đều phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó ta thiệt chẳng hoá những rừng cây, cũng chẳng làm cho nước trong sạch đặng đầy tràn, cũng chẳng biến thành đó làm lưu ly xanh để cho nhơn dân kia thấy suốt ta và đại chúng, cũng chẳng mở cửa thành, biến võ khí làm cành hoa. Nên
biết những việc ấy đều do sức căn lành của lòng từ làm cho nhơn dân thành Thủ Ba La thấy việc như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Thành Xá Vệ có nàng Bà Tư Tra, giòng Bà La Môn, chỉ sanh một trai, nên nàng yêu quí lắm. Một hôm đứa trẻ bịnh chết, nàng quá tiếc thương, buồn rầu đến mất trí, như điên như cuồng, xé nát quần áo, thân thể lõa lồ, đi rong khắp thành ấp tìm con, miệng luôn kêu khóc : Ôi ! Con
ôi ! Con bỏ mẹ đi dâu ?
Nàng Bà Tư Tra nầy đời trứoc đã từng gieo trồng căn lành ở nơi chư Phật quá khứ.
Nầy Thiện nam tử ! Ta nghe việc như vậy động lòng xót thương. Bà Tư Tra liền thấy được ta, nàng ngỡ là con trai của nàng, chạy vội đến ôm như cách yêu con, tâm trí tỉnh lại. Ta liền bảo A Nan mang y phục đến cho nàng mặc, rồi ta vì nàng mà giảng giải pháp yếu. Được nghe pháp, nàng Bà Tư Tra vui mừng hớn hở phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó thiệt ra ta không phải là con của nàng ấy, nàng ấy không phải là mẹ ta, cũng không có việc ôm ẵm. Nên biết đều do sức căn lành của lòng từ làm cho nàng Bà Tư Tra thấy việc như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Có cô Ưu Bà Di Ma Ha Tư Na Đạt Đa ở tại thành Ba La Nại. Cô nầy đã từng gieo trồng căn lành từ vô lượng đức Phật thuở quá khứ.
Một mùa hạ kia, cô nguyện dâng thuốc men cho chư Tăng.
Trong chư Tăng, bỗng có một Tỳ kheo mang bịnh nặng. Y sĩ điều trị bảo phải dùng thịt tươi làm thuốc. Ngoài thịt tươi ra không gì trị được, và sẽ nguy đến tánh mạng. Nhằm ngày quốc pháp cấm giết thịt, nên không tìm đâu ra thịt tươi để mua mặc dầu cô muốn đem vàng ròng trọng lượng bằng thịt để đổi. Cô Ưu Bà Di Ma Ha Tư Na Đạt Đa bèn tự cắt thịt bắp vế, chế nấu theo lời Y Sĩ, rồi đem dâng cho Tỳ kheo bịnh dùng. Nhờ đó Tỳ kheo được lành mạnh.
Vết thương nơi bắp vế hành quá đau nhức, cô rên rỉ niệm Phật : Nam Mô
Phật ! Nam Mô Phật !
Bấy giờ ta đương ở tại thành Xá Vệ, nghe tiếng niệm Phật của cô, động lòng đại từ. Liền đó, cô thấy ta đem thuốc đến đắp lên vết thương, hết đau nhức, thịt lành như cũ. Rồi ta vì cô mà giảng giải pháp yếu. Cô được nghe Pháp vui mừng hớn hở phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Nầy thiện nam tử ! Lúc đó thiệt ra ta không đem thuốc đến thành Ba La Nại đắp cho cô Ma Ha Tư Na Đạt Đa, nên biết đó là do sức căn lành của lòng từ khiến cô Ưu Bà Di ấy thấy những việc như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Ông Điều Đạt tham uống quá nhiều chất tô, nên nhức đầu đau bụng. Quá khốn khổ chịu không nổi, ông liền niệm : Nam Mô Phật ! Nam Mô Phật !
Bấy giờ ta đương ở tại thành Ưu Thiền Ni, nghe tiếng niệm động lòng đại từ.
Điều Đạt liền thấy ta đem thuốc đến cho uống, cùng dùng tay xoa đầu xoa bụng, do đó ông được hết bịnh.
Nầy Thiện nam tử ! Thiệt ra ta không có đến chỗ Điều Đạt để xoa đầu xoa bụng và cho ông ấy uống thuốc. Đó là do sức căn lành của lòng từ khiến ông Điều Đạt thấy việc như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Nước Kiều Tát La có đảng cướp nămtrăm người, lộng hành làm hại dân chúng. Vua Ba Tư nặc sai binh vây đánh bắt sống được trọn đảng cướp. Vua truyền khoét mắt cả năm trăm tên cướp, rồi thả trong rừng sâu.
Đảng cướp nầy đã từng gieo trồng căn lành nơi chư Phật thuở quá khứ, nên khi đau đớn khốn khổ quá bèn đồng xướng rằng : Nam Mô Phật ! Nam Mô Phật ! Chúng con nay không người cứu hộ. Cùng nhau khóc than thê
thảm.
Bấy giờ ta đương ở tại Kỳ Hoàn tinh xá, nghe tiếng kêu cầu, động lòng đại từ. Lúc đó có gió mát thổi chất thuốc từ núi hương sơn đến tụ đầy lỗ mắt của năm trăm người, biến thành tròng mắt, bọn họ đều được thấy tỏ như xưa. Mở mắt ra, bọn họ thấy đức Như Lai đứng trước mặt họ giảng pháp yếu. Sau khi nghe pháp, cả bọn đều phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó thiệt ra ta không làm gió thổi thuốc đến cứu mắt họ, cũng không có đến thuyết pháp cho họ. Đó là do sức căn lành của lòng từ, khiến họ thấy những việc như vậy.
Nầy Thịện nam tử ! Vì ngu si, Thái Tử Lưu Ly phế Phụ Vương lập mình làm vua, lại nhớ đến sự hiềm oán ngày trước giết hại giòng họ Thích. Vua Lưu Ly bắt hai ngàn phụ nữ họ Thích cắt tai thẻo mũi, chặt đứt tay chân, rồi bỏ xuống hầm. Các phụ nữ họ Thích quá đau khổ bèn niệm rằng : “Nam Mô Phật ! Nam Mô Phật ! Chúng tôi ngày nay không ai cứu vớt”. Cùng nhau khóc than thê thảm.
Các phụ nữ nầy đã từng trồng căn lành nơi chư Phật thuở quá khứ.
Lúc đó ta ở tại Trúc Lâm Tinh Xá nghe tiếng than của họ liền sanh lòng từ. Các phụ nữ khốn nạn kia bèn thấy ta đến thành Ca Tỳ La, lấy nước rửa vết thương cho họ rồi dùng thuốc đắp lên vết thương. Họ không còn đau nhức. Lỗ tai lỗ mũi và tay chân lành lại như cũ. Ta liền vì họ giảng nói pháp yếu. Vừa hết đau khổ lại được nghe pháp, các phụ nữ ấy đều phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Sau đó các phụ nữ ấy đến nơi Bà Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni xuất gia thọ giới cụ túc.
Nầy Thiện nam tử ! Thật ra lúc đó đức Phật không có đến thành Ca Tỳ La, cũng
không có lấy nước rửa và đắp thuốc nơi vết thương. Phải biết đều là do sức căn lành của lòng từ làm cho các phu nữ kia thấy những việc như vậy.
Như căn lành của lòng từ, lòng bi, lòng hỷ cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Do nghĩa nầy nên Đại Bồ tát tu tập lòng từ là chân thật chẳng phải hư vọng.
Nầy thiện nam tử ! Luận về vô lượng là chẳng thể nghĩ bàn. Công hạnh của Bồ Tát cũng chẳng thể nghĩ bàn, công hạnh của Phật và kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn cũng đều chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát tu từ, bi, hỉ rồi đặng trụ nơi bực rất yêu thương con một.
Nầy Thiện nam tử ! Thế nào là bực ? Sao gọi là rất yêu thương. Và sao gọi là con một ?
Nầy Thiện nam tử ! Ví như cha mẹ thấy con an ổn lòng rất vui mừng. Đại Bồ Tát ở bực nầy xem các chúng sanh đồng như con một, thấy người tu hạnh lành Bồ Tát rất vui mừng, vì thế nên bực nầy gọi là rất yêu thương.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như cha mẹ thấy con đau ốm lòng rất khổ não xót thương săn sóc không tạm rời. Cũng vậy, Đại Bồ Tát ở trong bực nầy thấy các chúng sanh bị bịnh phiền não ràng buộc bức khổ, trong lòng rầu lo thương tưởng như con, đến nổi lỗ chơn lông nơi thân đều rỉ máu ra. Vì thế nên gọi bực nầy là con một.
Nầy Thiện nam tử ! Như người lúc bé thơ lượm đất cục, ngói đá, xương khô, nhánh cây đút vào miệng. Cha mẹ xem thấy sợ bị hại, tay tả nắm đầu con, tay hữu móc ra. Cũng vậy, Đại Bồ Tát trụ nơi bực nầy thấy các chúng sanh pháp thân
chưa tăng trưởng , hoặc thân khẩu ý tạo nghiệp chẳng lành. Bồ Tát bèn lấy tay trí huệ cứu vớt đó, chẳng muốn chúng sanh lưu chuyển trong sanh tử mà phải thọ những khổ não. Vì thế nên bực nầy lại gọi là con một.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như đứa con thân yêu chết mất, thời cha mẹ buồn rầu muốn cùng chết theo con. Cũng vậy, Đại Bồ Tát thấy hạng nhứt xiển đề đọa nơi địa ngục, cũng nguyện cùng họ sanh chung trong địa ngục. Vì hạng nhứt xiển đề nầy lúc bị khổ, hoặc sanh một niệm ăn năn chừa cải, Bồ Tát sẽ vì họ thuyết pháp làm cho họ sanh đặng một niệm căn lành. Vì thế nên bậc nầy gọi là con một.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như cha mẹ chỉ có một đứa con, lúc đứa con ngủ, thức, đi, đứng, ngồi, nằm, lòng cha mẹ luôn luôn nhớ tưởng. Nếu con có lỗi lầm cha mẹ chỉ thương xót dạy dỗ chớ chẳng làm hại. Cũng vậy, Đại Bồ Tát thấy các chúng sanh hoặc bị đọa địa ngục súc sanh ngạ quỉ, hoặc sanh trong loài người, trên trời, gây tạo những nghiệp lành nghiệp dữ, lòng Bồ Tát thường nhớ tưởng trọn không rời bỏ chúng sanh. Nếu có chúng sanh tạo ác, Bồ Tát trọn chẳng giận hờn, chẳng làm hại. Vì thế nên bậc nầy gọi là con một.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng : “ Thế Tôn ! Như lời Phật đã nói ý rất sâu kín, nay tôi trí cạn cợt làm sao hiểu được. Nếu các vị Đại Bồ Tát trụ nơi bực con một có thể được như thế, tại sao đức Như Lai xưa kia là vị quốc vương thật hành đạo Bồ Tát mà lại giết hại giòng Bà La Môn. Nếu đặng bực nầy thời lẽ ra phải xót thương ủng hộ, còn nếu chẳng đặng bậc nầy, nhơn duyên gì lại chẳng đọa vào địa ngục.
Nếu bình đẳng xem tất cả chúng sanh là con như La Hầu La, cớ sao đức Phật lại quở Đề Bà Đạt Đa : Đồ ngu si không biết hổ thẹn ăn nước miếng nước mũi của người. Làm cho Đề Bà Đạt Đa sanh lòng giận hờn hại thân Phật ra máu. Đề Bà Đạt Đa tạo nghiệp ác nầy rồi, đức Như Lai lại huyền ký cho ông ấy sẽ bị đọa địa ngục chịu khổ một kiếp.
Thế Tôn !Những lời như vậy làm thế nào chẳng trái nghịch với nghĩa lý.
Thế Tôn ! Ông Tu Bồ Đề trụ bậc giải không, lúc muốn vào thành khất thực, trước hết ông quán sát nếu có người đối với ông sanh tâm ganh ghét thời ông thôi chẳng đi khất thực, dầu cho quá đói ông vẫn chẳng đi. Vì ông Tu Bồ Đề thường nghĩ rằng : Tôi tự nhớ đời trước đối với phước điền sanh một niệm ác, do nhơn duyên nầy tôi bị đọa địa ngục lớn chịu nhiều thống khổ. Nay tôi thà đói trọn ngày chẳng ăn, quyết không khiến những người kia vì ganh ghét tôi mà phải đọa vào địa ngục chịu khổ. Ông Tu Bồ Đề lại nghĩ rằng : Nếu có chúng sanh không bằng lòng cho tôi đứng, tôi sẽ trọn ngày ngồi yên chẳng đứng dậy. Nếu có chúng sanh không bằng lòng cho tôi ngồi, tôi sẽ đứng trọn ngày chẳng dời chỗ. Đi cùng nằm nằm
Ông Tu Bồ Đề vì hộ chúng sanh còn có tâm như vậy, hà huống là Đại Bồ Tát. Bồ Tát nếu đặng bực con một, có duyên cớ gì mà đức Như Lai nói ra lời thô như vậy làm cho ông Đề Bà Đạt Đa sanh lòng giận ác ?
_ Nầy Thiện nam tử ! Nay ông chẳng nên gạn như vậy. Chẳng nên nói rằng đức Như Lai làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh. Giả sử vòi con muỗi có thể hút hết nước đến đáy biển, đức Như Lai trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh. Giả sử mặt đất đều thành không màu, nước thành tướng khô, lửa thành lạnh, gió đứng lại, giả sử Tam Bảo Phật tánh nhẫn đến hư không thành tướng vô thường, đức Như Lai cũng trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh. Giả sử người phạm bốn tội nặng, hạng nhứt xiển đề, hủy báng chánh pháp hiện thân đặng thành mười trí lực, bốn vô úy, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, đức Như Lai trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh. Giả sử hàng Thanh Văn và Bích Chi
Phật là thường trụ chẳng biến đổi, đức Như Lai trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử bực thập trụ Bồ Tát phạm bốn tội nặng, làm nhứt xiển đề hủy báng chánh pháp, đức Như Lai trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử vô lượng chúng sanh dứt mất Phật tánh, chư Phật rốt ráo nhập Niết Bàn, đức Như Lai cũng trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh.
Giả sử vải chài có thể cột trói được gío, răng có thể nhai nát sắt, móng tay cào đổ núi Tu Di, đức Như Lai trọn chẳng làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh.
Thà ở chung với rắn độc, đút hai tay vào miệng sư tử đói, lấy than hồng dùng tắm rửa trọn chẳng nên nói rằng đức Như Lai làm nhơn duyên phiền não cho chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử ! Đức Như Lai thiệt có thể làm cho chúng sanh dứt trừ phiền não, chớ trọn chẳng làm nhơn duyên sanh phiền não.
Nầy Thiện nam tử ! Như ông vừa nói đức Như Lai ngày xưa giết dòng Bà La Môn. Nên biết Đại Bồ Tát, còn không cố sát một con kiến, huống lại giết Bà La Môn. Bồ tát thường dùng mọi cách thức ban bố vô lượng thọ mạng cho chúng sanh. Luận về bố thí thời là bố thí mạng sống, vật thực. Đại Bồ Tát lúc thật hành Đàn Ba La Mật, thường ban bố vô lượng thọ mạng cho chúng sanh. Người giữ giới bất sát thời đặng sống lâu.
Đại Bồ Tát lúc thật hành Thi La Ba La Mật, thời là ban bố vô lượng thọ mạng cho tất cả chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử ! Giữ gìn miệng không lỗi thời đặng sống lâu.
Đại Bồ Tát lúc thật hành sằn đề Ba La Mật, thường khuyên chúng sanh chớ ôm lòng oán thù những việc phải cho người đem sự quấy về mình, không cãi cọ kiện cáo thời đặng sống lâu. Vì thế nên Bồ Tát lúc thật hành sằn đề Ba La Mật, thời đã ban bố vô lượng thọ mạng cho chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử ! Siêng năng tu tập hạnh lành thời đặng sống lâu. Đại Bồ Tát lúc thật hành Tỳ Lê Da Ba La Mật thường khuyên chúng sanh siêng
tu pháp lành, chúng sanh thật hành rồi đặng sống lâu vô lượng. Vì thế nên Đại Bồ Tát lúc thật hành Tỳ Lê Da Ba La Mật đã ban bố vô lượng thọ mạng cho chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử ! Người nhiếp tâm tu thiền thời đặng sống lâu. Đại Bồ Tát lúc thật hành thiền Ba La Mật, khuyên các chúng sanh tu
tâm bình đẳng. Chúng sanh thật hành rồi thì đặng sống lâu. Vì thế nên Bồ Tát lúc thật hành thiền Ba La Mật đã ban bố cho chúng sanh vô lượng thọ mạng.
Nầy Thiện nam tử ! Ở nơi những pháp lành, người không phóng dật thời đặng sống lâu. Đại Bồ tát lúc thật hành Bát Nhã Ba La Mật, khuyên các chúng sanh nơi những pháp lành chẳng sanh lòng phóng dật. Chúng sanh thật hành rồi thời đặng sống lâu. Vì thế nên lúc Bồ Tát thật hành Bát Nhã Ba La Mật đã ban bố vô lượng thọ mạng cho chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử ! Do nghĩa nầy nên Đại Bồ Tát trọn không giết hại mạng sống của chúng sanh.
Nầy Thiện nam tử ! Như vừa rồi ông hỏi, lúc giết hại dòng Bà La Môn, đức Phật đã đặng được bậc con một.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc đó ta đã đặng bực ấy. Vì lòng thương họ mà giết chẳng phải vì tâm ác.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như cha mẹ chỉ có một đứa con nên rất cưng yêu, đứa con đó phạm hiến pháp của quan. Vì quá sợ nên cha mẹ hoặc đuổi hoặc giết. Dầu cha mẹ đuổi hay giết nhưng không có tâm ác.
Cũng vậy, Đại Bồ Tát vì hộ trì chánh pháp nếu có chúng sanh hủy báng Đại Thừa, liền lấy roi gậy để trị, hoặc giết chết, đó là muốn chúng sanh chừa bỏ để tu pháp lành.
Bồ Tát thường nên suy nghĩ : Dùng nhơn duyên gì làm cho chúng sanh phát khởi lòng tin thanh tịnh, tùy phương cách nào thuận tiện thời sẽ thật hành đó. Những người Ba øLa Môn sau khi chết đọa A Tỳ địa ngục liền suy nghĩ ba điều : Một là tự nghĩ rằng ta từ đâu mà sanh đến đây, liền tự biết rằng từ trong loài người. Hai là tự nghĩ rằng : Ta hiện sanh đây là chỗ nào, liền tự biết rằng là địa ngục A Tỳ. Ba là tự nghĩ rằng do nghiệp duyên gì mà đọa địa ngục, liền tự biết rằng do chẳng tin và hủy báng kinh điển Đại Thừa, bị nhà vua giết mà sanh đến địa ngục nầy. Họ nghĩ như vậy rồi liền sanh lòng kính tin kinh
điển Đại Thừa. Do lòng kính tin đó thân địa ngục chết họ sanh đến thế giới của Cam Lồ Cổ Như Lai, sống lâu đủ mười kiếp.
Nầy Thiện nam tử ! Do nghĩa nầy thuở xưa kia ta ban cho những người ấy mười kiếp thọ mạng, sao lại giết hại họ.
Nầy Thiện nam tử ! Có người đào đất, cắt cỏ, đốn cây, chặt tử thi, mắng chửi, đánh đập tử thi, do nghiệp duyên nầy có bị đọa địa ngục chăng ?
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Như tôi hiểu nghĩa của Phật nói kẻ đó phải đọa địa ngục. Vì cớ sao ? Như ngày trước Phật nói pháp cho hàng Thanh
Văn : Nầy các Tỳ Kheo ở nơi cây cháy rụi chớ sanh lòng ác. Vì tất cả chúng sanh do lòng ác mà
phải đọa nơi địa ngục.”
Đức Phật khen Ca Diếp Bồ Tát : “ Lành thay ! Lành
thay ! Đúng như lời ông nói, phải khéo thọ trì.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu chơn ác tâm phải đọa địa ngục, lúc đó Bồ Tát thiệt không ác tâm. Vì Đại Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh nhẫn đến con trùn , con kiến đều sanh lòng thương xót, muốn cho họ được lợi ích vì Bồ tát khéo biết các phương tiện, các nhơn duyên, do sức phương tiện muốn làm cho chúng sanh vun trồng cội lành. Do nghĩa đó, lúc ấy ta dùng phương tiện, dầu giết hại mạng họ mà chẳng phải là tâm ác.
Nầy Thiện nam tử ! Cứ theo giáo pháp Bà La Môn,
cho rằng nếu giết chết kiến đầy cả mười xe không có tội báo, muỗi, ruồi, rận, rệp, mèo, chồn, sư tử, cọp, sói, gấu, những độc trùng, ác thú, và những loài có thể làm hại người : Quỉ Thần, La Sát , Cưu Bàn Trà. Ca La, Phú Đơn Na, Điên
cuồng, Càn khô, có ai giết hại mạng họ đầy cả mười xe cũng không có tội báo, nếu giết người ác thời có tội báo. Giết rồi chẳng ăn năn thời đọa ngạ quỉ. Nếu có thể sám hối tuyệt thực ba ngày, thời tội đó tiêu diệt không còn thừa. Nếu giết Hòa Thượng, giết cha , hại mẹ, giết phụ nữ, giết bò, trâu, thời phải đọa địa ngục trong vô số ngàn năm.
Nầy Thiện nam tử ! Chư Phật và Bồ Tát biết giết hại có ba hạng : hạ, trung và thượng.
Hạng hạ là trùn kiến nhẫn đến tất cả các súc sanh chỉ trừ Bồ Tát thị hiện thọ sanh. Đại Bồ Tát do nguyện lực nên thị hiện làm thân súc sanh, trừ đây ra gọi là sát sanh hạng hạ. Nghiệp duyên nầy sẽ phải đọa nơi địa ngục, súc sanh, ngã quỉ chịu lấy sự khổ hạng hạ. Vì những súc sanh có căn lành rất kém ít nên kẻ giết phải thọ tội báo hạng hạ.
Sát hại hạng trung là từ người phàm phu đến vị chứng quả A Na Hàm, đây gọi là hạng trung. Nghiệp duyên giết hại hạng nầy phải đọa nơi địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ thọ sự khổ hạng trung.
Sát sanh hạng thượng là giết cha mẹ, nhẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật, quyết định Bồ Tát, đây gọi là hạng thượng. Nghiệp duyên giết hại hạng nầy phải đọa vào trong địa ngục A Tỳ chịu lấy sự khổ hạng thượng.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu có người giết kẻ nhứt xiển đề, thời chẳng đọa vào trong ba hạng sát hại nầy.
Nầy Thiện nam tử ! Những người dòng Bà La Môn bị nhà vua giết trước kia tất cả đều là hạng nhứt xiển đề. Thí như đào đất cắt cỏ đốn cây chặt tử thi mắng nhiếc đánh đập, đều không có tội báo. Giết hạng nhứt xiển đề cũng không có tội báo như vậy. Vì những người Bà La Môn không có căn
lành nhẫn đến không có năm pháp tín v.v… Vì thế nên dầu giết hại họ mà chẳng đọa địa ngục.
Nầy Thiện nam tử ! Ông trước nói rằng : Đức Như Lai cớ chi mắng Đề Bà Đạt Đa là người ngu si ăn nước miếng. Ông không nên hỏi như vậy. Vì chư Phật Thế Tôn phàm nói ra lời gì đều chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Hoặc có thiệt ngữ được người đời mến ưa nhưng phi thời, phi pháp chẳng lợi ích, những lời như vậy đức Phật trọn chẳng nói. Hoặc lại nói lời thô vụng hư vọng, phi thời, phi pháp, chẳng lợi ích người nghe chẳng ưa thích, đức Phật cũng chẳng nói.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu có những lời dầu là thô rắn nhưng chơn thật chẳng hư vọng, phải thời đúng pháp có thể lợi ích cho tất cả chúng sanh, người nghe dầu chẳng vui đẹp nhưng ta cần phải nói. Vì chư Phật Thế Tôn chánh đẳng chánh giác khéo biết phương tiện.
Nầy Thiện nam tử ! Trước kia có một hôm ta đi ngang thôn
Khoáng Dã, ở dưới rừng có một quỉ thần tên là Khoáng Dã. Quỉ nầy thuần ăn máu thịt giết hại nhiều chúng sanh. Quỉ ấy lại mỗi ngày ăn một người trong thôn xóm gần đó. Lúc đó ta rộng nói pháp yếu cho quỉ Khoáng Dã, nhưng quỉ ấy hung bạo ngu si chẳng lãnh thọ giáo pháp. Ta liền hóa thân ra làm đại lực quỉ, làm rúng động cung điện của nó. Quỉ Khoáng Dã dắt quyến thuộc và bộ hạ kéo ra muốn chống cự với ta. Chúng nó vừa thấy ta liền run sợ té xuống đất ngất xỉu như người chết. Ta dùng lòng từ bi lấy tay xoa lên mình nó. Nó tỉnh dậy nói rằng : “ Hôm nay may mắn được sống lại. Vị Đại Thần Vương nầy có oai đức lớn có tâm từ bi tha tội lỗi của tôi”. Qủi Khoáng Dã liền sanh tâm lành kính tin nơi ta.
Ta hiện huờn lại thân Như Lai vì họ nói pháp yếu làm cho các quỉ thần kia thọ giới bất sát.
Chính ngày đó trong thôn
Khoáng Dã có một ông Trưởng giả đến phiên phải chết, người trong thôn đã đưa ông ấy giao cho quỉ Khoáng Dã. Quỉ Khoáng Dã liền đem đến cúng thí cho ta. Ta lãnh
ông Trưởng giả và đặt hiệu cho ông là Thủ Trưởng giả.
Quỉ Khoáng Dã bạch ta rằng : “ Thế Tôn ! Con và quyến thuộc của con chỉ nhờ máu thịt mà đặng sống, nay thọ giới bất sát biết lấy gì để sống được ?”
Ta bảo rằng : “ Từ nay trở đi đức Phật sẽ bảo hàng Thanh Văn đệ tử tùy chỗ nào có Phật pháp lưu hành đều sẽ cúng thí đồ uống ăn cho nhà ngươi.”
Nầy Thiện nam tử ! Do nhơn duyên đó ta chế điều giới : Các Tỳ Kheo từ nay trở đi thường phải thí thực cho quỉ Khoáng Dã. Nếu người xuất gia nào chẳng cúng thí, nên biết người đó chẳng phải đệ tử Phật, chính là đồ đảng quyến thuộc của Thiên Ma.
Nầy Thiện nam tử ! Đức Như Lai vì muốn điều phục chúng sanh nên thị hiện những phương tiện như vậy. Chẳng phải cố ý làm cho họ sanh lòng sợ hãi.
Cũng có một lúc ta dùng cây đánh quỉ hộ pháp.
Lại có một hôm ta đang đi trên một ngọn núi xô quỉ Dương Đầu làm nó té xuống dưới núi.
Lại một hôm nơi ngọn cây ta xô ngã quỉ Hộ Di Hầu.
Một ngày nọ làm cho voi Hộ Tài thấy năm sư tử.
Có lúc ta sai thần Kim Cương khủng bố ngoại đạo Tát Giá Ni Kiền Tử.
Ngày kia ta cũng lấy kim đâm thân của quỉ Tiển Mao.
Dầu ta làm những việc như vậy nhưng cũng chẳng làm cho các quỉ thần kia đến phải chết. Chỉ vì muốn khiến họ an trụ nơi chánh pháp nên thị hiện những phương tiện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Trước kia thiệt ra đức Phật chẳng mắng nhục Đề Bà Đạt Đa. Còn Đề Bà Đạt Đa cũng chẳng ngu si ăn nước miếng của người, cùng chẳng đọa A Tỳ địa ngục thọ tội một kiếp, cũng chẳng phá hoại chúng Tăng, chẳng làm thân Phật ra máu, Đề Bà Đạt Đa cũng chẳng trái phạm bốn tội nặng, chẳng hủy báng kinh điển Đại Thừa, ông ấy chẳng phải nhứt xiển đề, chẳng phải Thanh Văn cũng chẳng phải Bích Chi Phật.
Nầy Thiện nam tử ! Đề Bà Đạt Đa thiệt chẳng phải cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác.
Duy chư Phật thấy biết được thôi.
Nầy Thiện nam tử ! Vì thế nên nay ông chẳng nên gạn rằng : “ Cớ gì đức Như Lai quở trách mắng nhiếc làm nhục Đề Bà Đạt Đa. Đối với cảnh giới của chư Phật, ông chẳng nên có lòng nghi như vậy.”
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Như mía nấu nhiều lần thời đặng nhiều thứ vị. Tôi cũng như vậy, nghe Phật nói pháp nhiều lần đặng nhiều pháp vị. Chính là những vị : Xuất gia vị, ly dục vị, tịch diệt vị, đạo vị. Thế-Tôn ! Như vàng ròng đốt đập nhiều lần càng thêm sáng sạch, giá trị vô lượng, được trời người quí trọng. Đức Như-Lai cũng vậy, trân trọng thưa hỏi liền đặng nghe thấy nghĩa rất sâu vi diệu, khiến người tu hành phụng tu thọ trì vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng bồ đề. Do đó đức Phật được trời người tôn trọng cung kính cúng dường.
Đức Phật tán thán Ca Diếp Bồ Tát : “ Lành thay ! Lành
thay ! Đại Bồ tát vì muốn lợi ích chúng sanh nên thưa hỏi đức Như Lai những nghĩa sâu như vậy. Do nghĩa nầy ta tùy theo ý của ông mà nói pháp Đại Thừa Phương Đẳng rất sâu, bí mật, tức là bậc rất yêu thương như con một.”
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Nếu Bồ Tát tu tâm từ, bi , hỷ, đặng bậc con một, lúc tu tâm xả thời dặng bực gì ?
Phật nói : “ Lành thay ! Lành
thay ! Ông khéo biết thời, biết ta muốn nói nên ông thưa hỏi.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát lúc tu tâm xả thời đặng bậc bình đẳng không như ông Tu Bồ Đề. Đại Bồ Tát trụ bậc bình đẳng không, thời chẳng thấy có cha mẹ, anh em, chị em, họ hàng quyến thuộc, oán thù kẻ không thân không oán nhẫn đến chẳng thấy : Ấm, giới, nhập, chúng sanh thọ mạng. Ví như hư không, không có cha me, anh em, vợ con, nhẫn đến không có chúng sanh thọ mạng, tất cả các pháp cũng không có cha
mẹ nhẫn đến thọ mạng.
Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp cũng như vậy, tâm của Bồ Tát bình đẳng như hư không, vì Bồ Tát khéo tu tập những pháp không”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : Thế Tôn ! Sao gọi là không ?
_ Nầy Thiện nam tử ! Nói là không có nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô
thỉ không, tánh không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không.
Đại Bồ Tát quán n ội không như thế nào ? Đại Bồ Tát nầy quán nội pháp là không, chính là không cha mẹ, kẻ oán, người thân, không oán, không
thân, chúng sanh, thọ mạng, thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai, Pháp , Tăng, tài vật. Trong nội pháp nầy dầu có Phật tánh, nhưng Phật tánh nầy chẳng phải nội chẳng phải ngoại. Vì Phật tánh thường trụ không biến đổi. Đây gọi là Đại Bồ Tát quán nơi nội không.
Ngoại không cũng như vậy không có ngoại pháp.
Nội ngoại không cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Chỉ có Như Lai, Pháp, Tăng, Phật tánh, chẳng ở nơi phạm vi hai thứ không. Vì bốn pháp như vậy là thường, lạc, ngã, tịnh, nên chẳng gọi là không. Đây gọi là nội và ngoại đều không.
Nầy Thiện nam tử ! Hữu vi không là các pháp hữu vi thảy đều không. Chính là nội không, ngoại không, nội ngoại không, thường, lạc, ngã, tịnh không, chúng sanh thọ mạng Như Lai pháp, Tăng, đệ nhứt nghĩa không. Trong đây Phật tánh chẳng phải pháp hữu vi, nên Phật tánh chẳng phải là pháp hữu vi không. Trên đây gọi là hữu vi không .
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát quán vô vi không như thế nào ? Pháp vô vi thảy đều là không tức là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, ấm, giới, nhập , chúng sanh, thọ mạng, hữu vi, hữu lậu, nội pháp, ngoại pháp. Trong pháp vô vi Phật, Pháp v.v… bốn pháp đều chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi : Vì là thiện nên chẳng phải vô vi, vì tánh thường trụ nên chẳng phải hữu vi. Đây gọi là Bồ Tát quán vô vi không.
Thế nào là Bồ Tát quán vô thỉ không ? Đại Bồ Tát thấy sanh tử vô thỉ thảy đều
không tịch gọi là không, đó tức là thường, lạc, ngã, tịnh, thảy đều không tịch chẳng có biến đổi. Chúng sanh thọ mạng Tam Bảo, Phật tánh và vô vi pháp cũng
như vậy. Đây gọi là quán vô thỉ không.
Đại Bồ Tát quán nơi tánh không thế nào ? Đại Bồ tát nầy quán tất cả pháp bổn tánh đều không :Ấm, giới, nhập, thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã. Tất cả pháp đều chẳng thấy bổn tánh, đây gọi là quán nơi tánh không.
Đại Bồ Tát quán vô sở hữu không như thế nào ? Như người không con nói nhà cửa trống không, rốt ráo quán không chẳng có thân yêu. Người ngu si thời gọi là các phương không. Người nghèo cùng thời gọi là tất cả không. Những kiến chấp như vậy, hoặc không hoặc chẳng phải không. Lúc Bồ Tát quán sát như người nghèo cùng tất cả đều không. Đây gọi là Bồ Tát quán vô sở hữu không.
Đại Bồ Tát quán đệ nhất nghĩa không như thế nào ? Bồ Tát lúc quán đệ nhất nghĩa, nhãn căn nầy lúc sanh ra không từ đâu lại, lúc nó diệt mất cũng không đi đến đâu, trước không, nay có, có rồi trở lại không suy thật tánh của nó không nhãn căn không chủ tể. Như nhãn căn vô tánh, tất cả pháp cũng như vậy. Những gì gọi là đệ nhứt nghĩa không ? Có nghiệp có báo, chẳng thấy tác giả, pháp không như vậy gọi là đệ nhứt nghĩa không. Đây gọi là quán đệ nhứt nghĩa không.
Đại Bồ Tát quán không không như thế nào ? Trong không không nầy là chỗ mê mờ của Thanh Văn và Bích chi Phật.
Nầy Thiện nam tử ! Là có, là không, đây gọi là không không. Là phải là chẳng phải đây gọi là không không.
Nầy Thiện nam tử ! Bực Thập trụ Bồ Tát còn ở trong đây thông đạt phần ít như vi trần, huống là những người khác, không không như vậy cũng chẳng đồng không không Tam Muội của Thanh Văn chứng đặng. Đây gọi là Bồ Tát quán nơi không không.
Đại Bồ Tát quán Đại Không thế nào ? Đại Không tức là Bát Nhã Ba La Mật.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát đặng pháp môn Không như vậy thời đặng trụ nơi bậc hư không đặng.
Nầy Thiện nam tử ! Nay đức Phật ở trong đại chúng nầy lúc nói những nghĩa không như vậy, có mười hằng hà sa Bồ Tát liền đặng trụ nơi bậc hư không đẳng.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát trụ nơi bậc nầy ở trong tất cả pháp không bị trở ngại, không bị ràng buộc câu chấp, tâm không mê muội. Do nghĩa nầy nên gọi là bậc hư không đẳng.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như hư không đối sắc đáng ưa chẳng sanh tham đắm, đối với sắc chẳng ưa chẳng sanh giận hờn. Đại Bồ Tát trụ trong bực nầy cũng như vậy, đối với sắc tốt xấu, tâm không tham không giận, ví như hư không rộng lớn tuyệt đối, có thể dung chứa tất cả vật. Đại Bồ tát trụ trong bực nầy cũng như vậy, rộng lớn tuyệt đối đều có thể dung thọ tất cả pháp. Do nghĩa nên đặng gọi là bậc hư không đẳng.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát trụ trong bậc nầy đối với tất cả pháp cũng thấy cũng biết, là hành, là duyên, là
tánh, là tướng, là nhơn, là duyên, là chúng sanh
tâm, là căn, là thiền định, là thừa, là thiện tri thức, là trì cấm giới, là vật bố thí, những pháp như vậy tất cả đều biết đều thấy.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát trụ trong bực nầy biết mà chẳng thấy. Thế nào là biết ? Biết tự nhịn đói, gieo xuống vực, nhảy vào lửa tự té từ ngọn núi cao, thường co một chân, năm thứ nóng đốt thân, thường nằm trên tro, trên đất, trên gai góc, trên lá
cây, cỏ cứng, trên phân bò, mặc y phục bằng gai thô của người vất bỏ trong gò mã, áo lông phấn tảo, áo khâm bà la, da nai, da huơu, áo quần bằng cỏ, ăn rau, ăn trái, ăn ngó,
ăn cũ, xác dầu, phân bò. Nếu đi khất thực hạn định từ nhà, gia chủ nếu nói rằng không liền bỏ đi, dầu kêu trở lại cũng chẳng ngó ngoái lại. Chẳng ăn muối ăn thịt, cùng năm thứ sữa lạt, tô, v.v… Thường uống nước cám trấu, nước sôi. Thọ trì ngưu giới, kê giới, cẩu giới, trỉ giới. Lấy tro trét trên mình, để tóc dài làm tướng. Lúc dùng dê để cúng tế trước chú nguyện rồi sau giết thịt. Bốn tháng thờ lửa, ngày bảy hớp gió. Trăm ngàn ức thứ hoa cúng dường chư Thiên. Muốn nhơn những việc trên đây để được thành tựu chỗ mong cầu. Những phương pháp trên đây không bao giờ có thể làm nhơn giải thoát được. Đây gọi là biết.
Thế nào là chẳng thấy ? Đại Bồ Tát chẳng thấy môt người nào thật hành phương pháp như vậy mà đặng chánh giải thoát. Đây gọi là chẳng thấy.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát cũng thấy cũng biết. Những gì là thấy ? Thấy các chúng sanh thật hành tà pháp ấy quyết đọa địa ngục đây gọi là thấy.
Thế nào là biết ? Biết các chúng sanh từ địa ngục ra, sanh trong loài người nếu có thể tu hành Đàn Ba La Mật nhẫn đến đầy đủ các môn Ba La Mật người nầy quyết đặng tám môn chánh giải thoát. Đây gọi là biết.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát lại có cũng thấy cũng biết. Thế nào là thấy ? Thấy thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã, đây gọi là thấy. Thế nào là biết ? Biết các đức Như Lai quyết định chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn, biết thân Như Lai là kim cang không hư hoại, chẳng phải là thân do phiền não mà thành, lại chẳng phải hôi nhơ hư rã. Cũng lại có thể biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đây gọi là biết.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát lại có cũng biết cũng thấy. Thế nào là biết ? Biết chúng sanh nầy tín tâm thành tựu, biết chúng sanh nầy cầu pháp Đại thừa, người nầy thuần lưu, người nầy nghịch lưu, người nầy chánh trụ, biết chúng sanh nầy đã đến bờ kia.
Người thuận lưu là nói hạng phàm phu. Người nghịch lưu là từ bậc Tu Đà Hoàn nhẫn đến Duyên Giác. Người chánh trụ là nói các bậc Bồ Tát. Người đến bờ kialà nói các đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đây gọi là biết.
Thế nào là thấy ? Đại Bồ Tát trụ nơi kinh điển Đại Thừa Đại Niết Bàn tu phạm hạnh dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sanh ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo điều ác đọa nơi địa ngục,súc sanh, ngạ quỉ. Thấy các chúng sanh tu nghiệp lành sau khi chết sẽ sanh trên trời hay trong loài người. Những chúng sanh nầy từ tối tăm vào tối tăm. Có những chúng sanh từ tối tăm vào sáng suốt. Có những cbúng sanh từ sáng suốt vào tối tăm. Có những chúng sanh từ sáng suốt vào sáng suốt. Đây gọi là thấy.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát lại có cũng biết cũng thấy. Đại Bồ Tát biết các chúng sanh tu thân,
tu giới, tu tâm, tu huệ. Người nầy đời nay thành tựu nghiệp ác, hoặc nhơn tham dục, sân khuể, ngu si nghiệp nầy ắt phải thọ báo nơi địa ngục, người nầy do tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, nên hiện đời thọ quả báo nhẹ chẳng đọa địa ngục. Nghiệp nầy thế nào có thể đặng báo hiện tại ? Phát lồ sám hối những tội ác đã làm đã ăn năn chừa cải về sau chẳng dám tái phạm. Vì hổ thẹn, vì cúng dường tam bảo, vì thường trụ quở trách, người nầy do nhơn duyên nghiệp lành đây nên chẳng đọa địa ngục. Hiện đời thọ quả báo là nhức đầu, đau mắt, đau bụng, đau lưng, chết vì họan nạn, bị mắng nhiếc làm nhục, bị đánh đập trói nhốt, bị đói khát khốn khổ, những việc như vậy là hiện đời thọ quả báo nhẹ. Đây gọi là biết.
Thế nào là thấy ? Đại Bồ Tát thấy người như vậy chẳng có thể tu tập thân, giới tâm, huệ, tạo chút ít nghiệp ác. Nhơn duyên của nghiệp nầy đáng lẽ hiện đời thọ quả báo. Người nầy tạo chút ít nghiệp ác chẳng có thể sám hối, chẳng tự quở trách, chẳng sanh lòng hổ thẹn, chẳng sợ sệt, nghiệp ác nầy tăng trưởng nên thọ quả báo nơi địa ngục. Đây gọi là thấy.
Lại có biết mà chẳng thấy. Thế nào là biết ? Biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh , vì phiền não che đậy nên chẳng thể thấy. Đây gọi là biết mà chẳng thấy.
Lại có biết mà thấy chút ít. Bậc thập trụ Bồ Tát biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, thấy chẳng được rõ ràng dường như đêm tối thấy vật chẳng rõ.
Lại có cũng thấy cũng biết, chính là chư Phật Như Lai cũng thấy cũng biết.
Lại có cũng thấy cũng biết, chẳng thấy chẳng biết. Cũng thấy cũng biết là : Trong thế gian những văn tự, ngôn ngữ, nam, nữ, xe cộ, bình chậu, nhà cửa, thành ấp, áo xiêm, uống ăn, núi sông, vườn rừng, chúng sanh, thọ mạng. Đây gọi là cũng biết cũng thấy.
Thế nào là chẳng thấy chẳng biết ? Thánh nhơn chỗ có nói ra lời vi mật, không có nam nữ nhẫn đến vườn rừng. Đây gọi là chẳng thấy chẳng biết.
Lại có biết mà chẳng thấy : Biết vật bố thí, biết chỗ cúng dường, biết người lãnh thọ, biết nhơn quả. Đây gọi là biết. Chẳng thấy đồ bố thí, chỗ cúng dường, người thọ nhẫn đến quả báo. Đây gọi là chẳng thấy.
Đại Bồ Tát biết có tám thứ, chính là ngũ nhãn của đức Như Lai chỗ biết.
BÀI VĂN PHÁT NGUYỆN
Nam-mô thập phương thường trụ Tam-Bảo (3 lần)
Lạy đấng tam giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng Kinh Đại Niết-Bàn
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Ðều phát bồ-đề tâm
Khi mãn báo-thân này
Sanh qua cõi Cực-Lạc.
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI
ÐẠI TỪ ÐẠI BI TIẾP DẪN ÐẠO SƯ A DI ÐÀ PHẬT
NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
(1.080 CÂU)
PHÁT NGUYỆN HỒI HƯỚNG
(Sau khi trì danh đủ số, đến quỳ trước bàn Phật, chắp tay niệm)
Nam mô A-Di Ðà Phật (niệm mau 10 hơi)
Nam mô Ðại bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Ðại-Thế-Chí Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Ðại-Nguyện Ðịa-Tạng-vương Bồ-tát (3 câu)
Nam mô Thanh-tịnh Ðại-hải-chúng Bồ-tát (3 câu)
(Vẫn quỳ, chí tâm đọc bài kệ phát nguyện hồi hướng)
Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu, trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di Đà, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh. Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con, chưa biết thân Phật, tướng tốt quang minh, nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán Âm Thế Chí, các chúng Bồ Tát và thế giới kia, thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.
Con nguyện lâm chung không chướng ngại,
A Di Đà đến rước từ xa.
Quán Âm cam lồ rưới nơi đầu
Thế Chí kim đài trao đỡ gót.
Trong một sát na lìa ngũ trược,
Khoảng tay co duỗi đến liên trì.
Khi hoa sen nở thấy Từ Tôn
Nghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.
Nghe xong liền CHỨNG Vô Sanh Nhẫn,
Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.
Khéo đem phương tiện lợi quần sanh
Hay lấy trần lao làm Phật sự,
Con nguyện như thế Phật chứng tri.
Kết cuộc về sau được thành tựu.
( Bài kệ trên tuy đơn giản, song đầy đủ tất cả ý nghĩa. Hành giả có thể đọc nguyện văn khác mà mình ưa thích, nhưng phải đúng với ý nghĩa phát nguyện hồi hướng. Xong đứng lên xướng)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Tây phương cực lạc thế-giới giáo chủ, thọ quang thể tướng vô-lượng vô-biên, từ thệ hoằng thâm, tứ thập bát nguyện độ hàm linh, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư, Pháp giới Tạng thân A-DI-ÐÀ NHƯ-LAI biến pháp giới Tam bảo. (1 lạy)
Tự qui y Phật, đương nguyện chúng-sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm (1 lạy)
Tự qui y Pháp, đương nguyện chúng-sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải (1 lạy)
Tự qui y Tăng, đương nguyện chúng-sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại (1 lạy)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Vạn Đức đường thượng, từ Lâm Tế Gia Phổ, tứ thập nhất thế, CỐ HÒA THƯỢNG TỔ SƯ, Thích Thượng TRÍ hạ TỊNH thùy từ minh chứng (1 lạy)
NHỨT TÂM QUY MẠNG LỄ:
Phương Liên Tịnh Xứ Mật-Tịnh đạo tràng, TRÚC LIÊN BỔN THẤT, CỐ HÒA THƯỢNG TỔ SƯ, Thích Thượng Thiền hạ Tâm thùy từ minh chứng (1 lạy)
HÒA NAM THÁNH CHÚNG
NIỆM PHẬT
LỜI KHAI THỊ.- Tất cả pháp của Phật dạy đều có tông chỉ, y theo tông chỉ mà thực hành mới có kết quả. Tông chỉ của môn niệm Phật là TÍN, NGUYỆN và HẠNH.
Thế nào là TÍN ? - Tin chắc cõi Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm ở cách đây mười muôn ức Phật độ về phương Tây là chỗ mình nguyện sẽ về. Tin chắc nguyện lực của Phật A Di Đà, nhiếp thọ người niệm Phật văng sinh. Tin chắc mình niệm Phật đây quyết sẽ được vãng sinh về Cực Lạc thế giới ở bậc Bất thối chuyển Bồ Tát. Được như vậy gọi là TIN SÂU.
Thế nào là NGUYỆN ? - Mong mỏi được về Cực Lạc thế giới như viễn khách nhớ cố hương. Mong mỏi được ở gần Phật A Di Đà như con thơ nhớ từ mẫu, ngày ngày ngưỡng vọng Tây phương mà lòng mãi ngậm ngùi. Phút phút trông chờ Từ phụ mà mắt luôn trông ngóng. Nguyện rời cõi trược ác. Nguyện về Tịnh độ an lành. Nguyện thành Phật. Nguyện độ chúng sinh. Như trên đây gọi là NGUYỆN THIẾT.
Thế nào là HẠNH? - Dùng lòng tin và chí nguyện ở trên mà xưng niệm hồng danh “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT". Niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng hay niệm thầm đều được cả miễn là khi niệm phải đủ bốn điều dưới đây mới gọi là thực hành đúng pháp.
1) RÀNH RÕ.- Rành là từng chữ, từng câu rành rẽ không lộn lạo. Rõ là mình tự nhận lấy tiếng niệm rõ ràng không trại không mờ.
2) TƯƠNG ỨNG.- Tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.
3) CHÍ THIẾT.- Chí thành tha thiết nhớ tưởng đến Phật. Như con thơ mắc nạn mà kêu cầu từ mẫu cứu vớt.
4) NHIẾP TÂM.- Để tâm vào tiếng niệm Phật, không cho tạp niệm xen vào. Nếu xao lãng thời liền thâu lại, chăm chú nhận rõ lấy tiếng niệm Phật của minh.
Lòng tin sâu chắc và nguyện vọng tha thiết mà niệm Phật chuyên cần như trên, đó là NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁP. Niệm Phật đúng pháp rồi chí tâm hồi hướng cầu sinh, thời quyết định vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc thế giới ở chung với chư Bồ Tát thượng thiện nhân, gần gũi Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, trụ bậc Bất thối chuyển, một đời sẽ thành Phật.
Kệ rằng :
Nam mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưởn
(Hạ Thủ Công Phu)
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ
(Tương Ưng với Giới, Định, Huệ)
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chính Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
(Sự Nhất Tâm)
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam-muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
(Lý nhất Tâm)
Chứng lý pháp thân hiện
Nam mô A Di Đà
Nam mô A Di Đà
Cố gắng hết sức mình
(Phát Nguyện Vãng-sanh Cực-lạc)
Cầu đài sen thượng phẩm.
(Giảng Giải Kinh Pháp Bảo Đàn - HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ-TỊNH)
Tâm Nguyện Của Dịch Giả
Trích cuối tập 9 Kinh Ðại-Bửu-Tích
…
Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại VÀI DÒNG NÀY, CHÍNH TÔI, PHẢI CHÍNH TÔI, KHÔNG DÁM ngửng mặt tự xưng là Tỳ Kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.
Chùa Vạn Ðức
Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tỵ .
(08-10-1989)
Thích Trí Tịnh
Cẩn Chí
Đời ta chí gởi chốn Liên-trì,
Trần thế vinh-hư sá kể gì.
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm,
Mừng nay được thấy đức A-Di.
Về cách trì niệm, Bút-giả lại phối hợp với môn Thiền của Ngài Trí Giả, khiến cho Thiền, Tịnh được dung hòa. Pháp thức này chia thành bốn giai đoạn đi từ cạn đến sâu:
1 – KÝ SỐ NIỆM: Hành giả lấy mười câu làm một đơn vị, niệm xong 10 câu lần một hột chuỗi. Người hơi dài có thể niệm suốt. Như hơi ngắn thì chia làm hai đoạn, mỗi đoạn 5 câu. Cần phải niệm rành rẽ rõ ràng, nhiếp tâm lắng nghe, ghi nhớ từ 1 đến 10 câu. Vì còn sự ghi nhớ ấy, nên gọi là KÝ SỐ.
2 – CHỨNG SỐ NIỆM: Khi niệm đã thuần, thì không cần ghi nhớ từ 1 đến 10. Niệm đủ mười câu, liền tự biết một cách hồn nhiên. Đó gọi là CHỨNG SỐ. Lúc này tâm hành giả được tự tại hơn. Ý niệm càng chuyên nhứt.
3 – CHỈ QUÁN NIỆM: Lúc mới niệm, dứt tất cả tư tưởng phiền tạp, duy yên tĩnh lắng nghe, gọi là CHỈ. Khi yên tĩnh đã lâu, tâm muốn hôn trầm, liền khởi ý niệm Phật tha thiết, tựa như con sa vào vòng tội khổ, gọi cha mẹ cứu vớt. Sự khởi ý tưởng đến Phật đó, gọi là QUÁN. Hai cách nầy cứ thay đổi lẫn nhau, tán loạn dùng phép CHỈ, hôn trầm dùng phép QUÁN.
4 – TỊCH TĨNH NIỆM: Khi Chỉ Quán đã thuần, hôn trầm tán loạn tiêu tan, hành giả liền một niệm buông bỏ tất cả. Lúc ấy trong quên thân tâm, ngoài quên thế giới, đạo lý diệu huyền cũng xả, cho đến cái không cũng trừ. Bấy giờ tâm niệm vắng lặng sáng suốt, chỉ còn hồn nhiên một câu niệm Phật mà thôi. Đến Giai-đoạn nầy Tịnh tức là Thiền, có niệm đồng với không niệm, tạm mệnh danh là TỊCH TĨNH NIỆM.
Pháp thức niệm trên đây, sau nhiều năm bị chướng ngại trong lúc hành trì, Bút-giả đã suy tư nghiên cứu, vạch ra một đường lối để áp dụng riêng cho mình. Nay cũng mong nó đem lợi ích lại cho hàng liên hữu.
Có lời khen rằng:
Hạ bối căn non, kém hiểu biết,
Ngũ nghịch, thập ác, gây nhiều nghiệp
Phá giới, phạm trai, trộm của Tăng,
Không tin Ðại Thừa, báng Chánh Pháp.
Lâm chung tướng khổ hội như mây,
Ưng đọa A Tỳ vô lượng kiếp.
Thiện hữu khuyên xưng niệm Phật danh
Di Đà hóa hiện tay vàng tiếp.
Mười niệm khuynh tâm đến bảo trì,
Luân hồi từ ấy thoát trường kỳ.
Mười hai đại kiếp hoa sen nở
Đại nguyện theo với tiếng đại bi.
MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
Tế Tỉnh Đại Sư, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường
27.
Nhứt cú Di Ðà |
Một câu A Di Ðà |
Có một độ, bút giả vừa tụng xong bộ kinh Hoa Nghiêm, tâm niệm bỗng vắng lặng quên hết điều kiến giải, hồn nhiên viết ra bài kệ sau:
Vi trần phẫu xuất đại thiên kinh
Nghĩ giải thiên kinh không dịch hình!
Vô lượng nghĩa tâm toàn thể lộ
Lưu oanh hựu chuyển tịch thường thinh.
Bài kệ này có ý nghĩa: Chẻ hạt bụi cực vi để lấy ra tạng kinh rộng nhiều bằng cõi Ðại Thiên thế giới. Tạng kinh ấy đã từ điểm bụi cực vi nơi Không Tâm diễn ra, thì tìm hiểu nghĩa lý làm chi cho mệt tâm hình? Tốt hơn là nên trở về chân tâm, bởi tâm này đã sẵn đầy đủ vô lượng vô biên diệu nghĩa, lúc nào cũng lồ lộ hiện bày. Kìa chim oanh bay chuyền trên cành cây kêu hót, đang nói lên ý nghĩa chân thường vắng lặng ấy!
Câu niệm Phật cũng thế, nó bao hàm vô lượng vô biên nghĩa lý nghiệm mầu, đâu phải chỉ một Ðại Tạng Kinh? Gọi một Ðại Tạng Kinh chỉ là lời nói ước lược mà thôi. Khi niệm Phật dứt hết vọng tưởng, đi thẳng vào chân tâm hay vô lượng nghĩa tâm thì ánh sáng tự tâm phát hiện dọc ngang chói suốt bốn bề. Tâm cảnh ấy dứt hết sự đối đãi, u linh nhiệm mầu không thể diễn tả!
VÔ NHẤT Thích Thiền-Tâm
Comments
Post a Comment